Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học huyện Sóc Sơn và Đông Anh năm 2005.
Hội thảo đã diễn ra sáng 18/1/2005, tại Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu trong và ngoài ngành khảo cổ học...

Ngay từ tháng 10/2005, thực hiện “Đề án nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học thuộc Trường ĐHKHXH&NV (do TS. Lâm Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn) cùng với cán bộ Viện Khảo cổ học phối hợp với văn phòng Ban chỉ đạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một số cơ quan văn hóa khác của Hà Nội đã tiến hành điều tra khảo cổ học ở các xã Minh Phú, Việt Long, Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) và khai quật di tích Hoa Lâm Viên thuộc xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) lần thứ nhất.

Tại các địa điểm khai quật thuộc huyện Sóc Sơn, đoàn đã phát hiện ra một số hiện vật khảo cổ học mới có giá trị. Tại di tích đình Tăng Long (thôn Tăng Long, xã Việt Long), đoàn đã thu thập được 19 bia đá, 12 sắc phong cùng nhiều cột đá vỡ, một lư hương đá. Điểm đặc biệt là chiếc lư hương đá được đặt trên bàn thờ trước hậu cung đình bằng chất liệu đá vôi, màu xám tro, cao 42 cm, dài 25 cm, rộng 13 cm, mặt cắt hình ôvan, đường kính miệng 19 cm. Hai bên lư hương trang trí một đôi rồng chầu vào giữa bát hương, rồng mang phong cách Lê Trung Hưng…

Tại địa điểm khai quật ở Hoa Lâm Viên (Đông Anh) trên diện tích 96 m2 đoàn cũng thu thập được nhiều hiện vật cổ quý. Hoa Lâm Viên nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, vốn là bản bộ của nhà Lý. Qua cuộc khai quật lần này, đoàn nghiên cứu đã phát hiện được dấu tích từ thời nhà Đường thông qua những hiện vật gốm tráng men có niên đại thuộc thế kỷ VII – X và gạch "Giang Tây Quân” (đã từng xuất hiện ở 2 kinh đô là Hoa Lư và Thăng Long), điều đó chứng tỏ thời Tiền Thăng Long, Hoa Lâm Viên có thể đã là một điểm tụ cư quan trọng và đây cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của các nhóm cư dân nơi này thời Lý – Trần. Sự hiện diện của đồ gốm men cao cấp chiếm đa số trong tổng số gốm men niên đại Lý - Trần đã thể hiện được phần nào vị trí lịch sử quan trọng của Hoa Lâm Viên. "Tuy nhiên, để chứng minh điều này là cả một quá trình công phu bởi độ dày của tầng phù sa và sự san ủi, đào phá xây dựng, lấy đất của người dân trong nhiều năm qua đã tạo ra những trở ngại nhất định cho quá trình tìm kiếm. Việc nghiên cứu Hoa Lâm Viên là một quá trình lâu dài, cần nhiều công sức, tiền của…” – TS. Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định.

 Minh Trường - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan