Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Người anh cả đáng kính của ngành địa chất Việt Nam
Trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, ở đâu có nhà địa chất thì họ đều là học trò của Thầy Nguyễn Văn Chiển. Hiếm có một ngành khoa học nào mà người đứng đầu trở thành người đào tạo hết thảy mọi thế hệ như vậy. Lịch sử đã đặt lên vai ông nhiệm vụ của người mở đường, người lát những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngành Địa chất Việt Nam.

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là con út của một gia đình quê ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Được dạy chữ nho từ khi 6 tuổi, rồi học chữ quốc ngữ ở trường làng bên, hết bậc sơ cấp, và Tiểu học Pháp Việt (Certificat d'études Primaires), Nguyễn Văn Chiển ra Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi. Mới học được mấy ngày thì bố mất, người mẹ ngoài 60 tuổi phải lo tiền gạo cho con ăn học nên người.
Hai năm liền (1935,1936), quê nhà bị vỡ đê, cả làng phải ăn cháo, gia đình cậu Chiển trở nên khốn đốn. Đúng vào cái lúc anh học trò nhà quê tưởng chừng phải chia tay với mái trường thì cơ may lại mở ra. Nhờ học giỏi, ông được xét cấp học bổng toàn phần vào ở nội trú. Nguyễn Văn Chiển lại lao vào học, đặc biệt 2 năm cuối ông được thụ giáo hai thầy giỏi nổi tiếng là GS. Nguyễn Mạnh Tường và GS. Hoàng Xuân Hãn. Tháng 6/1941, Nguyễn Văn Chiển đỗ đầu kì thi tú tài toàn xứ Đông Dương.
Là con trai của một gia đình nông dân, nhưng nhờ trí thông minh, sự cần cù mà chàng thiếu niên Nguyễn Văn Chiển đã bước chân vào học Đại học Khoa học, nơi mà không mấy ai con nhà nông dám mơ ước. Tốt nghiệp Đại học Khoa học năm 1944 với 4 chứng chỉ: Toán đại cương, Vật lí, Hóa học và Địa chất, ông đã trăn trở rất nhiều về hướng đi của mình sau này. Tư duy của ông nặng về Toán - Lí hơn nên ông đã đắn đo khi GS. Hôp-phê người Pháp ngỏ ý muốn nhận ông về phòng thí nghiệm Địa chất. Và từ đó ông đã cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực Địa chất học.
Năm 1944 với bằng cử nhân khoa học, Nguyễn Văn Chiển đã được tuyển vào Phòng Thí nghiệm Địa chất thuộc Đại học Khoa học Hà Nội. Đây là một việc hiếm có vì toàn bộ công việc địa chất ở Đông Dương đều do người Pháp độc quyền. Quyết định chọn ngành Địa chất của cử nhân Nguyễn Văn Chiển một phần quan trọng là do gợi ý của GS. Hoàng Xuân Hãn - người mà thầy Chiển luôn quý trọng và biết ơn.
Năm 1963, Nguyễn Văn Chiển bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Địa chất tại Liên Xô. Sau khi về nước công tác, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng về địa chất hoặc đồng tác giả với những nhà khoa học địa chất khác thể hiện trên một số tác phẩm như: Nhng xâm nhp đábazo và siêu bazo ở miền Bắc Việt Nam, 1969; Địa chất đại cương, do Trường Đại học Tổng hợp xuất bản, 1971; Địa chất miền Bắc Việt Nam (Bản thuyết minh cho bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam, tỉ lệ 1:500.000 (đồng tác giả), NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1971; Thạch học (đồng tác giả), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1973. NXB Giao thông vận tải, 1999; Nhng vấn đề địa chất Tây Bắc Việt Nam (đồng tác giả), NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1977.
Nguyễn Văn Chiển bước vào nghề giáo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong kháng chiến, ông dạy tại các trường Cao đẳng khoa học, Trung học kháng chiến ở Phú Thọ, Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương và sau về công tác tại Ban Tu Thư của Bộ Giáo dục để biên soạn sách giáo khoa. Ông có nhiều đóng góp trong đào tạo cán bộ nghiên cứu địa chất…
Dưới sự dìu dắt của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, nhiều thế hệ sinh viên từ các khóa đầu tiên tại Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở thành những nhà địa chất uy tín như: Phan Trường Thị, Phạm Văn Tỵ, Đặng Vũ Khúc, Trần Nghi, Mai Trọng Nhuận,…
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về thạch học các đá magma, đá bazơ và đá siêu bazơ, về địa lí lãnh thổ. Trên cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thầy đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn của Nhà nước, trong đó có Chương trình Tây Nguyên I (1976-1980) và Chương trình xây dựng bản đồ quốc gia Việt Nam (1981-1985). GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là Ủy viên Thường trực Hội đồng chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Để rồi, cả một chặng đường đời đầy duyên nợ với ngành Địa chất đó, thì như GS.Phan Trường Thị - người học trò của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển - nói, trên mọi miền của Tổ quốc, ở đâu có nhà địa chất thì họ đều là học trò của thầy Nguyễn Văn Chiển. Hiếm có một ngành khoa học nào mà người đứng đầu trở thành người đào tạo hết thảy mọi thế hệ như vậy.
Hơn một nửa thế kỉ, GS.NGND Nguyễn Văn Chiển đã gắn bó đời mình với một loại đá - đá siêu mafic - màu đen trũi, hiếm gặp trên bề mặt Trái đất, đang là mối quan tâm nhất của khoa học địa chất đương đại. Chỉ với các thành tựu kỹ thuật và khoa học ngày nay, con người mới có thể nghiên cứu được những tầng đá sâu trong lòng đất hàng trăm cây số, thậm chí hàng nghìn cây số. Loại đá đen đó là "con tin" của tầng sâu Manti. Chính nó là vật có khả năng mang đến cho loài người những viên kim cương rực rỡ ánh màu, những tấn bạch kim quý giá. GS.NGND Nguyễn Văn Chiển đã dành trọn cuộc đời cho nghề địa chất, gian nan trên các nẻo đường tìm quặng.
Các nhà cổ sinh quốc tế còn trân trọng dùng tên ông để đặt tên cho các sinh vật cổ lần đầu tiên mới phát hiện trên hành tinh này: Squameo favosites Vanchieni Tong - Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzón...
Bằng tài năng, uy tín, trong cương vị là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thầy đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng của quốc gia. Đó là chương trình "Điều tra tổng hợp Tây Nguyên" của tập thể 26 nhà khoa học mà GS.NGND Nguyễn Văn Chiển làm Chủ nhiệm. Sau giải phóng miền Nam, ông làm chủ đề tài đồ sộ - Tập bản đồ quốc gia Việt Nam (tên gọi khác là Atlas quốc gia) thực hiện trong 7 năm liên tục cùng đông đảo các nhà khoa học tâm huyết; công trình Địa chất miền Bắc Việt Nam; các giáo trình như: Địa chất đại cương, Thạch học, Khoáng vt học, và đặc biệt là cuốn sách Từ điển địa chất Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống thuật ngữ khoa học Địa chất, mở đầu cho việc giảng dạy địa chất bằng tiếng Việt.
Công tác quản lí khoa học của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển được phản ánh ở các chương trình khoa học cấp Nhà nước mà Giáo sư được giao làm chủ nhiệm chương trình như: Atlas Quốc gia Việt Nam (Địa chất), Từ điển Địa chất và Chương trình Tây Nguyên. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau đã được huy động tập hợp lại để thực hiện những chương trình khoa học to lớn và quan trọng này. Trong nhóm bản thảo thuộc di sản của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển có: Chương trình kế hoạch công tác và đề cương thực hiện đề án nghiên cứu khoa học, báo cáo công tác đã thực hiện, biên bản họp Hội đồng của chương trình khoa học Nhà nước, báo cáo của Nhà xuất bản, danh sách các tác giả và cộng tác viên của mỗi chương trình khoa học Nhà nước, các báo cáo chuyên đề thuộc từng lĩnh vực chuyên môn, hợp tác Xô - Việt về Atlas quốc gia, hồ sơ chính Atlas quốc gia (có dấu đỏ) là bút tích ghi lại của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển ……
Nói về người thầy đáng kính của mình, GS. Trần Nghi bộc bạch: GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, một nhà Địa chất Việt Nam đầu tiên, uyên bác và giản dị, một nhà giáo mẫu mực đáng kính đã ra đi gần 3 năm rồi ở tuổi 91 mà tôi cứ ngỡ như Thầy vẫn đang làm việc bên tôi. Thầy là tấm gương sáng ngời về phẩm chất và một nhân cách lớn trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Khoa học Trái đất. Thầy là người đặt viên gạch đầu tiên cho Trường Đại học Mỏ địa chất, là người sáng lập ra khoa Địa lí - Địa chất của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay đã phát triển thành 4 khoa: Khoa Địa lí, Khoa Địa chất, Khoa Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học, khoa Môi trường của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Còn theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, tên tuổi GS.NGND Nguyễn Văn Chiển gắn liền với lịch sử phát triển nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Thầy là giảng viên xuất sắc của nhiều trường đại học, trong đó có các đại học tiền thân của ĐHQGHN ngày nay, đặc biệt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngành khoa học trái đất ở Việt Nam. GS.NGND Nguyễn Văn Chiển đã có đóng góp to lớn cho việc hình thành và phát triển các khoa địa chất ở Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là chủ nhân đầu tiên của phòng thí nghiệm địa chất ở miền Bắc. Trong điều kiện không có chương trình, giáo trình, ông đã phải nỗ lực để có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy môn khoa học có quá nhiều khái niệm, tên gọi chỉ có trong tiếng Pháp và từ Hán Việt. Công việc biên soạn thuật ngữ địa chất thực sự là một sáng tạo lớn của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển. Nhờ sự nỗ lực của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển và cộng sự mà miền Bắc có được những kĩ sư Địa chất đầu tiên để kịp thời cho nhu cầu điều tra địa chất và khoáng sản của đất nước. Nhiều người trong số kỹ sư khóa địa chất đầu tiên do ông đào tạo đã trở thành những nhà khoa học địa chất hàng đầu, có người đã trở thành nhà quản lí cấp cao của nhà nước. Đóng góp nổi bật nhất của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là tham gia xây dựng Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở Khoa Địa chất của Trường Đại học Bách khoa và thành lập Khoa Địa lí tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển trong một buổi hội thảo khoa học
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển sáng lập Hội Địa chất Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội, Ủy viên lãnh đạo của Liên hiệp Hội Khoa học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng học hàm Liên ngành Khoa học Trái đất và Mỏ. Ghi nhận công lao của ông, Nhà nước ta cũng đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý như danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Kỹ thuật (2005) cho công trình "Bản đồ Quốc gia Việt Nam" do ông làm Tổng Biên tập cùng tập thể tác giả. Đây là công trình một thời GS.NGND Nguyễn Văn Chiển kiên quyết từ chối nhận giải thưởng Lê-nin của Liên Xô (vinh dự như giải thưởng Nobel) chỉ vì có bên đòi nhận công mà đóng góp không xứng đáng.
Thể theo nguyện vọng của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển lúc sinh thời, mới đây, gia đình GS.NGND Nguyễn Văn Chiển quyết định trao tặng toàn bộ khối tài liệu hiện vật cá nhân của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và phát huy giá trị.

 Minh Phương - Bản tin ĐHQGHN số 274 - 275
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   |