Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Quan hệ EU – ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới
Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực Châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng những năm gần đây đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. So với các nước lớn khác sự hiện diện của EU ở khu vực này muộn hơn, nhưng từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay quan hệ EU với khu vực này phát triển khá mạnh mẽ.

Năm 1994, Liên minh Châu Âu đã công bố chiến lược mới đối với Châu Á và năm 2001 đã điều chỉnh chiến lược này với tiêu đề “Châu Âu và Châu Á: Một khuôn khổ chiến lược cho sự tăng cường quan hệ đối tác”. Đặc biệt, tháng 7 năm 2003 EU đã thông qua chiến lược riêng với khu vực Đông Nam Á, chiến lược này nhằm tăng cường hiện diên, hợp tác và đối thoại của EU với các nước ASEAN. Báo cáo này sẽ phân tích quan hệ EU - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay.

1. Những nhân tố chủ yếu tác động đến quan hệ EU - ASEAN hiện nay.

Bước vào thế kỷ XXI thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thế giới nói chung, quan hệ giữa các quốc gia và khu vực nói riêng. Tác động đến quan hệ EU-ASEAN trước hết phải kể đến những nhân tố cơ bản sau đây:

Thứ nhất, toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy, xu hướng tăng cường hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu đan xen vào nhau. Thực ra toàn cầu hoá đã xuất hiện từ lâu, và tác động đến nhiều nước và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá hiện nay mạnh mẽ hơn nhiều, đó là tốc độ của toàn cầu hoá và sự sâu sắc của quá trình này. Dưới tác động của cuộc cách mạng KHKT, cuộc cách mạng thông tin đã làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên của mọi quốc gia trên các mặt kinh tế, chính trị xã hội. Trong bối cảnh đó, EU và ASEAN ngày càng có nhiều mối quan tâm và lợi ích trong việc thúc đẩy hoà bình và an ninh trong phạm vi khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quốc tế như liên hợp quốc, tổ chức thương mại thế giới v.v.

Rõ ràng toàn cầu hoá đã tác động làm cho xu hướng tăng cường hợp tác giữa EU và ASEAN nói riêng, quan hệ quốc tế nói chung ngày càng trở nên cần thiết, việc tăng cường hợp tác, tranh thủ những cơ hội do toàn cầu hoá đem lại, đồng thời nỗ lực chung trong việc khặc phục những tác động tiêu cực của quá trình này là yêu cầu khách quan đặt ra trong quan hệ EU - ASEAN hiện nay và trong tương lai.

Thứ hai, cùng với xu thế hoà bình và phát triển, những xung đột, bất ổn định ở một số nơi trên thế giới có nhiều biểu hiện phức tạp. Sau sự kiện 11-9 tại Mỹ vấn đề chống khủng bố đang đòi hỏi phải có sự tăng cường hợp tác trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những điểm nóng ở Trung Đông ngày càng gia tăng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt, những mâu thuẫn mới giữa Mỹ và Nga gần đây về kế hoach của Mỹ trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tai một số nước Đông Âu đang tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới. Tình hình trên đang đặt ra trước thế giới nói chung, quan hệ EU - ASEAN nói riêng nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh chính trị, chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và những xung đột nảy sinh trên thế giới.

Thứ ba, Liên minh Châu Âu đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Từ sau khi Hiệp ước Maastricht được thông qua, EU đã có bước phát triển về chất, đặc biệt đáng chú ý là việc hình thành liên minh kinh tế tiền tệ với việc ra đời của đồng tiền chung Châu Âu - đồng Euro. Hiện nay khu vực đồng EURO đã có 13 nước tham gia (Slovenia gia nhập khu vực sử dụng đồng Euro năm 1/1/2007) và dự kiến hai nước Síp và Malta sẽ gia nhập đồng tiền chung Châu Âu vào năm 2008 (1), đồng EURO đã trở thành phương tiện thanh toán và dự trữ ngoại tệ quan trọng của nhiều nước. Liên minh Châu Âu cũng đang tiếp tục mở rộng hợp tác sang lĩnh vức khác như an ninh quốc phòng, tư pháp và nội vụ, đây là những yếu tố cơ bản để EU liên kết chặt chẽ hơn. Hiện nay EU đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế của EU sau việc cử tri hai nước Pháp và Hà lan nói “không” với bản Hiến pháp Châu Âu trong tháng 5 và 6 năm 2005 (2). Kết quả cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra ngày 22- 23 tháng 6 năm 2007 vừa qua có thể cho phép EU đưa ra Hiệp ước mới và dự kiến sẽ được các nước thành viên phê chuẩn năm 2009. Điều này sẽ đảm bảo cho quá trình nhất thể hoá Châu Âu tiếp tục được phát triển xa hơn nữa.

Vấn đề EU mở rộng vào ngày 1-5-2004 và ngày 1-1-2007 với việc kết nạp thêm 12 nước thành viên mới là yếu tố quan trọng tác động đối với EU. Trong lịch sử phát triển của EU, đây là lần mở rộng lớn nhất với việc kết nạp thêm 10 thành viên đợt đầu và 2 thành viên đợt 2 từ Đông Âu và vùng Bantích, đưa dân số EU tăng thêm 20%, lãnh thổ tăng thêm 34%, GDP tăng thêm 5%. Mở rộng EU lần này có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn bởi vì lần đầu tiên các nước Đông Âu đối lập về thể chế chính trị trong nhiều thập kỷ đã trở thành thành viên của EU, vị trí và vai trò của EU trên thế giới được tăng cường rõ rệt và điều đó sẽ tác động mạnh mẽ đến quan hệ với bên ngoài nói chung, với ASEAN nói riêng.

Thứ tư, trong những năm vừa qua ASEAN không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay ASEAN đã bao gồm 10 nước thành viên và đang tích cực hoàn thành việc thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và khu vực đầu tư ASEAN (AIA), cũng như việc tăng cường mở rộng hợp tác với các nước láng giềng Đông Bắc Á. Đặc biệt, ý tưởng về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là bước phát triển về chất trong quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Bali IX (10/2003). Điều này tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12, tháng 1/2007 tại Philippin. Theo đó, ý tưởng xây dựng cộng đồng ASEAN sẽ rút ngắn lại vào năm 2015. Cộng đồng ASEAN được xây dựng trên 3 trụ cột: chính trị an ninh, kinh tế và văn hoá xã hội. Ba trụ cột này đan xen và hỗ trợ chặt chẽ với nhau theo mục đích đảm bảo hòa bình và ổn định thịnh vượng trong khu vực. Trong đó, Cộng đồng an ninh (ASC) là công cụ để nâng cao sự hợp tác chính trị và an ninh của ASEAN lên một tầm cao mới, bảo đảm cho các thành viên chung sống hoà bình để giải quyết các xung đột trong khu vực, an ninh của mỗi nước gắn chặt với các nước thành viên khác trong mục tiêu chung. Đồng thời, ASC tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và duy trì nguyên tắc không can thiệp, đồng thuận, tự cường quốc gia, không dùng vũ lực hay đe dạo dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là mục tiêu quan trọng của Hội nhập kinh tế nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, các yếu tố như hàng hoá, dịch vụ và đầu tư sẽ được tự do lưu chuyển nhằm phát triển kinh tế đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội được giảm thiểu. Cộng đồng văn hoá – xã hội (ASCC) hình thành nhằm hướng tới một Đông Nam Á gắn kết trong mối quan hệ đối tác, đùm bọc lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác phát triển.

Như vậy, cùng với quá trình tăng cường liên kết nội khối, ASEAN đã tích cực tham gia và ủng hộ quá trình liên kết toàn cầu như WTO, ASEM, APEC, nhất là ASEAN đã và đang tích cực ký kết các hiệp định FTA với các nước đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Australia và Newzeland. Đặc biệt, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New-Dilân và Ấn Độ đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất vào tháng 12 – 2005 tại Malaysia với việc các nhà lãnh đạo thống nhất “Cộng đồng Đông Á là diễn đàn đối thoại rộng rãi về vấn đề chính trị, kinh tế, những lợi ích chung, với mục tiêu thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á”. Và “Cộng đồng Đông Á là cộng đồng mở, minh bạch, diễn đàn hướng tới tương lai mà chúng ta hướng tới tăng cường quy tắc toàn cầu, thừa nhận các giá trị chung, với các nước ASEAN như là một đối tác chính tham gia đối thoại với các nước khác trong Cộng đồng Đông Á(3). Quá trình đàm phán và ký kết FTA song phương giữa ASEAN với các nước đối thoại, đồng thời tham gia Cộng đồng Đông Á giúp các nước thành viên gia tăng các hoạt động thương mại và đầu tư và đẩy quá trình liên kết khu vực theo những thể thức hiện có, phù hợp với các cam kết song phương giữa ASEAN với các đối tác. Rõ ràng, ASEAN đang trở thành tâm điểm của quá trình tự do hoá thương mại, cùng với quá trình liên kết nội khối, các nước thành viên ASEAN đã liên kết với các đối tác lớn bên ngoài làm cho ASEAN trở thành một khu vực mở, đồng thời tạo ra vị thế mới cho ASEAN trong quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ ASEAN - EU.

Thứ năm, quan hệ hợp tác Á - Âu ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau Hội nghị thượng đỉnh ASEM V tại Hà nội tháng 10-2004. Sau khi EU công bố chiến lược mới đối với khu vực Châu Á năm 1994, xuất phát từ sáng kiến của ASEAN về việc hình thành diễn đàn hợp tác Á - Âu đã được các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hưởng ứng nhiệt liệt. Kết quả là tháng 3-1996 Hội nghị ASEM đầu tiên đã được tổ chức tại thủ đô Băngkok (Thái Lan) với sự tham gia của 7 nước ASEAN, 15 nước EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản. Có thể nói ASEM I là Hội nghị mang tính lịch sử, mở đầu cho quan hệ hợp tác Á - Âu mà EU và ASEAN là nòng cốt, ASEM II là bước tiến theo chiều sâu của quá trình đó. Tiếp đến ASEM III và IV đã tìm kiếm những biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác Á - Âu trong bối cảnh mới, đặc biệt sau sự kiện khủng bố 11-9 tại Mỹ. ASEM V tại Hà nội tháng 10 năm 2004 là thành tựu rõ rệt nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Á - Âu đi vào thực chất và hiệu quả hơn và tại hội nghị ASEM V đã kết nạp thêm 13 thành viên mới, trong đó có mười nước thành viên mới của EU và 3 nước còn lại của ASEAN. Tháng 12 năm 2006, Phần Lan đã tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh ASEM VI với khẩu hiệu là “10 năm ASEM: Những thách thức toàn cầu – Hành động chung”. Chương trình ưu tiên của Hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki là: Hỗ trợ hệ thống quốc tế đa phương; Vấn đề đe doạ an ninh bao gồm cả sức khoẻ toàn cầu do cúm gia cầm; Vấn đề an ninh năng lượng và thay đổi khí hậu; Đề xuất tổng thể về Vòng đàm phán Doha; Vấn để toàn cầu hoá, cạnh tranh và thay đổi cơ cấu của nền kinh tề toàn cầu; Đối thoại về văn hoá giữa hai khu vực. Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM VI cũng bàn về mở rộng các thành viên, Hội nghị đã thống nhất kết nạp thêm các nước thành viên mới: phía EU là Bungari và Rumania và Châu Á là Ban thư ký ASEAN, Ấn Độ, Pakistan và Mông Cổ. Các thành viên trên sẽ được xem xét và kết nạp tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM VII tại Trung Quốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực nhằm phát triển hoà bình, ổn định, hiểu biết lẫn nhau giữa hai lục địa Á – Âu. Như vậy, tăng cường hợp tác Á - Âu là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ EU-ASEAN trong thời gian vừa qua và trong tương lai.

Có thể nói, sự phát triển quan hệ EU-ASEAN hiện nay chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó xu thế tác động theo hướng tăng cường sự hợp tác giữa hai khối ngày càng rõ nét. Điều đó xuất phát từ yêu cầu và mục đích của cả hai phía. Trong bối cảnh toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ hiện nay, sự tăng cường về chiều rộng và chiều sâu của cả hai khối đang tạo nhiều cơ hội phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giưa hai khu vực trong tương lai.

2. Quan hệ EU – ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới.

Liên minh Châu Âu và ASEAN có lịch sử quan hệ từ khá sớm nhưng cho đến nay mối quan hệ này còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu hợp tác của cả hai phía. Năm 1972 Cộng đồng kinh tế Châu Âu là đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN thông qua Uỷ ban phối hợp đặc biệt của ASEAN (SCCAN). Sau khi Hiệp định hợp tác EC-ASEAN được ký kết vào năm 1980 quan hệ giữa hai khối này được phát triển mạnh mẽ hơn. Hiệp định hợp tác EC - ASEAN đã tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác của cả hai bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ về chiều rộng và chiều sâu hiện nay của hai khối đang đặt ra nhu cầu mới cho sự phát triển quan hệ giữa EU – ASEAN. Phát triển quan hệ EU-ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, EU đã xác định chiến lược tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Như trên đã đề cập, quan hệ hợp tác giữa EU – ASEAN được thiết lập vào năm 1980 với việc ký kết Hiệp định hợp tác giữa EC – ASEAN. Các bên tham gia Hiệp định đã cam kết ủng hộ những nỗ lực của nhau trong việc tạo lập và tăng cường sức mạnh của các tổ chức khu vực vì sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá. Phát triển sâu và đa dạng hoá những quan hệ kinh tế thương mại để phát huy đầy đủ tiềm năng ngày càng tăng của cả hai phía nhằm đáp ứng có kết quả các nhu cầu của nhau trên cơ sở cùng có lợi và phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của mỗi bên. Năm 1994, sau khi EU thông qua chiến lược mới đối với Châu Á và sau cuộc họp lần thứ 11 Bộ trưởng EU –ASEAN ở Karlsuche, Đức đã đề ra chiến lược phát triển dài hạn EU - ASEAN. Tại cuộc họp này EU cũng đã khẳng định tầm quan trọng về mặt kinh tế, chính trị của ASEAN nói riêng, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Việc triển khai chiến lược Châu Á mới và tuyên bố Karsulche đã mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hợp tác Á - Âu, trong đó EU và ASEAN là nòng cốt. Tuy nhiên, trước sự biến đổi nhanh chóng của thế giới nói chung, khu vực nói riêng, tháng 9 năm 2001 EU lại công bố văn bản mới: “Châu Âu và Châu Á - một khuôn khổ chiến lược cho sự gia tăng quan hệ đối tác”. Đây được coi là sự điều chỉnh chiến lược mới đối với Châu Á với việc xác định 6 mục tiêu cụ thể là: 1) Đóng góp cho hoà bình và an ninh trong khu vực và trên toàn cầu qua việc mở rộng cam kết của EU với khu vực; 2) Tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực; 3) Khuyến khích sự phát triển của các nước kém phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực xoá nghèo; 4) Đóng góp cho việc mở rộng dân chủ, quan trị tốt và cai quản bằng pháp luật; 5) Xây dựng quan hệ đối tác đồng minh toàn cầu với các nước Châu Á và 6) Trợ giúp cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Châu Âu và Châu Á. Thực hiện chiến lược này quan hệ giữa EU với Châu Á nói chung, quan hệ giữa EU - ASEAN nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ, hình ảnh của EU đã được gia tăng thông qua sự hợp tác toàn diện của EU với khu vực này trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, an ninh và văn hoá.

Đến tháng 7 – 2003, EU đã đưa ra một chiến lược riêng với ASEAN với tiêu đề “Quan hệ đối tác mới với Đông Nam Á” nhằm khẳng định rõ vai trò của ASEAN trong chiến lược phát triển của mình. Nhìn chung bản chiến lược này vẫn khẳng định những nội dung chính trong chiến lược của EU với Châu Á, trong đó nhấn mạnh quan hệ EU với ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới, cụ thể ưu tiên chiến lược đối với ASEAN tập trung vào ổn định khu vực, chống khủng bố, phát triển dân chủ, nhân quyền, giúp đỡ các nước kém phát triển, đặc biệt, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai khu vực. Chiến lược cũng khẳng định cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác hai khu vực theo khuôn khổ của WTO, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự thương mại của EU-ASEAN. Đồng thời, EU đã đưa ra “sáng kiến thương mại xuyên khu vực” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư của hai phía. Theo sáng kiến này hai phía sẽ xác lập tiến trình đối thoại và hợp tác theo chủ đề: thuận lợi hoá thương mại, tiếp cận thị trường, các vấn đề về đầu tư giữa hai khu vực. Liên quan tới vấn đề này EU cũng đưa ra danh mục các phía có thể phát triển hợp tác chặt chẽ gồm: các tiêu chuẩn công nghiệp, thuế quan, thương mại và môi trường, đầu tư, cạnh tranh, thương mại điện tử, xã hội thông tin, dịch vụ, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, Liên minh Châu Âu đã tham gia đối thoại và hợp tác với các nước Châu Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng thông qua các chiến lược này. Chiến lược này đảm bảo sự tăng cường hiện diện, đối thoại và vai trò của EU đối với Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.

Thứ hai, EU – ASEAN tăng cường đối thoại về chính trị - an ninh. Trên cơ sở các chiến lược của EU với Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, EU đã tích cực tăng cường đối thoại với các nước Châu Á về an ninh chính trị. Liên minh Châu Âu trở thành một bên đối thoại đầy đủ của ASEAN, EU cũng tham gia các diễn đàn an ninh khu vực (ARF). Đặc biệt thông qua diễn đàn hợp tác Á – Âu các vấn đề an ninh chính trị khu vực và thế giới được hai bên cùng quan tâm chia sẻ vì lợi ích chung và vì hoà bình và ổn định của hai khu vực và toàn thế giới. Hai bên cũng tiếp tục đối thoại và hợp tác chặt chẽ các vấn đề về chống khủng bố, buôn bán người bất hợp pháp, buôn bán ma tuý, chống nạn cướp biển, buôn lậu vũ khí, chống rửa tiền, tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, hai bên cũng cam kết, hợp tác trong lĩnh vực về kiểm soát và không phổ biển vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt. Đặc biệt, EU cam kết và ủng hộ khu vực ASEAN không có vũ khí hạt nhân, đồng thời EU và ASEAN cũng cam kết và tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát và buôn bán vũ khí hạng nhẹ và vũ khí thông thường giữa hai bên.

Hiện nay, EU đã tham gia vào một loạt các cuộc họp tư vấn với ASEAN, bao gồm diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), hội nghị bộ trưởng EU-ASEAN(AEMM), hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN-EU, hội nghị các chuyên gia ASEAN-EU và uỷ ban hợp tác hỗn hợp (JCC). Thông qua các diễn đàn này, EU và ASEAN có cơ hội xem xét những vấn đề kinh tế chính trị và an ninh hiện nay và sự phát triển hợp tác liên quan tới lợi ích của hai phía. Ngoài ra, Uỷ ban ASEAN-Brusels, Uỷ ban ASEAN-Born, Uỷ ban ASEAN-London và uỷ ban ASEAN - Paris cũng tiến hành các hoạt động tư vấn và duy trì đối thoại với EU. Đặc biệt, ASEAN mong muốn EU ký Hiệp định thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), nếu EU tham gia hiệp ước này sẽ góp phần xây dựng nền tảng cho hợp tác an ninh chính trị giữa EU – ASEAN trong bối cảnh mới khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, thúc đẩy và mở rộng hợp tác kinh tế thương mại – Xúc tiến xây dựng Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa EU – ASEAN. Kể từ khi hai bên ký Hiệp định khung hợp tác 1980 kim ngạch thương mại hai chiều EU-ASEAN tăng liên tục. Năm 1993 kim ngạch buôn bán EU - ASEAN tăng gấp 3 lần so với năm 1980, tức là từ 20 tỷ lên 60 tỷ USD, năm 1995 là 70 tỷ USD. Năm 1995 EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Nhật Bản và Mỹ. Phía EU chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trong khi đó ASEAN chỉ chiếm 2,6% tổng kim ngạch thương mại của EU năm 1995. Năm 2003 thương mại EU-ASEAN đạt 5,8% tổng kim ngạch thương mại của EU, và EU chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Mỹ, Nhật Bản. Xuất khẩu của EU vào ASEAN đạt 39 tỷ EURO, trong khi nhập khẩu của EU từ ASEAN là 66 tỷ EURO. Đến năm 2005, EU xuất khẩu vào thị trường ASEAN là 45 tỷ Euro và nhập khẩu từ các nước ASEAN là 71 tỷ Euro, những hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của ASEAN vào thị trường EU là máy móc, các sản phẩm nông nghiệp, dệt may (4). Như vậy, với EU, ASEAN có tiềm năng to lớn cho việc phát triển hợp tác thương mại hai bên, ASEAN vừa là thị trường, vừa là cửa ngõ để EU đi vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, ASEAN đang trở thành một thị trường quan trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ EU. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư có vị trí quan trọng trong quan hệ EU - ASEAN.

Như vậy, kim ngạch thương mại và đầu tư giữa EU – ASEAN ngày càng tăng trong bối cảnh ASEAN đã và đang tích cực ký kết, đàm phán và xây dựng hiệp định tự do thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác lớn trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc…, ASEAN là đối tác quan trọng trong xây dựng và hình thành Cộng đồng Đông Á. Điều này đã và đang trở thành sức hút đối với các đối tác lớn khác trong việc xây dựng và mở rộng quan hệ với ASEAN, nhất là đối với EU. Đặc biệt, trong chiến lược hợp tác của EU với các nước Đông Nam Á, EU đã xác định các lĩnh vực ưu tiên giữa hai bên trong khuôn khổ TREATI và có thể tiến tới xây dựng một hiệp định tự do khuôn khổ song phương. Do đó, hai bên đã thành lập Nhóm tầm nhìn theo thoả thuận giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao uỷ thương mại nhân dịp Hội nghị tham vấn AEM-EU tại Hạ Long, Việt Nam tháng 4 năm 2005. Tháng 5 năm 2006, Nhóm tầm nhìn EU – ASEAN đã đưa ra bản báo cáo, đề xuất xây dựng khu vực mậu dịch tự do thương mại song phương giữa EU- ASEAN. Theo đó, Nhóm tầm nhìn đã đề xuất Hiệp định tư do thương mai giữa hai bên sẽ bao gồm: Mục tiêu và nguyên tắc của hiệp định; Những lĩnh vực hợp tác cụ thể như: Nông nghiệp, Thủy sản, Lâm sản, Phát triển du lịch, khoa học và công nghệ, Bưu chính và viễn thông, Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác về tài chính, giao thông vận tải, khai khoáng và năng lượng, Chính sách cạnh tranh, giáo dục… Rõ ràng, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, như là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, việc EU đã nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định tự do thương mại song phương giữa EU – ASEAN sẽ thúc đẩy tăng cường sự hiện diện và lợi ích của mình ở Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, đồng thời cũng là cơ hội cho EU “không bị lỡ chuyến tầu” khi tham gia vào khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay.

Có thể thấy, lợi ích của việc hình thành khu vực mậu dịch tự do giữa EU với ASEAN như sau: Trong báo cáo nghiên cứu của Uỷ ban Châu Âu, khi hiệp định FTA hình thành giữa EU với các nước như ASEAN, Hàn Quốc và Ấn Độ thì quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên sẽ tăng một cách nhanh chóng, cụ thể: Xuất khẩu của EU vào thị trường ASEAN tăng 24,2%, Ấn Độ là 56,8% và Hàn Quốc là 47,8% và tính tổng xuất khẩu của EU vào 3 thị trường này tăng 3,23% (tổng xuất khẩu của EU vào 3 thị trường này là 1,3 nghìn tỷ Euro) và làm tăng GDP là 0,13%. Trong đó, xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường EU tăng là 18,5%, Hàn Quốc là 36% và Ấn Độ là 18,7% (5). Rõ ràng, những lợi ích mà Hiệp định FTA giữa EU với ASEAN là rất lớn, xuất phát thị trường tiềm năng của hai bên là rất lớn, ASEAN với 530 triệu dân và EU cũng 485 triệu dân, đặc biệt năm 2015 ASEAN sẽ hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN với việc tự do di chuyển vốn, lao động, dịch vụ và hàng hoá sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào ASEAN.

Thứ tư, Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh năng lượng và thay đổi khí hậu. Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục tăng và ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn tiêu thụ nhiều dầu và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ bên ngoài đều phải thực hiện những chính sách nhằm giảm bớt sự phụ thuộc nền kinh tế của mình vào dầu mỏ. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN…là những nước có nhu cầu tiêu thụ nguồn nhiêu liệu rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Do đó, an ninh năng lượng là một trong những vấn đề trọng tâm trong hợp tác giữa EU và ASEAN. Tại hội nghị Bộ trưởng giữa EU – ASEAN được tổ chức tại Nuremberg, Đức tháng 3 – 2007, hai bên đã ra tuyên bố Nuremberg về tăng cường đối tác EU – ASEAN, trong đó có nhấn mạnh đến hợp tác về an ninh năng lượng và thay đổi khí hâu môi trường. Theo đó, hai bên tăng cường và thúc đẩy đối thoại song phương về chính sách năng lượng EU - ASEAN nhằm ổn định và đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời đối thoại sao cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định, hiệu quả. Hai bên cũng tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, EU – ASEAN cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là hai bên cam kết thực hiện các công ước về thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Nghị định thư Kyoto từ nay đến 2012, trong đó nhấn mạnh tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng có hiệu quả, sử dụng năng lượng mới và một loạt các hợp tác khác giữa EU – ASEAN trong lĩnh vực môi trường như: cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cải thiện chất lượng không khí, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên như quản lý và bảo vệ rừng, đa dạng sinh học…

Thứ năm, EU tăng cường viện trợ phát triển cho các nước thành viên ASEAN. Ngoài hợp tác thương mại đầu tư, viện trợ phát triển cũng được nhấn mạnh trong quan hệ EU-ASEAN kể từ sau Hiệp định hợp tác EC - ASEAN được ký kết năm 1980. Mục tiêu của hợp tác phát triển là nâng cao thiết bị kỹ thuật cho ASEAN và thúc đẩy hợp tác khu vực rộng rãi hơn. ASEAN là khu vực có khả năng tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật lớn trong việc tiến hành các hoạt động, dự án và chương trình khác nhau được sự đồng ý của cả hai bên. Hỗ trợ kỹ thuật của EU đã dành vào việc thực hiện các dự án nghiên cứu, điều tra, cung cấp các học bổng, tổ chức các hội thảo và các hình thức đào tạo khác cũng như các biện pháp thương mại và thúc đẩy xuất khẩu. Các lĩnh vực được tiến hành rất đa dạng, từ thương mại, công nghiệp, tài chính, ngân hàng, khai thác mỏ, năng lượng, nông nghiệp, rừng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc cho đến sự phát triển xã hội, phát triển nguồn nhân lực và kiểm soát ma tuý. đặc biệt EU đã ASEAN trong việc thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo hải quan, Trung tâm nghiên cứu và quản lý năng lượng ASEAN-EC, Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp gỗ xây dựng ASEAN, Trung tâm quản lý ASEAN-EC… Hiện nay giữa hai bên đang triển khai các dự án hợp tác theo 5 lĩnh vực: thuận lợi hoá thương mại, năng lượng, môi trường, xây dựng năng lượng, giáo dục Đại học.

Tóm lại, quan hệ giữa EU – ASEAN trong tương lai sẽ ngày càng được củng cố và tăng cường hợp tác toàn diện. Hai bên đã có những bước đi để thực hiện các cam kết hai bên đã ký kết, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU – ASEAN đã xúc tiến đàm phán một hiệp định tự do thương mại (FTA) nhằm tăng cường đối tác toàn diện giữa hai bên. Cả ASEAN – EU tích cực đàm phán và đối thoại giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, đặc biệt hai bên tích cực cam kết thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn Hợp tác Á – Âu nhằm đem lại hoà bình, ổn định và thịnh vượng giữa hai khu vực.



(1) Uỷ ban Châu Âu, Report on the practical preparations for the future enlargement of the euro area, http://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=COM:2006:0671:FIN:EN:HTML, tải ngày 12 tháng 6 năm 2007.

(2) Các nước đã phê chuẩn/ trưng cầu dân ý bản Hiến pháp Châu Âu là Áo, Bỉ, Estonia, Đức, Hy lạp, Hungary, Italia. Lítva, Látvia, Luxembourg, Malta, Bồ Đào Nha, Slovenlia, Slovakia, Tây Ban Nha và Phần Lan là thành viên thứ 16 phê chuẩn Hiệp ước Hiến pháp Châu Âu (Tính đến hết tháng 12 năm 2006). http://www.europa.eu/constitution/ratification_en.htm tải ngày 20 tháng 12 năm 2006

(3) Frank Frost và Ann Rann (2006), The East Asia Summit, Cebu, 2007: issues and prospects, http://www.aph.gov.au/library/intguide/fad/eastasia_summit2007.htm#eas, tải ngày 6 tháng 3 năm 2007

(4) ASEAN, a key partner for Europe, http://ec.europa.eu/external_relations/asean/intro/index.htm, tải ngày 7 tháng 6 năm 2007

(5) Báo cáo nghiên cứu của Uỷ ban Châu Âu, Reseach show big potential gains from new EU FTAs, Ngày 23 tháng 4 năm 2007, http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2007/april/tradoc_134543.pdf, tải ngày 7 tháng 6 năm 2007.

 PGS.TS. Nguyễn Quang Thuấn
Viện nghiên cứu Châu Âu - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   |