Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đại học Đông dương - gợi mở những suy ngẫm về diện mạo giáo dục đại học hiện đại
Cần có cách nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn nữa về vai trò và ý nghĩa lịch sử của Đại học Đông Dương trong quá trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Điều này sẽ khơi gợi cho chúng ta những suy ngẫm đáng quý về việc xây dựng mô hình các trường đại học hiện đại cũng như mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hoá mạnh mẽ hiện nay. GS.TSKH Vũ Minh Giang - chuyên gia Sử học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN - đã chia sẻ quan điểm trên nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bức tranh tường rộng gần 80m2 của họa sĩ Victor Tardieu (được phục dựng năm 2006) tại giảng đường lớn mang tên Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương, nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.

ĐẠI HỌC ĐÔNG DƯƠNG - MỐC SON ĐÁNG TỰ HÀO

- GS đánh giá như thế nào về sự ra đời của Đại học Đông Dương do Pháp thành lập năm 1906 ?

Để đánh giá điều này, chúng ta cần nhắc đến bối cảnh lịch sử giai đoạn đó. Việt Nam là dân tộc có truyền thống hiếu học và được coi là có năng khiếu trong học hành, thi cử, đỗ đạt. Văn Miếu Quốc Tử Giám được thành lập vào thế kỷ 11 chính là biểu tượng nổi tiếng của nền giáo dục Nho học. Rất nhiều người thuộc tầng lớp bình dân nhưng nhờ có tài năng, được phát hiện qua các kỳ thi đã có cơ hội tham gia vào hàng ngũ những người hoạch định chính sách của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, chế độ phong kiến Việt Nam vào cuối triều Nguyễn, do chính sách bảo thủ của triều đình, nên đất nước đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, tụt hậu, không bắt kịp với thế giới. Thế nước suy yếu và bị mất độc lập sau khi kinh đô thất thủ vào năm 1885.

GS. TSKH Vũ Minh Giang
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và
Đào tạo ĐHQGHN

Việc trở thành thuộc địa của Pháp là bất hạnh của dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, những quyền tự do tối thiểu cũng không còn. Trong khi đó chính quyền thực dân luôn chăm lo cho lợi ích của chính quốc và người Pháp. Đấy là bản chất của chế độ thực dân. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu áp một cái nhìn theo lối “phủ định sách trơn”, nghĩa là cái gì làm ra dưới thời thực dân, bởi chính quyền thực dân đều có hại, phải phê phán.

Vào cuối thế kỷ XIX, đất nước ta đang đi vào ngõ cụt của sự phát triển do những chính sách lạc hậu, bảo thủ của chính quyền phong kiến thì những tác động cho dù là vô thức của văn minh Châu Âu cũng làm cho xã hội Việt Nam chuyển biến theo hướng tích cực. Đó là sự thay đổi về kiểu tổ chức nhà nước theo thiết chế dân chủ tư sản, hay các phong trào tân thời trong xã hội, trong đời sống văn hoá xã hội vốn được tác động và truyền bá dưới ảnh hưởng của văn minh Châu Âu.

Đại học Đông Dương được thành lập trong bối cảnh ấy. Đó là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Người Pháp thành lập Đại học Đông Dương trước tiên nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo một đội ngũ trí thức bản địa có thể tham gia vào bộ máy cai trị của họ. Nhưng ở một nghĩa rộng hơn, xây dựng Đại học Đông Dương còn có ý nghĩa khai hóa, nâng cao trình độ của xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Ngoài ra còn một tác động khác dẫn đến quyết đinh này là vào đầu thế kỷ thứ XX, trước thắng lợi của Nhật Bản trong chiến tranh Nga - Nhật (1905), người Việt Nam dường như nhìn thấy ánh sáng của con đường giải phóng dân tộc từ phong trào Duy tân, học tập tấm gương Nhật Bản. Hàng trăm thanh niên ưu tú đã được những chí sĩ yêu nước tổ chức gửi sang Nhật Bản học tập. Người Pháp nhận thấy nhu cầu học tập của người Việt Nam là rất cao nên càng thúc đẩy họ xây dựng một cơ sở đào tạo hiện đại theo mô hình phương Tây, đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống đào tạo hàng nghìn năm cũ ở Việt Nam.

Xu hướng hình thành các mô hình đại học theo phương Tây ở Châu Á giai đoạn này là tất yếu. Ví dụ như Malaysia học tập mô hình đại học của Anh, Phillipines học tập mô hình đại học của Tây Ban Nha, rồi Trung Quốc và Hàn Quốc... Cho đến nay, tất cả các nước này đều coi các trường đại học theo mô hình phương Tây là là niềm tự hào. Họ coi đó là đỉnh cao trí tuệ, là sự thay đổi theo kịp xu thế thời đại. 

- Thưa GS, Đại học Đông Dương đã có những đóng góp trực tiếp như thế nào đối với nền giáo dục nước nhà ?

Đại học Đông Dương là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến giảng dạy và nghiên cứu như bác sỹ Alecxandre Yersin, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh dịch học với những công trình khoa học đạt tầm vóc thế giới. Từ đây đã xây dựng nên rất nhiều lĩnh vực học thuật hiện đại cho Việt Nam như Y, Dược, Mỹ thuật, Luật... Những ngành nghề này có đóng góp lớn vào việc xây dựng nhiều lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn, phong phú ở Việt Nam sau này. Chẳng hạn ngành Y ở Việt Nam có tiếng vang trong giới y học thế giới với những tên tuổi như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách. Các trường phái hội họa Việt Nam với những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… Do đó có thể khẳng định là ý nghĩa lịch sử của Đại học Đông Dương không chỉ là ở vị trí một thiết chế đại học đầu tiên, mà nó còn đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển một số lĩnh vực học thuật mới ở Việt Nam sau này.

Tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương,
nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.

Một đóng góp khác không thể không nhắc đến của Đại học Đông Dương đó là từ đây có những cá nhân xuất sắc có đóng góp lớn cho Cách mạng Việt Nam như: Đặng Xuân Khu, đã từng là sinh viên của Trường Thương mại thuộc Đại học Đông Dương, sau này thành Tổng bí thư Đảng lao động Việt Nam; Võ Nguyên Giáp - sinh viên Khoa Luật Đại học Đông Dương, sau này trở thành Đại tướng Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam… Truyền thống này lại được tiếp nối bởi các thế hệ sau đó. Trong kháng chiến chống Pháp, sinh viên ngành Y - Dược di tản vào chiến khu có đóng góp rất lớn cho kháng chiến. Sau này, khi Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, tiếp thu toàn bộ di sản của Đại học Đông Dương, đã trở thành con chim đầu đàn trong giáo dục Việt Nam, giảng dạy tất cả các môn khoa học cơ bản, cung cấp nhân lực cho nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học giáo dục khác.

Với tất cả những ý nghĩa đó, Đại học Đông Dương được coi là sự khởi đầu của giáo dục hiện đại Việt Nam, xứng đáng là mốc son trong quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam.

- Là một đại học do Pháp xây dựng, nhưng sau này lại trở thành tiền thân của các trường đại học hàng đầu Việt Nam những giai đoạn sau, điều này để lại cho GS suy nghĩ gì ?

Có một sự kiện rất nên được nhắc đến là cuối năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời trong bối cảnh bộn bề khó khăn, ngổn ngang trăm công nghìn việc, thì Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian đến thăm và dự lễ khai giảng Đại học Đông Dương, lúc này đã đổi tên thành Đại học Quốc gia Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Đại học Quốc gia mà còn đối với với sự nghiệp cách mạng và dân tộc. Việc vị Chủ tịch của Chính quyền Cách mạng đến chủ trì lễ phát bằng tốt nghiệp cho nhưng người được đại học của Pháp đào tạo là sự công nhận những đóng góp, giá trị và những ảnh hưởng mà Đại học Đông Dương mang lại. Đó là ý nghĩa rất đáng trân trọng.

HƯỚNG ĐẾN TÍNH CHẤT QUỐC TẾ CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

- Thưa GS, dù ra đời cách nhau gần một thế kỷ, song vẫn có thể tìm thấy những nét tương đồng gì giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đông Dương trước đây?

Có thể coi Đại học Đông Dương là mốc mở đầu cho giáo dục nước ta theo mô hình hiện đại của thế giới. Sự kế thừa của ĐHQGHN từ Đại học Đông Dương trước hết là danh tiếng của một trường đại học ở tầm quốc tế, đã có thứ hạng cao trên thế giới. Điều này rất có giá trị với một đại học.

Thành lập theo Nghị định Chính phủ vào năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội là sự tiếp nối của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng được nâng lên ở một tầm cao mới, với những kỳ vọng mới. ĐHQGHN ra đời trước nhu cầu bức thiết phải có một đại học hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển giáo dục đại học trình độ cao. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước kỳ vọng đây sẽ là “quả đấm thép” giúp tạo nên diện mạo mới của giáo dục đại học.

Thời điểm đó, chúng ta đã nhìn ra những hạn chế của các đại học chuyên ngành vốn được xây dựng để phục vụ nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ. Các trường đại học được giao chỉ tiêu nhân lực cụ thể để đào tạo. Nhưng điều hẫng hụt, khiếm khuyết ở chỗ đại học là nơi sáng tạo tri thức mới, thì nó phải phát triển trên nền nghiên cứu cơ bản. Mà các đại học chuyên ngành không thể vừa đi sâu vào chuyên ngành, vừa mạnh về khoa học cơ bản. Thế nên khoa học cơ bản bị khựng lại, còn đào tạo ứng dụng là nhiều. Ví dụ Khoa Y-Dược trước đây ở Đại học Đông Dương đã phát triển trên nền nghiên cứu cơ bản về Vật lý, Hóa học, Sinh thì mới phát triển theo đúng nghĩa của Y học và Dược học. Phải trên nền tảng rất dày của khoa học cơ bản thì các lĩnh vực khoa học chuyên sâu và ứng dụng mới thực sự phát triển và các trường đại học mới phát huy được hết sức mạnh của nó. Đó chính là thế mạnh của đại học đa ngành, đa lĩnh vực, bằng không sẽ dừng lại ở trình độ Y lâm sàng (chữa bệnh) và Dược bào chế (sản xuất thuôc).

Sự tương đồng không chỉ thể hiện ở sứ mệnh lịch sử mà mà nó gánh vác, ở mô hình đa ngành và đa lĩnh vực như là đặc thù quan trọng nhất, mà còn ở nhiều tiêu chí và giá trị khác mà hai đại học này đều có hoặc theo đuổi. Đó là tiêu chí về chất lượng cao, trình độ cao, hướng tới những thành tựu đỉnh cao và giờ đây là tính quốc tế. Nếu Đại học Đông Dương trước đây đào tạo ra nhiều người giữ các vị trí chủ chốt trong các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý của xứ Đông Dương thì ngày nay, ĐHQGHN cũng nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều cựu sinh viên của ĐHQGHN đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu và cơ quan quản lý các cấp của đất nước.

- Năm nay là kỷ niệm 110 năm thành lập Đại học Đông Dương – đây có phải là thời điểm ý nghĩa để nhìn nhận hay rút ra bài học cho sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới thưa GS?

Năm 2006, khi lần đầu tiên kỷ niệm ngày thành lập Đại học Đông Dương tròn 100 năm, lúc đó chủ yếu chúng ta tiến hành tổng kết những gì mà ĐHGQHN làm được theo hướng tiếp cận lịch sử và đánh giá ý nghĩa lịch sử. Đến thời điểm này, chúng ta cần nghĩ đến nhiều hơn tới sứ mệnh của đại học hàng đầu này, không chỉ với tư cách là một cơ sở đào tạo giáo dục chất lượng cao của cả nước: ĐHQGHN phải có sứ mệnh tạo ra diện mạo giáo dục quốc gia xứng với tầm khu vực và quốc tế.

Tòa nhà do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hebrard thiết kế, tiêu biểu cho kiến trúc thuần Pháp tân cổ điển, vừa bề thế, vững trãi lại vừa cầu kỳ, thanh thoát. 

Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã đại diện cho Việt Nam để đứng trong nhiều tổ chức khu vực và thế giới. Nhưng để xây dựng nên diện mạo giáo dục đại học xứng tầm khu vực và quốc tế thì ta còn phải phấn đấu. ĐHQGHN phải có thứ hạng cao, trở thành biểu tượng của Việt Nam trong hệ thống giáo dục đại học thế giới.

- ĐHQGHN nên làm gì thể thực hiện được mục tiêu mà GS vừa nêu ?

Chúng ta phải tính đến việc chọn ra những thế mạnh của mình để tập trung đầu tư chứ không phát triển dàn trải. Các trường đại học nối tiếng thế giới như Harvard, Cambridge… cũng chỉ có một số lĩnh vực nổi trội hàng đầu thế giới, tạo ra danh tiếng của họ. ĐHQGHN cũng không thể chất lượng cao, trình độ cao một cách chung chung, mà phải chọn ra các lĩnh vực cụ thể tạo nên bản sắc của mình.

Tôi muốn chia sẻ thêm về ấn tượng của mình với sự ra đời của trường đại học Việt -  Nhật tại ĐHQGHN năm 2014(1). Nếu Đại học Đông Dương ra đời năm 1906 là một thực thể có tính quốc tế cao, các giáo sư giảng dạy hầu hết là người nước ngoài, có thời kỳ người học cũng có rất đông sinh viên ngoại quốc. Sau một thời gian thì tính quốc tế có phần suy giảm. Tới nay, với Đại học Việt – Nhật mà Hiệu trưởng là Giáo sư Furuta Motoo, nguyên Phó Giám đốc Đại học Tokyo, chúng ta đã có một trường đại học quốc tế nằm trong ĐHQGHN. Với sự giúp đỡ của 2 chính phủ, sẽ có nhiều giáo sư quốc tế thậm chí các chuyên gia nước khác như Âu - Mỹ ngoài Nhật Bản tới giảng dạy tại đây. Đây chính là thời cơ để chúng ta nâng cao tính chất quốc tế trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại ĐHQGHN, làm nền tảng cho việc bứt phá mạnh hơn vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng giáo dục khu vực và quốc tế.

- Vừa qua, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ vừa được Đảng và Nhà nước tín nhiệm bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS có thể chia sẻ cảm nghĩ về sự kiện này ?

Ngay từ khi thành lập, ĐHQGHN đã xác định rõ sứ mệnh là đầu tàu đổi mới nền giáo dục với những bước đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Năm 2012, vị thế của ĐHQGHN được xác định rõ trong Luật Giáo dục Đại học(2). ĐHQGHN cũng bắt đầu có tên trên các bảng xếp hạng của khu vực. Đây là những thành quả của một quá trình nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn và kiên trì với những mục tiêu và giá trị của mình.

Một trong những sứ mệnh của Đại học Quốc gia là làm nòng cột cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thì sự kiện Giám đốc ĐHQGHN được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là một cơ hội hết sức thuận lợi cho sứ mệnh đó được thực hiện. Thuận lợi nằm ở chỗ giám đốc Phùng Xuân Nhạ là người hiểu sâu sắc về Đại học Quốc gia và nắm rất vững chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước khi quyết định xây dựng hai Đại học Quốc gia.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ có thêm những ủng hộ, sự khích lệ và cơ hội mới để tiếp tục phát huy sứ mệnh của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(1) Trường Đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21/7/2014.

(2) Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012, trong đó Đại học Quốc gia được quy định trong Điều 8 của bộ luật này (trích Điều 8 dưới đây):

Điều 8. Đại học quốc gia

1. Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

2. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

3. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.

 >>> Các bài viết liên quan cách đây 10 năm nhân sự kiện 100 năm thành lập Đại học Đông dương 1906-2006:

100 chân dung - Một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội

- Đại học Đông Dương - hoàn cảnh ra đời

- Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ

- Tư liệu về Đại học Đông Dương - Cơ sở Hà Nội

- Tu sửa cơ sở 19 Lê Thánh Tông

- Đại học Quốc gia Hà Nội, một truyền thống lâu dài

- Hành trình trở về của một bức tranh

 

 Thanh Hà thực hiện - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   |