Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Chia sẻ của nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam
ThS. Phạm Văn Hưng, người vinh dự đạt Giải nhất tài năng Khoa học trẻ Việt Nam năm 2014 cho rằng thành quả ban đầu đó là phép cộng của rất nhiều yếu tố.

Trong không khí kỉ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02 - 09 (1945 - 2015), câu chuyện tiếp lửa và giữ lửa truyền thống lại càng có ý nghĩa hơn nữa trong mọi lĩnh vực của xã hội mà nghiên cứu khoa học cũng không phải là ngoại lệ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Th.S Phạm Văn Hưng, người đạt Giải nhất tài năng Khoa học trẻ Việt Nam năm 2014 và sẽ vinh dự tham gia buổi gặp mặt Các nhà khoa học trẻ Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại này.

- Thưa ThS. Phạm Văn Hưng, là một trong số các cá nhân đạt giải nhất Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” vào năm 2014, anh có thể chia sẻ đôi chút về hành trình để đến với giải thưởng này?

Qua thực tế nghiên cứu, giảng dạy và tiếp thu các tri thức lí luận, tôi nhận thấy việc nghiên cứu lịch sử văn học nói chung và lịch sử văn học Việt Nam trung đại nói riêng thông qua các tác giả, tác phẩm, trào lưu… là cần thiết và cần được bổ sung bằng những nghiên cứu về việc lưu truyền, tiếp nhận các tác phẩm văn học trong đời sống văn học đương thời.

Từ đó, tôi đề xuất và được Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mang tên “Nghi án và tranh luận văn chương ở Việt Nam thế kỉ XVIII - XIX nhìn từ sự vận động của văn học sử” trong niên hạn 2011 - 2013.

Đề tài của tôi sau đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lập Hội đồng xét duyệt và trao giải nhất Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014.

Lược khảo các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỷ X - XIX được xuất bản lần 1 năm 2013 (ảnh trái) và tái bản năm 2015 (ảnh phải)

- Ngoài đề tài “Nghi án và tranh luận văn chương ở Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX nhìn từ sự vận động của văn học sử” đã được ghi nhận, anh có thể điểm lại những đóng góp đáng chú ý khác của bản thân trong thời gian qua với Trường ĐHKHXH&NV nói riêng, ĐHQGHN nói chung?

Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) là một đơn vị có bề dày thành tích nghiên cứu. Mỗi giảng viên chúng tôi đều coi những nỗ lực của cá nhân mình là một phần đóng góp nhỏ vào sự nghiệp chung. Trong thời gian qua, cá nhân tôi đã xuất bản 01 chuyên luận, chủ trì 03 đề tài cấp Cơ sở, công bố 14 bài báo trên các tạp chí khoa học cấp quốc gia, kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, kỉ yếu Hội thảo khoa học trong nước,…

Tại Trường ĐHKHXH&NV nói riêng cũng như trong ĐHQGHN nói chung, các nhà khoa học, trong đó có các giảng viên trẻ, luôn được tạo điều kiện để thực hiện và công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Những thành quả lao động của tôi cũng như của các thế hệ đồng nghiệp được thai nghén và hình thành trong môi trường học thuật đó.

- Rõ ràng để thành công ở lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn không hề đơn giản. Vậy bí quyết thành công của anh là gì?

Thực ra, không chỉ trong khoa học xã hội và nhân văn, để thành công ở lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào cũng là chuyện không hề đơn giản. Cá nhân tôi chưa dám coi những gì đã đạt được là “thành công” mà chỉ coi đó là những kết quả bước đầu trên con đường nghiên cứu còn nhiều vất vả và thử thách phía trước.

Tôi cũng không có “bí quyết” gì để đạt được những kết quả đó mà chỉ cho rằng những thành quả ban đầu đó là phép cộng của rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như: sự đam mê, nỗ lực của bản thân; sự ủng hộ, khích lệ của gia đình; sự hỗ trợ, hợp tác của đồng nghiệp; sự định hướng, tạo động lực và khuyến khích của Nhà trường… Có thể đó cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người làm khoa học như tôi.

- ĐHQGHN đang hướng tới là một đại học nghiên cứu thông qua việc tăng số lượng các bài báo khoa học đạt chỉ số quốc tế… Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, hẳn đây không phải là vấn đề đơn giản nhất là trong bối cảnh hiện nay. Anh có thể tiết lộ, chia sẻ về những kế hoạch, dự định sắp tới của mình nhằm góp phần vào việc hiện thực hóa chủ trương trên?

Đối với nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, việc công bố quốc tế có những khó khăn nhất định, đặc biệt là với những ngành mà tính liên thông không cao.

Từ góc độ của cá nhân, lĩnh vực nghiên cứu mà mình theo đuổi, trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, tôi nghĩ rằng để đi tới việc công bố trên các tạp chí khoa học có chỉ số quốc tế, bên cạnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, chúng ta cũng cần có một lộ trình nhất định, nói một cách giản dị là “lấy ngắn nuôi dài”.

Ngoài ra, ta cũng cần quan tâm đến tiêu chí của các tạp chí, nhà xuất bản quốc tế mà ta đang hướng tới, từ đó điều chỉnh phần nào hướng nghiên cứu của mình cho phù hợp với vấn đề mà họ quan tâm. Đặt những nghiên cứu về Việt Nam trong bối cảnh khu vực, châu lục hay rộng hơn là trong bối cảnh quốc tế cũng dễ tìm được sự chia sẻ từ các nhà khoa học quốc tế và các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

- Theo anh, các nhà khoa học trẻ cần, nên làm những gì để tiếp nối thành công mà thế hệ đi trước để lại?

Trong nghiên cứu khoa học, sự tiếp nối giữa các thế hệ nếu được làm tốt sẽ tạo động lực cho sự phát triển, tránh được sự đứt gãy thế hệ và những hệ quả không mong muốn khác.

Để tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, theo tôi các nhà khoa học trẻ cần nuôi được ngọn lửa đam mê đối với công việc của mình, trang bị cho mình một hành trang tri thức và phương pháp nghiên cứu vững vàng, nhận thức được những thành công và thậm chí cả những điểm dừng của người đi trước để từ đó vạch ra định hướng phát triển cho bản thân mình, và rộng hơn là chuyên ngành, lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Xin cảm ơn anh!

Một số thông tin về Thạc sĩ Phạm Văn Hưng

Quá trình đào tạo, công tác:

- 2001 - 2005: Cử nhân Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 2005 - 2008: Thạc sĩ Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- 2009 - 2015: Nghiên cứu sinh Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chức vụ, đơn vị công tác:

- 2006 - nay: Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thành tích, kết quả hoạt động KH&CN:

 - Chủ trì 03 Đề tài NCKH cấp Trường

- Tham gia 01 Đề tài NCKH cấp Nhà nước

- Đăng 12 bài viết trong Tạp chí khoa học quốc gia, Kỉ yếu hội thảo  đã xuất bản

- Xuất bản 01 chuyên luận tại NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013; Tái bản năm 2015

- Giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014

- Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - 2014

 

 Bùi Thị Vui (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   |