Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Từ mái trường Đại học Tổng hợp Lômônôsôv, nghĩ về quan hệ Việt - Nga qua những tổng kết và trải nghiệm thực tiên
Trường Đại học Tổng hợp quốc gia quốc gia mang tên Lômônôsôv ở Matxcơva (gọi tắt là MGU), được coi là trường Đại học lâu đời nhất của nước Nga và từ lâu được giới chuyên môn và xã hội đánh giá là một trong những trường đẳng cấp tầm quốc tế.

Trường được thành lập bởi sáng kiến và công lao, nhiệt huyết của nhà bác học Nga vĩ đại: Viện sĩ Mikhail Vasilievits Lomonosov (1711-1765). Từ mái trường này, nhiều người Việt Nam đã học tập, nghiên cứu và trưởng thành; cũng từ đây bằng trải nghiệm bản thân, cùng những chia xẻ tâm tưởng với lớp người đi trước, với bạn bè đồng niên và lớp người đi sau, xin được nói đôi điều về quan hệ Việt - Nga.

1. Giới thiệu tổng quan Trường MGU:

Trường MGU được thành lập năm 1755. Thời kỳ đầu, theo kế hoạch của người sáng lập và bối cảnh bấy giờ, Trường có ba khoa: Triết học, Luật học và Y học. Tất cả sinh viên bắt đầu khoá học tại khoa Triết - ở đó họ được chuẩn bị đầy đủ nền tảng về kiến thức khoa học tự nhiên và nhân văn để học tiếp ở tất cả các khoa.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, Trường đã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội Nga. Bước chuyển căn bản của Trường diễn ra sau sự sụp đổ của chế độ nông nô 1861 và sự vận động của nước Nga tiến theo chủ nghĩa tư bản. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học lớn, nhiều nhà văn hóa, nhiều nhà hoạt động chính trị- xã hội như K.A Timiriazev, A.P. Pavlov, N.E. Zhukovski, cùng các tên tuổi lừng danh như: Puskin, Belinski, Lermantôv, Trecnưsepxki, Xaratôv, Landao và Gorbachôv, Ensin, Putin…v.v đã sống và làm việc, học tập, nghiên cứu, qua lại ở MGU. Một số người đã làm nên những tác phẩm lớn, những công trình khoa học tầm cỡ tại ngôi trường thân yêu này.

Số phận của Trường MGU cũng thay đổi theo lịch sử đất nước. Sau cách mạng tháng Mười Nga (1917), Trường có những thay đổi đáng kể, từ 1919 Trường được đầu tư bằng nguồn kinh phí quốc gia. Để tạo điều kiện cho con em lao động được học tập ở Trường Đại học tốt nhất nước, từ năm 1919 trường có mở thêm Khoa dự bị tại Trường (khoa này tồn tại đến năm 1963 nhằm bồi dưỡng, phát hiện những con em công nông học giỏi, đạo đức tốt học lên Đại học). Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva đã trải qua những khó khăn lớn trong những năm 20, 30; tuy nhiên nó vẫn tiếp tục phát triển. Đến năm 1941, riêng hệ chính quy đã có 5.000 sinh viên; hơn 30 giáo sư và cộng tác viên khoa học của Trường đã trở thành Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ).

Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945 là một thử thách lớn với Liên bang Xô Viết. Ngày 25/6/1941 đã có những sinh viên đầu tiên của Trường tình nguyện ra mặt trận. Sau gần hai năm sơ tán, mùa xuân năm 1943, Trường trở về Matxcơva. Trong thời kỳ chiến tranh Trường vẫn đào tạo hơn 3.000 sinh viên thành các nhà chuyên môn. Các nhà khoa học của Trường đã có nhiều cống hiến quan trọng cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế. Trên các mặt trận trong chiến tranh đã có hơn 5.000 sinh viên của Trường tham gia và có hơn 1.000 người được nhận các huân chương, huy chương cao quý.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, Đại học Tổng hợp quốc gia MGU có điều kiện phát triển. Cuối những năm 40, đầu những năm 50 đánh dấu một bước thay đổi căn bản cơ sở vật chất của Trường: Trên đồi Lênin, đã xây dựng tòa nhà chính của Trường. Ngày 1/9/1953, vào dịp khai trường, các nhà khoa học, thầy trò MGU bắt đầu làm việc trong tòa nhà mới với các giảng đường, phòng thí nghiệm khang trang, hiện đại. Quy mô của Trường lúc này lớn hơn 5 lần so với trước chiến tranh. Giữa những năm 50, Trường mở thêm nhiều khoa mới (Tâm lý, Toán máy tính - Điều khiển học, Thổ nhưỡng) và Viện ngôn ngữ phương Đông (đến năm 1972 đổi tên thành Viện các nước Á - Phi trực thuộc Trường). Số lượng sinh viên tăng đáng kể từ 13.000 (1953) tới 26.000 (1992) và thập kỷ đầu thế kỷ XXI luôn giữ sĩ số tương tự.

Đại học Tổng hợp quốc gia MGU là một Trường đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế lâu đời. Việt Nam là một trong những nước có sinh viên đến học rất sớm, khoảng từ 1957, bắt đầu có những sinh viên xuất sắc người Việt đến học bậc Đại học. Từ năm 1959 có nhiều người nước ngoài học tiếng Nga tại Trường, do đó Khoa dự bị Tiếng Nga cho người nước người được thành lập.

Chỉ tính từ năm 1917 đến nay, trường MGU đã đào tạo được gần 180.000 nhà chuyên môn; 35.000 bậc tiến sĩ (Ph.D) ở tất cả các ngành hiện có của trường cho đất nước.

Hiện nay Trường là một trung tâm lớn nhất LB Nga của hoạt động giáo dục- đào tạo, nghiên cứu đa ngành trên khắp các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên- xã hội và văn hóa.

Trường hiện có 19 Khoa và 8 Viện Nghiên cứu trực thuộc Trường; 300 bộ môn thuộc các ngành khoa học khác nhau. Theo thống kê mới nhất, trường có hơn 26.000 sinh viên theo học các ngành, gần 7.000 nghiên cứu sinh và gần 5.000 nhà chuyên môn đang nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Trường có một đội ngũ giáo dục hùng hậu gồm 4.000 giáo sư, giảng viên và 5.000 cộng tác viên khoa học đang làm việc tại Trường. Tổng số người giúp việc và phục vụ lên tới 15.000 người.

Hàng năm tại Trường có khoảng 1.500 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án bậc Tiến sĩ (Ph.D) và 250 người bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (Tiêu chí chính của luận án là thỏa mãn một trong các điều kiện: Đó là một công trình- phát minh mới, giá trị; Tìm ra một hướng nghiên cứu, một giải pháp riêng trong khoa học- công nghệ; Tổng kết thực tiễn một vấn đề mũi nhọn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… nâng thành lý luận; Viết một công trình gắn với chuyên môn và được công nhận làm giáo trình giảng dạy từ cử nhân trở lên cho một trường uy tín quốc gia). Trong công tác đào tạo, Trường chú ý đến phương pháp tự học, học gắn liền với thực tiễn. Sinh viên của Trường có thể học chương trình tự chọn theo sở thích cá nhân, nghĩa là học và nghe giảng cùng lúc vài chuyên ngành ở các khoa khác nhau. Một trong những đặc thù của quá trình giáo dục đào tạo ở trường là sự thống nhất giữa học với bước đầu công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường khuyến khích thầy trò và các đơn vị mở rộng hợp tác quốc tế ở các cấp độ, các loại hình công việc.

Trường MGU có nhà xuất bản riêng, hàng năm in khoảng 400 đầu sách giáo khoa, phổ biến khoa học, văn học; số lượng khoảng 3 triệu bản. Thư viện của Trường có quy mô lớn, được mang tên Gorki với gần 8 triệu bản sách, trong đó có hơn 2 triệu bản sách văn học bằng các thứ tiếng.

Đại học Tổng hợp quốc gia MGU có quan hệ quốc tế rộng rãi với nhiều trường đại học có tiếng trên thế giới ở các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ… và quan hệ với hơn 60 Trung tâm, Tổ chức khoa học quốc tế.

Năm 1946, lần đầu tiên có sinh viên nước ngoài đến học tại MGU, hiện có gần 200 sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài học và nghiên cứu tại đây. Trường đã giúp đào tạo các nhà chuyên môn cho nhiều nước trên thế giới. Gần đây, Trường đã và đang thực hiện Đề án Nhân khẩu học theo chương trình của Liên Hợp quốc và chương trình thủy văn học của UNESCO và xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học quốc tế, Trung tâm khoa học laze quốc tế; hoàn chỉnh hệ thống giáo trình và bài giảng- thảo luận chuyên đề bằng tiếng Nga cho các cơ sở giáo dục- đào tạo nước ngoài. Ngay từ năm 1941, Trường MGU đã mở thêm Viện khoa học và Văn hóa Đức và dần mở thêm các trường (School) kiểu liên danh- hợp tác hay nghiên cứu khu vực học khác trong Trường (Trường Tổng hợp Nga - Mỹ, Trường Tổng hợp Nga- Pháp, Trung tâm Việt Nam học, Viện Á Phi…). Đã có 60 nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị và nhà nước nổi tiếng thế giới đã được chọn làm Tiến sĩ, Giáo sư danh dự của Trường MGU. Ngược lại nhiều nhà khoa học lớn của Trường được công nhận là Viện sĩ danh dự, Giáo sư danh dự của các Viện Hàn lâm khoa học và các Trường Đại học Tổng hợp của thế giới, GS. Viện sĩ Sađôvichi là người đầu tiên của MGU nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội. Riêng Việt Nam theo thống kê chưa đầy đủ từ 1957- 2007, có khoảng hơn 1500 sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đã học tập, nghiên cứu tại Đại học Lômônôsôv. Nhiều người sau khi nhận bằng cử nhân, tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học tại đây, đã trở về Việt Nam tích cực đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng- bảo vệ đất nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị- truyền thống giữa 2 quốc gia, dân tộc.

Nói gọn lại, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lômônôsôv là một Trung tâm khoa học- văn hóa tầm vóc quốc tế và thời đại, xứng đáng với tên tuổi người sáng lập ra nó. Lịch sử của Trường đã ngót 252 năm - đó là một lịch sử lâu đời, vinh quang làm vinh dự cho nước Nga cổ kính xưa và nay. Đó cũng là niềm tự hào, trách nhiệm, niềm tin yêu, tình thân ái- hợp tác chặt chẽ không chỉ của thầy trò người Nga mà còn của những thầy, trò người Việt Nam cùng nhiều nước khác đã từng có dịp hay sẽ có dịp học tập, nghiên cứu, thực tập, công tác tại Trường Lômônôsôv.

2. Những câu chuyện sinh động, những trải nghiệm mãi tô thắm quan hệ Việt- Nga, mở đường cho hợp tác phát triển trong thời kỳ mới:

Trước hết thông qua việc được đào tạo ở MGU, rất nhiều thế hệ người Việt Nam đã trở thành hạt nhân tốt, góp phần tích cực xây đắp tình hữu nghị rất sâu sắc, vì những người Việt Nam vào trường MGU được chọn lựa rất kỹ càng về mọi mặt; họ thường học tập, nghiên cứu, thực tập thời gian lâu, có điều kiện để hiểu đúng, đủ về nước Nga, con người Nga tương đối khách quan. Sau khi rời trường MGU, đa số sứ giả hữu nghị có tri thức đó- gồm nhiều thế hệ kế tiếp khá liên tục, dù phục vụ ở Việt Nam hay ở quốc gia nào thì họ cũng hình thành một cái tạm gọi là phong cách MGU (cởi mở, chân thành, thẳng thắn, say mê công việc và các ý tưởng tiến bộ, làm việc bài bản …) trong tiếp xúc, làm việc đã quảng bá thêm hình ảnh cho MGU và nước Nga. Xin được liệt kê về một số tên tuổi những người từ mái trường MGU đã trưởng thành, có những đóng góp nhất định cho quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt- Nga: đó là cố GS.VS.Nguyễn Văn Đạo- nguyên Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN; GS.VS. Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc Đại học QGHN (hiện là Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm UB Văn hóa- Giáo dục- Thanh- thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga); GS. VS. Nguyễn Duy Quý (nguyên Ủy viên TƯ Đảng,Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam); GS. Lê Hữu Tầng (nguyên P. Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam); GS.TSKH. Vũ Minh Giang- P.Giám đốc Đại học QGHN; TS. Đinh Thế Huynh, Ủy viên TƯ Đảng, TBT Báo Nhân Dân, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS.Trần Đăng Tuấn, P.Tổng GĐ Đài Truyền hình Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, P.Chủ nhiệm Ủy Ban Ngân sách Quốc hội; TS. Ngô Đức Mạnh, P.Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; GS. Lê Chí Quế, Chủ tịch Hội Đồng Học hàm GS cấp Nhà nước ngành Văn học; TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban KH-CN Đại học QGHN; GS.TSKH Đinh Dũnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin; PGS.TS. Trương Gia Bình, giám đốc Tập đoàn FPT; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn; Chánh VP Hội nhà báo VN Đồng Quang Tiến; GS.TSKH. Ngô Thị Thuận (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Hóa Đại học KH Tự nhiên Hà Nội); PGS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; nhà báo quốc tế phạm Hồng Nga; TS.Nguyễn Huy Hoàng (hiện vẫn làm việc tại Nga); GS.TS. Lê Tự Quốc Thắng (làm việc tại Mỹ); vợ chồng PGS.TS. Lê Khánh Châu, Nguyễn Thanh Hoa (làm việc tại CHLB Đức)…v.v

Có thể tất cả những người kể trên và cả những người tôi chưa kể ra ở đây, mỗi người là một cuốn biên niên về những năm tháng ở MGU và cũng là những viên gạch hồng xây nên tình hữu nghị cao đẹp giữa một dân tộc đánh thắng những đội quân xâm lăng hung dữ, nhưng dân tộc đó rất hòa hiếu, khoan dung, có nền văn hiến lâu đời, có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương… với một dân tộc từng cứu nhân loại khỏi ách phát xít, có nền văn hóa, khoa học Nga la tư đặc sắc, rực rỡ bởi các tên tuổi L.Tônstôi, X.Puskin, M. Lômônôsôv, I. Pavlôv…v.v

Năm 1982, tại nhà nghỉ Igumenka gần Sanh Pêterburg, ông V. Barmin lúc đó là Trưởng Ban quan hệ quốc tế của MGU có trao đổi với nhóm sinh viên Việt Nam đang nghỉ Hè ở đó rằng: Quan hệ Việt- Nga cả một giai đoạn dài là quan hệ bởi hoàn cảnh gần giống nhau- hai dân tộc rất yêu hòa bình thế mà buộc phải tiến hành chiến tranh để tự vệ chống ngoại xâm. Bản thân ông Barmin cũng tham gia chiến tranh Vệ quốc của Nga, đeo quân hàm thiếu tướng trước khi chuyển ngành, ông hiểu rõ một đất nước phải làm gì trong chiến tranh và sau chiến tranh: Phải chuẩn bị sớm nguồn nhân lực để khôi phục đất nước. Ông cười đôn hậu: Chính sách quan hệ, hợp tác Nga- Việt của hai Nhà nước rất tuyệt vời, đó là sau khi hòa bình lập lại trên nửa nước Việt Nam (1954), rồi mấy năm tiếp khi có sự nhất trí của cơ quan chức năng 2 nước, lập tức Việt Nam cử người sang Nga học tập. Từ đó trở đi không chỉ MGU nhận lưu học sinh Việt Nam mà hầu như tất cả các ngành, các trường ở khắp Liên Xô rộng lớn đều có lưu học sinh Việt Nam đến học. Ông tâm tình: Các bạn sang đây nên tập trung học tập thật giỏi, bởi vì trước mắt, chúng tôi sẽ quan sát các bạn với tư cách là đối tác tiềm năng, còn về lâu dài, sau khi về nước, cùng với các thế hệ trước và sau các bạn- là những đối tác thật sự, có thâm niên bạn bè với nhân dân Nga, điều đó sẽ làm cho quan hệ cả bình diện nhỏ lẫn bình diện lớn thêm ý nghĩa, đậm đà, tình cảm sâu nặng…

Trường MGU có lưu học sinh Việt Nam theo học, nghiên cứu, thực tập ở nhiều Khoa. Chỉ nói riêng về những chuyện liên quan đến Khoa Báo chí MGU, cũng đủ thấy một bức tranh đa diện về tình hữu nghị Việt Nga. Ngày ấy, vào đầu những năm 80, chúng gồm 4 người vào học Khoa Báo chí MGU là các anh Đồng Quang Tiến, Đinh Thế Huynh, Đỗ Quý Doãn và tôi (TG) được nhận vào học khoa đó (Khóa trên là chị Ngô Ý Minh và anh Trần Đăng Tuấn và thường mỗi khóa chỉ nhận 2 lưu học sinh Việt Nam). Khóa báo chí tôi đông nhất, tất cả đều trải qua quân ngũ, tôi ít tuổi nhất và tuổi quân cũng ít nhất, anh Tiến lớn tuổi nhất (năm ấy tròn 30 tuổi). Anh đã chiến đấu gần 10 năm ở chiến trường Nam Bộ, kinh nghiệm sống nhiều…nên anh trở thành người anh lớn trong nhóm, hay giúp đỡ bạn bè, đặc biệt đối với tôi, anh vẫn coi như đứa em nên chú ý nhiều hơn. Bạn bè người Việt và cả người Nga tiếp xúc với anh đều nhận xét anh là người thông thoáng, độ lượng, hóm hỉnh, hòa nhập cuộc sống ở Nga rất nhanh. Anh Huynh, anh Doãn học tiếng Nga khá tốt, lại hay thuộc chuyện tiếu lâm Nga, nghỉ hè tranh thủ đi làm thêm ở công trường, xí nghiệp… nên vốn sống ở Nga thêm dày dặn. Kế thúc năm dự bị, các năm học tiếp theo trôi nhanh, cả 4 anh em chúng tôi dần quen thuộc với cuộc sống, học tập, thi cử, sinh hoạt… của MGU và nước Nga. Đến trường, GS.TS. Zasurski là trưởng Khoa, tuy rất bận, ông chỉ gặp mặt nhóm chúng tôi vài lần riêng khi mới nhập học, nhưng ông dặn dò Bà P. trưởng Khoa phụ trách sinh viên ngoại quốc và các ban chuyên trách quan tâm đến chúng tôi chu đáo. Riêng tôi, ông biết tôi thích lịch sử báo chí quốc tế, ông giới thiệu cuốn “Lịch sử báo chí nước Nga” do Xalomon viết, xuất bản từ năm 1910, khi tôi đọc xông, lúc đó ông mới đưa tiếp cuốn “lịch sử báo chí nước ngoài” do chính ông viết để tôi đọc (Sau này khi tôi nghiên cứu sinh, ông là một trong 2 người hướng dẫn và do bận nên vẫn theo cách cũ là chỉ nêu tên sách, tài liệu để tôi tự đọc là chính). Chúng tôi không sống trong ký túc xá khu chính của MGU trên đồi Lênin mà sống ở Khu ký túc trên phố Shvernika. Biết anh Huynh là thương binh, nên chị Lutmila Antoshenkô, phụ trách các tầng của Khoa Báo chí đã xếp anh Huynh theo chế độ sống một mình một phòng nhỏ cho thuận tiện. Anh Tiến, anh Doãn và tôi thì sống cùng mấy sinh viên Nga khác. Anh Doãn trở thành bạn thân của anh Andrey Cuzmin- người thành phố Tula. AnhDoãn kể: có lần gia đình A. Cuzmin mời anh về quê chơi, ông bà thân sinh anh bạn Nga đón tiếp anh Doãn thân tình, coi như con cái, tối đến còn đích thân trải giường để anh Doãn ngủ cho ấm. Trên giảng đường, tôi và anh Doãn hay ngồi cạnh anh Adrey Iaôshin, nên chúng tôi rất thân nhau. Adrey vẽ đẹp và biết tôi thích vẽ nên kết bạn. Nhà Andrey ở phố Trapaev- gần Metro Kurxcai, thỉnh thoảng tôi mang bài vở đến nhà Adrey trao đổi, hỏi Adrey, vì Adrey giỏi cả tiếng Anh và tiếng Tây ban nha và có tủ sách rất lớn. Khi tôigặp khó khăn, buồn phiền anh Adrey đều đến với tôi rất chân tình (Khi tôi làm nghiên cứu sinh, anh đã trở thành biên tập viên của Đài phát thanh quốc gia ở Matxcơva, anh cũng giúp đỡ rất nhiều về tư liệu, sửa chữa, góp ý…)

Trong ký túc xá phố Shvernika, có ông Pavel Pescôv là đại tá về hưu làm thêm vị trí thợ mộc. Khi kết thúc năm dự bị, các nước đều có quà lưu niệm văn hóa, anh Tiến làm đơn vị trưởng, phân công tôi làm bức tranh khắc Puskin lên gỗ, cỡ khoảng 45 cm x 75, tôi xuống xưởng mộc nằm trong tầng ngầm ký túc xá để mượn dụng cụ và gặp đúng ông Pavel. Nghe tôi trình bày, ông nhiệt tình cưa, bào giúp bảng gỗ, rồi quét một lớp sơn dầu nâu đen và cho tôi mượn 3 loại dao khắc kích cỡ khác nhau. Sau 5 hôm miệt mài, tôi đã khắc xong hình Puskin, trước khi đưa cho các anh trong đơn vị duyệt, tôi mang cho ông Pavel xem, ông ngắm nghía rôi khen đẹp, giống, có thần… Tôi yên tâm mang về và các anh Tiến, Doãn, huynh, Khánh… đều ưng ý, thế là bức tranh được tặng cho Khoa Dự bị tiếng Nga MGU (Hiện nó vẫn được treo trên tường của Phòng giảng viên Khoa dự bị tiếng Nga). Khi tôi làm nghiên cứu sinh, ông bà Pavel đã cho tôi ở trọ trong nhà và luôn coi tôi như con trai, khi tôi về nước ông đã vẽ tặng tôi 3 bức sơn dầu vẽ phong cảnh Nga nói là để tôi nhớ về nước Nga.

Trước khi rời Khoa Báo chí chuẩn bị về quê hương Việt Nam, GS.Zasurski đã thân mật tiếp tôi hàng giờ, ông nhắc lại truyền thống học tâp của sinh viên Việt Nam ở khoa Báo và cả những khoa khác ông đều nắm được. Ông hỏi thăm từng người trong 4 anh em khóa tôi, rồi tặng tôi cuốn sách tham khảo về báo chí và tỏ ý mong rằng thời gian tới, khi ngành đào tạo báo chí ở Việt Nam phát triển, sẽ có nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác với khoa Báo chí MGU và các trường khác ở Nga cũng như ở các nước khác.

Đối với Khoa khác, xin được nói đôi điều về trường hợp TS. Nguyễn Huy Hoàng ở Khoa Văn MGU. Trong những dòng chữ chân thành của mình, TS. Nguyễn Huy Hoàng có kể về quan hệ thầy, trò của mình thật xúc động: Năm 1993, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Khoa văn MGU, anh Hoàng có con gái bị lạc mất ở bãi biển Sochi, cả nhà anh bị sốc nặng. Biết tin, thầy hướng dẫn khoa học của anh là Giáo sư V.N. Turbin vội đến động viên, chia xẻ và lặng lẽ biếu gia đình anh cuốn sổ tiết kiệm dành dụm suốt 40 năm giảng dạy, nghiên cứu để mong anh Hoàng có thể dùng mà đi tìm lại đưa con mất tích. Vợ chồng anh không nhận sổ nhưng ứa nước mắt nhận hết nghĩa cử cùng tấm lòng của người thầy không chỉ quan tâm, chỉ bảo trong khoa học cho anh và nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam mà còn tận tâm săn sóc học trò trong lúc khó khăn nhất của số phận…( Báo Lao Động 11/9/2007).

Riêng trong số bạn bè tôi, sau này anh Doãn đã cho con trai là Đỗ Quý Vũ sang nghiên cứu sinh ở MGU- coi như tiếp tục tô đậm thêm sự gắn bó của 2 thế hệ với trường MGU yêu quý.

Thực tiễn cuộc sống phong phú chứng tỏ rằng: Hợp tác, hữu nghị, trao đổi văn hóa… giữa các quốc gia, dân tộc có rất nhiều hình thức, cấp độ và tôi nghĩ rằng một số câu chuyện từ cuộc sống thực tế mà tôi và bạn bè đã trải nghiệm, tham gia, chứng kiến cũng góp phần nhỏ nào đó cho sự nghiệp chung. Chúng tôi rất mong muốn và hy vọng sẽ có ai đó dùng các thể loại sách báo truyền thông hay các hình thức sáng tạo khác để ghi chép, thể hiện được các giai đoạn phát triển quan hệ Việt- Nga, để đưa quan hệ đó lên tầm cao xứng với tiềm năng, truyền thống 2 dân tộc trong thời đại hội nhập hiện nay và sắp tới.

Vào dịp kỷ niệm 80 năm cách mạng tháng Mười Nga (1997), Nhà xuất bản Văn học (Việt Nam), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm Việt Nam học và Viện Á Phi (MGU) để in một công trình quý về quan hệ văn hóa 2 nước bằng 2 thứ tiếng Việt- Nga, lấy tên là “Những tiếp xúc đầu tiên của người Nga với Việt Nam” (Chủ biên: GS.Đ.V. Đeôpic, nhà sử học Dương Trung Quốc, dịch giả Thúy Toàn).

Chắc chắn vào các dịp lễ to lớn tương tự vào năm 2007 và xa hơn nữa… sẽ có những công trình thật ý nghĩa, khẳng định tình hữu nghị chung thủy, lâu đời, khuyến khích, thúc đẩy quan hệ song phương Việt- Nga và các mối quan hệ quốc tế khác tập trung vào các mục tiêu muôn đời của nhân loại là: chung sống hòa bình, hợp tác phát triển bền vững, văn hóa, nhân văn, văn minh, hiện đại.

3. Kết luận:

Nhân dân Việt Nam và Nga đã được đón nhận nhiều tín hiệu đáng mừng về quan hệ Việt- Nga. Ở cấp nhà nước, chính phủ 2 nước ngày càng có những hoạt động quan trọng thúc đẩy quan hệ 2 nước. Tháng 9/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nước ta đã có chuyến thăm thành công tới CHLB Nga, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Mong rằng quan hệ hợp tác khoa học- công nghệ giữa Việt Nam- Nga nói chung và quan hệ giữa MGU nói riêng với ĐHQGHN cùng các trường thành viên sẽ có bước phát triển mới, hiệu quả.

Một năm trước (2006), nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đại học QGHN, Giáo sư V.T. Trôfinôv- P.Giám đốc Trường MGU đã đến thăm năm Đại học Quốc gia Hà nội và bộc lộ những mong muốn tâm huyết về sự hợp tác giữa 2 trường. Như vậy, những hiệu kèn chào đón sống động ở nhiều cấp đã vang lên, quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực khoa học- đào tạo của các đối tác Việt Nam với trường MGU cần được triển khai khi điều kiện tương thích. Tôi nghĩ thời điểm đẩy mạnh sự hợp tác trên cơ sở các quan hệ sẵn có đang đến, cần chuẩn bị mọi mặt. Trong giai đoạn mới, các nhiệm vụ ngoại giao cơ bản của Việt Nam là: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác bảo hộ công dân. Vì thế quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực, kể cả hợp tác với các trường Đại học đẳng cấp quốc tế (MGU cũng nằm trong số này) đều phải hướng đến nhiệm vụ chung về đối ngoại của đất nước, nhằm tăng cường quan hệ truyền thống của đất nước ta và phát triển các quan hệ đối ngoại khác vì sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, bền vững của các quốc gia trên trái đất này.

 PGS.TS. Lê Thanh Bình
Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   |