Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
"Email" thế hệ: "Theo tôi trong toán học, mỗi lời giải đúng là một tứ thơ đẹp!"
Anh là một nhà toán học trẻ nổi tiếng, là gương mặt trẻ nhất trong 100 chân dung một thế kỷ của ĐHQGHN. 33 tuổi, anh đã được phong học hàm giáo sư mà không phải qua chức danh phó giáo sư, có một vị trí ổn định tại một trong những trường đại học danh giá vào bậc nhất châu Âu, nhiều người nói rằng: Ngô Bảo Châu đã vươn tới đỉnh cao của vinh quang… Nhân sự kiện cuốn sách “100 chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội” ra mắt độc giả, chúng tôi đã liên lạc và “chat” với Ngô Bảo Châu, hy vọng rằng những tâm sự của anh dưới đây chắc chắn sẽ rất có ích cho các bạn trẻ nhất là những người đã lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học…

Bantinvnu@: Toán học và người làm toán vốn khô khan vậy mà có người bảo rằng: Anh Bảo Châu tìm thấy chất thơ trong những phép toán…?

GS. Ngô Bảo Châu: Tuy là một môn khoa học chính xác nhưng toán lại có rất nhiều điểm gần gũi với hoạt động nghệ thuật. Mỗi khi đi tìm lời giải cho một bài toán, ta đứng trước bao nhiêu con đường, không biết con đường nào sẽ dẫn tới đích. Đối với nhà toán học, sự lựa chọn dựa nhiều vào yếu tố thẩm mỹ. Theo tôi, trong toán học, lời giải đẹp thường cũng là lời giải đúng. Đáng tiếc nếu đem điều này áp dụng vào cuộc sống thì không ổn…

Bantinvnu@: Chắc rằng cũng đã có không ít những lúc anh rơi vào trạng thái quá căng thẳng trong công việc, những lúc ấy anh thường làm gì để tránh stress?

GS. Ngô Bảo Châu: Quả thực tôi rất cảm ơn gia đình mà trước hết là vợ tôi đã hiểu được và chia sẻ với cái khó nhọc của người làm toán. Có lúc ngồi ăn cơm với cả nhà mà đầu óc mình vẫn mải tính toán cái gì đó, cũng may không phải lúc nào cũng vậy. Nếu không có những giây phút thảnh thơi, ngồi vui đùa với 2 cô con gái là Thanh Hiên và Thanh Nguyên thì chúng tôi chắc khó giữ được sự cân bằng tâm lý, rất cần thiết cho cuộc sống của người xa xứ. Tôi còn có một điểm tựa tinh thần rất lý tưởng đó là bố mẹ tôi và một số bạn bè ở Pháp và cả ở trong nước.

Bantinvnu@: Theo anh tố chất quan trọng nào giúp người làm toán "vượt qua" được một bài toán khó?

GS. Ngô Bảo Châu: Tôi nhớ hồi bé, mỗi khi phải mở phần đáp số cuối sách để xem lời giải một bài toán mà mình không thể "xoay sở" được, tôi lại cảm thấy dằn vặt đến khổ sở, cảm giác ấy pha lẫn bực tức và xấu hổ giống như mình tham gia một trận bóng và bị đối phương ghi bàn vậy. Chính tố chất thể thao của chuyên toán đã giúp tôi rất nhiều sau này, và chắc chắn nó cũng giúp cho nhiều người khác ở những lĩnh vực không liên quan gì đến toán. Theo tôi, cái đáng quý nhất là qua hệ đào tạo PTTH chuyên toán, các thế hệ anh chị đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau ngọn lửa đam mê và khát khao chinh phục những đỉnh cao toán học.

Bantinvnu@: Những tháng năm học tập tại Khối THPT chuyên Toán (Trường ĐHTHHN) chắc chắn đã để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm đẹp về mái trường, thầy cô, bè bạn?

GS. Ngô Bảo Châu: Tôi vào học chuyên toán muộn hơn các bạn bè. Quả thực, tôi biết yêu toán học từ ngày đi theo học anh Phạm Ngọc Hùng, tiếp sau đó là các anh Lê Tuấn Hoa, Vũ Đình Hòa. Tôi không quên những bài giảng của thầy giáo Tôn Thân ở trường Trưng Vương, rồi cả những ngày học chuyên toán tổng hợp với thầy Hùng, thầy Việt, cô Hoa. Chính các thầy cô đã dạy tôi một điều giản dị mà ý nghĩa đó là: "Không cần chạy theo các bài toán hóc búa, cái đẹp có khi lại ở trong những bài toán đơn giản nhất"…

Bantinvnu@: Từ giảng đường của Khối THPT chuyên Toán, anh đã có điều kiện để tiếp cận với toán học thế giới hiện đại, anh có nhận thấy sự cách biệt về tư duy?

GS. Ngô Bảo Châu: Tôi còn nhớ, khi mới sang học ở ENS và học DEA ở Orsay tương đối chật vật. Điểm học tập thì tạm ổn, nhưng tôi cảm thấy học toán không còn đơn giản như trước nữa. Sau này khi ngẫm lại, tôi mới nhận ra đây là giai đoạn chuyển tiếp khó khăn từ đầu óc chuyên toán sang phương pháp tư duy của toán học hiện đại. Tôi lấy ví dụ, như tính đối ngẫu, theo cách nhìn của chuyên toán thì chỉ lập luận vòng vo, trong khi quan điểm toán cao cấp lại là cái mấu chốt. Ngược lại, cái mà ta thường đề cao trong toán sơ cấp lại chỉ là những bài toán râu ria, làm cho vui. Tôi có cái rất may là được theo thầy Laumon để học tập được phần nào phong cách làm toán của ông. Ông đã dạy tôi cách nhìn nhận, đánh giá cái hay, cái đẹp trong toán học hiện đại.

Bantinvnu@: Nhiều bạn trẻ khi trò chuyện với nhau thường bảo: "Làm luận án tiến sĩ không chật vật phải như Ngô Bảo Châu ấy!", anh cảm thấy thế nào?

Ngô Bảo Châu cùng mẹ: PGS. Trần Vân Hiền và GS. Henri Regemorter

GS. Ngô Bảo Châu: Cũng khá chật vật đấy, bởi đề tài luận án của tôi thuộc loại mạo hiểm, chỉ có 2 cách hoặc là làm được, hoặc là không. Không hề có lối thoát khác, cũng không thể thêm giả thiết, hoặc sửa định nghĩa để cho có định lý. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, tôi vẫn không có một chút kết quả nào. Phải đến đầu năm thứ tư, tôi mới tìm ra được cái chứng minh hóc hiểm kia, thật ra thì lúc đó chưa yên tâm lắm. Tôi còn nhớ lúc đang bận viết luận án, một buổi tối, tôi phát hiện ra hình như có một chỗ sai trong chứng minh. Đêm hôm ấy là một đêm khủng khiếp, buổi sáng hôm sau tỉnh dậy thì mọi chuyện lại tươi đẹp…

Bantinvnu@: Chắc chắn rằng quá trình làm luận án của anh sẽ giúp các bạn trẻ rút ra được nhiều bài học bổ ích?

GS. Ngô Bảo Châu: Đề tài thầy Laumon giao cho tôi làm luận án tiến sĩ đã khá gần với bổ đề cơ bản (lemme fondamental) rồi, cho nên tôi cảm thấy gắn bó với "lemme" này ngay từ đầu. Sau luận án, tôi có làm một số vấn đề khác và cũng gặt hái được một vài thành công nhưng quả là khó có thể tìm lại cảm giác khi phải đối mặt với những bài toán thực sự hóc búa như khi làm luận án. Thời gian từ năm 1997 đến 2001, tôi dành thời gian để đi và cộng tác với rất nhiều người, viết những bài báo khoa học và hơn hết là tự mình cải thiện thêm những hiểu biết về vốn sống và văn hóa. Từ năm 2001, tôi cảm thấy cần tập trung làm việc trở lại với cái "lemme fonda-mental". Tìm được một công việc ổn định ở các nước phương Tây sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ là rất khó ngay cả với người bản xứ chứ chưa nói đến người nước ngoài. Ngay cả trong việc làm toán, khi chưa làm xong một vấn đề thì ta khó mà vô tư ăn ngon ngủ yên được…

Bantinvnu@: Vị trí của các đội tuyển toán Việt Nam tại các kỳ Olympic toán quốc tế từ trước đến giờ luôn ở hạng cao, nhiều khi xếp trên cả các nước tiến tiến như Mỹ, Anh, Pháp… Anh đánh giá thế nào về công nghệ luyện thi học sinh giỏi ở nước ta?

GS. Ngô Bảo Châu: Đó chính là niềm tự hào của ngạch đào tạo chuyên toán ở nước ta. Công nghệ luyện thi học sinh giỏi toán bên cạnh những ưu thế vượt trội của nó còn bộc lộ một số nhược điểm khó khắc phục. Đó là khi được học luyện thi rồi thì học sinh dễ bị đánh lạc hướng khỏi những vấn đề có tính cốt lõi của toán. Nó đặt cái tố chất thông minh, nhanh nhạy lên trước mà gạt ra ngoài khả năng thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc, tuy nhiên chính cách rèn luyện của chuyên toán lại hình thành cho học sinh một bản lĩnh nhất định khi phải đối mặt với một bài toán khó.

Bantinvnu@: Đã có không ít lần giảng cho sinh viên Việt Nam, anh có nhận xét gì về trình độ, phương pháp học tập, nghiên cứu của họ?

GS. Ngô Bảo Châu: Tôi đã từng giảng dạy cho một nhóm sinh viên Trường ĐHSPHN, các em rất ham học, biết vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tôi nghĩ rằng khoảng cách về trình độ giữa sinh viên của ta và của thế giới không lớn, nếu có điều kiện theo học, nghiên cứu ở nước ngoài chắc chắn rằng các em sẽ trở thành những nhà khoa học giỏi trong tương lai…

Bantinvnu@: Xin cảm ơn Ngô Bảo Châu về cuộc trò chuyện. Chúng tôi thay mặt cho các bạn trẻ chúc anh (gương mặt trẻ nhất trong 100 chân dung tiêu biểu một thế kỷ của ĐHQGHN) tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và cống hiến cho toán học được nhiều hơn nữa.

Lý lịch trích ngang:

· Mùa hè 1988: 16 tuổi, theo học lớp 11 tại Khối THPT chuyên Toán, Trường ĐHTHHN (nay là ĐHQGHN), Ngô Bảo Châu đã giành Huy chương Vàng Olympic toán quốc tế tại Canberra, Úc.

· Mùa hè 1989: Học lớp 12, tham dự tiếp Olympic toán quốc tế tại Brunswick, CHLB Đức và một lần nữa anh giành Huy chương Vàng.

· Từ 1989 - 2003: Anh học tiếng Hungary, sửa soạn sang Budapest học toán. Nhưng Đông Âu xảy ra “cách mạng nhung”! Chính quyền mới không cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, do đó anh sang Pháp và theo học tại Đại học Paris 6. Hai năm sau, anh theo học hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris (Pháp). 25 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 31 tuổi bảo vệ thành công luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học).

· Đầu năm 2004: 32 tuổi, anh trở thành giáo sư giảng dạy tại Đại học Paris 11, làm việc cùng với 2 nhà toán học thân thiết là Gérard Laumon và Laurent Lafforgue.

· Cuối năm 2004: Anh và Gérard Laumon được trao giải thưởng của Viện Toán học Clay tại Đại học Havard (Bang Massachusetts, Mỹ).

· Năm 2005: Anh là người trẻ tuổi nhất Việt Nam được đặc cách phong học hàm giáo sư ở trong nước.

· Năm 2006: Anh được trở thành 1 trong 100 gương mặt tiêu biểu nhất trong suốt 1 thế kỷ ra đời và phát triển của ĐHQGHN.


 

 Văn Trương - Quốc Toản - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :