Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trường Sa: Nơi báo hiệu vận nước đang lên
Trường Sa, nơi mênh mông sóng nước, với những hòn đảo nhỏ nhoi luôn bị dập vùi bởi bão tố. Ở nơi ấy có những người con kiên trung luôn mong mỏi những vòng tay, tình cảm, hơi ấm từ đất liền cùng những tấm lòng của đồng bào cả nước.

Làm chủ biển Đông
Trên hành trình đến Trường Sa, nhiều đêm biển rung, tàu lắc, một số thành viên trong đoàn công tác số 8 thao thức nằm nghĩ về Trường Sa, về những người anh hùng đang lặng lẽ ngày đêm giữ yên vùng biển đảo tổ quốc. Trong điệp trùng sóng vỗ đại dương, tôi miền man suy tưởng về chiều dài đầy chông gai của lịch sử dân tộc. Các thế hệ cha ông đã mở mang bờ cõi, khẳng định cương vực phía Tây đồng thời tiến hành những cuộc trường chinh không mệt mỏi về vùng đất phương Nam, châu thổ Cửu Long. Trong tiến trình đầy hào hùng, rất đỗi tự hào và trí tuệ ấy, chúng ta cũng đã tiến về phía biển, với đại dương bao la. Các thế hệ tiền nhân đã vượt lên chính mình, vượt lên những định chế truyền thống, những níu kéo của thể chế nông nghiệp, của những không gian làng xã nhỏ hẹp, của tư duy châu thổ để tiến ra đại dương mênh mông. Chúng ta mãi tự hào về những huyền thoại gắn với thời lập quốc. Ngay tự thời bấy giờ, trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã có những bộ phận hợp thành của đại dương, của truyền thống văn hóa biển. Trong tư duy vũ trụ luận thuở hồng hoang đã ghi nhận, xác nhận sự giao cảm, tâm thức của người xưa về các đợt biển tiến, biển lùi; về những đợt thiên di, chuyển cư lớn; về năng lực khai phá, chinh phục tự nhiên và mối liên hệ gắn bó, hết sức mật thiết giữa biển với lục địa. Trong sự sinh thành và phát triển của dân tộc, biển cả, đại dương không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường tiếp giao văn hóa của các cộng đồng cư dân cổ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cả dân tộc ta phải gồng mình lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kì giải phóng đất nước. Năm 1975 đại thắng, Tổ quốc thống nhất, chúng ta không chỉ phục hưng được nền độc lập dân tộc, làm chủ những không gian rộng lớn từ Mục Nam Quan đến đất mũi Cà Mau mà Tổ quốc Việt Nam còn có thêm Biển Đông rộng lớn. Ý thức sâu sắc về vị thế và tầm quan trọng của biển đảo, trong những ngày mà cả dân tộc dồn sức cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác, cả thế giới hướng về Việt Nam chứng kiến cuộc rút lui chiến lược của người Mỹ và cuộc tháo chạy của chính quyền Sài Gòn, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các chiến sĩ Hải quân đã bí mật, bất ngờ, dũng mãnh tiến ra giải phóng Trường Sa. Chủ quyền Việt Nam đã được khẳng định ở giữa Biển Đông dậy sóng. Nhờ đó, mà chúng ta có thể làm chủ một không gian biển rộng lớn trên 1 triệu km2, gấp ba diện tích đất liền.
Tặng phẩm của tự nhiên
Dựa vào điểm tựa Trường Sơn hùng vĩ, vào thế mạnh của các châu thổ, trong công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cả dân tộc đang tiến ra biển lớn, hội nhập với môi trường đại dương. Chúng ta đã và đang có những nỗ lực lớn để phát triển kinh tế biển, lập các đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, tổ chức các dịch vụ, đẩy mạnh du lịch biển… Làm chủ biển khơi, chúng ta không chỉ có thể khai thác dầu khí, mà còn có thêm cơ hội, điều kiện ra với khu vực và thế giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng thế dân tộc đang lên, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo để tự tin hội nhập với thế giới. Trong tầm nhìn lâu dài, chúng ta đã từng bước làm chủ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để tiến hành thăm dò, khai thác biển, phát triển kinh tế biển. Khoa học - công nghệ biển trong đó có công nghệ sinh học biển, phát triển năng lượng biển... đang ngày càng được coi trọng và tương lai, khi những nguồn tài nguyên “truyền thống” không còn dồi dào nữa thì các ngành khoa học, công nghệ mới sẽ trở thành triển vọng phát triển của Việt Nam và nhiều quốc gia thế giới.
Ra Trường Sa, mỗi thành viên trong Đoàn công tác số 8 đều muốn đem theo về những kỷ vật từ biển. Một nhành san hô nhỏ, những con ốc biển, một trái bàng vuông… mỗi đặc sản nổi tiếng của Trường Sa đều trở nên quý giá đối với những người từ đất liền ra đảo. Nhưng, theo chỉ đạo của chỉ huy đoàn, để bảo vệ không gian xanh cho các đảo và vì sự phát triển bền vững của môi trường, tất cả thành viên trong đoàn đã chạy đua với thời gian, gắng công ghi lại hình ảnh, ghi vào trong ký ức vẻ đẹp tự nhiên, sức hấp dẫn kỳ lạ của các dải san hô, của những đàn cá, của hệ thực vật, thủy sinh phong phú, đa dạng của Trường Sa. Thỉnh thoảng ở Trường Sa vẫn thấy những đoàn cá heo nổi lên đùa giỡn với sóng nước, bơi lượn quanh thân tàu và nhiều khi dường như chúng muốn dẫn tàu ra với đại dương xanh thẳm.
Hệ sinh thái và tiềm năng to lớn của Biển Đông, của Trường Sa, Hoàng Sa là tặng phẩm của tự nhiên dành cho những con người dũng cảm. Tuy nhiên, ngay cả các nguồn tài nguyên với trữ lượng lớn của đại dương cũng không phải là vô tận. Chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi một Chiến lược biển đúng đắn. Biển cả và đại dương cần những người hiểu nó, hòa đồng với nó. Khai thác tự nhiên nhưng vẫn phải lường tính đến khả năng tái tạo, giữ sự cân bằng của thế giới tự nhiên. Các thế hệ người Việt đã sống dựa vào tự nhiên và thực tế tự nhiên đã nâng đỡ cuộc sống của con người. Đó là kinh nghiệm, tri thức truyền đời mà cha ông ta để lại đồng thời cũng là triết lý sống, triết lý phát triển giàu tính nhân văn hiện nay của chung cộng đồng quốc tế. 
Hệ thống hải thương châu Á
Đến với Trường Sa, tôi lại nhớ đến những ghi chép quý giá của nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”, tác giả đã cho biết từ thời Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Chu… các chúa Nguyễn đã tổ chức đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử đi khai thác sản vật tự nhiên, thu lượm hóa vật trên các tàu, thuyền buôn qua lại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đến thăm các đảo Trường Sa, đôi khi đây đó chúng ta vẫn thấy xác của những con tàu đắm. Rõ ràng, từ nhiều thế kỷ trước, vùng bờ biển Hoàng Sa, Trường Sa đã là một trong những tuyến chính của Hệ thống hải thương châu Á. Theo các thương nhân, thủy thủ phương Tây thì tuyến biển đại dương ở vùng Hoàng Sa, Trường Sa tuy có những thuận lợi trong việc neo đậu tàu, tránh bão nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy đặc biệt là những diễn biến khó lường của những vùng xoáy, các dòng hải lưu và sự ẩn hiện của các bãi san hô ngầm... Những phát hiện gần đây ở Cù Lao Chàm, ở vùng biển Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau… đã và đang thôi thúc chúng ta cần phải sớm phát triển các ngành khoa học nghiên cứu về biển trong đó có: Hải sử, Khoa học quản lý biển, Khảo cổ học dưới biển, Nghiên cứu địa chất, môi sinh… mà trên hết là sự phối kết hợp để xây dựng một Viện nghiên cứu biển quốc gia theo hướng Tiếp cận liên ngành nhằm gắn kết giữa đào tạo chuyên gia với nghiên cứu, tập trung khảo cứu những vấn đề cơ bản, đề xuất những chính sách, giải pháp cho việc giải quyết những vấn đề lớn của đại dương đồng thời cũng cho tương lai phát triển của đất nước một cách khách quan, toàn diện.
Bao biến động của lịch sử đã qua đi nhưng trước sau biển cả và đại dương vẫn luôn gắn liền với sự sống còn của dân tộc. Chúng ta luôn cảm nhận thấy vẻ đẹp kỳ vĩ, tiềm năng kinh tế to lớn của đại dương nhưng chúng ta cũng hiểu rõ ràng rằng, những con người hiện đại vẫn còn chưa thật hiểu thấu, đầy đủ về biển, những quy luật vận động, sinh thành của biển. Việc hiện thực hóa Chiến lược biển bằng các chính sách cụ thể là yêu cầu bức thiết đã và đang đặt ra đối với các cấp, cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay.
Bức trường thành vững chắc
Cùng tham gia, lãnh đạo Đoàn công tác số 8 lần này là Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Trì, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - Phan Tuấn Hùng, đồng chí Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân và nhiều đồng chí lãnh đạo, chuyên gia cao cấp của các bộ, ban ngành, các tỉnh và nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, phóng viên báo chí cùng các nhà hoạt động xã hội khác. Trong số trên 200 thành viên đoàn công tác còn có sự tham gia của các em sinh viên nhiều trường đại học. Sự tham gia của các em đã đem lại cho biển đảo nhiều cảm xúc, niềm vui và khoảng thời gian tươi trẻ.
Điều đặc biệt là, tham gia đoàn còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. 10 giờ ngày 21 tháng 4, đồng chí Trương Mỹ Hoa và một số thành viên đoàn công tác đã ra đảo nhân việc khánh thành Trường Tiểu học Trường Sa. Trường được xây dựng theo sáng kiến và sự đóng góp của các thành viên và những người ủng hộ Quỹ Vừ A Dính mà bà Trương Mỹ Hoa là Chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình vì học sinh Trường Sa thân yêu. Tấm lòng của các thành viên Quỹ Vừ A Dính, phối hợp với báo Pháp Luật Tp. Hồ Chí Minh đã đem lại cho Trường Sa ngôi trường đầu tiên giữa vùng biển đảo.
Như vậy là, cùng với sự kiện chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc rước Phật ngọc ra Trường Sa với sự hiện diện trang trọng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Đại đức Thích Nguyên Cao và một số nhà tu hành, thì sự kiện khánh thành ngôi trường mới, đã trở thành một dấu mốc văn hóa - chính trị ở Trường Sa. Sau lễ khánh thành, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo đoàn đã đi thăm từng phòng học, xem xét hệ thống sách giáo khoa, thư viện, đồ dùng học tập… của các em học sinh. Thiết chế văn hóa ở Trường Sa đang ngày càng hoàn thiện, góp phần thiết thực, hiện thực hóa một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân về Dân sự hóa các hoạt động ở các vùng biển đảo.
Điều mà chúng tôi luôn cảm nhận thấy là từ Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, đồng chí Phó Tư lệnh Vùng 4 Phan Tuấn Hùng, các cán bộ tăng cường của Bộ Tư lệnh Hải quân đến các sĩ quan chỉ huy trên đảo, trên tàu HQ 561 đều thể hiện những phẩm chất tuyệt vời của người chỉ huy, anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh không chỉ có tư duy quân sự sắc sảo, năng lực phân tích, xử lý tình huống quyết đoán, chính xác, thấu hiểu những thách thức, biến động của đời sống chính trị khu vực mà còn tận tường chu trình của từng con nước, luồng lạch ra vào các đảo, thấu hiểu tấm lòng, gia cảnh của từng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn dù đó là cứ điểm xa xôi nhất. Nhìn cách các anh giao tiếp với anh em, trao đổi công việc, chỉ đạo những việc cần làm cụ thể trên mỗi đảo… chúng tôi luôn cảm nhận thấy giữa các anh với cán bộ, chiến sĩ trên đảo dường như tự lâu đã thực sự hình thành một tình cảm thiêng liêng, máu thịt.
Ở Trường Sa, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà chiến lược quân sự, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử - Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Các vị chỉ huy Hải quân đã hiểu quân và thương quân đến vậy! Sức mạnh của Trường Sa hôm nay, sự yên bình của vùng biển đảo không những có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của toàn quân và toàn dân; của các cuộc vận động, đấu tranh ngoại giao; của cách thức tổ chức, hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu giữa Hải quân với các quân, binh chủng; của tri thức và công nghệ, vũ khí hiện đại mà còn có trách nhiệm, tình cảm gắn bó giữa các tướng sĩ trong binh chủng Hải quân anh hùng. Trách nhiệm và tình cảm ấy đã tôi rèn niềm tin sắt đá, tạo nên bức trường thành vững chắc ở Biển Đông bởi những người canh giữ biển đảo.
Đảo Thuyền Chài - An Bang, ngày 26-4-2013 

 PGS.TS Nguyễn Văn Kim - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   |