Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật - chân dung một người thầy
Thầy Đoàn Thiện Thuật có một tác phong làm việc rất chuẩn mực, một phong cách giảng dạy độc đáo, nghiêm túc, cặn kẽ, rành mạch. Ngữ âm học thường được cho là môn học khô khan, khó hiểu, nhưng giờ giảng của thầy vẫn nhẹ nhàng, hấp dẫn. Trong giảng dạy thầy chú ý nhiều đến thực hành. Thầy đã khêu gợi cho sinh viên những vấn đề còn bỏ ngỏ, khuyến khích ở họ lòng ham thích tìm hiểu, nghiên cứu.

Giáo sư Đoàn Thiện Thuật quê ở thôn Cự Lộc, nay là phố Cự Lộc, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng thân phụ ông đã ra ở phố Hàng Bát Sứ để học chữ Nho từ 5 tuổi. Cụ sống ở đây và lớn lên chuyển sang học ở Trường Pháp – Việt. Cụ đỗ đầu vào trường Thông ngôn, và ra làm ở “kho bạc” tức là Sở Tài chính ngày nay. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau, cụ trở thành tư chức và ở đâu cũng đứng “đầu tòa”, cuộc sống khá dư giả. Nhờ vậy các con của cụ đều được học hành đến nơi đến chốn.

Đoàn Thiện Thuật là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em. Người anh cả theo Cách mạng từ trước khởi nghĩa, đã bị Pháp cầm tù, sau này là cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao. Chính ông đã có ảnh hưởng tốt đến các em, mà trước hết người em kế cận ông: Đoàn Thiện Thuật. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, cậu học sinh Đoàn Thiện Thuật, luôn là người dẫn đầu, có vai trò quan trọng trong các phong trào học sinh, sinh viên. Cuối năm Dự bị đại học, cậu đã là Ủy viên Ban chấp hành Trương ương Hội Liên hiệp học sinh sinh viên Việt Nam. Em trai cậu cũng trong Ban chấp hành Hiệu đoàn Trường Albert Sarraut.

 

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đoàn Thiện Thuật

Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học kiêm Trưởng ngành Ngôn ngữ trong Khoa Ngữ văn (1977-1980; 1992-1995).

Đam mê với những hoạt động phong trào nhưng không vì thế mà học trò Đoàn Thiện Thuật sao nhãng việc học hành. Dù ở bậc trung học hay dự bị đại học, cũng như sau này, khi đã trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, sinh viên Đoàn Thiện Thuật bao giờ cũng được đánh giá tốt về ý thức và thành tích học tập. Ông là sinh viên khóa I của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khi đó một khóa chỉ có 3 năm, nhưng ông là người duy nhất có Bằng Đại học 4 năm) chẳng là sau khi ông đã trở thành cán bộ giảng dạy, ông được dự kiến đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, ông đã tự nguyện đi dự lớp ở năm thứ tư và làm Luận văn tốt nghiệp như mọi sinh viên bình thường để lấy Bằng Tốt nghiệp 4 năm vào loại xuất sắc. Có như vậy mới đủ thủ tục nộp Hồ sơ. Đến nay, mỗi khi kể về GS. Đoàn Thiện Thuật, các bạn bè cùng khóa đều có nhận xét ngắn gọn về thầy là con người chăm học, cẩn thận, nghiêm túc, sáng tạo

Với thói quen được rèn giũa từ nhỏ, lại thêm nếp sống tất bật vừa làm công tác đoàn thể vừa học tập, nên khi giảng dạy, thầy Đoàn Thiện Thuật vẫn dành nhiều thời gian tự học để vươn lên và đã đạt được học vị Phó Tiến sĩ (Tiến sĩ theo cách gọi hiện nay) khá sớm so với bạn bè.

Thầy Đoàn Thiện Thuật có một tác phong làm việc rất chuẩn mực, một phong cách giảng dạy độc đáo, nghiêm túc, cặn kẽ, rành mạch. Ngữ âm học thường được cho là môn học khô khan, khó hiểu, nhưng giờ giảng của thầy vẫn nhẹ nhàng, hấp dẫn. Trong giảng dạy thầy chú ý nhiều đến thực hành. Thầy đã khêu gợi cho sinh viên những vấn đề còn bỏ ngỏ, khuyến khích ở họ lòng ham thích tìm hiểu, nghiên cứu.

Thầy thường nói: “Tự học phải là chính”. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thầy đã giảng chuyên đề lý thuyết về Âm vị học. Và cũng năm tháng ấy, dưới ngọn đèn dầu, thầy đã hoàn thành bản thảo cuốn Ngữ âm tiếng Việt. Thầy đã dốc toàn lực, đem tất cả những gì đã tích lũy được và đặc biệt là xem xét lại mọi vấn đề dưới ánh sáng của Đông phương học mà GS. Nguyễn Tài Cẩn đã có công đem về sau những năm tiếp cận với nền Ngôn ngữ học Xô viết.

Thầy đã biết ranh giới của hình vị trùng ranh giới âm tiết. Tuy nhiên, thầy cũng không dừng lại ở Thanh mẫu và Vận mẫu như lý thuyết truyền thống Trung Hoa. Thầy quan tâm đến một thực tiễn, chúng ta đang sử dụng chữ Quốc ngữ và việc dạy học ở nhà trường, nên đã buộc lòng phải đi đến những đơn vị nhỏ hơn. Thầy cũng không gạt ra ngoài âm tiết yếu tố quan trọng gắn liền với âm tiết là Thanh điệu, như các nhà nghiên cứu phương Tây (vốn không coi Thanh điệu là một âm vị) và kể cả các sách vở âm vận học truyền thống phương Bắc. Thầy phân định ba thành tố trực tiếp của âm tiết là Thanh điệu, Âm đầu và Phần vần. Sau đó nói đến các yếu tố nhỏ hơn, cấu tạo nên Phần vần. Cái mới của sách Ngữ âm tiếng Việt so với sách vở trước nó là ở chỗ ấy. Nó cũng xuất phát từ đặc điểm của tiếng Việt, vốn không phải là một ngôn ngữ biến hình mà khẳng định phụ âm đầu và phụ ấm cuối là những đơn vị riêng biệt, nằm trong hai hệ thống biệt lập, không chấp nhận khái niệm biến thể vị trí của cùng một âm vị. Điều đó cũng nói lên đặc thù của tiếng Việt. Cuốn sách này khi xuất bản đã gây một tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước. Đó là tài liệu luôn được trích dẫn trong các luận án, các công trình nghiên cứu và được đề cập đến tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Sách được tái bản nhiều lần, đang là cơ sở cho việc biên soạn sách dạy trong các trường học ở nước ta, bậc đại học cũng như bậc phổ thông.

Công tác ở trường đại học thì ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Từ buổi ban đầu đi nghiên cứu điền dã về tiếng Mường Ngọc Lặc ở Thanh Hóa đến sau này qua những đợt hướng dẫn sinh viên thực tập, ở GS Đoàn Thiện Thuật đã hình thành một mô hình đào tạo: lấy thực tế phục vụ giảng dạy.

Khi trường sơ tán lên Thái Nguyên, chính quyền địa phương (khi đó là Khu Tự trị Việt Bắc) đề nghị trường giải quyết giúp một khó khăn là việc lựa chọn tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng để dùng vào việc phát thanh, mà trước đó các chuyên gia đã vào cuộc nhưng không thành công. Tổ bộ môn Ngôn ngữ học đã ra quân đợt đầu trong một tháng để thăm dò, sau đó quyết định đưa cả sinh viên đi vào nghiên cứu. Một hai thầy đưa tất cả sinh viên năm thứ tư, tách khỏi trường đến các vùng có người Tày, người Nùng, ăn ở trong nhà dân để học tiếng, đồng thời hằng ngày vẫn tập trung học chuyên đề. Hình thức “học tập tại thực địa” đó lần lượt được thực hiện mỗi năm ở một tỉnh. Song song với sinh viên năm thứ tư, các sinh viên lớp dưới trong đợt thực tập hằng năm tỏa ra thu thập tư liệu ở các địa phương còn lại, trong khu tự trị. Những tài liệu này được chuyển cho sinh viên năm cuối để làm luận văn tốt nghiệp. GS. Đoàn Thiện Thuật đã đích thân quản lý các đợt “học tập tại thực địa”, đồng thời hướng dẫn tất cả các sinh viên năm thứ tư bảo vệ một luận văn tập thể, xây dựng một tập bản đồ ngôn ngữ học. Thầy đã sử dụng phương pháp vẽ bản đồ của Ngôn ngữ học địa lý để tìm ra vùng quy tụ những đặc điểm của các tiếng địa phương tương đồng về ngữ âm, từ vựng.

Tất cả các sinh viên năm thứ tư khóa tiếp theo cũng cùng tham gia một luận văn tốt nghiệp tập thể dưới sự hướng dẫn của thầy Thuật. Phương pháp định lượng áp dụng để tìm ra một cách chính xác nét phổ biến về ngữ âm, từ vựng trong những tiếng địa phương đã được xác định trong công trình trước. Mức độ phổ biến của mỗi tiếng địa phương cũng được thể hiện trên một tập bản đồ.

Tiếng nói của khu vực tìm được đem sử dụng để phát thanh. Đồng bào Tày cũng như Nùng trên hầu hết địa bàn Việt Bắc đều hiểu được và chấp nhận. Đó là một thành công rất đáng ghi nhận.

Các chuyên gia trước đó đều theo sách vở truyền thống, tức là chọn tiếng nói của vùng nào có trình độ kinh tế, chính trị, văn hóa phát triển nhất làm tiếng chuẩn. Cách làm này căn cứ vào những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ. Nó không thành công, vì thực tế cho thấy ở khu Việt Bắc không có vùng nào trội hẳn về các mặt trên, và nếu có, thì lại là vùng có đa số người Kinh cư trú, tiếng nói pha tạp. Cách làm của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà GS. Đoàn Thiện Thuật thực hiện là căn cứ vào những nét tương đồng của các tiếng địa phương, tức là dựa vào những yếu tố bên trong ngôn ngữ. Đây là một đóng góp về mặt phương pháp mang tính lý thuyết đại cương trong ngôn ngữ học.

Hai tập bản đồ ngôn ngữ là hai tập Atlas đầu tiên được thực hiện trong giới ngôn ngữ học ở nước ta.

Trong 5 năm, GS. Đoàn Thiện Thuật đã ngược xuôi, từ Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì đến Bản Giốc (Trùng Khánh), lăn lộn cùng sinh viên để thực hiện đề tài Xác định tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm 70 của thế kỷ trước, vị thế của ngành Ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được đánh giá cao. Nhà trường đã lựa chọn đề tài này để tham gia cuộc Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc dân tại Giảng võ trong thời kỳ đó.

Khi miền Bắc mới ngớt tiếng bom thì lại một đề tài nghiên cứu mới được triển khai. Theo yêu cầu của Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương, nước ta cần xây dựng cho mình những chỉ tiêu phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Về sinh lý, Bộ Y tế đảm nhiệm việc thực hiện. Về tâm lý do nhiều cơ quan đảm nhiệm, trong đó có ngôn ngữ mà việc điều tra do Ngành Ngôn ngữ học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện. Trong ba năm (1971-1974), thầy trò lại lao vào một chiến dịch mới, vẫn do GS. Đoàn Thiện Thuật làm tổng chỉ huy. Các đợt thực tập hàng năm của sinh viên lớp dưới và một bộ phận lớn luận văn tốt nghiệp đã tập trung vào việc điều tra thực tế ngôn ngữ của trẻ em trước tuổi đi học. Thầy đã bàn bạc, phân công với các đồng nghiệp để nghiên cứu, viết bài, đồng thời trực tiếp hướng dẫn sinh viên đến các nhà trẻ và gia đình để ghi chép cách phát âm, ghi các từ mà trẻ em đạt được ở từng lứa tuổi. Phạm vi điều tra gồm trẻ em ở thành phố, nông thôn, miền núi (Lào Cai), đồng bằng (Hưng Yên, Hà Nội), miền biển (Quảng Ninh). Thầy trò lại một phen ngược xuôi tới các miền đất nước. Cũng nhân dịp này, cá nhân thầy đã tham gia cùng các bác sĩ Viện Tai Mũi Họng điều tra ngôn ngữ của trẻ em khuyết tật. Kết quả của việc điều tra trên, bài của các thầy và sinh viên đã được công bố trong Hội nghị Tâm lý học (đăng trong kỷ yếu).

GS. Đoàn Thiện Thuật đã sử dụng chuyên môn của mình để nghiên cứu phục vụ thực tế ở bất cứ nơi đâu cần thiết. Thầy tham gia với Viện Tai Mũi Họng trong việc đo thính lực bằng lời, với Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong việc đo độ rõ của tiếng nói ở cuối đường truyền. Học trò của thầy sau này còn tham gia vào việc nhận diện tiếng nói, mà tác dụng của nó to lớn vô cùng (trong hình sự, trong quân sự, chống khủng bố,…). Tóm lại, hơn ai hết, thầy đã thấy được những ứng dụng của riêng môn Ngữ âm học thôi (chứ chưa phải Ngôn ngữ học nói chung) trong y tế, trong kỹ thuật, công nghệ, trong nghệ thuật biểu diễn (điện ảnh, sân khấu, thanh nhạc), nghệ thuật sáng tác (thi ca). Chính vì vậy mà thầy kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng Ngôn ngữ học chỉ là một bộ phận trong nghiên cứu Văn học.

GS. Đoàn Thiện Thuật với bề ngoài có vẻ hiền dịu, tĩnh lặng, nhưng thực chất thầy là một con người năng nổ. Có thể nói, GS. Đoàn Thiện Thuật là một người thầy, một nhà nghiên cứu lăn lộn với cuộc sống. Nếu như trước năm 1975 từ địa đầu của đất nước đến sông Bến Hải không đâu là không có dấu chân thầy thì sau ngày giải phóng miền Nam, thầy đã đi từ Mũi Cà Mau đến sông Bến Hải, khi nhận nhiệm vụ làm Trưởng đoàn khảo sát liên bộ (gồm đại diện của Bộ Đại học, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa và hai cơ quan ngang Bộ là Ban Dân tộc Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương) do Chính phủ thành lập để thẩm tra yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam muốn học tiếng và chữ dân tộc, nhằm xác định chính sách ngôn ngữ của nhà nước. GS. Đoàn Thiện Thuật được chỉ định làm việc này do chỗ đến thời điểm đó thầy là người duy nhất nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số, được nhiều người biết đến. Nhưng chính chuyến đi này đã tạo điều kiện cho thầy được biết sớm nhất bức tranh toàn cảnh của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ và mở đường cho các hoạt động nghiên cứu của thầy trong lĩnh vực này.

Sau đó vài năm trong khuôn khổ hợp tác khoa học giữa Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô và Viện Ngôn ngữ cùng các trường đại học Việt Nam ở miền Bắc đã có mấy đợt điều tra điền dã chung, thu lượm các dữ liệu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở miền Nam. GS. Đoàn Thiện Thuật đã cùng các đồng nghiệp Việt và Nga hào hứng nghiên cứu tiếng Chăm Thuận Hải, tiếng Chăm Châu Đốc và đặc biệt là tiếng Khmer Nam Bộ, vốn đã được biết đến khi tham gia đoàn điều tra liên bộ. Rất tiếc bản thảo cuốn sách về tiếng Khmer Nam Bộ do thầy cùng A. Ju. Efimov viết đã được hoàn thành, chờ xuất bản tại Moskva thì Liên Xô tan rã, nên bị thất lạc và chương trình hợp tác cũng không còn tiếp tục nữa. Từ những hoạt động như vậy GS. Đoàn Thiện Thuật càng gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu này. Thầy có nhiều tài liệu và hiểu biết khá rộng trên địa bàn cả nước, song điều quan trọng hơn là thầy đã hướng dẫn nhiều luận văn tốt nghiệp làm về nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Xinh mun đến tiếng Khơ mú, thầy đã đào tạo được một thế hệ sinh viên giỏi thực hành. Chính họ hiện nay đang phát huy thế mạnh của mình ở cương vị chủ chốt của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước.

Tính năng nổ tích cực của GS. Đoàn Thiện Thuật được thể hiện ở mọi nơi, trong mọi tình huống. Khi quan hệ Việt – Pháp có những chuyển biến theo chiều hướng tốt, thầy được cử làm giáo sư thỉnh giảng của Trường Đại học Paris VII. GS. Đoàn Thiện Thuật đã tận dụng cơ hội này để học hỏi, nghiên cứu và sưu tầm tư liệu. Thầy đã đến Phòng Ngữ âm thực nghiệm của GS. Gsell ở Đại học Paris III đăng ký để học tập thêm, chuẩn bị bảo vệ Tiến sĩ quốc gia của Pháp (tương đương với TSKH của Liên Xô). Thầy đóng học phí đều đặn, kể cả sau khi đã về Việt Nam. Nhưng rồi kế hoạch không thành vì chính phủ ta không thừa nhận bằng cấp của Pháp. Những thực tập sinh tiếng Pháp của ta sang đó, bảo vệ thành công Tiến sĩ đệ tam cấp (tương đương với Phó Tiến sĩ của Liên Xô) về nước đều phải thi lại. Tại Pháp, GS. Đoàn Thiện Thuật đã trở thành đồng nghiệp gần gũi với GS. A. G. Haudricourt, người nổi tiếng thế giới về Ngữ âm học lịch sử với những ứng dụng vào các ngôn ngữ ở Đông Dương và châu Đại Dương. Thầy cũng đã thân quen với GS M. Ferlus. Ông đã được GS. Hoàng Xuân Hãn chuyển cho tư liệu viết tay của Bento Thiện để viết bài nghiên cứu về Chữ Quốc Ngữ thế kỷ 17 đăng trên Tạp chí tại Đại học Paris VII. Ở đại học này thầy cũng đã lưu lại làm kỷ niệm cho những ngày giảng dạy cuốn sách Nói tiếng Việt. Được sứ quán Việt Nam cho phép, thầy đã hòa mình vào Hội người Việt tại Pháp, viết báo Đoàn kết, tham gia các hoạt động của Hội, thậm chí mượn phim của sứ quán về tổ chức chiếu phim cho sinh viên trong trường xem. Ngoài ra GS. Đoàn Thiện Thuật cũng nhờ GS của Khoa, nơi thầy dạy học, giới thiệu với kho lưu trữ của Hội Truyền giáo nước ngoài để vào tìm tư liệu. Tại đây thầy đã được tận mắt nhìn thấy những bức thư gửi từ Việt Nam sang Pháp và ngược lại, giữa các giáo dân với bề trên, cũng như những sổ tay của các linh mục, với ngày tháng ghi rõ, trải suốt từ cuối thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 19. Đây là những tư liệu quý hiếm về chữ Quốc ngữ, vì từ trước tới nay người ta chỉ biết đến tư liệu về thế kỷ 17 và thế kỷ 19, trừ “Sách sổ sang chép các việc” của Philiphê Bỉnh (1822) được viết tại Bồ Đào Nha, mà cách viết của ông có lẽ đã được ông mang theo từ ngày ra đi, tức từ trước đó hàng chục năm. Những tư liệu mà GS. Đoàn Thiện Thuật tìm được, mang về nước, trám đúng một thế kỷ trống vắng tư liệu. GS đã công bố 42 bức thư này trong một cuốn sách dày dặn với nhan đề Chữ Quốc ngữ thế kỷ 18.

Thời gian GS. Đoàn Thiện Thuật ở Pháp (1981) sưu tầm được những tư liệu này cũng là lúc GS. Phan Huy Lê làm việc tại Pháp và mang về nước được bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc Chính hòa thứ XVIII (1697). Hai giáo sư cùng ở cư xá Đại học và đi đây đi đó cùng nhau, nên không lấy làm lạ rằng sau này khi Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam (sau trở thành Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, tổ chức tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) được thành lập thì GS. Phan Huy Lê là Giám đốc và GS. Đoàn Thiện Thuật là Phó Giám đốc, một người chủ yếu lo đối ngoại, một người chủ yếu lo đối nội.

Trung tâm thu hút được đông đảo các nhà khoa học và nghiên cứu sinh nước ngoài. Họ tới Việt Nam để tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam ở mức độ sâu, nhưng dù muốn hay không họ đều phải đi qua cái cầu ngôn ngữ. Việc dạy tiếng cho họ là không thể thiếu được và là một yêu cầu cấp bách. GS. Đoàn Thiện Thuật là người phải lo tổ chức lớp, lo đội ngũ giáo viên, lo tài liệu giảng dạy. Mặt khác, đối với nội bộ, đây cũng là nguồn thu nhập cần thiết để Trung tâm có thể tồn tại được về lâu về dài, mà chi phí cho việc tiếp khách là rất lớn, trong khi không có một khoản đầu tư nhỏ nào của Nhà nước, suốt trong 15 năm hoạt động. GS. Đoàn Thiện Thuật đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên vững vàng với trên 10 người, được tuyển với yêu cầu gắt gao về trình độ học lực, về phát âm. GS. đã rèn luyện họ một cách bài bản về cách dạy, về xử lý tình huống. GS. đã tổ chức viết sách và cuốn hút tất cả vào công việc này để nâng cao bản lĩnh. Những sách sau này in ra dưới danh nghĩa Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thực ra đã được biên soạn trong một thời gian dài khi Trung tâm chưa kết thúc nhiệm kỳ, bao gồm đủ các trình độ từ thấp đến cao (Tiếng Việt, trình độ A, 2 tập, Thực hành tiếng Việt, trình độ B, Thực hành tiếng Việt, trình độ C, Ngữ pháp tiếng Việt giản yếu, bằng Tiếng Anh, dùng cho các giáo viên dạy tiếng Việt là người nước ngoài). GS. Đoàn Thiện Thuật đã dành hết tâm huyết vào công việc này, từ vạch kết hoạch, đề xuất nội dung, yêu cầu, phân công, đến duyệt bài và thậm chí cả tìm nguồn tài trợ, cũng như lo hình vẽ, kỹ thuật in ấn. Sách liên tục được tái bản và được dùng trong hầu hết các cơ sở dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại miền Bắc.

Trên địa hạt ngôn ngữ học và với thế mạnh của mình, GS. Đoàn Thiện Thuật còn tạo dựng được những kết hoạch hợp tác quốc tế. Trường Đại học Leiden của Hà Lan đã cùng Trung tâm hợp tác công bố dữ liệu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở nước ta. Cuốn Tiếng Dao của GS. Đoàn Thiện Thuật (viết chung cùng GS. Mai Ngọc Chừ) đã được xuất bản với sự tài trợ của Hà Lan. Tiếp theo là cuốn Tiếng Katu – cấu tạo từ của TS. Nguyễn Hữu Hoành. Và nếu như không có sự biến động từ phía Hà Lan thì cuốn thứ ba, Từ vựng các phương ngữ Êđê của PGS.TS Đoàn Văn Phúc cũng được xuất bản trong bộ sưu tập sách này cũng như các cuốn tiếp theo. GS. Đoàn Thiện Thuật đành bằng con đường khác làm cho cuốn sách của Đoàn Văn Phúc xuất bản được (với sự tài trợ của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam).

Sau hợp tác với Hà Lan là hợp tác với Hàn Quốc, GS. Đoàn Thiện Thuật đã sang dạy cho Trường ngoại ngữ Hankuk và cùng với GS. Cho Jae-hyun đồng chủ biên một cuốn sách dạy tiếng Việt ở trình độ nâng cao, sau này xuất bản tại Seoul. Cũng trong thời gian giảng dạy tại đây, tuy ngắn ngủi, GS. đã học chữ và tiếng Hàn cùng GS. Kim Ki Tae và kết quả là một cuốn sách có nhan đề Nói tiếng Hàn Quốc đã được xuất bản mà hai GS là đồng tác giả. Sách đã được dạy tại Việt Nam trong mấy năm đầu khi việc tiếp xúc với Hàn Quốc chưa được mở rộng.

Năm 2004, Trung tâm hết nhiệm kỳ, nhưng không phải vì thế GS. Đoàn Thiện Thuật được “nhàn” hơn. Nhịp độ làm việc của thầy còn tăng hơn trước. Một luận án tiến sĩ được đưa ra bảo vệ, một luận án khác làm về ngữ âm học do thầy hướng dẫn đến giai đoạn nước rút. Liên tiếp nhiều Hội nghị duyệt sách cải cách giáo dục, bộ môn Tiếng Việt ở tiểu học được tổ chức, thầy đều tham gia với cương vị chủ tịch. Sau đó đến dự án viết sách cho con em người Việt ở nước ngoài, một dự án đồ sộ đã được thai nghén từ nhiều năm về trước, nhưng đến lúc này mới được thực hiện. Bộ sách Tiếng Việt vui gồm 6 trình độ và ở mỗi trình độ đều có 3 cuốn, do GS. Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên. Khi được mời tham gia, GS. Đoàn Thiện Thuật cũng vui vẻ nhận lời. Đó là chưa kể việc nghiên cứu, viết bài và tham dự các Hội thảo khoa học quốc tế. Giáo sư đã đọc báo cáo chính tại “Hội thảo quốc tế về Latinh hóa chữ viết Đài Loan”, do Trường Đại học quốc lập Thành công, Đài Loan tổ chức, GS. Đoàn Thiện Thuật đã đọc báo cáo tại Hội thảo quốc tế về “Các giá trị văn hóa Đông Nam Á – Bảo tồn và phát huy” 12-13/10/2005 tại Siemriap Campuchia.

Từ khi bắt đầu giảng dạy ở đại học cho đến những năm sau khi nghỉ hưu, tức gần nửa thế kỷ, GS. Đoàn Thiện Thuật đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo ngành Ngôn ngữ học. Ngoài Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy đã dạy cho Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Vinh, Đại học TP Hồ Chí Minh khi những trường này mới mở, các lớp bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ về ngôn ngữ học do Bộ Đại học tổ chức, hoặc do Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân (nay là Đại học Hà Nội) hoặc do Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tổ chức, Trường Viết văn Nguyễn Du, các lớp đào tạo phóng viên của báo Nhân Dân, của Thông tấn xã Việt Nam, các lớp cao học của Viện Ngôn ngữ, của Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy còn tham gia Hội đồng khoa học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, Hội đồng chuyên ngành Ngôn ngữ - Ngoại ngữ, Hội đồng chức danh khoa học của Bộ. GS. Đoàn Thiện Thuật cũng đã tham gia Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam 2 khóa đầu.

Như vậy là bằng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Đoàn Thiện Thuật đã cùng một số nhà khoa học khác đặt nền móng cho ngành Ngôn ngữ học nước nhà. Các thế hệ sinh viên do thầy đào tạo đang tiếp tục sự nghiệp của thầy phát triển trên nhiều mặt, với quy mô lớn. Nhiều người giờ đây đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, những nhà quản lý nhà lãnh đạo ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐOÀN THIỆN THUẬN

Năm sinh: 1934.

Quê quán: Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959.

Nhận bằng Phó Tiến sỹ khoa học chuyên ngành Ngữ âm học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1981.

Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1983.

Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1992.

Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1998.

Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2006.

Thời gian công tác tại trường: 1960 - 2005.

+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

+ Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học kiêm Trưởng ngành Ngôn ngữ trong Khoa Ngữ văn (1977-1980; 1992-1995).

Các hướng nghiên cứu chính: Ngôn ngữ học lí luận; Việt ngữ học, Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Các công trình khoa học tiêu biểu:

Ngữ âm tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp,1977.

Chữ Quốc ngữ thế kỉ XVIII (sưu tầm và chủ biên) NXB Giáo dục, 2008.

Tiếng Dao, NXB KHXH, Hà Nội, 1992.

Tay-Nung Language in the North of Vietnam, Tokyo University of Foreign Studies Press, Japan 1996.

Bộ sách Tiếng Việt cho người nước ngoài, gồm 4 cuốn (Thực hành tiếng Việt A, tập 1 & 2; Thực hành tiếng Việt B; Thực hành tiếng Việt C; A concise Vietnamese Grammar), NXB Thế giới, Hà Nội, 2004 (tái bản lần thứ 8).

Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010 cho cuốn Ngữ âm tiếng Việt (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp,1977).

 

 

 Phạm Văn Tình (Viện Ngôn ngữ học) - Nguồn: VNU-USSH
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   |