Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Biển đông: vấn đề an ninh và hợp tác khu vực Một cách tiếp cận lịch sử và cái nhìn từ vị thế biển Việt Nam

1. Tiềm năng, các tuyến giao thương và bang giao truyền thống

Từ những thế kỷ trước và sau Công nguyên, cùng với sự hình thành và phát triển của các nhà nước cổ đại, nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm gắn bó lịch sử, văn hoá và các hoạt động kinh tế với môi trường biển và có tầm nhìn hướng biển mạnh mẽ. Khi xem xét những nhân tố tự nhiên dẫn đến sự hình thành và phát triển của các nền văn minh người ta thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến vai trò của các dòng sông nhưng cũng có thể thấy rằng không có nền văn minh lớn nào lại không đồng thời gắn liền với môi trường biển. Người Lưỡng Hà cổ đại từng cho rằng thần Biển đã dạy cho họ tri thức, khoa học và nghệ thuật. Quan niệm và cách thức suy tưởng đó rất có ý nghĩa trong cách hiểu của chúng ta ngày nay về vai trò của Văn hoá biển và những mối giao lưu trong không gian biển với thế giới rộng lớn bên ngoài.

Với các quốc gia Đông Nam Á, biển và môi trường kinh tế biển đã nuôi dưỡng nhiều nền văn hoá như Champa, Phù Nam, Srivijaya... Biển Đông đã nối kết các quốc gia, các nền văn hoá và trung tâm kinh tế trong khu vực đồng thời là một trong những mạch nguồn chính yếu liên kết giữa “Thế giới Trung Hoa’’ với “Thế giới ấn Độ’’ và nhiều trung tâm kinh tế, văn hoá xa xôi khác. Sau khi “Con đường tơ lụa trên biển’’ được thiết lập, Biển Đông sớm trở thành tuyến chính trong hệ thống giao lưu kinh tế, văn hoá đa diện, đa chiều giữa phương Đông với phương Tây.

Do sự gần gũi về vị trí địa lý, có thể chính người ấn đã biết đến một số vùng đất ở Đông Nam Á sớm nhất. Sử thi Ramayana của Ấn Độ đã nói tới xứ sở mà chúng ta có thể xác định rằng đó chính là Java và Sumatra. Tác phẩm Arthasastra do Kautilya soạn thảo vào khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên cũng đã nói đến xứ Suvarnabhumi tức “Đất vàng” hay Sunarnadvipa “Đảo vàng’’ nằm ở phía Đông Nam ấn Độ. Tài liệu thời muộn hơn Sasanavamssappadipika cũng cho biết chính vua Asoka, một đấng minh quân, sùng Phật và thân dân nổi tiếng từ thế kỷ III trước Công nguyên đã cử ba đoàn sư tăng đến xứ “Đất vàng’’ tức Suvarnabhumi. Có nhà nghiên cứu cho rằng “Đất vàng’’ tức là Thatin và vùng Nam sông Sittang của Myanmar hiện nay vì vùng này giáp với phía Đông ấn Độ(1). Còn “Đảo vàng’’ chắc chắn là vùng đảo Đông Nam á, đó có thể là Java. Nhưng, cũng có nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng, vào những thế kỷ trước Công nguyên, trước hết người ấn biết đến đảo Sumatra do sự gần giũ về vị trí và thuận lợi về tuyến giao thương từ Ấn Độ đến Đông Nam Á

Đến thế kỷ III-IV sau Công nguyên, người Trung Hoa mới biết đến và ngày càng có nhận thức rõ hơn về các quốc gia ở vùng biển phía nam Trung Quốc và họ gọi đó là vùng “Nam hải’’ hay “Nam dương’’. Theo các sử gia Trung Quốc thời Hán thì các sứ giả Khang Thái và Chu ứng nhà Ngô là những người đầu tiên được phái đi sứ (thám hiểm) đến vùng này. Ngoài vùng Giao Châu, Hán thư cũng đã nói về các quốc gia Lâm ấp (miền Trung) và Phù Nam thuộc Nam Bộ, Việt Nam hiện nay. Trong phần chép về Phù Nam, Tấn thư viết: “Tính người ngay thẳng, không trộm cướp, lấy việc cày cấy làm nghề, một năm trồng ba năm gặt hái, lại thích điêu khắc trạm trổ. Dụng cụ ăn uống phần nhiều làm bằng bạc. Cống phú nộp bằng vàng, bạc, ngọc, hương liệu. Cũng có sổ sách, công sở kho tàng. Chữ viết giống như người Hồ”(2). Còn theo Lương thư, thì ở phía Nam nước Phù Nam có nước “Trường cảnh vương quốc” (Nước của người cổ dài - chắc hẳn do tục đeo nhiều vòng cổ - TG): “Tục ở đó cũng có nhà, cửa, quần áo, ăn cơm gạo. Tiếng nói của người ở đây có khác Phù Nam chút ít. Có núi sản xuất vàng. Nước vàng toát lên trên đá nhiều vô hạn... Quốc vương Phù Nam sai sứ nhiều lần đưa quốc thư và thường được đáp lại bằng cách tặng quốc vương Phù Nam 50 người bằng vàng”(3). Chắc chắn nước này là quốc gia hải đảo và là một trong những thuộc quốc của Phù Nam. Về tài nguyên của Lâm ấp, Lương thư cũng cho biết: “Nước ấy có đá núi vàng, đều màu đỏ, trong đó có vàng. Ban đêm vàng bay ra (ánh lên?- TG) trông như đom đóm. Lại có đồi mồi, cát bối, trầm mộc hương”(4). Về vị trí chiến lược và tài nguyên của vùng Giao Châu xưa, sách Tiền Hán thư viết: “Đất Việt ở gần biển, có nhiều tê giác, voi, đồi mồi, châu ngọc, bạc, hoa quả... người Hoa đến buôn bán, phần nhiều được giàu có”(5).

Cùng với những nguồn kim loại quý như vàng và thiếc... Đông Nam Á còn nổi tiếng về các cây hương liệu. Ngoài những cây trồng có diện phân bố rộng lớn cũng có những loài cây hương liệu chỉ là sản phẩm của một khu vực nhất định hoặc chỉ với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp mới cho năng suất cao và chất lượng tốt nhất. Theo đó, vùng quần đảo Molucca có nhiều đinh hương, trên đảo Banda có nhục đậu khấu, tây Java và miền nam Sumatra được coi là xứ sở của hồ tiêu. Từ thế kỷ III sau Công nguyên thương nhân Trung Hoa đã biết đến long não ở miền bắc Sumatra. Và cũng từ khoảng thời gian đó, nhựa thông và cánh kiến của khu vực này cũng đã được khai thác để thay thế cho cho những sản phẩm tương tự vốn vẫn phải nhập về từ Ba Tư với giá cao. Theo Minh sử thì vào giữa thế kỷ XVII, cống vật của Siam với Trung Quốc thường có: Voi, ngà voi, sừng tê, lông chim trả, rùa sáu chân, đá quý, san hô, phiến não, mã não, dầu long não, lưu hoàng, an tức hương, đàn hương, giáng hương, đinh hương, mộc hương, nhục đậu khấu, bạch đậu khấu, các loại vải Tây dương v.v...(6).

Có thể nói sự xuất hiện sớm của người Ấn, Trung Hoa và Tây Á trên các vùng biển Đông Nam á xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mục tiêu và động lực nhưng cũng có thể cho rằng chính nguồn tài nguyên giàu có của Đông Nam Á đã cuốn hút các thương nhân, thợ thủ công và các nhà truyền giáo đến đây. Hơn thế nữa, hiểu theo quan điểm địa - kinh tế hiện nay, thì tiềm năng của Đông Nam á còn là ở vị trí chiến lược mà trong đó, yếu tố biển đóng vai trò then chốt. Là những quốc gia sớm có truyền thống khai thác biển, cư dân Đông Nam á đặc biệt là người Nam Đảo (Austronesian) hay những cư dân nói ngôn ngữ Malayo-Polynesian là những người có tài đi biển và rất giỏi kỹ thuật đóng thuyền. Điều đó cũng có nghĩa rằng chính họ cũng đã sớm thể hiện năng lực chinh phục biển khơi và chủ động dự nhập vào nhiều hoạt động chung mang tính khu vực.

Từ khoảng thế kỷ III, cùng với sự hình thành, phát triển về văn hoá, xã hội, kinh tế và thể chế chính trị, các quốc gia Đông Nam Á cũng ngày càng có ý thức đầy đủ hơn về vai trò của các nền văn minh lớn trong khu vực. Như vậy, từ chỗ là nơi đón nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài, các quốc gia khu vực đã bắt đầu chủ động hơn trong giao lưu quốc tế. Nhiều sứ đoàn và thương thuyền của Đông Nam Á đã đến Ấn Độ và Trung Quốc. Với Đông Nam Á, cùng với các hoạt động triều cống, tranh thủ xác lập mối quan hệ bang giao mật thiết với Trung Quốc thì mục tiêu thương mại cũng hết sức quan trọng. Như vậy, bên cạnh các mối quan hệ mang tính chất nội vùng thì quan hệ liên vùng cũng đã diễn ra trong môi trường kinh tế, xã hội Đông Nam á. Trong ý nghĩa đó, Biển Đông, với các thương cảng, eo biển và tuyến hải thương nổi tiếng, là nơi diễn ra nhiều hoạt động sôi động nhất.

Trong bối cảnh đó, một cách tự nhiên, ở Đông Nam á đã dần hình thành nên các trung tâm thương mại và tuyến giao thương chính yếu nối kết giữa ấn Độ với Trung Quốc với ba tầng cấp: Trung tâm vùng, Trung tâm liên vùng và Trung tâm liên thế giới(7). Đối với khu vực Tây Nam á trước thế kỷ VI, con đường giao thương chạy qua eo Kra (Kra isthmus) vào vịnh Thái Lan là một trong những tuyến huyết mạch. Trong ý nghĩa đó, vịnh Bengal được coi là khu đệm và cảng Arikamedu đã trở thành thương cảng quan trọng nhất ở vùng Nam Ấn. Nhưng từ thế kỷ VII trở đi, tuyến hải trình chạy qua eo Malacca và Sunda, tuy xa và nguy hiểm hơn, nhưng đã dần trở nên tuyến chính của hải thương châu Á. Eo Kra dần bị mất vai trò lịch sử và đó là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự suy tàn tương đối nhanh chóng của đế chế Phù Nam. Tuy nhiên, sự chuyển dịch của các tuyến thương mại đã dẫn đến sự trỗi dậy của một số quốc gia hải đảo mà tiêu biểu nhất là trường hợp Srivijaya trên đảo Sumatra(8). Có thể cho rằng, sự thay đổi các tuyến hải thương đã có tác động không nhỏ đối với sự thịnh suy của nhiều quốc gia khu vực.

Với Trung Quốc, từ Đông Nam Á và tiếp nối dòng chảy từ khu vực Tây Nam Á tuyến hải trình ven biển xuất phát từ vịnh Thái Lan đã men theo vùng biển của Chân Lạp, Champa đến Giao Châu (Đại Việt) rồi từ đó có thể tiếp tục đến Trung Quốc. Tuyến thứ hai xuất phát từ vùng eo Malacca hay Sunda đến đảo Borneo, Luzon... rồi đến Trung Quốc. Người Trung Quốc vẫn quen gọi đó là “Tây dương châm lộ” và “Đông dương châm lộ”. Với cả hai tuyến hải trình này, các thương cảng miền nam Trung Quốc có vai trò quan trọng và trong rất nhiều trường hợp có thể coi các thương cảng và giới cầm quyền của địa phương miền Nam Trung Hoa là những “xã hội Trung Hoa thu nhỏ” trong các mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá và ứng xử chính trị với Đông Nam Á qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Như vậy, Biển Đông đã góp phần nối kết các trung tâm văn minh đồng thời là trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Với tất cả những tiềm năng và phát triển sáng tạo của khu vực có thể coi Biển Đông là một “Địa Trung Hải thu nhỏ” (Mini Mediterranean Sea). Quan điểm này được nhìn nhận cả trên bình diện tiến trình lịch sử cũng như những đóng góp độc đáo của văn minh khu vực Đông Nam á với kho tàng văn minh phương Đông và nhân loại.

2. Biển Đông trong tầm nhìn của các quốc gia

Từ truyền thống và chiều sâu lịch sử, Biển Đông đã chứa đựng nhiều tiềm năng và lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Sự tranh chấp các tuyến hải thương, khu vực lãnh hải, các cùng tài nguyên, hương liệu, dầu mỏ... cùng với các hoạt động kinh tế quan phương, phi quan phương và thái độ khác biệt giữa các thể chế... đã là những nguyên nhân chính yếu dẫn đến tình trạng mất an ninh trên biển và khu vực.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ảnh hưởng Ấn Độ với Đông Nam Á được truyền tải bằng con đường hoà bình. Nhận thức đó về cơ bản là phù hợp với thực tế lịch sử nhưng chúng ta cũng không thể quên rằng vào thế kỷ XIII, vương triều Chola đã tổ chức nhiều đợt tấn công đến các quốc gia trên bán đảo Mã Lai và Đông Nam Á hải đảo. Tuy nhiên, nếu so với ấn Độ thì áp lực chính trị và quân sự từ Trung Quốc đối với Đông Nam Á mạnh mẽ hơn nhiều. Như đã trình bày ở trên, từ thời Hán (206-220) Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng đối với nhiều vùng đất phương Nam. Đến thời Lương (502-557), thời Tuỳ (581-618) và đặc biệt là thời Đường (618-907) với việc hình thành con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc đã có những hiểu biết chung về tình hình khu vực. Trong quá trình đó, các nhà nghiên cứu đều rất chú ý đến chính sách hướng về vùng biển Nam mạnh mẽ của Trung Quốc mà tiêu biểu là bảy chuyến “hạ Tây dương’’ của Trịnh Hoà (1371-1433) được thực hiện suốt 28 năm (1405-1433) do Minh Thành Tổ (1403-1425) và chính quyền Minh chủ trương(9).

Sau các chuyến đi đó, ảnh hưởng của Trung Quốc với Đông Nam Á đã được tăng cường với nhiều quốc gia khu vực. Trung Quốc không những có được những hiểu biết cơ bản, đầy đủ hơn về đời sống kinh tế, xã hội, tiềm năng kinh tế của từng quốc gia, vai trò của các tuyến giao thương mà còn có thể can thiệp trực tiếp vào đời sống chính trị một số nước vùng hải đảo(10). Nhưng, Trung Quốc đã không chiếm hữu bất kỳ đảo nào trong Biển Đông cũng như ở khu vực ấn Độ Dương(11). Về hình thức, các quốc gia trong khu vực đã hướng mạnh đến “Thế giới Trung Hoa’’, thiết lập quan hệ thần thuộc, triều cống với nước này nhưng mặt khác đều muốn thông qua đó để tiếp nhận những ảnh hưởng chính trị, văn hoá, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và thông qua đó khẳng định vị thế của mình trong mối quan hệ với các quốc gia khu vực.

Trong các bộ sử của Trung Quốc ví như Lương thư, Nguyên sử, Minh sử hay Chư phiên chí..., vị trí địa lý của các nước và độ dài, thời gian thực hiện các tuyến hải trình từ Trung Quốc đến hay giữa các quốc gia Đông Nam á đều được ghi rõ. Điều đó cho thấy biển không chỉ có vai trò quan trọng trong quan hệ giao thương giữa Trung Quốc với Đông Nam á mà còn giữa các quốc gia khu vực. Mặc dù Trung Quốc có sự thâm nhập sớm, hiểu biết khá sâu về các vùng biển của nhiều quốc gia, có quan hệ kinh tế, bang giao và giao lưu văn hoá sớm nhưng Biển Đông vẫn là vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á, thuộc về chủ quyền và đối tượng khai thác của các nước trong khu vực(12).

Đối với các quốc gia, từ thời cổ trung đại ý thức về biển của các nước như Đại Việt, Srivijaya, Champa, Phù Nam... đều rất mạnh mẽ. Biển không chỉ là cửa mở tiếp giao kinh tế, văn hoá mà còn chứa đựng trong đó nguồn tài nguyên dồi dào. Việc bảo vệ chủ quyền trên biển không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế mà còn để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong lịch sử, cũng có thực tế là, một số quốc gia trong khu vực cũng lợi dụng vị trí địa lý thuận lợi và lực lượng hải quân của mình để ngăn trở các hoạt động giao thương đồng thời tiến hành một số hành động cướp bóc trên biển, biến những thương nhân, thuỷ thủ đoàn thành những nạn nhân của tình trạng cướp đoạt tài sản, hàng hoá và chế độ buôn bán nô lệ. Theo đó, những hoạt động cướp bóc từng diễn ra trên vùng biển Champa, Sumatra, Java và một phần ở khu vực vịnh Thái Lan có thể coi là những trường hợp điển hình.

Đối với lịch sử Việt Nam, sau 1.000 năm Bắc thuộc, các thể chế quân chủ cầm quyền đều có ý thức dân tộc và về chủ quyền lãnh thổ mạnh mẽ. Để bảo vệ chủ quyền đất nước và thể hiện chính sách khai mở, vào thời Lý (1010-1225), năm 1149 Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn để thuyền buôn nước ngoài đến mua bán hàng hoá quý và dâng tiến sản vật(13). Tiếp đến các thời Trần (1226-1400), và thời Lê (1428-1786) đều có ý thức về biển mạnh mẽ(14). Với Đàng Trong, vào thế kỷ XVI-XVIII, trong bối cảnh quan hệ thương mại thế giới có nhiều phát triển sôi động, các chúa Nguyễn một mặt thực thi chính sách đối ngoại rộng mở mặt khác cũng đã thực thi nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm bảo vệ chủ quyền. Đặt cược thể chế chính trị của mình vào sự hưng vong của kinh tế ngoại thương, chính quyền Đàng Trong đã thực thi một chính sách hướng biển mạnh mẽ. “Cách thức lựa chọn con đường phát triển đó đã đưa Đàng Trong tái hợp với mô hình phát triển của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và ngả mạnh về hướng biển”(15). Trên thực tế, Đàng Trong đã trở thành một Thể chế biển, triệt để khai thác mọi tiềm năng vốn có và truyền thống biển của người Chăm và một số bộ phận cư dân khác để đẩy mạnh và phát triển quan hệ giao thương và giao lưu văn hoá trên biển.

Trong bối cảnh hệ thống thương mại có nhiều biến đổi và tình trạng cướp biển ngày càng có khuynh hướng mở rộng từ vùng biển Nhật Bản (Nihon kai) xuống biển Trung Hoa rồi Đông Nam á, chính quyền Nguyễn đã cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình. Đại Nam thực lục tiền biên ghi lại sự kiện năm 1585, Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenchi) đã đưa một đoàn thuyền lớn đến cướp ở vùng Cửa Việt. Nguyễn Hoàng đã sai con là Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1634) chỉ huy lực lượng hải quân tấn công thuyền của cướp biển Nhật Bản (Wako, Hoà khấu). “Hiển Quý sợ chạy... Từ đó giặc biển im hơi’’(16). Hành động cương quyết đó của chính quyền Đàng Trong không những đã bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền lãnh hải, góp phần cùng với các quốc gia trong khu vực tiễu trừ nạn hải tặc, bảo đảm môi trường ổn định trong giao thương quốc tế mà còn tạo ra một cách thức ứng xử và kinh nghiệm quý trong việc thực thi các chính sách đối ngoại đặc biệt là đối với các cường quốc phương Tây.

Không chỉ dừng lại trong việc buôn bán ở các thương cảng vùng cửa sông và hải đảo ven bờ, chính quyền Đàng Trong còn vươn mạnh ra biển, lập các đội hải thuyền ra các đảo xa để khai thác sản vật. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, nhà bác học thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn (1726-1784) viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếưc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về’’(17). Như vậy, đội Hoàng Sa (Paracels) đã thực hiện nghĩa vụ của nhà nước và trong suốt quá trình khai thác đó không có tranh chấp về quyền lợi kinh tế và chủ quyền với quốc gia nào. Về sau, do những mối lợi kinh tế và để khẳng định phạm vi ảnh hưởng nên chúa Nguyễn đã mở rộng địa bàn hoạt động của đội Hoàng Sa đến vùng quần đảo Trường Sa (Spratly), cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên nhưng vẫn sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản(18).

Dưới thời Nguyễn (1802-1945), hoạt động của đội này được đặt dưới sự giám sát của Bộ Công, thậm chí nhiều khi đích thân nhà vua trực tiếp quyết định một số công việc hệ trọng của đội(19). Là một triều đại được thành lập trong bối cảnh phải đương đầu với đồng thời nhiều thách thức chính trị trong nước và quốc tế nên các vua triều Nguyễn từ Gia Long (cq: 1802-1819) đến Minh Mạng (cq: 1820-1840), Thiệu Trị (cq: 1841-1847), Tự Đức (cq: 1848-1883) đều có ý thức về biển mạnh mẽ. Nhà Nguyễn đã cho đo đạc và vẽ bản đồ các vùng cửa biển. Năm 1815 vua Gia Long đã sai Phạm Quang ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa tiến hành khảo sát và đo đạc đường biển. Công việc này còn được thực hiện nhiều năm tiếp theo với việc khảo sát, đo vẽ cụ thể từng đảo, vùng biển xung quanh, vẽ bản đồ, xây miếu và dựng bia. Mặt khác để bảo vệ an ninh trên biển, từ thời Gia Long, triều Nguyễn đã rất coi trọng lập các đội thuỷ binh, hàng năm cứ tháng Giêng thì thao diễn phép chèo thuyền. Từ năm 1789, theo lời khuyên của Bá Đa Lộc, “Nguyễn ánh ra sức tăng cường thuỷ binh, trở thành lực lượng thuỷ binh mạnh nhất chưa từng có ở vùng biển Ấn Độ’’ Theo ghi chép của người Anh năm 1819 thì nhà Nguyễn có tới 2.530 chiến thuyền các loại và “bất cứ lúc nào nhà vua cũng có thể huy động thêm thuyền buôn và thuyền chài đi lại chi chít ngoài ven biển’’(20).

3. Các vấn đề an ninh và hợp tác khu vực

3.1. An ninh chính trị và quân sự: Từ lâu biển và đại dương đã được coi là vấn đề chiến lược trong sự phát triển của nhiều quốc gia. Từ năm 1890 ở Mỹ đã xuất bản cuốn “ảnh hưởng của thế lực biển với lịch sử 1660-1783’’ (The Influence of Seapower upon History 1660-1783). Đến thế kỷ XX, đặc biệt là trong và sau thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng các công trình viết về vai trò của biển và vị thế chiến lược của các đại dương đã xuất hiện ngày một nhiều.

Với khu vực Biển Đông, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á hiện nay (trừ vị trí đặc biệt của Lào), tất cả các nước đều có chỉ số duyên hải cao bởi đều cận biển hoặc là các quốc đảo. Trong xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ hiện nay, nhiều nhà khoa học và trung tâm nghiên cứu quốc tế còn cho rằng thế kỷ XXI là Thế kỷ của Đại dương. Đại dương với tiềm năng dồi dào của nó gắn liền với triển vọng phát triển và vận mệnh của nhiều quốc gia trong tương lai nếu như quốc gia đó có tầm nhìn hướng biển và có chiến lược khai thác biển đúng đắn.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, không ít người đã có cái nhìn lạc quan về tình hình an ninh thế giới nói chung và Đông Nam á nói riêng. Thực tế những năm qua cho thấy: “Trong những năm bản lề giữa hai thiên niên kỷ, Đông Nam á vẫn phải đương đầu với những thách thức không kém phần nguy hiểm về an ninh và ổn định khu vực... Trong bối cảnh hiện nay, mối lo ngại về an ninh ở khu vực Đông Nam á nằm trong sự xung đột về vấn đề tôn giáo và sắc tộc, do sự tăng cường hoạt động khủng bố của các tổ chức cực đoan bên trong và bên ngoài khu vực”(21). Từ những mối liên hệ và vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang xảy ra tình trạng tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Nguyên nhân dẫn đến sự tranh chấp này chủ yếu xuất phát từ mục tiêu gây ảnh hưởng, chiếm đoạt các tuyến giao thương và thứ đến là giành giật các nguồn tài nguyên mà trước hết là các mỏ dầu khí phát hiện được ở vùng Biển Đông.

Với vấn đề an ninh Biển Đông vai trò và chính sách của các nước lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Có thể nói, sau năm 1975 đặc biệt là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, việc rút bỏ sự có mặt về quân sự của Mỹ và Nga ở Đông Nam á đã tạo ra một “khoảng trống quyền lực” ở khu vực này. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho một số quốc gia thể hiện vai trò chính trị và quân sự ở khu vực. Tuy nhiên, sau sự kiện 11-9-2001, chiến lược toàn cầu của Mỹ đã có sự điều chỉnh. Theo đó, từ chỗ đối đầu với Nga và Trung Quốc, Mỹ đã coi các nước này là đối tượng cần kiềm chế và thúc đẩy sự hợp tác với hai nước này nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố đồng thời chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và coi khu vực này gắn với tương lai của nước Mỹ(22). Do vậy, cùng với việc củng cố mối quan hệ liên minh truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã và đang cố gắng khôi phục và xây dựng những mối liên minh mới với một số quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh phức tạp của bầu không khí chính trị Đông Á đặc biệt là khu vực Đông Bắc á, tháng 9-2006 Nhật Bản cũng đã thành lập Bộ Quốc phòng để thay thế cho Cục Phòng vệ được thành lập sau năm 1945. Hiển nhiên, các nước có liên quan với môi trường biển khu vực Đông Nam á như Australia, New Zealand, Ấn Độ... cũng tìm nhiều biện pháp để tăng cường ảnh hưởng với khu vực.

Trong cuộc chạy đua nhằm tranh giành ảnh hưởng và vai trò ở Đông Nam Á với vị trí là thành viên chính thức của tổ chức ASEAN + 3, Trung Quốc đã có thể tham gia vào tất cả các cơ chế và hoạt động hợp tác quốc tế của ASEAN. Điều đáng chú ý là, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách cho việc nhập khẩu vũ khí hiện đại, hiện đại hoá quân đội, phát triển hải quân.... nhằm “đảm bảo an ninh” và thực hiện những mục tiêu “hoà bình”. Trên thực tế, trong thời gian qua Trung Quốc đã thể hiện là một cường quốc hạt nhân của khu vực(23). Dưới tác động của chính sách cải cách mở cửa sự tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ gần đây đã tạo nên tiềm lực kinh tế khá vững chắc cho phép nước này tăng cường sức mạnh quân sự. Năm 2006, nước này dành 49,5 tỷ USD cho quân sự chiếm khoảng 4% chi tiêu quân sự toàn cầu(24). “Viễn cảnh về một nước Trung Hoa hùng cường có thể trở thành mối đe doạ vị thế của Mỹ trong vài thập kỷ tới khiến Washington phải lập kế hoạch ngăn chặn khả năng đó”(25). Để hợp thức hoá hành động chiếm đóng các đảo trên vùng Biển Đông, Trung Quốc đề ra chủ trương: “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” mong muốn bắt tay giải quyết vấn đề “Nam Hải” từ quyền lợi biển(26). Tuy nhiên, chủ trương đó đã không được các bên liên quan chấp nhận(27).

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển vùng tây nam Trung Quốc, từ việc đề xuất và tham gia các kế hoạch phát triển khu vực như chương trình “Hợp tác sông Mekong” (Mekong subregion co-operation), chương trình “Hai hành lang, một vành đai”, chính phủ Trung Quốc mà đặc biệt là các tỉnh vùng tây nam (dẫn đầu là Quảng Tây) đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ chương trình “Một trục hai cánh” hướng mạnh ra phía biển trong đó trọng tâm là khu vực vịnh Bắc Bộ. Đây được coi “là một ý tưởng hoàn chỉnh về một chương trình hợp tác khu vực nằm trong khuôn khổ Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN”(28). Cùng với việc ký Hiệp định về biên giới trên bộ, năm 2000 Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc cũng đã ký Hiệp định về phân chía ranh giới vịnh Bắc BộHiệp định về hợp tác nghề cá. Như vậy, theo đánh giá, Việt Nam đã giải quyết dứt điểm được vấn đề thứ hai trong ba vấn đề về biên giới lãnh thổ tồn tại lâu nay với Trung Quốc (bao gồm: Biên giới đất liền, phân định vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông). Có thể thấy, chiến lược và tính toán của một số nước lớn, tuy có mở ra những triển vọng cho quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế khu vực nhưng, trên phương diện nào đó, cũng gây nên một số ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình an ninh, môi trường đầu tư và hợp tác truyền thống giữa các quốc gia Đông Nam Á.

3.2. Tình trạng khủng bố và cướp bóc trên biển: Như đã trình bày ở trên từ thế kỷ XIV với các quốc gia Đông Bắc á vấn đề Wako đã trở thành một mối đe doạ nghiêm trọng trong các mối quan hệ khu vực. Từ thế kỷ XV-XVI, sau khi thâm nhập ngày càng thường xuyên vùng biển miền Nam Trung Quốc, Wako đã mở rộng hoạt động xuống một số vùng biển Đông Nam á. Sự thâm nhập đó của các toán cướp biển đã làm cho tình trạng an ninh khu vực càng trở nên phức tạp. Trong các vùng biển Đông Nam á thì eo biển Malacca luôn được coi là điểm nóng, là địa bàn hoạt động “truyền thống’’ của các toán cướp khu vực(29).

Hiện nay, lượng hàng hoá vận chuyển qua eo biển này đứng thứ hai thế giới với khoảng 50.000 tàu thuyền qua đây mỗi năm gấp đôi số tàu đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập và gấp ba số tàu đi qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Những con tàu qua eo biển Malacca vận chuyển 25% lượng thương mại toàn cầu và 50% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển với khoảng hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Khoảng 80 đến 90% số dầu nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc từ Trung Đông được chuyên chở qua eo biển này(30). Hiện nay, mỗi ngày có hàng chục tàu chở dầu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Nếu xảy ra tình trạng khủng bố hay eo biển bị một số thế lực quốc tế chi phối thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Theo báo cáo của Văn phòng hàng hải quốc tế (International Maritime Bureau (IMB), một tổ chức nghiên cứu biển có trụ sở tại London thì năm 2000 trên thế giới có 469 vụ cướp biển, tăng 57% so với năm 1999. Số vụ cướp tập trung ở các vùng biển Châu Á trong đó có 40% vụ cướp xảy ra ở vùng biển gần eo Malacca và Indonesia. IMB cũng cho biết năm 2003 có 445 tàu biển bị cướp, tăng 20% so với năm 2002 trong đó lãnh hải thuộc Indonesia được coi là nguy hiểm nhất với 121 vụ cướp được ghi nhận.

Trong điều kiện lịch sử mới, các toán cướp được tổ chức chặt chẽ, được trang bị tàu thuyền cao tốc, trang bị vũ khí, phương tiện thông tin hiện đại và hoạt động mang tính xuyên quốc gia. Trong không ít trường hợp, hoạt động của chúng còn có sự bao che của một số viên chức chính quyền sở tại như các nhân viên hải quan, biên phòng... Theo điều tra của cơ quan tình báo Indonesia thì nhóm khủng bố Hồi giáo Jemaah Islamiyah từng có kế hoạch tấn công eo biển Malacca. Tổ chức khủng bố Al-Qaeta cũng có sở hữu khoảng 20 tàu chiến trong đó có 5 chiếc hoạt động ở khu vực châu á - Thái Bình Dương. Lực lượng ly khai thuộc phong trào Aceh tự do (GAM) thường đứng sau các cuộc tấn công ở eo biển Malacca. Mục tiêu của những toán khủng bố không chỉ là tấn công vào các tàu chiến và tàu vận chuyển mà là phá hoại tuyến giao thương này. Nếu hoạt động giao thương của Malacca bị ngăn trở thì chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế khu vực và thế giới. để bảo đảm an ninh, các quốc gia trong khu vực một mặt thành lập các đội đặc nhiệm, hiện đại hoá các phương tiện kiểm tra, giám sát mặt khác đang có kế hoạch phối hợp chặt chẽ để tổ chức các lực lượng liên hợp bảo vệ an ninh chung. Ngày 7-6-2004 Liên minh phòng thủ khu vực Đông Nam á đã được thành lập. Quyết định đó được coi là sự phản đối kế hoạch của Mỹ đề nghị đưa lực lượng an ninh đến bảo vệ vùng eo biển Malacca. Bên cạnh đó, một lực lượng liên hợp giữa 3 nước Indonesia, Malaysia và Singapore đã được thành lập nhằm chống khủng bố và được triển khai theo Kế hoạch phối hợp tuần tra trên eo biển Malacca (MALSINDO) với lực lượng gồm 17 tàu chiến. Vấn đề an ninh trên biển đã trở thành chủ đề nghị sự của nhiều diễn đàn khu vực và các nước thành viên ASEAN đều nhất trí cho rằng các nước cần phải xây dựng một “Thể chế cộng đồng an ninh’’. Tháng 6-2006, Singapore đã trở thành quốc gia thứ bảy trong khu vực tham gia ký thoả thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển (RECAAP) trên lãnh hải Châu Á.

Hiển nhiên, là một vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng nên Biển Đông trong đó có eo biển Malacca cũng là sự quan tâm của các cường quốc khu vực và thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Từ cuối năm 2001, Mỹ đã phối hợp với Ấn Độ để bảo vệ vùng eo biển đặc biệt là khi các tàu vận chuyển và chiến hạm của Mỹ đi qua Malacca. Trong khi Indonesia và Malaysia nhất trí quan điểm cho rằng việc bảo vệ an ninh vùng eo biển là trách nhiệm của các quốc gia khu vực và các quốc gia có đầy đủ điều kiện để bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh thì Singapore lại sẵn sang ủng hộ các biện pháp an ninh của Mỹ(31). Tuy nhiên, ngày 1-8-2002, Mỹ đã ký “Tuyên bố chung hợp tác chống khủng bố’’ với các quốc gia ASEAN đồng thời có nhiều chương trình phối hợp song phương về quân sự, bảo đảm an ninh với nhiều quốc gia khu vực. Tại Hội nghị an ninh châu á tổ chức tại Singapore tháng 6-2004, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chính thức đưa ra đề nghị “Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực’’ nhằm tăng cường tuần tra tại khu vực eo biển Malacca, cung cấp các thiết bị theo dõi hiện đại cho các quốc gia khu vực và tham gia bắt giữ các tàu nghi vấn. Một số chính giới và các nhà phân tích khu vực cho rằng, sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại vùng biển Malacca không chỉ là sự vi phạm chủ quyền của các quốc gia khu vực mà còn dẫn tới sự căm phẫn của các tín đồ Hồi giáo và đó chính là nguyền nhân tiềm ẩn dẫn đến tình trạng mất an ninh trong khu vực. Theo đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ chỉ có ý nghĩa thu hút thêm các cuộc tấn công khủng bố hơn là ngăn chặn chúng.

3.3. Vấn đề tài nguyên và môi trường: Hiện nay, nguồn lợi biển đang phải chịu một thách thức lớn. Đối với toàn cầu, đó là sự thay đổi khí hậu. Sự thay đổi này có tác động đến toàn bộ hệ sinh thái và tài nguyên biển. Các quốc gia trên biển và cận biển đều phải chuẩn bị tiềm lực để giải quyết tai biến thiên nhiên, đầu tư bảo vệ môi trường và tiềm lực để nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ môi trường kinh tế biển. Do việc đánh bắt, khai thác tài nguyên biển ngày càng diễn ra với mức độ cao, việc phát triển du lịch biển, sự hình thành các thành thị ven biển, khu công nghiệp, chế xuất, hải cảng ven biển và cả những rủi ro diễn ra trên biển như việc rò rỉ hay đắm các tàu chở nguyên liệu, dầu mỏ v.v... đã gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều khu vực biển dẫn đến tình trạng phá huỷ hệ sinh thái được hình thành qua nhiều thế kỷ(32).

Bên cạnh đó, điều khiến cho nhiều nhà khoa học lo ngại là mặc dù các chất dẻo khó có thể tự suy biến sinh học và có tuổi thọ từ 100 đến 1.000 năm nhưng sóng biển và các yếu tố khác đã phân huỷ chúng thành các mẩu nhỏ trong nước khiến các sinh vật biển ăn phải. Theo Hiệp hội bảo tồn biển của Anh thì hơn 1 triệu chim biển và 100.000 động vật có vú cũng như rùa biển trên toàn thế giới chết mỗi năm do bị vướng hay ăn phải các chất dẻo do bị nhiễm độc hoặc tắc hệ thống tiêu hoá. Với sự tham gia của 2.600 tình nguyện viên, từ tháng 9-2003 Hiệp hội này cũng đã tiến hành điều tra trên 135 km bờ biển. Kết quả cho thấy du khách tắm biển là những người gây ra tình trạng ô nhiễm nhiều nhất. Họ đã thải ra 36,7% lượng rác được tìm thấy. Các đồ vật bằng chất dẻo chiếm hơn 50% lượng rác được thu thập(33).

Với Việt Nam, từ năm 2002, một “Chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển” đã được triển khai với sự trợ giúp của Ngân hàng phát triển châu á và Cơ quan hợp tác phát triển Thuỵ Sĩ. Chiến lược này gồm 6 phần: 1. Quy hoạch quản lý tổng hợp biển và ven bờ cho các tỉnh duyên hải; 2. Phát triển các khu bảo tồn biển và ven bờ; 3. Quản lý tổng hợp nghề cá ven bờ; 4. Phát triển và cải thiện sinh kế của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương; 5. Bảo vệ duyên hải Việt Nam thoát khỏi thiên tai và xói mòn ven biển; 6. Kiện toàn khung môi trường hành động quốc gia, nâng cao nhận thức về môi trường, đánh giá ô nhiễm và giám sát(34). Song song với các hoạt động đó, nhiều trung tâm khoa học và trường đại học cũng đã triển khai các chương trình nghiên cứu về biển. Một chiến lược “Vì biển xanh” nhằm xã hội hoá các hoạt động bảo vệ môi trường trong sạch của biển đang được triển khai ở nhiểu tỉnh Việt Nam.

3.4. Vị thế của Việt Nam: Là một quốc gia cận biển, ven bờ Thái Bình Dương, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển của đất nước ta rộng hơn 1 triệu km2, rộng gấp ba lần so với diện tích đất liền. Phạm vi lãnh hải nước ta có khoảng 2.800 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.720 km2 và có gần 180.000 dân sinh sống.

Theo tính toán của một số chuyên gia, sự đa dạng sinh học và môi trường kinh tế biển có thể đem lại khoảng 39 triệu USD một năm. Hiện nay, nguồn ngoại tệ thu được từ dầu khí và thủy sản đem lại một nguồn thu không nhỏ cho Tổ quốc. Nhiều điểm du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, khu đặc quyền kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn đều gần và gắn liền với môi trường biển. Bên cạnh đó, khoảng gần 70% hàng hoá xuất - nhập khẩu được thông qua các cảng biển. Các cảng biển thuận lợi và nước sâu của Việt Nam còn là cửa ngõ, đầu mối giao thương hết sức quan trọng trong sự phát triển của các khu tam giác, hành lang kinh tế khu vực nhất là đối với các quốc gia láng giềng không có biển gần kề.

Nhận thức rõ vị thế và tiềm năng đó, Đảng và Nhà nước ta đã có một số chính sách, chủ trương khai thác và phát triển kinh tế biển. Và gần đây nhất, tháng 1-2007, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra “Chiến lược biển đến năm 2020” và tầm nhìn xa hơn nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế trên biển, vùng ven biển và hải đảo, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần tạo thêm thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, làm chủ vùng biển của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển(35).

Trong những nắm sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển một số ngành kinh tế đang có thế mạnh như: Khai thác, chế biến dầu khí; Du lịch biển; Kinh tế hàng hải; và Khai thác hải sản... tiến tới có thể khai thác thêm năng lượng địa nhiệt và thuỷ triều. Cùng với hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, biển Việt Nam hiện nay được phân lập thành 4 khu vực chính: 1. Vùng biển phía Bắc tính theo vị trí địa lý từ Móng Cái đến Ninh Binh; 2. Vùng duyên hải miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận; 3. Vùng Đông Nam Bộ trọng tâm là Bà Rịa - Vũng Tàu; 4. Vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Hà Tiên. Mỗi khu vực đó sẽ có những điểm trọng tâm phát triển. Đối với vùng biển phía Bắc sẽ lấy vịnh Bắc Bộ làm tiêu điểm phát triển mà trọng tâm là hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng và nâng cấp thị xã Móng Cái lên thành phố. Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã quyết định lấy toàn bộ huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) để xây dựng khu kinh tế mở. Với biển miền Trung trọng tâm sẽ là khu vực Đà Nẵng và các khu vực khác như Cam Ranh, Vân Hội, Dung Quất, Vũng áng... trong đó cũng có kế hoạch xây dựng vịnh Vân Phong (Nha Trang) thành cảng trung chuyển quốc tế. Với vùng Đông Nam Bộ thì khu vực Vũng Tàu sẽ trở thành khu công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí còn vùng biển Tây Nam Bộ thì Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế mở của khu vực và cảng trung chuyển quốc tế. Mặt khác, khu vực quần đảo này cũng có những điều kiện hết sức thuận lợi để trở thành Trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực. Phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế biển, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đã có kế hoạch nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng các đặc khu kinh tế, các khu kinh tế mở ở các vùng ven biển Việt Nam trong những năm tới’’. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020’’.

Kết luận: Như vậy, trong xu thế hội nhập và tăng cường hợp tác khu vực như hiện nay, các quốc gia Đông Nam á và một số tổ chức an ninh, chính trị, kinh tế thế giới đã có nhiều hành động phối hợp tích cực và chặt chẽ nhằm bảo đảm môi trường hoà bình và phát triển ổn định của Biển Đông cũng như toàn thể khu vực trên cơ sở tôn trọng luật phát quốc tế, tôn trọng chủ quyền và bảo đảm lợi ích của các quốc gia.

Tuy nhiên, từ truyền thống và các mối quan hệ phức tạp đã từng diễn ra trong lịch sử, đối với những vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa các nước về Biển Đông có thể cho rằng các nước khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn và giải quyết triệt để theo hướng bảo đảm lợi ích tuyệt đối cho bất kỳ phía nào. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng, chủ quyền chính đáng của các quốc gia trong khu vực lại có thể bị các thế lực bên ngoài can thiệp và xâm hại. Lợi ích và chủ quyền thiêng liêng đó cần phải được tôn trọng, bảo vệ và khôi phục.

Với biển, chúng ta không chỉ nghiên cứu các yếu tố và điều kiện tự nhiên mà còn phải nghiên cứu thế ứng xử và hoạt động nhân văn của con người gắn với môi trường biển. Biển là một thế giới mênh mông, giàu tiềm năng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương do những tác động của con người. Biển là môi trường sống của các quốc gia Đông Nam Á và là viễn cảnh của khu vực trong tương lai.

Chú thích:

1. Lương Ninh: ảnh hưởng của văn hoá ấn Độ với văn hoá Đông Nam á, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 5 (167), 1998, tr. 67.

2. Tư liệu Trung Quốc viết về Việt Nam và các quốc gia Đông Nam á; Phần Tấn thư, Tư liệu Khoa Lịch sử, số LS-TL 0058.

3 & 4. Tư liệu Trung Quốc viết về Việt Nam và các quốc gia Đông Nam á; Lương thư, Tư liệu Khoa Lịch sử, số LS-TL 0058.

5. Tiền Hán thư, Q.28, phần Hạ; Dẫn theo Trần Quốc Vượng: Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam; trong: Biển với người Việt cổ, Nxb Văn hoá Thông tin, H., 1996, tr.11.

6. Minh sử (Các phần viết về Đông Nam á), Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN, số TL 736, tr.7-8.

7. Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press. Tham khảo thêm Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử khu vực Đông Nam á (Thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á, số 4 (25), 1996.

8. Nguyễn Văn Kim: óc Eo - Phù Nam: Vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực, Tạp chí Khoa học XHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1, 2005, tr.42-57.

9. Dương Văn Huy: Về những đợt thám hiểm của Trịnh Hoà ở Đông Nam á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số , 2006, tr. 69-74.

10. Minh sử có chép về sự kiện năm 1407, Trịnh Hoà từ Tây Dương trở về sai người tới dụ viên đầu mục ở Cựu cảng (Palembang) là Trần Tố Nghĩa nhưng “Tố Nghĩa trá hàng, ngầm mưu đón cướp nhưng có thi Tiến Khanh báo cho Trịnh Hoà biết. Khi Tố Nghĩa đến đánh úp thì bị bắt, đem về nộp triều đình, rồi bị giết. Lúc này Tiến Khanh sai con rể là Khâu Ngạn Thành vào triều cống. Triều đình hạ lệnh đặt Cựu cảng làm một ty tuyên uý và cử Tiến Khanh làm Tuyên uý sứ, ban cho ấn và áo mũ, từ đó nhiều lần sang cống”, Minh sử, Tư liệu Khoa Lịch sử, số TL 736, tr. 73-74.

11. Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Công an Nhân dân, H., 1995, tr.21.

12. Một số tác giả Trung Quốc cho rằng: “các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện và đặt tên sớm nhất”, “khai phá và kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ Trung Quốc “quản hạt và hành sử chủ quyền sớn nhất”. Viện dẫn tư liệu trong Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát cũng có người cho rằng từ năm thứ 5 hiệu Trinh Nguyên (789) đời Đường, Trung Quốc đã sát nhập các đảo Nam Hải vào đảo Hải Nam. Song, thực tế lịch sử hoàn toàn không phải như vậy. Xem Phạm Kim Hùng: Tài liệu lịch sử chứng minh các quần đảo ở Biển Đông (Nam Trung Hoa) chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc, Tạp chí Khoa học - Khoa học Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, T.XIV, số 3, 1998, tr.43-45.

13. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Tập I, H., 1993, tr.317.

14. Viện Nghiên cứu Đông Nam á: Biển với người Việt cổ, Nxb Văn hoá Thông tin, H., 1996; Nguyễn Văn Kim - Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt - Thực tiễn lịch sử và nhận thức, Hội thảo Quốc tế Việt Nam trong hệ thống thương mại châu á thế kỷ XVI-XVII, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN tổ chức, H., tháng 3-2007.

15. Nguyễn Văn Kim: Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, Tạp chí Nguyên cứu Lịch sử, số 6 (362), 2006, tr.22.

16. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Giáo Dục, H., 2002, tr.32.

17. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1987, tr.119-120.

18. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.120.

19. Nguyễn Quang Ngọc - Vũ Văn Quân: Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của đội Hàng Sa, Tạp chí Khoa học - Khoa học Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, T.XIV, số 3, 1998, tr.15.

20. Lê Tiến Công: Biển trong cái nhìn của các vua triều Nguyễn, Tạp chí Xưa & Nay, số 280 tháng 3, 2007, tr.26-27.

21. Vũ Dương Ninh: Việt Nam - ASEAN: Mối quan hệ hợp tác đa phương, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004, tr. 24-25.

22. Nguyễn Thu Mỹ: Đông Nam á trong chiến lược toàn cầu của Mỹ sau sự kiện 11-9-2001, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (373), 2007, tr.57.

23. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoà bình quốc tế (SIPRI) thì chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2006 đã lên đến 1,2 nghìn tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2005. Cụ thể, có 10 quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất là Mỹ chi 528,7 tỷ USD, chiếm 46% chi tiêu quân sự toàn cầu; Anh: 59,2 tỷ (5%); Pháp: 53,1 tỷ (khoảng 5%); Trung Quốc: 49,5 tỷ (khoảng 4%); Nhật Bản: 43,7 tỷ (khoảng 4%); Đức: 37 tỷ (khoảng 3%); Nga: 34,7 tỷ (khoảng 3%); A-rập Xê-út: 29 tỷ (khoảng 3%); ấn Độ: 23,9 tỷ (khoảng 2%). Xem Toàn cảnh chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2006, Báo Nhân Dân ngày 29-6-2007, tr.4. Theo đó, các nước ASEAN cũng đều tăng ngân sách cho quốc phòng. Trong năm tài chính 2004-2005, Myanmar đã dành 9% GDP để mua sắm vũ khí, Việt Nam: 6,9%, Brunay: 5,6%, Singapore: 4,7%, Indonesia: 2,8%, Thái Lan: 0,35%. Dân theo TTXVN: Về kế hoạch hiện đại hoá quốc phòng lần thứ hai của ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 22-1-2007.

24. John Wilson Lewis – Xue Litai: Sức mạnh về chiến lược trên biển của Trung Quốc - Những chính sách hiện đại hoá quân sự trong thời đại hạt nhân, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1997, tr.47-84.

25. Nguyễn Thu Mỹ: Đông Nam á trong chiến lược toàn cầu của Mỹ..., tr.50.

26. Từ năm 1956 Trung Quốc đã cho quân đội chiếm nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến tháng 1-1974 nước này đã chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo. Với Trường Sa, tính đến tháng 2-1995 Trung Quốc chiếm 7 vị trí, Đài Loan: 1, Philippines: 8, Malaysia: 3 và Việt Nam hiện đang bảo vệ 21 vị trí. Xem Trần Công Trực: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Tạp chí Khoa học, ĐHQG HN, số 3, 1998, tr. 3.

27. Thông tấn xã Việt Nam: Vấn đề Nam Hải có thể giải quyết một cách hoà bình hay không? Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 7-3-2007. Trích tờ Thế giới trí thức, Trung Quốc, số 3-2007.

28. Cổ Tiểu Tùng: Xây dựng “Một trục hai cánh” - Cục diện mới trong hợp tác khu vực Trung Quốc - ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1 (71), 2007, 57-70.

29. Eo biển Malacca dài 550 hải lý (khoảng 800km), nằm giữa Singapore, Malaysia và Indonesia, nối ấn Độ Dương với Đại Tây Dương là huyết mạch giao thông quan trọng nhất trên thế giới. Do vị trí giáp ranh giữa nhiều quốc gia, có nơi eo biển hẹp (khoảng 2 km), nước chảy xiết và đá ngầm... nên tàu thuyền qua đây thường phải giảm tốc độ. Đây chính là những yếu tố thuận lợi khiến các toán cướp biển có thể hoạt động.

30. Lê Sĩ Hưng: An ninh eo biển Malacca, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á, số 5 (80), 2006, tr. 64.

31. Vũ Lê Thái Hoàng: Ngăn chặn khủng bố trên biển ở khu vực Đông Nam á - Thách thức và triển vọng, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 57, 2004.

32. Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thì ngay cả các lại rác thải có độ phân huỷ chậm như bao nhựa, polymer... thải ra biển đã tạo thành mang ngăn khiến cho quá trình trao đổi khí giữa nước và đáy không thực hiện được, vùng biển từ thoáng khí trở nên yếm khí, phát sinh ra khí sunphua hydro (H2S) và tạo nên vùng biển chết. Để khôi phục một phần hệ sinh thái vùng biển đó thông thường phải cần từ 60 đến 100 năm.

33. Theo National Geographic, Minh Sơn:

34. Báo cáo Hội nghị khoa học “Biển Đông - 2000”, Nha Trang, theo Thu thảo .

35. Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Báo Nhân Dân, ngày 16-1-2007.

 PGS.TS. Nguyễn Văn Kim
Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |