Tham gia đợt đánh giá này có PGS.TS Nantana Gajaseni - Giám đốc điều hành AUN; ông Korn Ratanagosoom - đại diện ban Thư ký AUN; các chuyên gia: TS. Wyona Patalinghug, GS.TS Fauza Ab. Ghaffar, PGS.TS Brian Canlas Gozun, PGS.TS Chavalit Wongse-ek.
Về phía ĐHQGHN có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng, lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo hai khoa có chương trình được đánh giá của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc ĐHGQHN Nguyễn Hữu Đức cho biết: với vị thế là một ĐH hàng đầu ở Việt Nam, việc tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng của ĐHQGHN để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra là mục tiêu xuyên suốt trong lộ trình phát triển của ĐHQGHN. ĐHQGHN luôn chủ động tham gia tích cực trong hoạt động đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN. Tính đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN có 11 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn của AUN.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức tin rằng các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng của AUN sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho các chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ, đồng thời cùng nhìn lại những thành tựu và những hạn chế để từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu đưa đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh, qua đó góp phần vào sự phát triển của ĐHQGHN và sự phát triển chung của đất nước.
GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, ĐBCL là cách tốt nhất vừa đảm bảo công tác quản trị đại học, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo. ĐHQGHN luôn tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam trong công tác KĐCL và ĐBCL. Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN gửi lời cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, các thành viên của AUN đồng thời tin rằng thông qua hoạt động KĐCL cùng sự nỗ lực của các đơn vị và các bên liên quan, chất lượng giáo dục sẽ được đẩy mạnh, văn hóa chất lượng sẽ được thiết lập không chỉ tại ĐHQGHN mà còn tại các trường ĐH thuộc mạng lưới.
PGS.TS Nantana Gajaseni cho biết: với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có gần 90 trường ĐH đến từ các quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.
PGS.TS Nantana Gajaseni còn cho biết, AUN không những không ngừng mở rộng phạm vi mà còn luôn chú trọng nâng cao chất lượng kiểm định. Các hoạt động đánh giá của AUN được xem xét, chỉnh sửa, cải thiện cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm định.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe phát biểu của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Sau đó, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài tiếp tục tiến hành hoạt động đánh giá theo lịch trình tại hai trường. Đợt đánh giá kéo dài đến ngày 8/5/2014.
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức; 2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; 4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 5 = Đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí đánh giá.
Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.
|
|