Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
100 năm nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam: kết quả và triển vọng
Tháng 3/1907, một số sĩ phu yêu nước Bắc Kỳ đã trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở số 4 và số 10 phố Hàng Đào, Hà Nội. Mục đích của trường được vạch rõ là: khai trí cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền học phí

Tuy nhiên, không dừng lại phạm vi của một trường học, bằng những hoạt động sôi nổi của mình trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội…, Đông Kinh Nghĩa Thục đã đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách là một trong những phong trào dân tộc dân chủ đầu tiên trong thời đại mới, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Chính bởi vậy, trong suốt 100 năm qua, Đông Kinh Nghĩa Thục luôn giành vị trí xứng đáng trong các nghiên cứu về lịch sử cận đại nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Bài viết này nhằm đem đến cái nhìn tổng quát về diễn trình, kết quả nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục dưới góc độ sử học trong thời gian qua cũng như hướng nghiên cứu đang được quan tâm hiện nay.

Là một sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam, Đông Kinh Nghĩa Thục được giới nghiên cứu quan tâm từ khá sớm.

Năm 1937, tác giả Đào Trinh Nhất cho ra mắt cuốn Đông Kinh nghĩa Thục do nhà in Mai Lĩnh ấn hành. Mặc dù còn hạn chế nhiều về tư liệu, nhưng đây có thể coi là công trình sớm nhất về Đông Kinh nghĩa Thục.

Sau năm 1954, tại miền Bắc, trong điều kiện mới được giải phóng, việc nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm rất được coi trọng. Trong những năm 50, tiếp cận lịch sử theo quan điểm giai cấp là hướng đi của nhiều nhà nghiên cứu. Đi theo hướng này là một loạt bài viết xuất hiện trên Tập san Văn Sử Địa- tiền thân của tạp chí Nghiên cứu Lịch sử sau này: Những cuộc vận động Đông Du và Đông Kinh nghĩa Thục, Duy tân là phong trào tư sản hay tiểu tư sản của Trần Huy Liệu, Tạp chí Văn Sử Địa, 1955, số 11; Góp ý kiến vào vấn đề: Tính chất cách mạng qua các cuộc vận động Đông Du, Đông Kinh nghĩa Thục của Văn Tâm, Tạp chí Văn Sử Địa, 1956, số 15; Tính chất và giai cấp lãnh đạo hai phong trào Đông Kinh nghĩa Thục và Đông Du của Nguyễn Bình Minh, Văn Sử Địa, 1957, số 33, tr. 19-39; số 34. Nhìn chung, những bài viết đó thống nhất xác định: cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, trong đó có Đông Kinh Nghĩa Thục mang tính chất tư sản (dân tộc dân chủ) nhưng chưa triệt để. Các sách giáo khoa, giáo trình đại học và trung học, các sách chuyên khảo, các chuyên đề nghiên cứu về sử học, văn học, triết học đã đề cập ở những mức độ khác nhau nhiều vấn đề hết sức đa dạng xung quanh Đông Kinh Nghĩa Thục.1Đáng chú ý là ngay từ những năm 50-60, một số văn thơ của Đông Kinh Nghĩa Thục đã được sưu tầm và giới thiệu, làm cơ sở tư liệu cho các nghiên cứu giai đoạn sau.

Đặc biệt, đầu những năm 60, Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành chủ đề cho một cuộc tranh luận sôi nổi của giới sử học miền Bắc trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản: mục đích, tính chất, xu hướng và thực chất của phong trào. Trong khi Đặng Việt Thanh cho rằng “Đông Kinh Nghĩa Thục là một cuộc cách mạng văn hóa đầu tiên ở nước ta”2 thì có ý kiến khác lại coi Đông Kinh Nghĩa Thục “chỉ là một cuộc đấu tranh tư tưởng theo hướng tư sản”3 Trong đó, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề đánh giá vị trí của Đông Kinh Nghĩa Thục trong mối quan hệ giữa hai xu hướng bạo động và cải cách trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi hơn cả. Nếu như Nguyễn Anh trong luận văn đăng trên Nghiên cứu Lịch sử số 32, năm 1961 cho rằng “Hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục nằm trong phạm vi ảnh hưởng của xu hướng cải lương lưu hành trong cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX mà Phan Châu Trinh là người tiêu biểu”4 thì Nguyễn Văn Kiệm lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược: “Đông Kinh Nghĩa Thục là một bộ phận của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Phan Bội Châu đứng đầu, trong sự chỉ đạo trực tiếp của Phan Bội Châu”5. Trần Minh Thư (bút danh Hồ Song), trên tinh thần “cố gắng tiến tới thống nhất nhận định về Đông Kinh Nghĩa Thục” đã chủ trương một cách dung hòa khi cho rằng Đông Kinh Nghĩa Thục là “một phong trào hoạt động chủ yếu trên mặt trận văn hóa tư tưởng, chịu ảnh hưởng của cả hai xu hướng bạo động và cải lương, nhưng ảnh hưởng của xu hướng bạo động có phần đậm nét hơn”6. Mặc dù cuộc tranh luận về Đông Kinh Nghĩa Thục những năm 60 đã không thể đi đến một kết luận thống nhất nhưng đã làm “nóng” bầu không khí học thuật và góp phần nâng cao một bước nhận thức về phong trào này.

Tại miền Nam, nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục không được quan tâm nhiều như tại miền Bắc song cũng đạt được một số kết quả nhất định: Đông Kinh Nghĩa Thục được nhắc đến trong một số cuốn thông sử; văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được giới thiệu trong những sưu tập và nghiên cứu văn học7. Đáng chú ý nhất trong nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục ở miền Nam trước năm 1975 là công trình của Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Hiến Lê.

Công trình của Nguyễn Hiến Lê là cuốn sách thứ hai có tên là Đông Kinh Nghĩa Thục - sau luận văn cùng tên của Đào Trinh Nhất xuất bản từ năm 1937- được tác giả xuất bản ở Sài Gòn năm 1956. Đến năm 1974, công trình này đã được tái bản đến lần thứ ba8. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của công trình. Tuy nhiên, Nguyễn Hiến Lê là một học giả uyên bác, với nhiều tác phẩm đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử... nhưng không phải là nhà sử học chuyên nghiệp. Cũng bởi vậy mà Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ là tập sách nhằm giới thiệu sự kiện, sử liệu chứ chưa phải là một khảo cứu sâu sắc, như chính tác giả của nó viết: “Cuốn sách nhỏ độc giả đang đọc đây không phải là một cuốn sử, nó chỉ chứa đựng những tài liệu về sử thôi…”9.

Cuốn Phong trào Duy tân của Nguyễn Văn Xuân là một trong không nhiều nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 được đánh giá cao về học thuật và sử liệu. Vào thời điểm xuất bản lần đầu năm 1969, cuốn sách được coi là công trình đầu tiên được nghiên cứu một cách đầy đủ về phong trào Duy tân. Trong đó, tác giả dành một chương riêng khảo về Đông Kinh Nghĩa Thục với quan niệm coi đó là một bộ phận thống nhất của phong trào Duy tân cả nước. Với dung lượng có hạn, tác giả đã tái hiện những nét cơ bản trong quá trình hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục như một phong trào Duy tân ở Bắc Kỳ chứ chưa đưa ra những khám phá mới mẻ so với các nghiên cứu trước đó.

Nhìn chung, trước năm 1975, giới nghiên cứu hai miền Nam – Bắc đều đã tiếp cận Đông Kinh Nghĩa Thục theo những hướng riêng. Nếu như các nhà nghiên cứu miền Bắc thiên về cố gắng xác định tính chất và vị trí của phong trào thì các tác giả miền Nam lại chủ yếu giới thiệu sử kiện, sử liệu. Chỉ đến năm 1982, khi cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX của Chương Thâu ra mắt, đó mới là công trình đầu tiên có tính chất tổng hợp về phong trào này. Bên cạnh việc phác họa những nét chung nhất trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, tác giả đã dựng lại một bức chân dung khá chi tiết về Đông Kinh Nghĩa Thục trên cả ba mặt hoạt động: văn hóa giáo dục, xã hội và kinh tế đồng thời đưa ra được những đánh giá về vị trí của Đông Kinh Nghĩa Thục trong phong trào giải phóng dân tộc. So với các công trình nghiên cứu về đề tài này, công trình của Chương Thâu đã vượt lên ở một mức độ nhất định về tài liệu và đánh giá, nhận định. Ở thập niên 60, trong khi một số nhà nghiên cứu vẫn băn khoăn Đông Kinh Nghĩa Thục là một cuộc cải cách văn hóa hay chỉ là một cuộc đấu tranh tư tưởng theo hướng tư sản thì thì trong chuyên đề này, Chương Thâu đã khẳng định: “Đông Kinh Nghĩa Thục không phải là một trường học thuần túy, cũng ko đơn thuần là một phong trào cải cách văn hóa xã hội, mà thực chất, nó là một cuộc vận động chính trị tư sản xuất hiện ở nước ta đầu thế kỷ XX, nó chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và dân chủ 10. Quan điểm Chương Thâu về vị trí của Đông Kinh Nghĩa Thục trong mối quan hệ với hai xu hướng bạo động và cải cách cũng không khác mấy so với Trần Minh Thư trước đó khi nhận định: Đông Kinh Nghĩa Thục “vẫn dừng lại ở mức độ của một phong trào duy tân cải cách có xu hướng thiên về phong trào cải cách của Phan Bội Châu, môt phong trào tiến bộ nhất ở nước ta đầu thế kỷ XX” 11. Tuy nhiên, cũng như các nhà nghiên cứu đi trước, tác giả cũng chưa đưa ra những luận cứ đủ sức nặng để thuyết phục hoàn toàn giới nghiên cứu. Để làm sáng tỏ vấn đề này, tác giả Nguyễn Văn Khánh đã gợi ý một hướng mới: trên cơ sở đánh giá sâu sắc và chặt chẽ các điều kiện những điều kiện bên trong và bên ngoài, phải phân tích sâu hơn nữa vào những điều kiện chủ quan và khách quan của các xu hướng yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, giải thích thấu đáo hiện tượng phân hóa trong phong trào cách mạng thời kỳ này.12

Năm 1997, đã xuất hiện khá nhiều công trình nhân kỷ niệm 90 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Về tư liệu, có cuốn Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Cuốn sách đã tập hợp và giới thiệu khá trọn vẹn khối lượng trước tác của Đông Kinh Nghĩa Thục. Có thể xem đây như nguồn tài liệu đáng tin cậy cho mọi nghiên cứu về phong trào này. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cho đăng tải nhiều luận văn về chủ đề này trong nhiều số liên tiếp, trong có những vấn đề lần đầu tiên được đề cập trong nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục như Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào nghĩa Thục ở các địa phương của Chương Thâu13; Đông Kinh Nghĩa Thục và Đại Nam (Đăng cổ tùng báo)... Đáng chú ý hơn cả là Nguyễn Văn Kiệm với bài viết “Góp thêm vào sự đánh giá Đông Kinh Nghĩa Thục” đã chỉ ra những thiếu xót trong nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục khi cho rằng: chúng ta mới chỉ chú trọng đến những mặt hoạt động của phong trào trên bề nổi mà chưa chú ý nghiên cứu đóng góp của Đông Kinh Nghĩa Thục về mặt lý luận, nhất là lý luận về sự phát triển. Thông qua tìm hiểu Văn minh tân học sách Quốc dân độc bản, tác giả nhận định: trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục đã “phác thảo một lý luận về sự phát triển, tuy chưa thật hoàn hảo, song cũng không kém phần sâu sắc, cập nhật; và cho đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi” 14. Có thể nói, trong một chừng mực nào đó, loạt bài viết nhân kỷ niệm 90 năm Đông Kinh Nghĩa Thục đã bắt đầu những hướng mới trong nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục.

Những nghiên cứu gần đây chú ý nhiều đến sự giao thoa giữa các xu hướng chính trị, các hình thức vận động yêu nước đầu thế kỷ XX. Đi theo hướng này có thể kể đến một số bài viết như Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Đông du của Nguyễn Ngọc Cơ, Phong trào Đông du- sự phối hợp giữa bên trong và bên ngoài của Phạm Xanh 15… Qua đó, mối quan hệ giữa Đông Kinh Nghĩa Thục và các cuộc vận động yêu nước khác được làm rõ thêm.

Thời gian gần đây, giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Hy vọng từ đây sẽ có nhiều nghiên cứu có giá trị, làm sáng tỏ một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Được thành lập tháng 3 năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại trong chin tháng nhưng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo nhà nghiên cứu trong suốt một thế kỷ. Nhìn lại chặng đường 100 năm nghiên cứu về phong trào này, có thể khẳng định những kết quả quan trọng: Về tư liệu, khối lượng trước tác của Đông Kinh Nghĩa Thục đã được sưu tầm và giới thiệu tương đối đầy đủ, có hệ thống. Nguồn tư liệu này vẫn tiếp tục được khai thác nhằm đem lại những nhận thức mới về Đông Kinh Nghĩa Thục. Về nội dung, một số vấn đề về Đông Kinh Nghĩa Thục đã đạt được sự đồng thuận cao từ giới nghiên cứu như: tính chất, nội dung, diễn biến của phong trào, vị trí và vai trò của Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng được khẳng định v.v… Bên cạnh những vấn đề có tính chất khái quát, những vấn đề cụ thể hơn xung quanh sự tồn tại của Đông Kinh Nghĩa Thục như phong trào nghĩa thục ở các địa phương, các nhân vật lịch sử liên quan đến Đông Kinh Nghĩa Thục, văn thơ Đông Kinh Nghĩa thục… cũng đang được chú ý và đạt được những kết quả nghiên cứu bước đầu.

Tuy nhiên, nhìn chung, nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục mới chỉ giải quyết được phần nào câu chuyện của quá khứ, tức là những vấn đề của xung quanh sự tồn tại của Đông Kinh Nghĩa Thục vào thời điểm đầu thế kỷ XX. Khoa học nói chung, khoa học lịch sử nói riêng không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Chưa kể đến những vấn đề còn tồn tại như cuộc tranh luận diễn ra từ những năm 60 về mối quan hệ giữa Đông Kinh Nghĩa Thục và hai xu hướng bạo động và cải lương vẫn chưa có hồi kết thì thực tiễn hiện nay tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới đối với nghiên cứu Đông Kinh Nghĩa Thục. Thực tế là nhiều vấn đề Đông Kinh Nghĩa Thục đặt ra từ đầu thế kỷ XX như dân chủ, dân quyền, cải cách giáo dục, chấn hưng thực nghiệp v.v… vẫn có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay. Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, không chỉ nhằm tiếp tục khám phá, nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn những vấn đề thuộc về quá khứ, mà còn để đúc rút ra những bài học lịch sử và tìm lời giải cho những vấn đề của đất nước hôm nay. Do đó, sau 100 năm, Đông Kinh Nghĩa thục vẫn là một đề tài nghiên cứu đầy triển vọng.

(1): Có thể kể một vài công trình như:Trần Huy Liệu, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, tập 2, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957; Hoàng Ngọc Phách và Huỳnh Lý (tuyển chọn), Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1959; Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập 3, Nxb Giáo dục, 1961; Đặng Thai Mai, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964; Lê Đình Kỵ, Đông Kinh nghĩa thục - Một bước phát triển mới của thơ ca yêu nước, Tạp chí Văn học, tháng 6/1968 v.v…

(2):Đặng Việt Thanh, Phong trào Đông Kinh nghĩa thục - cuộc cách mạng văn hóa dân tộc dân chủ đầu tiên ở nước ta, Nghiên cứu Lịch sử, 1961, số 25, tr. 14-24. ý kiến này

(3): Tô Trung, Phong trào Đông Kinh nghĩa thục - một cuộc cải cách xã hội đầu tiên (trao đổi ý kiến với ông Đặng Việt Thanh), Nghiên cứu Lịch sử, 1961, tr. 53-55.

(4): Nguyễn Anh, Đông Kinh nghĩa thục có phải cuộc vận động cách mạng văn hóa dân tộc không?, Nghiên cứu Lịch sử, 1961, số 32, tr. 38-46.

(5): Nguyễn Văn Kiệm, Tìm hiểu xu hướng và thực chất của Đông Kinh nghĩa thục, Nghiên cứu Lịch sử, 1964, số 66, tr. 39-45.

(6): Trần Minh Thư, Cố gắng tiến tới thống nhất nhận định về Đông Kinh nghĩa thục, Nghiên cứu Lịch sử, 1965, số 81, tr. 31-37.

(7): Thiếu Sơn, Một thiếu sót quan trọng: Đông Kinh Nghĩa thục trong văn học sử Việt Nam, Phổ thông, số 86, tháng 8/1962; Thái Bạch, Thơ văn quốc cấm thời Pháp thuộc, Khai Trí, Sài Gòn, 1968; Nguyễn Thiếu Dũng, Văn học thời Duy Tân, Bách Khoa, số 389-390, Sài Gòn, 1973.

(8): Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa thục, Tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1956, Nxb Lá Bối, Sài Gòn xuất bản lần thứ hai năm 1968, lần thứ 3 năm 1974.

(9): Nguyễn Hiến Lê, đd, tr. 13.

(10): Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội, H., 1982, tr. 98

(11): Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX, sdd, tr. 91.

(12): Nguyễn Văn Khánh, Đọc sách “Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (283), 1983, tr. 82-85.

(13): Chương Thâu: Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào nghĩa thục ở các địa phương, Nghiên cứu Lịch sử , số 4 (293)

(14): Nguyễn Thành: Đông Kinh Nghĩa Thục và Đại Nam (Đăng cổ tùng báo), Nghiên cứu Lịch sử , số 4 (293)

(15): Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, Nxb ĐHQG, H., 2006

 Trương Bích Hạnh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |