Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Sao Vàng
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Tới dự có các vị nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương; đại diện nhiều đại sứ quán nước ngoài; tổ chức quốc tế, v.v.

ĐHQGHN tiền thân là Đại học Đông Dương, thành lập năm 1906 và ngay từ buổi đầu trở thành cái nôi đào tạo chuyên gia bậc đại học của nhiều ngành khoa học hiện đại ở nước ta. Sau đó, ĐH Quốc gia Việt Nam kế thừa truyền thống học thuật của ĐH Đông Dương từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam.

Hòa bình lập lại (năm 1954), đáp ứng nhu cầu phục vụ sự phát triển của đất nước, hệ thống giáo dục ĐH được mở rộng, phát triển với nhiều trường, thuộc nhiều lĩnh vực như: khoa học cơ bản, kỹ thuật, kinh tế, sư phạm, y - dược, v.v. Trường ĐH sư phạm Ngoại ngữ T.Ư (sau này là Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) được thành lập thời kỳ đó. Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng được hình thành trên cơ sở các ngành cơ bản vốn có của ĐHQG Việt Nam.

Sau này, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng và phát triển một số trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm các ĐH tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, giữ vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, ĐHQG được thành lập trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại một số trường ĐH và viện nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Hà Nội, trước mắt là ba trường ĐH lớn gồm: ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Từ đó, ĐHQGHN từng bước hoàn chỉnh theo mô hình cơ quan sự nghiệp đào tạo - khoa học thuộc Chính phủ với bốn trường ĐH và sáu khoa trực thuộc, hai viện và mười trung tâm NCKH thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Bằng sự nỗ lực và kiên trì phấn đấu, ĐHQGHN từng bước khẳng định uy tín trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Cùng với đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy sinh viên đại học nói chung, đơn vị tạo bước đột phá trong đào tạo hệ cử nhân tài năng, chất lượng cao và liên kết với nhiều trường ĐH có uy tín trên thế giới đào tạo nhiều chuyên ngành chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, việc đào tạo hệ trung học phổ thông chuyên về các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ góp phần phát triển bồi dưỡng, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Hoạt động khoa học, công nghệ cũng như hợp tác quốc tế của ĐHQGHN những năm qua có bước phát triển vượt bậc. Nhiều công trình NCKH của nhà trường được tặng giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Sự hoạt động đa dạng, phong phú trong hợp tác với hàng trăm trường ĐH trên thế giới góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ĐHQGHN ngày nay.

Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương khen ngợi những thành tích mà ĐHQGHN đạt được trong chặng đường 100 năm xây dựng và trưởng thành, bắt nguồn từ ĐH Đông Dương, nơi đào tạo nhiều nhà khoa học nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành và nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch cũng đã gợi ý và trao đổi ý kiến về một số vấn đề để tập thể giáo sư, nhà giáo, cán bộ, sinh viên ĐHQGHN nghiên cứu và thực hiện.

Theo Chủ tịch nước, một là, để thực hiện nhiệm vụ cao cả của một trung tâm ĐH hàng đầu của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chiến lược về giáo dục ĐH đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thời gian tới, ĐHQGHN cần phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp, trước hết là thế mạnh đặc thù về khoa học cơ bản và cơ cấu đa ngành, liên ngành. Cần sáng tạo, năng động và chủ động hơn nữa để tạo ra những đột phá mới làm chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, trước hết là những ngành mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học để tương lai không xa, đến năm 2010, ĐHQGHN phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, đạt trình độ ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực, trong đó có một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế.

Hai là, ĐHQGHN cần đặc biệt quan tâm đổi mới mạnh mẽ cả chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học, tổ chức quá trình dạy - học, kiểm tra - đánh giá, quốc tế hóa quy trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo tài năng, nhân tài cho đất nước.

Ba là, ĐHQGHN cần phát huy và khai thác tốt hơn các thế mạnh về tiềm năng khoa học cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học - công nghệ góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, giữa khoa học - công nghệ, góp phần tích cực tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài về khoa học - công nghệ cho đất nước. ĐHQGHN cũng cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh của mình về tiềm năng khoa học - công nghệ, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề được đặt ra từ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thiết thực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ giảng dạy nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và góp phần phát hiện, đào tạo nhân tài cho đất nước là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với ĐHQGHN. Năm là, ĐHQGHN không chỉ phấn đấu là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, mà bằng thực tiễn và thông qua thực tiễn sinh động của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của mình; cần phấn đấu xứng đáng với vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, cùng với các cơ quan chức năng tư vấn cho Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và khoa học, xây dựng nền giáo dục đại học và khoa học Việt Nam đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Sáu là, học tập, nâng cao sự hiểu biết và trình độ là sự đòi hỏi, là trách nhiệm thường xuyên của mỗi người, nhất là với thế hệ trẻ. Mỗi sinh viên ĐHQGHN nói riêng, các trường chuyên nghiệp trong cả nước nói chung cần xác định rõ mục đích phấn đấu trong học tập, xây dựng cho mình những ước mơ, hoài bão trong nghiên cứu khoa học.

Chủ tịch nước còn đề nghị lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư, TP Hà Nội và các địa phương cần có sự quan tâm đặc biệt để đầu tư, hỗ trợ thích đáng và tạo điều kiện thuận lợi cả về tổ chức và cơ chế hoạt động cho các trường đại học nói chung và ĐHQGHN nói riêng; xem đây là đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực tài năng, nhân tố quyết định của sự phát triển đất nước trong bất cứ giai đoạn nào của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ phát triển nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ thế kỷ 21.

* Nhân dịp này, chiều 15-5, ĐHQGHN khai mạc Diễn đàn Quốc tế về Giáo dục đại học trong thế kỷ 21, quy tụ gần 300 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục, trong đó có hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ 38 trường ĐH của nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Ông Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự diễn đàn. Đây là dịp tăng cường giao lưu học thuật và tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam gặp gỡ, trao đổi ý kiến về những vấn đề nóng bỏng của giáo dục ĐH, hứa hẹn những kết quả tốt đẹp trong việc xây dựng mô hình giáo dục ĐH phù hợp, hiệu quả cao thông qua hợp tác quốc tế.

* Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển và Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam G.Ph.Blaren ký thỏa thuận tài chính cấp chính phủ giữa Việt Nam và CH Pháp nhằm triển khai dự án các trung tâm đại học Pháp tại Việt Nam. Theo đó, với sự tài trợ trị giá ba triệu euro cho Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, CH Pháp giúp các trường đại học ở hai đại học nói trên triển khai một số chương trình đào tạo theo chương trình Pháp cũng như dành một phần kinh phí hỗ trợ việc nghiên cứu, nhất là tiến hành các hoạt động gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học.

 Theo Nhân dân - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   |