Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục với vấn đề Kinh tế học
Bước sang những năm đầu thế kỷ 20 tư bản Pháp đã mạnh dạn đầu tư các khoản vốn lớn vào Việt Nam để biến xứ thuộc địa này thành một thị trường cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hoá lý tưởng. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc mới trước sự hiện diện của nền tài chính, thương mại và kỹ nghệ Pháp

Các tuyến đường mới (đường bộ, đường sắt và đường thuỷ) đang được thi công ngày một nhiều và trải dài theo đất nước. Các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ cũng nối tiếp nhau ra đời. Sài Gòn từ một vùng đất hoang vu, lầy lội và dân cư thưa thớt, sau vài thập niên dưới bàn tay của người Pháp đã trở thành một thành phố hiện đại, một trung tâm công nghiệp và thương mại lớn ở Đông Dương. Người Pháp đang nỗ lực xây dựng Hà Nội, một phế đô xưa, thành một thành phố hoa lệ để nó xứng đáng với tầm vóc là thủ phủ của toàn xứ Đông Dương. Các đô thị lớn khác ở Việt Nam cũng đang được gấp rút thi công. Cả nước là một công trường xây dựng lớn. Các tầng lớp xã hội mới (tư sản, tiểu tư sản và công nhân) đang hình thành và phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đã làm thay đổi tư duy và lối sống của một bộ phận đáng kể dân cư, nhất là cư dân ở các đô thị. Đô thị trở thành địa bàn khởi phát các phong trào duy tân.

Công cuộc khai thác thuộc địa hối hả của người Pháp đã có tác động mạnh đến các nhà nho cấp tiến. Họ là những người có sự nhạy cảm cao với thời cuộc. Họ ấn tượng trước sự đổi thay từng ngày mà kẻ thù mang lại trên quê hương mình. Họ vừa khâm phục kẻ thù vừa cảm thấy chua xót cho chính mình và dân tộc mình. Nỗi đau mất nước và sự hèn kém của nước nhà đã thúc đẩy họ phải mau hành động. Họ nhận ra không thể chiến thắng người Pháp bằng những phương cách truyền thống. Họ muốn tìm ra một lối thoát mới cho sự tồn tại và đi lên của dân tộc Việt Nam. Lối thoát khả dĩ nhất là phải duy tân đất nước, duy tân một cách toàn diện, cả trong tư duy và hành động. Chấn hưng và đổi mới nền giáo dục được lựa chọn là biện pháp chiến lược hàng đầu, là nền tảng để thực hiện các mục tiêu duy tân khác. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời trong tham vọng chấn hưng và đổi mới nền giáo dục nước nhà của các nhà nho cấp tiến Việt Nam.

Là một trường điểm cho nên chương trình giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục bao gồm nhiều môn học khác nhau như toán học, hoá học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ... Kinh tế học cũng rất được nhà trường chú trọng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nho cấp tiến quan tâm đến vấn đề kinh tế học. Dạy kinh tế học đã phản ánh ý chí chấn hưng thực nghiệp rất cao của các nhà nho cấp tiến. Theo họ đất nước có giàu thì dân mới cường, nước mới thịnh, xã hội mới văn minh tiến bộ. Nước ta sở dĩ nghèo hèn là vì người Việt Nam ta ít chú trọng đến việc phát triển thương mại và kỹ nghệ. Người Pháp mạnh hơn ta, văn minh hơn ta, và chinh phục được ta vì họ biết trọng thương mại và kỹ nghệ. Nhưng việc làm giàu không phải tự dưng, bỗng chốc mà thành. Muốn làm giàu phải có học thức. Người Việt Nam cần phải được trang bị những kiến thức về kinh tế học để họ có thể làm giàu một cách bền vững.

Vấn đề kinh tế học được thể hiện sâu sắc trong Quốc dân độc bản, một trong những cuốn sách giáo khoa trọng yếu nhất của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là một tập sách đầy đặn nhất, đề cập đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nó toát lên khát vọng và tinh thần duy tân toàn diện của các nhà nho cấp tiến. Trong nhiều khía cạnh mà cuốn sách đề cập tới thì những vấn đề về kinh tế học có một vị trí khá nổi trội. Trong 79 bài của Quốc dân độc bản thì có tới 24 bài (từ bài 56 đến bài 79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế học. Cho đến nay tôi chưa biết được các soạn giả đã tham khảo các nguồn tài liệu nào để viết về các vấn đề kinh tế học. Theo tôi phỏng đoán có thể họ tham khảo từ các sách Tân văn, Tân thư và Tân báo (từ Trung Quốc, Nhật Bản), các sách báo kinh tế của người Pháp, và từ chính các vấn đề kinh tế nổi cộm đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó. Trong các luận điểm về kinh tế mà các soạn giả nêu ra, tôi thấy họ nêu khá nhiều dẫn chứng từ các nước Âu- Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Các vấn đề về kinh tế học được biên soạn một cách công phu và có nội dung rất mới lạ và hấp dẫn.

Vấn đề mà các soạn giả quan tâm đầu tiên là sản nghiệp. Theo họ sản nghiệp là tài sản thuộc về quyền sở hữu cá nhân của mỗi người. Sản nghiệp có thể là ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc và đồ vật. Người ta có quyền quản lý, sử dụng và chuyển giao sản nghiệp của mình. Sản nghiệp được sự bảo vệ của luật pháp: “Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận. Pháp luật các nước phương Tây đều có những điều khoản rất tỷ mỉ, như thế nào là di sản, thừa hưởng ruộng đất, nhà cửa ra sao, buôn bán, thế chấp như thế nào,… quy tắc khống tố, mức độ cao hay thấp đều được ghi trong pháp luật rất chi tiết. Đó là cách sử lý hay nhất về sản nghiệp. Nhà nước đặt ra quan tư pháp, như tài phán, cảnh sát, đều để bảo vệ sản nghiệp của dân1

Trong làm ăn kinh tế nhất thiết phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ bản quyền và thương hiệu sản phẩm. Vì bản quyền và thương hiệu liên quan đến sự sống còn của các công ty. Đối với thương nhân Việt Nam cần phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề bản quyền và thương hiệu sản phẩm vì họ mới đang tiếp cận với một nền thương mại hiện đại của Pháp. Theo các soạn giả thì bản quyền và thương hiệu chính là sản nghiệp của người tạo ra nó. Bởi vì để có được những phát minh thì những người phát minh cũng phải bỏ ra rất nhiều tài lực mới có được. Vì vậy bảo vệ bản quyền và thương hiệu là một việc làm rất cần thiết: “Nếu không có pháp luật bảo vệ những quyền lợi đặc biệt ấy, cứ để cho kẻ khác mô phỏng theo, thì tâm lực, vốn liếng mà những người đầu tiên bỏ ra, chẳng phải uổng phí hay sao?2, và là một dấu hiệu của văn minh trong kinh doanh: “Ở các nước phương Tây, những tác phẩm mới, những sáng chế mới, mẫu mã, kiểu dáng, mầu sắc, nhãn hiệu hàng hoá của thương gia đều đăng ký ở các cơ quan hữu trách, cho chuyên dùng mười đến mấy mươi năm, không ai được giả mạo. Kẻ giả mạo bị toàn án xử tội cấm cố hoặc phạt bạc. Văn minh như thế là cực điểm3

Các soạn giả nhấn mạnh tính chuyên môn hoá trong sản xuất. Theo họ một người khó có thể tự mình làm mọi việc bởi những hạn chế về thời gian và sức lực. Sự tinh thông một nghề có giá trị hơn việc biết cùng một lúc nhiều nghề. Luận điểm này của các soạn giả dường như có vẻ không mới. Bản thân người Việt Nam từ xưa đã khẳng định: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, “một nghề thì sống đống nghề thì chết”. Người Việt Nam cũng rất nhiều làng chuyên nghề khác nhau. Người thợ thủ công có thể sống được bằng sản phẩm chuyên biệt của mình. Nhưng tính chuyên nghề của người Việt Nam lúc đó chỉ có ở nghề thủ công chứ không có trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Tính chuyên nghề mà các soạn giả thực sự nhấn mạnh ở đây chính là sự thông hiểu của người lao động về một công đoạn được giao trong toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất: “nước Anh làm đồng hồ, mỗi chiếc có đến 120 linh kiện, mỗi linh kiện một người thợ làm. Cứ phân nhỏ ra như thế. Đại để văn minh càng tiến thì sự phân công càng tinh vi. Công nghiệp Anh, Mỹ làm cho nước họ giàu mạnh là nhờ phân công. Các nhà bác học nổi tiếng cũng phải suốt đời chuyên trị một nghề, sau đó mới tinh. Cũng không ngoài sự phân công mà nên4

Ở các nước phương Tây thế kỷ 19 thường diễn ra hiện tượng công nhân đập phá máy móc vì cho rằng sự ra đời của máy móc sẽ làm gia tăng nạn thất nghiệp. Ở Việt Nam cũng xuất hiện một số trường hợp công nhân phá máy. Tuy nhiên có nhiều lý do dẫn đến việc công nhân Việt Nam phá máy chứ không phải hoàn toàn là do họ sợ bị máy móc cạnh tranh mất việc làm như ở phương Tây. Theo các soạn giả máy móc không tổn hại đến việc làm của người lao động. Thực tế thì con người chế tạo ra máy móc và vận hành máy móc. Máy móc giúp con người đỡ phải tổn hao sức lực, giúp quá trình sản xuất ra sản phẩm hàng hoá nhanh, nhiều, vốn ít và giá thành rẻ: “Máy móc chẳng phải cái gì huyền bí, kỳ quái, thực ra chỉ giúp sức cho con người mà thôi. Máy cày, tàu thuỷ, ô tô để cày đất, xay bột mỳ, đi lại, vận chuyển đều là máy móc thay sức cho con người và con người vì thế mà quý máy móc5. Cũng có người Việt Nam tỏ rõ sự nghi ngại về máy móc khi lập luận rằng nước ta xưa nay không dùng máy, người đông, công rẻ, cần gì máy?. Trái với quan điểm này, các soạn giả cho rằng máy móc rất cần thiết đối với các ngành nghề kinh tế ở Việt Nam. Họ lấy ví dụ trong nông nghiệp kể từ khi có các nhà máy tơ, nhà máy sợi mọc lên nhan nhản thì con trai, con gái ở làng quê kéo nhau đến làm; từ khi tơ tằm bán chạy thì ruộng lúa trở thành ruộng dâu. Nếu công nghiệp phát triển thí ắt một ngày kia người cày ruộng sẽ bỏ cày, bừa, mà vác búa, vác cưa đi làm công nhân. Bởi máy móc sẽ làm thay họ, máy cày, máy bừa, máy gặt, máy xay sát sẽ xuất hiện trên đồng ruộng Việt Nam ta. Vì vậy có máy móc công nghiệp mới chấn hưng. Máy móc càng mới thì công nghiệp càng đổi mới. Nhân công không lo không được dùng6.

Những nước giầu mạnh là những nước có một nền đại công nghiệp phát triển. Đại công nghiệp thu hút một số lượng lớn lao động và có thể chế tạo ra những vật phẩm to lớn mà tiểu công nghiệp không thể làm được. Phát triển đại công nghiệp có thể tiết kiệm được vốn, nhân lực, tạp phí và công vận chuyển. Theo các soạn giả sở dĩ ở Việt Nam chưa có nền đại công nghiệp là do: “đường giao thông bất tiện, hàng hoá khó lưu thông, tiêu thụ chậm, vốn cũng thiếu, chưa có luật lập công ty thì khó lòng dự trù được một khoản tiền lớn được. Dân lại không được học, nên không thể dùng máy móc, cũng không có người tài giỏi lý luận để trù hoạch làm đại công nghiệp, nên dễ thất bại hơn là làm tiểu công nghệ7.

Tiền công cũng là một vấn đề quan trọng trong sản xuất và kinh doanh. Theo các soạn giả thì tiền công là tiền thù lao để trả cho người làm công. Tiền công có thể cao hay thấp tuỳ thuộc vào số việc nhiều hay ít, thời gian lao động dài hay ngắn, công việc khó hay dễ, tinh hay thô. Nếu nhiều người thuê mà nhân công ít thì tiền công phải đắt, nhân công nhiều mà có ít người thuê thì tiền công rẻ. Công nghiệp thịnh hay suy, sản xuất nhiều hay ít cũng có tác động tới tiền công. Nếu người chủ sản xuất bán được nhiều hàng hoá thu được nhiều lợi nhuận thì họ có tiền để chia thêm cho công nhân.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh không thể thiếu vốn. Theo các soạn giả tư bản chính là vốn. Vốn chính là lượng tiền của tích trữ được. Ở các nước văn minh, người dân có học thức cao, có tầm nhìn xa trông rộng, nên họ biết sử dụng vốn để sản xuất và kinh doanh. Vì vậy đất nước họ ngày càng có thêm nhiều nhà đại tư bản, công nghiệp thêm mở mang, đất nước thêm giàu mạnh. Tiết kiệm là một trong những biện pháp để tạo ra nguồn vốn. Người Việt Nam ta từ xưa rất có ý thức tiết kiệm “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” và khi kiếm được một khoản khá khá nào đó thường đem cất giữ cẩn thận để phòng khi bất trắc “tích cốc phòng cơ” và làm tài sản kế thừa cho con cháu. Cũng có người đem vốn của mình ra cho vay lấy lãi. Nhưng rất hiếm người đưa vốn của mình vào sản xuất công nghiệp. Vì vậy nguồn vốn của người Việt Nam thường bất động ít có khả năng sinh lời.

Các soạn giả tỏ rõ sự ủng hộ các nhà đại tư bản vì theo họ các nhà đại tư bản rất có lợi cho người nghèo. Nhà đại tư bản có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, giúp người nghèo có cơm no, áo ấm, và đời sống hạnh phúc. Thật không công bằng với các nhà đại tư bản khi phải chịu sự chỉ trích của người công nhân. Người công nhân cho rằng mình phải lao động vất vả mà công xá chỉ bằng một phần nghìn tiền lãi của chủ xưởng. Nhưng họ đâu có biết các chủ xưởng phải bỏ tiền vốn, phải lo liệu tất cả các công việc có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, phải đối diện với những bất trắc có thể xảy ra với mình. Với luận điểm này rõ ràng các soạn giả bênh vực lợi ích của nhà đại tư bản hơn là bênh vực quyền lợi của người lao động. Các soạn giả cho rằng ở Việt Nam có rất ít các nhà đại tư bản vì nền đại công nghiệp chưa phát triển. Con cái nhà giàu có gia sản thừa kế lớn lại không có kiến thức kinh doanh. Họ không đầu tư vào phát triển công nghiệp mà lại chi tiêu chơi bời phung phí. Đồng tiền của họ trở thành vô dụng 8.

Mậu dịch phát triển trên cơ sở nhu cầu trao đổi hàng hoá giữa con người với con người. Mậu dịch có quy mô to nhỏ khác nhau. Mua bán lớn gọi là mậu dịch lớn. Buôn bán lẻ gọi là mậu dịch nhỏ. Mậu dịch lớn thu được lợi nhuận lớn hơn là mậu dịch nhỏ. Cả mậu dịch lớn và nhỏ đều có công dụng đối với sự phát triển kinh tế quốc dân. Bản thân các vật phẩm đều phải có sự thông thương. Nếu chính phủ bế quan toả cảng cấm thông thương thì sẽ rất bất tiện. Ngày nay trong thời đại giao thương Đông Tây diễn ra một cách mạnh mẽ, chính phủ nào cấm không cho ngoại quốc thông thương thì nước đó trở thành không có đường đi lại. Theo các soạn giả việc xuất nhập khẩu nước ta có nhiều hạn chế. Một là hàng xuất khẩu của ta phần lớn là nguyên liệu. Hai là luật công ty chưa ban hành. Ba là các nhà buôn học thức nông cạn, người ta mang hàng đến mà không biết chở hàng của mình đi 9.

Ngân hàng có một vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế. Ngân hàng là nơi nhận tiền gửi, cho vay vốn, chuyển tiền, và thanh quyết toán cho các nhà buôn có vốn ký thác ở ngân hàng. Ngân hàng giúp cho mậu dịch phát triển, công nghiệp chấn hưng. Ở các nước giàu đều có các ngân hàng. Theo các soạn giả thì nước ta lúc này chưa có ngân hàng chỉ có ngân khố. Do đó việc nhận tiền gửi và cho vay vốn nhiều khi bị đổ bể. Người nước ta chưa có khả năng mở được ngân hàng 10.

Các soạn giả nhấn mạnh vai trò của chứng phiếu trong mậu dịch. Chứng phiếu có hai loại là trái phiếu và hối phiếu. Trái phiếu là do khách nợ lập. Hối phiếu là do chủ nợ lập. Trái phiếu và hối phiếu có nhiều lợi ích vì giảm được chi phí vận chuyển, không lo mất mát dọc đường, và có thể chuyển giao cho người khác. Việc phát hành chứng phiếu làm cho công việc của ngân hàng đơn giản đi rất nhiều. Chứng phiếu chưa đến kỳ hạn trả thì có thể mang tới ngân hàng xin tạm chi và chịu phần chiết khấu theo thoả thuận. Ngân hàng phát hành séc. Trái phiếu và hối phiếu có kỳ hạn còn séc thì vô thời hạn. Nhà buôn dùng séc như dùng tiền mặt vì khi thấy tờ séc là ngân hàng phải thanh toán ngay. Séc cơ lợi cho xã hội và cho ngân hàng. Bời vì tờ séc làm bằng giấy do đó nhẹ hơn kim loại và dẽ bảo quản, có thể mang nhiều tiền đi khắp nơi, chi phí in séc rẻ, séc không bị chiết khấu… Sử dụng séc là một thói quen phổ biến ở các nước châu Âu 11.

Để làm được những việc trọng đại như xây dựng nền đại công nghiệp, đại mậu dịch, ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng… thì phải có nguồn vốn lớn. Trong thời đại thông thương rộng mở này thì càng cần có vốn lớn để tạo lợi thế cạnh tranh. Muốn có vốn lớn tất yếu phải lập công ty. Công ty mới có khả năng tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ thành một nguồn vốn lớn, thu được lãi lớn, và có thể ứng phó được với những biến đổi của thị trường. Có các dạng thức công ty rất khác nhau. Một là công ty hợp doanh. Đây là công ty do mọi người góp vốn vào kinh doanh và trách nhiệm vô thời hạn. Nếu công ty bị đổ bể thì mọi người phải bỏ tiền để bù lỗ. Hai là công ty hợp tư. Đây là công ty hữu hạn. Người góp cổ phần chỉ xuất vốn, trách nhiệm có hạn. Nếu công ty làm ăn thất bại thì không được bắt người góp vốn trả bù. Ba là công ty cổ phần. Đây là công ty mà vốn được chia thành các cổ phần. Có cổ phần chủ và cổ phần của khách. Cổ phần chủ được hưởng lãi chung và lãi riêng. Cổ phần khách chỉ được hưởng lãi chung. Nếu công ty đổ bể thì chỉ cổ phần chủ phải chịu trách nhiệm trả nợ. Nhìn vào thực trạng nước nhà, các soạn giả cho rằng xã hội ta chưa thật đoàn kết, sự hùn vốn đã có từ lâu nhưng chưa có quy cách rõ ràng. Nước ta từng có góp cổ phần khai thác đá nhưng bị đổ bể, người góp vốn chỉ còn lại một tấm phiếu vô giá trị. Vì vậy nhiều người có tâm lý e ngại góp vốn thành lập công ty. Hai là nước ta chưa thực sự văn minh, người dân ít biết lo xavì đầu tư vốn lớn không phải dễ thu lợi ngay được. Chính vì hai điều này đã tạo ra trở ngại để thành lập một thương cục của người Việt Nam. Các ngành nghề kinh tế lớn ở nước ta đều do nhà nước bảo hộ và người nước ngoài nắm giữ. Vì vậy dân ta phải phát động tư tưởng hợp quần và giáo dục đứng tính cộng đồng.

Từ những luận điểm về kinh tế, các soạn giả cho rằng nước ta cần thiết phải chấn hưng thực nghiệp. Thực nghiệp càng phát triển thì đất nước càng giàu mạnh. Nước ta có những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề kinh tế. Đó là người dân Việt Nam có thần tiết kiệm, chịu khó và tinh xảo. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn trong phát triển thực nghiệp. Nước ta có bốn nghề cơ bản là sĩ, nông, công và thương. Là một nước chuyên chế chỉ có quan là tôn quý nhất, sĩ cũng tôn quý nhất vì một ngày kia họ có thể lên quan. Thành kiến trọng sĩ khinh thương ở nước ta là cố hữu, khó lòng phá bỏ. Các soạn giả phê phán thái độ ngạo mạn của tầng lớp sĩ trong xã hội: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân thợ, dân cùng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa!12. Sự ngạo mạn, dốt nát và không hiểu vai trò của công thương của tầng lớp sĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực nghiệp nước nhà không được chấn hưng.

Không chỉ viết thành sách, các luận điểm kinh tế học còn được thể hiện dưới dạng thơ ca. Viết dưới dạng thơ ca có lợi thế là dễ đọc, dễ hiểu và dễ tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Phan Lãng viết bài Thiết tiền ca (bài ca tiền sắt) cho trường Đông Kinh Nghĩa Thục để cổ động thực nghiệp. Trong Thiết tiền ca Nguyễn Phan Lãng nhấn mạnh vai trò của tiền bạc, coi đó là máu mủ, và không có tiền thì không thể có sự no đủ. Ông tố cáo chính sách tiền tệ của thực dân Pháp ở Đông Dương khi chúng tịch thu tiền bằng bạc của ta để phát hành tiền sắt kém chất lượng. Ông tha thiết kêu gọi nhân dân mau chóng học nghề tinh thông, học khoa học kỹ thuật, thông thương để tiến tới văn minh, để bảo tồn nòi giống dân tộc 13.

Trước khi xuất dương sang Nhật Bản tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền đã viết Hợp quần doanh sinh thuyết. Bài này được giới thiệu trong trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy viết dưới dạng thơ, khá dài, nhưng nó đã thể hiện khá rõ sự đổi mới tư duy kinh tế của một trí thức nho học cấp tiến. Trong bài viết này Nguyễn Thượng Hiền đã chỉ ra rằng kết cấu xã hội tứ dân xưa đã lạc hậu so với thời cuộc, nhất là đối với tầng lớp sĩ. Ông nêu ra những sản vật mà thiên nhiên ưu đãi cho người Việt Nam ta. Nhưng chính sự ưu đãi đó làm cho dân ta không muốn bước đi xa, lười lao động, và đất nước suy yếu. Vì vậy người Việt Nam cần phải đi tìm một lối doanh sinh mới. Để học được nghề kỹ xảo, học được cái khôn thì phải sống ở thị thành. Để phát triển công thương thì phải hợp quần nhau lại. Mọi người phải cùng nhau góp vốn vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Hợp quần là con đường làm nên sự nghiệp dân tộc phú cường 14.

Phan Châu Trinh là một trong những người khởi xướng phong trào duy tân, sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng có những luận điểm kinh tế rất đáng chú ý. Trong bài Tỉnh hồn quốc ca, một tài liệu quan trọng của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Phan Châu Trinh nhấn mạnh đến việc cần phải có sự chung vốn làm ăn. Sở dĩ người ta giàu vì người ta biết đầu tư nhiều vốn để thu được nhiều lợi, làm ăn có tín nghĩa đàng hoàng, biết cải tiến máy móc để áp dụng vào sản xuất, và biết sản xuất nhiều hàng hoá để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở khắp nơi. Chính vì vậy lợi quyền của đất nước bị người ngoài thâu tóm hết. Phan Châu Trinh đã mạnh dạn vạch rõ những thói hư tật xấu trong kinh doanh của người Việt Nam, đó là tính bất nhân bất tín và lừa đảo, các công ty thành lập chỉ vài ngày là tan vì tính bon chen và thói chấm mút của nhau, nhà giàu cho vay với giá thắt cổ, tiền của bỏ xó mà không đầu tư, thấy lợi mà cũng đành bỏ qua để cho người ngoài lấy tiền bạc của dân nước mình. Từ thực trạng đó, Phan Châu Trinh cho rằng người Việt Nam cần phải đi học lấy mọi điều văn minh, tất nhiên trong đó có văn minh trong kinh doanh 15. Ông chỉ ra điểm mạnh của tư bản nước ngoài, điểm yếu của người Việt Nam cũng chính là sự chỉ bảo cách thức làm ăn đối với trên con đường chấn hưng và phát triển nền công thương nước nhà.

Chưa dừng lại ở việc nêu ra các vấn đề lý luận về kinh tế học. Các nhà nho cấp tiến của trường Đông Kinh Nghĩa Thục muốn vận dụng những luận điểm kinh tế của mình vào thực tiễn kinh doanh. Tham muốn này nó đã phản ánh trung thực và sinh động quan điểm giáo dục nhất quán của nhà trường là học phải đi liền với hành.

Việc các nhà nho giới thiệu các vấn đề về kinh tế học đã là một hiện tượng lạ, nhưng việc họ rủ nhau đi buôn, lập công ty trên phạm vi toàn quốc lại càng lạ hơn. Người Việt Nam xưa thường quen với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học ở trường làng, các nho sĩ vui thú cuộc sống nhàn tản. Việc đồng áng, bán buôn dường như đều đổ dồn lên đôi vai người vợ: “Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đặng năm con với một chồng16. Nay những con người vốn trọng nghĩa khinh tài, an bần lạc đạo đó lại xông pha nơi thương trường thì quả là không thể tưởng tượng được. Các nhà nho đi buôn chưa hẳn là vì lợi nhuận mà là vì họ muốn giương cao ngọn cờ chấn hưng thực nghiệp để lôi cuốn nhân dân, để thúc đẩy sự nghiệp dân giàu nước mạnh mau chóng đi đến thắng lợi.

Đỗ Chân Thiết là một trong những nhà nho cấp tiến say mê với công việc kinh doanh. Ông cùng với một số đồng chí của mình góp vốn mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây. Hiệu của ông chuyên bán đồ do người Việt Nam sản xuất. Ông còn lập hiệu Tuỵ Phương chuyên kinh doanh thuốc Bắc ở gần ga Hàng Cỏ. Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền mở công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai chuyên buôn đồ tạp hoá. Án sát Nghiêm Xuân Quảng xin nghỉ hưu để về lập công ty Nghiêm Xuân Quảng buôn bán the lụa Thái Bình.

Phong trào hùn vốn, lập công ty của các nhà nho cấp tiến trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội đã nhận được sự hưởng tích cực của nhiều nhà nho cấp tiến khác trong cả nước. Các công ty, hiệu buôn của các nhà nho cấp tiến mọc lên ngày một nhiều. Ví dụ như hiệu buôn Phúc Lợi Tế ở Phúc Yên và Hưng Lợi Tế ở Hưng Yên của Tùng Sơn, hiệu buôn Sơn Thọ của Nguyễn Trác ở Việt Trì, công ty Phượng Lâu ở Thanh Hoá17, Triêu Dương thương quán của Ngô Đức Kế và Đặng Nguyên Cẩn ở Nghệ An, công ty Liên Thành ở Quảng Nam, Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương và Minh Tân công nghệ xã, Minh Tân khách sạn của Trần Chánh Chiếu ở Sài Gòn, hiệu Tân Hợp Long của Hồ Nhật Tân ở Long Xuyên18.

Nhìn chung, kinh tế học là một nội dung giảng dạy mới mẻ ở Việt Nam mà trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã áp dụng. Có thể nói các luận điểm về kinh tế đã được các giáo viên trình bày một cách có hệ thống. Các vấn đề kinh tế học đều đi sát với đòi hỏi thực tiễn của xã hội Việt Nam lúc đó. Tham vọng của nhà trường là muốn trang bị cho quốc dân những kiến thức cơ bản về kinh tế học để giúp quốc dân biết cách làm giàu, tránh được những rủi ro trong sản xuất và kinh doanh.

Bản thân các nhà nho cấp tiến luôn tâm niệm làm giàu là một trong những biện pháp tối ưu để có thể bảo tồn nòi giống dân tộc. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết Đác uyn xã hội, một học thuyết mà giới thực dân lập luận rằng cạnh tranh là phương thức sinh tồn. Trong cạnh tranh mạnh tất sẽ thắng, yếu tất sẽ bị diệt vong. Thực tế cho thấy người Pháp có một nền kỹ nghệ và thương mại mạnh hơn người Việt Nam cho nên người Pháp đã đánh bại người Việt Nam. Để dân tộc không bị tiêu diệt thì người Việt Nam phải tự mình nỗ lực chấn hưng nền kỹ nghệ và thương mại nước nhà, phải có tinh thần tranh thương quyết liệt với tư bản nước ngoài, phải có khát vọng và có chí làm giàu. Khi nào có trong tay một nền kỹ nghệ và thương mại phát triển khi đó dân mới cường, nước mới thịnh, xã hội mới thực sự văn minh tiến bộ. Rõ ràng tư tưởng duy tân kinh tế của các nhà nho cấp tiến mang nặng màu sắc thực dụng.

Mặc dù trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa sau một thời gian hoạt động nhưng tư tưởng đổi mới tư duy kinh tế của nhà trường vẫn có những tác dụng thiết thực về sau. Sau Thế chiến thứ nhất, tư sản Việt Nam phát động phong trào chấn hưng thực nghiệp họ mới thấy hết được sự cần thiết của kinh tế học trong thực tiễn kinh doanh. Họ cần đến kinh tế học coi kinh tế học là cẩm nang làm giàu. Vì vậy, các sách báo đề cập đến các vấn đề kinh tế học ngày một nhiều hơn và sâu sắc hơn. Ngày nay đất nước chúng ta đang ở vào thời kỳ đổi mới kinh tế. Phát triển kinh tế được xác định là đòn bẩy để thúc đẩy xã hội phát triển, để làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Nhưng để nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững nhất thiết phải có một nền tảng kiến thức về kinh tế học vững chắc. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã đặt nền tảng cho môn kinh tế học Việt Nam hiện đại.



(1): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hoá, HN, 1997, tr. 89.

(2): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 89- 90.

(3): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 90.

(4): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 93.

(5): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 94.

(6): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 95.

(6): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 96.

(7): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 98- 99.

(8): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 100- 101.

(9): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 103- 104.

(10): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 106.

(11): Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin, Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục,…, Sđd, tr. 92.

(12): Nguyễn Phan Lãng, Thiết tiền ca// Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hoá- Thông tin, HN, 1997, tr. 258- 261.

(13): Nguyễn Thượng Hiền, Hợp quần doanh sinh thuyết // Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hoá- Thông tin, HN, 1997, tr. 454- 468.

(14): Phan Châu Trinh, Tỉnh hồn quốc ca// Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hoá- Thông tin, HN, 1997, tr. 367- 391.

(15): Bài thơ Thương vợ của nhà thơ Tú Xương, một nhà nho cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

(16): Công ty còn có các chi nhánh ở Vinh, Hà Tĩnh và Huế.

(17): Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hoá- Thông tin, HN, 1997, tr.74- 75.

 Th.S Trần Viết Nghĩa
Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   |