Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Tư vấn tuyển sinh vào ĐHQGHN năm 2011 trực tiếp trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam
Mời các bạn theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề Tư vấn tuyển sinh và ĐHQGHN trên VTV2 vào lúc 14 giờ chiều nay 12/3/2011

 

Ngày 12/3/2011

Tải về bản PDF

Ngày 15/3/2011

Tải về bản PDF

Ngày 16/3/2011

Tải về bản PDF

 

Thưa quý vị và các bạn, để phục vụ công tác tuyển sinh đại học năm 2011 được tốt hơn, giúp quý vị khán giả, các vị phụ huynh và các em học sinh có được những thông tin cập nhật, cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của các trường trong mùa tuyển sinh 2011, từ đó có những lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của mình, lựa chọn đúng những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu, trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu Đại học Quốc gia Hà Nội, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước, giới thiệu tổng thể kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các bạn học sinh khi có nguyện vọng thi vào các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thưa quý vị và các bạn, truyền thống của ĐH Quốc gia Hà Nội gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của những trường đại học tiêu biểu ở Việt Nam trong suốt bề dày của thế kỷ XX, bắt đầu từ Đại học Đông Dương ra đời ngày16/5/1906.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân đã thành lập Đại học Quốc gia Việt Nam trên cơ sở kế thừa Đại học Đông Dương và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/11/1945.

 

Hộp thư giải đáp tuyển sinh news@vnu.edu.vn

Khách mời:

- PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó Giám đốc ĐHQGHN

- PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN

- GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN

- GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

- PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN.

- TS. Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

- PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

- PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.

- GS.TS. Phạm Hồng Thái – Chủ nhiệm Khoa Luật thuộc ĐHQGHN.

- TSKH. Nguyễn Trọng Do – Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN.

- TS. Nguyễn Quang Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Đào tạo và Hệ thống việc làm ĐHQGHN.

MC. Thảo Vân: PGS.TS Phạm Trọng Quát – Phó Giám đốc ĐHQGHN có thể nhấn mạnh đến những thành tựu nổi bật của ĐHQGHN?

PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó giám đốc ĐHQGHN:

PGS.TS Phạm Trọng Quát

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định 97/CP, ngày 10/12/1993. Trải qua 17 năm xây dựng và phát triển, trong sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự quản lý Nhà nước, sự chỉ đạo và giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu với tình thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, của đội ngũ các các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ, học viên, sinh viên, ĐHQGHN đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt những thành tựu có ý nghĩa nền tảng đối với quá trình xây dựng mô hình đại học mới, mô hình đại học tiên tiến - trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

MC. Thảo Vân: Tiến đến đẳng cấp quốc tế là một mục tiêu chiến lược của ĐHQGHN, xin Phó Giám đốc Phạm Trọng Quát cho biết ĐHQGHN sẽ làm gì trong thời gian tới để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao?

PGS.TS Phạm Trọng Quát: Với mục tiêu trở thành trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 200 trường đại học tiên tiến của thế giới vào năm 2020; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và xuất khẩu dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà khoa học xuất sắc về làm việc; làm nòng cột và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. ĐHQGHN đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước, nhân dân tin cậy và giao phó.

Để đạt mục tiêu trên, ĐHQGHN định hướng phát triển trong lĩnh vực đào tạo là: Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt chất lượng quốc tế và bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN), quản lý, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

ĐHQGHN có đội ngũ các thày rất giỏi, trình độ chuyên môn cao, hợp tác quốc tế rộng sẽ là môi trường thuận lợi để các sinh viên phát huy được tài năng. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình đến thi và học ở ĐHQGHN sẽ là góp phần quan trọng để đất nước có được đội ngũ cán bộ giàu tài năng trong tương la.

MC: Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng ban Đào tạo, trong những năm gần đây, phát huy ưu thế của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN đã thực hiện hiệu quả việc liên thông, liên kết giữa các đơn vị, xin PGS.TS thông tin rõ hơn về nội dung này?

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã:

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã

Vâng, thưa quý khán giả xem truyền hình. ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như Phó Giám đốc Phạm Trọng Quát đã vừa nêu. Hiện nay ĐHQGHN đang triển khai đào tạo 105 chương trình đào tạo thuộc các ngành khác nhau,. Năm nay ĐHQGHN sẽ tuyển 5 500 sinh viên cho các ngành đào tạo. Quý vị sẽ biết thông tin chi tiết trong cuốn những điều cần biết và trên các trang web của các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN.

Điều quan trọng là các ngành đào tạo đều huy động được sức mạnh tổng thể của cả ĐHQGHN tham gia với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sv được phép đăng ký học các môn học ở các đơn vị đào tạo khác nhau để tích lũy kiến thức và kỹ năng. Được sử dụng các trang thiết bị hiện đại của các PTN và cơ sở thực tập trong toàn ĐHQGHN. Được công nhận hoàn thành môn học trong các đơn vị đào tạo khác nhau của ĐHQGHN.

Từ năm học 2008-2009 ĐHQGHN đã triển khai đào tạo bằng kép cho các sinh viên có nguyện vọng theo học đồng thời 1 lúc 2 chương trình để tốt nghiệp nhận được 2 bằng cử nhân thuộc 2 ngành đào tạo khác nhau. (Tất nhiên bạn phải là sv khá trở lên để có đủ khả năng theo học).

Từ năm học này, các ngành đào tạo đang được hoàn thiện theo các khối kiến thức. Ví dụ khối kiến thức chung dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN. Khối kiến thức cùng lĩnh vực, cùng nhóm ngành, khối ngành đào tạo sẽ được giảng dạy chung trong khối cho các ngành khác nhau, tạo cơ hội thuận lợi cho sv đăng ký học theo khả năng. Bạn giỏi, học nhanh có thể tốt nghiệp sớm, bạn ít có điều kiện sẽ học chậm có thể kéo dài thời gian học tới 6 hoặc 7 năm để tích lũy đủ tín chỉ....SV ĐHQGHN tốt nghiệp có đủ trình độ NN và kỹ năng mềm nên đang được các nhà doanh nghiệp ưu tiên nhiều học bổng và nơi làm việc.

Như vậy các bạn có học lực THPT từ khá trở lên hãy đăng ký học tập ở ĐHQGHN, bạn sẽ có nhiều cơ hội, nhiều khả năng phát huy được năng lực và sở trường của bạn theo nguyện vọng mà bạn và gia đình đang mong đợi. Chúc các bạn thi đỗ vào ĐHQGHN.

- Trường ĐHKHTN đào tạo nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, xin thầy cho biết sinh viên gặp thuận lợi khó khăn gì khi theo học chương trình này?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN:

Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là một trong số ít trường được nhà nước giao trọng trách đào tạo các ngành khoa học cơ bản - đây cũng là những ngành khoa học xương sống rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trường có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, hơn 90% có học vị TS, GS, PGS, tỉ lệ cao nhất trong cả nước. Sinh viên được nghiên cứu trong hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại. Hệ thống học liệu cũng rất tốt. Hiện nay hệ thống thư viện của ĐHQGHN cũng thuộc loại lớn nhất nhì ở các đại học Việt Nam.

Đội ngũ giáo viên không chỉ có trình độ cao mà còn nhiệt tình, thân thiện với sinh viên, cùng đồng hành với các em không chỉ trong phòng học, PTN mà cả những giờ đi thực địa. Bên cạnh đó sinh viên còn được tham gia các giờ học ngoại khoá rất bổ ích. Ngoài ra, Trường có nhiều học bổng cao mà ít nơi nào có được, ví dụ học bổng của cử nhân khoa học tài năng có thể đạt 1 triệu đồng /1 tháng.

Trong môi trường ĐH đa ngành đa lĩnh vực, chúng tôi xây dựng chương trình học rất linh động, vừa hướng tới nhu cầu đào tạo hàn lâm, vừa thích ứng với nhu cầu đa dạng của thực tiễn xã hội. Chúng tôi đặt mục tiêu sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ quốc tế, có đầy đủ năng lực làm việc ở bất kì cơ qua, tổ chức nào trong nước và nước ngoài. Môi trường liên thông trong ĐHQGHN giúp sinh viên có thể học hai bằng cùng lúc, nhờ đó sinh viên có thể xin được việc dễ dàng. Mặt khác, các ngành khoa học tự nhiên có nhu cầu tuyển dụng rất cao nên các em có nhiều cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, để theo học các ngành khoa học tự nhiên cũng cần sự say mê và quyết tâm rất lớn.

- Em rất muốn trở thành SV của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN các thầy cô có lời khuyên hay lưu ý gì cho thí sinh nộp hồ sơ vào trường?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Năm nay Trường ĐHKHXHNV tuyển sinh 18 chương trình đào tạo hệ chuẩn, 4 chương trình đào tạo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế. Năm nay cũng là năm thứ 2 Trường tuyển sinh khối A cho 10 chương trình đào tạo, bên cạnh khối C,D. Ngoài ra Trường có rất nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài như Báo chí - Truyền thông, Du lịch hoặc Khoa học quản lí,... Để giải đáp các thắc mắc của thí sinh, chúng tôi cũng có tư vấn tuyển sinh trên Web của Trường.

- Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong đào tạo tín chỉ, nếu thi đỗ vào Trường em sẽ phải làm gì để thích nghi với phương thức đào tạo tín chỉ?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN triển khai đào tạo theo phương thức tín chỉ - một phương thức đào tạo đem đến cho người học nhiều thuận lợi. Khi vào học, các bạn sẽ có những buổi học khởi động đầu tiên được hướng dẫn các kĩ năng đăng kí học tập, tìm hiểu các kĩ năng có liên quan đến đào tạo tín chỉ. Đào tạo tín chỉ đem đến cho người học rất nhiều lợi thế, như rút ngắn, dẩy nhanh tiến độ học tập để có thể học vượt. Trường đã có nhiều SV tốt nghiệp chỉ sau 3 năm hoặc 3,5 năm. Ngoài ra bạn có cơ hội học 2 bằng một lúc.

- ĐHQGHN nói chung và ĐHCN nói riêng được biết đến là một trong những địa chỉ thực hiện liên kết 3 nhà: Nhà trtường - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp. Việc liên kết này mang lại lợi ích gì cho SV?

PGS.TS Nguyễn Việt Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN

Mô hình liên kết 3 nhà là mô hình tiên tiến trên thế giới hiện nay và đặc biệt hữu ích cho Trường ĐHCN trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao. Chúng tôi đã tích cực kí kết với các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước. Ví dụ: Trường đào tạo Cơ điện tử với sự phối hợp Viện Cơ học Việt Nam và tập đoàn IMI. Các sinh viên vừa được đào tạo trong môi trường học tập tại trường vừa được làm việc với các nhà khoa học hàng đầu, được sử dụng các phòng thí nghiệm hiện đại nhất, được thực tập thực tế tại các tập đoàn, doanh nghiệp… Thông qua một môi trường đào tạo mở như vậy, sinh viên sẽ hình thành tư duy chủ động, sáng tạo và thực tiễn. Sinh viên cũng được tiếp xúc với nhiều vị trí và cộng việc khác nhau giúp các em hình dung và định hướng được nghề nghiệp của mình trong tương lai. Các em cũng tiếp cận được nhiều nguồn học bổng từ những quan hệ hợp tác này. Mặt khác, việc hợp tác cũng giúp nhà trường hiểu hơn về nhu cầu xã hội từ đó có điều chỉnh về chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

- Xin cho biết những đặc trưng đào tạo GV ở Trường ĐHGD, ĐHQGHN ?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐHGD

Đào tạo GV ở Trường ĐHGD hướng tới việc đào tạo các nhà GD, các chuyên gia của việc học, biết dạy người khác thích học. Trong những năm đầu, sinh viên được học cùng các cử nhân khoa học tại các trường đại học thành viên – những đại học danh tiếng của ĐHQGHN như Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHKHTN. Sau 3 năm học các kiến thức về khoa học cơ bản đến năm cuối, các em sẽ được học các kiến thức về khoa học giáo dục, về tâm lí học giáo dục phát triển, lí luận dạy học, phương pháp dạy học, các kĩ thuật đo lường kiểm tra đánh giá phát triển trí tuệ, đánh giá kết quả học tập của học sinh…

Hỏi: Sau này em mong muốn được làm việc tại các Tập đoàn kinh doanh toàn cầu, vậy nếu em trở thành sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN em có thể có cơ hội học thêm ngành tài chính-ngân hàng không?

TS. Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ: Đây là một câu hỏi thông minh, phản ánh sự quan tâm cao của đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh ở vào thời điểm mà các em phải đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời.

Trong ba năm gần đây, Trường ĐHNN-ĐHQGHN đã thực hiện sự thay đổi về ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cụ thể, Nhà trường đã mở 3 chuyên ngành mới là Tiếng Anh Kinh tế quốc tế (721), Tiếng Anh Quản trị kinh doanh (731) và Tiếng Anh Tài chính-ngân hàng (741). Sinh viên tốt nghiệp am hiểu và tinh thông cả hai lĩnh vực, vừa nắm vững các kiến thức ngôn ngữ và văn hoá tiếng Anh, vừa nắm vững kiến thức kinh tế đối ngoại hoặc quản trị kinh doanh hoặc tài chính – ngân hàng của Việt Nam cũng như của các nước khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2008, Trường ĐHNN phối hợp với trường ĐHKT tổ chức đào tạo bằng kép. Sinh viên Trường ĐHNN, sau năm học thứ nhất được phép đăng ký học để lấy bằng đại học chính qui thứ hai ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính-ngân hàng do trường ĐHKT giảng dạy. Do vậy, trong khoảng 4,5 – 5 năm, sinh có trong tay hai tấm bằng đại học chính qui, ngoại ngữ và kinh tế, rất thuận lợi cho công việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn toàn cầu.

Hiện nay, sinh viên ĐHNN bên cạnh cơ hội học tập bằng hai với trường ĐHKT còn có cơ hội học ngành Du lịch học với trường ĐHKHXH&NV, Luật học với khoa Luật – ĐHQGHN. Chi tiết về tuyển sinh năm 2011, xin mời quí vị phụ huynh và các em học sinh tham khảo thêm trên trang Web của Nhà trường. Nói đến ĐHNN-ĐHQGHN, chúng ta nhớ đến hai từ khóa: Chuyên ngành képBằng kép. Xin cảm ơn.

Một học sinh lớp 12 trường THPT chuyên ở Hà Nội hỏi: Năm nay em có ý định thi vào Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, em rất muốn biết thông tin là việc dự thi vào Trường ĐHKT – ĐHQGHN có những điểm gì khác biệt so với thi vào các trường khác, và nếu trúng tuyển thì trong quá trình học em có được những lợi ích gì? Em cám ơn thầy.

TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN:

Rất cám ơn em đã có ý định lựa chọn thi vào Trường ĐHKT – ĐHQGHN và hy vọng sẽ được gặp em vào dịp khai giảng tháng 9 tới.Như các em được biết trường ĐHKT, ĐHQGHN năm 2011 tuyển sinh đại học có 6 ngành: Kinh tế; Kinh tế phát triển; Kinh tế quốc tế; Quản trị Kinh doanh; Tài chính- Ngân hàng; Kế toán và được dự thi 02 khối (A và D1), như vậy cơ hội để các em đăng ký dự thi vào Trường ĐHKT, ĐHQGHN là rất lớn. Về câu hỏi của em thầy xin được trả lời như sau:

Về sự khác biệt khi dự thi vào trường ĐHKT, ĐHQGHN: Dự thi vào trường ĐHKT, ĐHQGHN có một số sự khác biệt như sau:

Một là: Khi thi vào Trường ĐHKT, nếu các em đủ điểm sàn vào trường nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi thì các em sẽ được chuyển sang ngành học khác có điểm trúng tuyển thấp hơn.

Hai là: Sau khi trúng tuyển các em có cơ hội dự thi vào hệ đào tạo chất lượng cao của trường. Các chương trình ĐT này được thiết kế với trình độ cao hơn, nội dung rộng hơn, sâu hơn với các chương trình đào tạo hệ chuẩn để đào tạo các cử nhân ưu tú có trình độ chuyên môn cao và Tiếng Anh tốt, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, trong đó chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế của chúng tôi đã được kiểm định bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.

Ba là: Để khuyến khích các thí sinh có kết quả thi xuất sắc vào trường, năm nay Trường có phần thưởng cho các em với mức thưởng 30 triệu đồng cho thí sinh đạt điểm tối đa 30/30 điểm và nhiều phần thưởng khác cho các em đạt 29.5 hoặc 29 điểm.

Hỏi: Nếu trúng tuyển thì trong quá trình học em có được những lợi ích gì?

Đây là vấn đề đang được người học rất quan tâm, trên thực tế khi các em được vào học tại Trường ĐHKT-ĐHQGHN thì các em đã được thụ hưởng khá nhiều lợi ích của Trường như sau:

Thứ nhất: Được học trong môi trường học tập tốt, có đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao đào tạo ở các nước phát triển (98% có trình độ từ thạc sỹ, trên 55% trình độ tiến sỹ).

Thứ 2: Khi các em trúng tuyển vào trường thì có thêm cơ hội học thêm một bằng đại học chính quy thứ 2 các ngành: tiếng Anh (phiên dịch) của Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN; Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN. Riêng sinh viên ngành Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế chính trị) và ngành Kinh tế Phát triển được học thêm ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế-ĐHQGHN.

Thứ 3: Có nhiều cơ hội được nhận học bổng từ các đối tác trong nước và quốc tế của ĐHQGHN và Trường ĐHKT (học bổng Toshiba Nhật Bản, Shinnyoen Nhật Bản, Mitsubishi, Lotte Hàn Quốc, Posco Hà Quốc, Pony Chung Hàn Quốc, Lawrence S.Ting, Học bổng K-T, Học bổng Gami,…), và hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng chính sách UOB của Singapor. Ngoài ra các em còn có cơ hội tham gia các chương trình học tập, hội thảo, trao đổi giao lưu quốc tế ở trong và ngoài nước.

Thứ 4: Đối với sinh viên theo học chương trình QTKD hệ đào tạo đạt trình độ quốc tế, các em có 1 năm học đầu tiên được học Tiếng Anh tại Trường ĐHNN – ĐHQGHN, để đủ trình độ học các môn học chuyên môn bằng Tiếng Anh. Khi ra trường trình độ Tiếng Anh của sinh viên tương đương IELTS 6.0, giúp sinh viên có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế hoặc đi du học ở bậc đào tạo trình độ cao hơn ở nước ngoài.

Thứ 5: Đối với sinh viên ngành Kế toán các em sẽ được Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) xem xét công nhận và miễn 4 đến 9 môn khi thi lấy Chứng chỉ kế toán viên chuyên nghiệp.Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến câu hỏi của em muốn hiểu biết về Trường ĐHKT, ĐHQGHN. Chúc các em luôn tự tin và thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Để biết thêm thông tin chi tiết các em vào trang web của trường: www.ueb.vnu.edu.vn

- Điểm khác biệt của Khoa Luật, ĐHQGHN so với các đơn vị đào tạo ngành Luật khác trong cả nước?

GS.TS Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐHQGHN

Ở Việt Nam có 3 cơ sở đào tạo Luật là Khoa Luật - ĐHQGHN, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố HCM. Hàng năm Khoa Luật, ĐHQGHN có chỉ tiêu tuyển sinh là 300 - không nhiều so với các cơ sở đào tạo Luật khác. Đặc biệt, có 2 ngành đào tạo là Luật học và Luật Kinh doanh chỉ riêng có ở ĐHQGHN. Cũng chỉ riêng Khoa Luật cũng như các cơ sở đào tạo khác của ĐHQGHN có hệ đào tạo CLC, dành cho những học sinh đạt điểm cao trong những kì thi tuyển sinh vào ĐH, các học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi quốc tế và quốc gia. Đây là những lớp đặc biệt nhằm đào tạo những chuyên gia pháp luật tài năng cho đất nước. Theo thống kê, tất cả những sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo này đều có việc làm ngay năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Giảng viên giảng dạy lớp CLC đều có trình độ TS trở lên. Khoa Luật ĐHQGHN cũng có 5 GS, TS trên tổng số 12 GS, TS Luật của cả nước.

- Khoa Quốc tế, ĐHQGHN có nhiều chương trình liên kết đào tạo, nếu em muốn thi vào Khoa Quốc tế thì em có thể chọn những chương trình nào để theo học?

TSKH. Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế

Khoa Quốc tế là một trong những đầu mối liên kết đào tạo quốc tế của ĐHQGHN. Khoa có nhiều loại chương trình đào tạo:

Một là các chương trình liên kết đào tạo do ĐHQGHN cấp bằng với các ngành Kinh doanh quốc tế, Kế toán phân tích và Kiểm toán học bằng tiếng Anh.

Hai là các chương trình đào tạo do các đại học nước ngoài cấp bằng mà đối tác là các đại học của Malaysia và Anh, với các ngành Kế toán và Tài chính, học tại Việt Nam; ngành Khoa học Quản lí phối hợp với đại học Hoa Kỳ, đào tạo tại Việt Nam…

Các chương trình đào tạo khác như đào tạo bác sĩ nha khoa với Pháp theo hình thức đào tạo bán du học, nghĩa là SV học 1 phần thời gian tại Việt Nam, 2 - 3 năm tại nước ngoài và nhận bằng nước ngoài; chương trình đào tạo Kinh tế và Quản lí với ĐH Pari 11 của Pháp; các chương trình đào tạo bác sĩ với các đại học của Mĩ, Canada, Anh, Úc Hà Lan.

Khi theo học các chương trình đào tạo này, sinh viên có cơ hội được học chuyển tiếp sang các trường ĐH đối tác; những em đạt điểm sàn ĐHQGHN cũng có cơ hội chuyển sang học các trường thành viên của ĐHQGHN.

Muốn theo học ở Khoa Quốc tế, sinh viên phải có đủ trình độ ngoại ngữ theo học, một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, Pháp Nga , Trung Quốc.

- ETC có chương trình liên kết đào tạo cử nhân QTKD liên kết với ĐHGriss Hoa Kì, điemẻ nổi bật của chương trình đào tạo này so với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế về QTKD khác?

TS Nguyễn Quang Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Công nghệ đào tạo và hỗ trợ việc làm (ETC), ĐHQGHN

Chương trình đào tạo QTKD liên kết với ĐH Griss Hoa Kỳ khẳng định giá trị trên 3 khía cạnh sau:

Một là uy tín và tính pháp lí. Cả 2 đại học đều có trên 100 năm lịch sử phát triển, có nhiều kinh nghiệm và năng lực đào tạo được xã hội công nhận, được tổ chức chuyên môn về thẩm định giáo dục của Bộ GD Hoa Kì thẩm định. Chương trình QTKD của ĐH Griss đã được ĐHQGHN cấp phép theo đúng quy định.

Hai là tính thực tiễn rất cao trong đào tạo. Đây là chương trình đào tạo quốc tế do Đại học Griss cấp bằng với đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy của Mỹ. chương trình học đề cao tính thực tiễn, sinh viên được tham gia vào nhiều tình huống thực tiễn, tham gia viết các dự án cùng giảng viên, học ngoại khóa rất bổ ích... Ngoài kiến thức chuyên môn về Quản trị kinh doạnh, sinh viên được đào tạo kiến thức tổng hợp về kinh tế, xã hội, kĩ năng sống, phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng phát triển bản thân…

Ba là khả năng xin việc làm sau khi ra trường cao.

- Xin anh cho biết môi trường học tập và điều kiện sinh hoạt Đoàn - Hội của SV ĐHQGHN?.

PGS.TS Vũ Văn Tích – Phó Chủ nhiệm Khoa Địa chất, nguyên Bí thư đoàn Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN:

ĐHQGHN tổ chức rất nhiều hoạt động văn thể, hoạt động xã hội giúp SV có thể phát huy được kĩ năng sống của mình. Bên cạnh đó, với đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo liên thông, có nhiều mối quan hệ với các tổ chức doanh nghiệp, các tổ chức lao động trong và ngoài nước, nên trong quá trình học sinh viên sớm có thể tiếp xúc với thực tiễn công việc, làm thêm cho các doanh nghiệp. Những kinh nghiệm và các kĩ năng này rất quan trọng giúp sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.

 

 

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   |