Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Sinh viên với các tác phẩm nhật ký chiến tranh
Đó là tên của buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ do Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (ĐHQGHN) và Thư viện Trung ương Quân đội phối hợp tổ chức tại Hội trường 10 – 12, đêm 21/12/2005...

Khách mời của buổi giao lưu là những nhà thơ, nhà văn quân đội đã từng cầm súng chiến đấu và sáng tác trên các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến; là những thầy giáo cựu chiến binh đã từng một thời mang trên mình màu áo lính; là đông đảo sinh viên của ĐHQGHN, những người thực sự quan tâm đến các tác phẩm nhật ký thời chiến. “Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, vết thương trên thân thể tổ quốc đã dần kín miệng, nhưng di chứng của nó vẫn không thôi hành hạ những con người của ngày hôm nay. Không quên quá khứ để sống tốt hơn, có ích hơn trong hiện tại và tương lai đó là một lý tưởng sống rất đẹp của thanh niên đặc biệt là của giới học sinh, sinh viên bây giờ. Tình cảm của họ dành cho các tác phẩm nhật ký thời chiến trong thời gian qua đã minh chứng cho điều đó…” - Đại tá Lê Ngọc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (ĐHQGHN) đã khẳng định như vậy trong lời phát biểu khai mạc.

Trong phần giao lưu, các bạn sinh viên của ĐHQGHN đã được nghe các nhà thơ, nhà văn quân đội như Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, thầy giáo cựu chiến binh Nguyễn Văn Oánh nhắc lại những kỷ niệm hào hùng của một thời tuổi trẻ "Xẻ dọc Trường Sơn,…, xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Không khí trong khán phòng như ấm lên cùng câu chuyện của nhà thơ Anh Ngọc kể về những tấm gương hy sinh của đồng đội, những giờ phút nguy nan nhất khi sức mạnh tinh thần, ý chí của tuổi trẻ phải đối mặt với cái chết, với bom đạn của kẻ thù. Rất nhiều những câu hỏi của các bạn sinh viên về quan niệm sống và lý tưởng của tuổi trẻ thời chống Mỹ; về những vấn đề mà họ quan tâm sau khi đọc các tập nhật ký chiến trường như "Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Nhật ký Hoàng Kim Giao”,… cũng được đặt ra. Những câu chuyện, những lời giải đáp, và cả những lời khuyên của các vị khách mời cựu chiến binh chính là những bài học bổ ích và rất ý nghĩa cho các bạn trẻ.

Buổi giao lưu còn là dịp để những người tham dự nghe lại những ca khúc cách mạng của một thời như: Hành khúc ngày và đêm, Mùa xuân, Nhạc rừng, Màu hoa đỏ, Tự nguyện,…do chính các "ca sĩ" là sinh viên và cán bộ của ĐHQGHN thể hiện. Kết thúc buổi giao lưu, lãnh đạo Thư viện Trung ương Quân đội đã tặng sách cho đại diện cán bộ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và sinh viên ĐHQGHN.

Đêm giao lưu "Sinh viên với các tác phẩm Nhật ký chiến tranh" không những là một buổi sinh hoạt chính trị bổ ích cho sinh viên ĐHQGHN mà còn là món quà đầy ý nghĩa của chào mừng 61 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 16 năm ngày hội quốc phòng toàn dân.

 Minh Truong - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :