Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trao đổi: Nhân chuyện 100 năm khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội
ĐHQGHN vừa kỷ niệm 100 năm khởi nghiệp và đón nhận khen thưởng của Nhà nước.

Mới đây, Đại học Quốc Gia Hà nội vừa kỷ niệm 100 năm khởi nghiệp và đón nhận khen thưởng công huân của Nhà nước. Sau đó được ít hôm thì trên  mạng Internet và trên báo Tiền Phong Chủ nhật số 22 và 24 có hai bài viết của bác Lê Văn Giạng, một cựu quan chức Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, khiến nhiều người trong đó có tôi không khỏi phân vân. Phân vân vì bài viết tuy chỉ là một ý kiến riêng nhằm trao đổi, nhưng xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm dễ gây cảm giác việc kỷ niệm này là việc không nghiêm túc, rằng dường như là Đại học Quốc gia Hà nội đã nhân dịp này tìm cách để tự đánh bóng mình. Mà đã vậy thì cũng dễ gây hồ nghi trong dư luận. Riêng tôi thì tôi thiết nghĩ là, một việc lớn như vậy, kinh qua nhiều cuộc bàn bạc tập thể trước khi thực hiện lẽ nào các nhà quản lý và các nhà khoa học  ở một trường đại học  lớn, dù có đơn giản nhất, cũng không dại dột làm liều, không suy tính trước sau.

GS. Đinh Văn Đức

Tôn trọng ý kiến đa chiều và đối thoại cởi mở thời nay, tôi cũng xin có vài suy nghĩ tản mạn để góp vào tiếng nói chung. Tôi không phải là chuyên gia về sử học, cũng chưa bao giờ ở trong giới chức quản lý của Đại học Quốc Gia Hà Nội mà chỉ là một người dạy học hơn bốn mươi năm ở trường này, vốn chứng kiến nhiều vui buồn của một ngôi trường lớn và cũng có đôi chút quan tâm đến lai lịch của trường.

Phải nói ngay chuyện này là chuyện lịch sử, người ngoại đạo có tham gia bàn luận thì cũng chỉ bàn được một phần. Thiết nghĩ nên đặt vấn đề xem xét nó một cách khoa học, theo cách của khoa học Lịch sử với những kỹ năng và nghiệp vụ của nó. Tôi tin vào sự phân tích của các nhà sử học vì họ có cách thức nghề nghiệp chuyên nghiệp. Sử học là một khoa học gồm hai phương diện: sử liệu và phương pháp. Sử liệu thì cần trình ra những bằng chứng xác thực, kiêng suy luận, võ đoán. Phương pháp thì phải tránh cảm xúc riêng tư, gắng khách quan và triệt để.  Tôi đã có đọc và nhận thấy mấy bài viết của ông Dương Trung Quốc, bà Đào Thị DiếnGS. Đinh Xuân Lâm gần đây trong tạp chí Xưa&Nay về chuyện này có nhiều điều bổ ích và chia sẻ.

Vừa qua, do đi công tác xa nên tôi không có dịp theo dõi đầy đủ quá trình chuẩn bị của ĐHQGHN để tiến tới sự kiện kỷ niệm, nhưng tìm hiểu tôi biết rằng Nhà trường đã bỏ nhiều thời gian, công sức để triển khai chủ trương này một ý thứ nghiêm chỉnh, trong đó có việc cho người đi tìm bằng được bản quyết định thành lập ĐH Đông Dương do Toàn quyền Pháp Paul Beau ký ngày 16/5/1906 hiện lưu trữ tại Văn khố Hải ngoại bên Pháp. Tôi tin vào chứng cứ này. Tôi được biết trường cũng đã hỏi ý kiến và nhận được sự kiểm chứng, tư vấn của các nhà sử học có uy tín đã và đang làm việc ở trong và ngoài trường. Để chắc chắn hơn, trường còn mời các cựu quan chức, cựu giáo chức nhiều nơi đóng góp ý, trong đó đã nhận được cả ý kiến của Bác Lê Văn Giạng.

Chúng ta cần quan tâm đến các văn bản hành chánh được lưu giữ như những vật chứng, nhưng đồng thời, còn một phương diện khác nữa cần lưu tâm là các sự tình (statment) tức là những sự thể đã diễn ra trong thực tế, được nhiều người biết. Với Đại học Đông Dương và Đại học Quốc Gia Hà Nội, theo tôi, những sự tình sau đây là có thật,  có quan hệ chặt chẽ với nhau, đủ để xác nhận sự kế thừa của trường đối với những giá trị đã tạo lập từ khi khởi nghiệp.

1/ Đại học Quốc Gia Hà Nội hiện nay là một thực thể xuất hiện ngày 10/12/1993 trên cơ sở của ba trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, ĐH Sư Phạm Hà Nội I, Đại học Sư Phạm Ngoại ngữ, hướng tới đa ngành đa lĩnh vực, mũi nhọn và chất lượng cao. Trường mới nhưng tuổi thì không trẻ, không thể nói lai lịch của nó chỉ bắt đầu từ đây. Người Pháp thường nói nói: “Paris không làm nên trong một ngày”. Vậy các sự tình trước nó là gì?

2/Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1994) là trường lớn đa ngành khoa học cơ bản “Cả nước, Đầu ngành, Trọng điểm”, tiền thân trực tiếp và chủ yếu nhất của ĐHQG Hà Nội hôm nay. Còn sự tình trước nó là gì?

3/ Trường Khoa học Cơ bản và trường Sư Phạm Cao cấp do Bác Hồ cho thành lập ở Việt Bắc năm 1951, có một thời gian sơ tán ở Nam Ninh ( Trung Quốc), trường Dự bị Đại học ở Liên Khu Bốn là tiền thân trực tiếp của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nó là sự tiếp tục của Đại học Quốc gia Việt nam khi cuộc kháng chiến “ bước qua kỳ cầm cự”. Nó làm tiếp những gì Đại học Quốc gia VN đề ra năm 1945 rồi bước vào kháng chiến.

4/ Trường Đại học Quốc Gia Việt Nam được khai giảng ngày 19/11/1945 tại Giảng đường lớn 19 phố Lê Thánh Tông Hà Nội dưới sự chủ toạ của Hồ Chủ Tịch là một sự kiện lịch sử của nền Đại học Việt Nam mới. Trường vẫn là một không gian đại học rộng với mô hình kiểu Pháp, nhưng đã có nội dung đào tạo của nền Đại học Việt nam mới.  Bài diễn văn Khai giảng của GS. Nguyễn Văn Huyên thật là hay và có tầm nhìn xa. Những nội dung cơ bản trong bài diễn văn đó, đến hôm nay, vẫn phù hợp và những mục tiêu thời sự mà ĐHQG Hà Nội đang thực hiện và phải phấn đấu đi tới.

Điều đáng chú ý nhất là vào thời điểm này Nhà nước ta không chủ trương thành lập Đại học mới mà cho mở cửa lại Đại học cũ trên cơ sở thay đổi nội dung một số ngành học còn thì vẫn bảo lưu cái cơ cấu đa ngành của Đại học Đông Dương vốn có cho đến lúc đó. Bác Hồ, ngày 10/10/1945, chỉ ký nghị định thành lập bổ sung trong Đại học này Ban Văn Khoa mà ngày nay trường Đại học KHXH-NV thuộc ĐHQG HN đang kế nhiệm.

5/ Đại học Đông Dương thành lập theo nghị định 16/5/1906 là một sự kiện giáo dục cao đẳng. Tuy do chính quyền thuộc địa cho thành lập, nhưng nó đã vượt ra ngoài những toan tính chính trị lúc đó để trở thành một mô hình đại học kiểu mới, kiểu châu Âu, lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Dương. Đại học này, căn bản khác với mô hình trường Quốc Tử Giám xưa vốn theo truyền thống phương Đông. Đại học Đông Dương, theo các sử liệu cụ thể đã được công bố,  là một nhà  trường có thật ( từ nhà ở, sinh viên, ký túc xá,...) chứ không phải chỉ có trên giấy. Nhưng nó còn phải mất hơn 10 năm vất vả để trở thành một thực thể đa ngành theo kiểu đại học thời đó. Đại học Đông Dương thật sự đã tồn tại cho đến Cách mạng Tháng Tám. Trường này, với trụ sở ở 19 đường Bobillot ( phố Lê Thánh Tông), với các trường Cao đẳng trong không gian của nó, suốt bốn mươi năm đã đào tạo nhiều thế hệ trí thức dân tộc và cách mạng cho nước nhà ngoài ý muốn của giớí chức thực dân Pháp. Kể ra, trường cũng rất khó khăn trong buổi đầu định hình do chỗ, trong những năm 1908-1918, chính sách của một vài viên Toàn quyền Đông Dương khá ngặt nghèo. Bởi vậy tôi đã thấy trong một Từ điển Bách Khoa của Liên Xô trước đây đã ghi rõ: Trường Đại học Hà Nội ( Hanoixkij Univerxitet) thành lập năm 1918.

Như vậy là ở phía Bắc từ sau năm 1906 cho đến ngày nay, đã liên tục có một Đại học đa ngành khoa học, kiểu  mới so với truyền thống. Đại học Quốc Gia Hà nội hôm nay chỉ là mắt xích sau cùng của một  cái băng chuyền quay trong suốt một thế kỷ. Trần Dân Tiên, trong tác phẩm của mình, đã nói rất hay, đại ý: Người Trung Hoa hay vẽ con Rồng, nhưng thường vẽ con Rồng nằm lẩn trong những đám mây, khúc ẩn khúc hiện, tuy vậy người ta vẫn nhận ra con Rồng ấy liên tục. Tôi không giám ví trường đại học này như một con rồng vì thầy trò còn phải phấn đấu lâu dài và gian nan lắm mới mong thành Rồng, nhưng lai lịch của một cơ sở đại học đa ngành thì liên tục.

Dường như cũng có những ý kiến phân vân: Liệu Đại học Quốc Gia Hà Nội có đủ tư cách và có quyền kế thừa di sản Đại học Đông Dương không? Tôi thiết nghĩ là có và nhiều trường Đại học khác cũng có. Trường xưa là một ngôi nhà chung của gia đình Đại học Việt Nam. Ngày nay, mỗi trường trong không gian đại học ấy đều đã có một lai lịch vẻ vang riêng trong quá trình phát triển. Trong các Đại học nước ta ngày nay thì phải nói là trường Y Hà Nội là nhiều tuổi hơn cả (1902) dù lúc khởi nghiệp chỉ là một trường trung cấp. Các trường khác như Đại học Sư Phạm, Luật, Nông Lâm, Mỹ thuật... kỷ niệm 100 năm, 90 năm,  hay 80 năm khởi nghiệp,...thì đều hoàn toàn  hợp lý và có cơ sở chứ không phải là các trường tự nống lý lịch của mình cho nó có vẻ lâu đời. Năm 2001 trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã kỷ niệm 50 năm theo một cách lý giải riêng, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trường này có lịch sử từ sớm hơn, nghĩa là từ  trường Cao đẳng Sư Phạm Đông Dương ngày trước.

Còn một sự kiện “ văn hoá vật thể” nữa thường làm tôi nghĩ đến, đó là toà nhà Đại học Quốc gia 19 phố Lê Thánh Tông thâm nghiêm, đầy tính dân tộc trong kiến trúc. Có trường thì phải có trú sở. Toà nhà 19 được khởi công năm 1913 và hoàn thành cuối thập kỷ hai mươi đã liên tục là bản doanh của Đại học Đông Dương, Đại học Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Quốc Gia Hà Nội trong suốt gần một thế kỷ qua. Bao nhiêu thế hệ sinh viên và thầy giáo đã gắn bó với ngôi đền khoa học thân thương này: trường xưa, lối cũ và những bước chân liên tục.

Hội trường với những dãy bàn gỗ lim đen bóng của Đại học Đông Dương đã được tu bổ và cải tạo lại theo nguyên gốc, nay là Hội trường Lê Văn Thiêm tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Cách đây ngoại mười niên, trong một lần gặp GS Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Bác Hãn ân cần hỏi thăm tôi về ngôi trường xưa. Bác kể chuyện đã vào trường Cao đẳng ở đây năm 1927 và tốt nghiệp năm 1930 trước khi sang Pháp học tiếp về Cầu cống và Toán. Bác bảo bác học cùng trường với tôi và bác học đã trước tôi 34 năm. Bác hỏi tôi về ngôi trường xưa mà bác nhớ khá kỹ. Tôi thật sự lúng túng khi bác nhớ đến bức tranh tường rất to ở giảng đường lớn và những dãy ghế cao bằng lim đen  xếp theo tầng bậc ở đó. Bác ngạc nhiên khi tôi nói chưa nhìn thấy bức tranh đó bao giờ. Mới đây, tôi mới biết là khoảng vòm lớn trong hội trường NguỵNhư Kontum trước đây có bức tranh sơn dầu 80m2 vào loại lớn nhất Việt Nam do hoạ sĩ Victor Tardieu cố hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẽ rất công phu. Đến năm 1958 Bộ Giáo Dục ta đã lệnh cho quét vôi bức tranh ấy đi vì không muốn có một ”dấu ấn văn hoá thực dân” trong giảng đường!

Bức tranh do họa sĩ Tardieu vẽ đã được phục dựng lại
tại giảng đường cổ kính xưa kia.

Vào thập kỷ 60, tôi đã chứng kiến tiếp một việc khác: nhân thời gian mượn hội trường này, Bộ Giáo dục lại cho tháo dỡ nốt các dãy bàn ghế đen bóng, cổ kính và sang trọng ở đây, rồi cho thay vào đó là các dãy ghế bằng gỗ tạp sơ sài mà ta vẫn thấy ở hội trường văn phòng các huyện thời đó. Mới đây, khi chuẩn bị kỷ niệm 100 năm khởi nghiệp, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã phải mất nhiều thì giờ và tiền bạc cho việc phục hồi bức tranh xưa như là một giá trị cần được tôn trọng, còn các dãy ghế sang trọng ngày trước thì “ Châu vẫn chưa về Hợp Phố”.

Từ Đại học Đông Dương xưa đến Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay, trong một thế kỷ lập nghiệp trường đã có nhiều trang vui buồn, nhưng trên tất cả là lao động và sự hy sinh liên tục của bao lớp người cho sự nghiệp khoa học và cách mạng. Đó là sự thật đáng được vinh danh. Ví như liên quan đến đại học Đông Dương còn có những chi tiết nào đó trong các văn bản hành chánh thời thuộc địa gây sự khoăn thì khoa Văn bản học cùng các nhà Sử học cần có trách nhiệm tiếp tục phân tích và đối chiếu để làm rõ hơn, nhưng tôi tin rằng những chi tiết ấy không ảnh hưởng gì tới cái đại cục là Đại Học Quốc Gia Hà Nội hôm nay thật sự đã có bước khởi nghiệp từ cái mô hình ban đầu, 100 năm trước.

Buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHQGHN có sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Và sự hiện diện rất đông các quan chức ngoại giao các nước tại Hà Nội

Nhiều đại sứ các nước đã có mặt tại buổi lễ.

Toàn cảnh hội trường buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHQGHN (16/5/2006)

 GS.Đinh Văn Đức - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :