Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
ĐH Đông Dương – Sự du nhập giáo dục châu Âu vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Năm 2006 Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương. Trên diễn đàn cũng như qua các phương tiện thông tin, cuộc bàn luận về vai trò của Đại học Đông Dương trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam khá sôi nổi. Có nhiều điểm gặp nhau nhưng cũng có những điều khác biệt xoay quanh mặt tích cực và mặt hạn chế của sự kiện này.

Đã mười năm trôi qua, đến nay – năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội lại tổ chức hội thảo với chủ đề “Đại học Đông Dương trong nền giáo dục Pháp - Việt nửa đầu thế kỷ XX – những vấn đề lịch sử và văn hóa”. Có thể coi đây như một dịp tốt để tiếp tục cùng nhau trao đổi và bày tỏ suy nghĩ của mỗi người.

*

*      *

Cùng với quá trình xâm lược và đặt ách thống trị thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp đã từng bước tổ chức các trường học Pháp – Việt ở Nam Kỳ, rồi sau đó ở Bắc và Trung Kỳ. Ngày 15/6/1906 Toàn quyền Đông Dương Paul Beau kýquyết định thành lập Đại học Đông Dương tại Hà Nộigồm 5 trường thành viên là trường Luật và Hành chính, trường Khoa học, trường Y, trường Công chính và trường Văn khoa .Ngày 10/11/1907 lễ khánh thành Đại học Đông Dương được tổ chức long trọng tại Hà Nội, năm học đầu tiên khai giảng với tổng số 193 sinh viên, trong đó có 94 sinh viên mới được tuyển chọn, 37 sinh viên năm thứ nhất của trường Y khoa.Nhưng trên thực tế, ngay năm đầu hoạt động đã rất khó khăn, hầu như bị đình trệ.Sau đó,dưới thời Toàn quyền Albert Sarreau, hoạt động của Đại học Đông Dương được phục hồi và chính thức khai giảng ngày 28/4/1917 với sự hiện diện của Toàn quyền và vua Khải Định. Từ đó, Đại học Đông Dương được mở rộng ra nhiều ngành, hoạt động cho đến năm 1955.

Bài viết này không mô tả chi tiết quá trình thành lập các ngành học cũng như những hoạt động của Đại học Đông Dương mà chỉ sử dụng những tài liệu đó vào cuộc trao đổi về chủ đề đã nêu trên.

Điều có thể khẳng định là chính sách giáo dục của Pháp ở Đông Dương nhằm trước hết phục vụ công cuộc bình định và khai thác thuộc địa. Mục đích chủ yếu là đào tạo một tầng lớp người bản xứ phục vụ công cuộc xây dựng nền cai trị thực dân. Họ là những người thông ngôn có khả năng phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và ngược lại. Đây chính là cây cầu làm cho người Pháp hiểu được người Việt và cũng qua họ, người Việt tiếp nhận ý kiến của người Pháp.Một số người khác là những nhân viên công sở, được học ở mức độ sơ khởi hệ thống hành chính phương Tây, được tuyển dụng làm việc trong các cơ quan do người Pháp nắm giữ. Ở Đại học Đông Dương, hệ thống các trường Hành chính, trường Luật là nhằm đáp ứng yêu cầu này ở trình độ cao. Nghị định ngày 16-5-1906 do Toàn quyền Paul Beau ký xác định rõ mục đích “đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương”. Qua đó, vào nửa đầu thế kỷ XX, bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp đã dần dần hình thành và ngày càng hoàn thiện.

Cùng với việc xây dựng hệ thống hành chính là việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa trên các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại… Ngoài các trường đào tạo nghề cấp trung học, Đại học Đông Dương mở các trường cao đẳng về canh nông, kỹ nghệ, xây dựng cầu đường và khai mỏ, thuế quan và thương chính. Rất rõ ràng, những người tốt nghiệp từ các trường nàycó khả năng làm việc trong các công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật nhất định, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc khai thác thuộc địa.

Mặt khác, cũng nên nhấn mạnh ý đồ chính trị của chính sách thiết lập hệ thống giáo dục mới nói chung và mở Đại học Đông Dương nói riêng là nhằm lôi kéo tầng lớp thanh niên ra khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cũng như tách họ khỏi các phong trào yêu nước sôi nổiđầu thế kỷ XX. Khi đó đã bước đầu xuất hiện xu hướng giáo dục mới với sự ra đời các “nghĩa thục” ở Bắc kỳ và Trung kỳ, nổi bật là Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Qua các buổi thuyết giảng, các sĩ phu cấp tiến cố gắng thức tỉnh tinh thần yêu nước, khơi gợi ý chí quật cường, truyền bá kiến thức thực nghiệp, tập hợp đông đảo thanh niên đi theotrào lưu mới. Các hoạt động theo xu hướng tân học của các chí sĩ người Việt đã tạo nên mối lo ngại cho nền cai trị thực dân, từ những đốm lửa tri thức mới ấy, khi được lan tỏa và thức tỉnh tuổi trẻ sẽ có thể bùng phát thành những cơn bão táp chống lại chế độ thuộc địa. Do vậy, cùng với hành động đàn áp bằng bạo lực dã man là biện pháp lôi cuốn thanh niên vào trường học nhằm biến họ thành công cụ phục vụ nền cai trị thực dân, đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Do vậy, có thể thấy rõ việc thành lập Đại học Đông Dương là một chính sách nằm trong ý đồ phục vụ mục đích lâu dài xây dựng nền tảng cho chế độ thống trị thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Điều đó xuất phát từ lợi ích của người Pháp và đem lại hiệu quả cho chính nước Pháp.

*

Tuy nhiên, từ quan điểm lịch sử, cũng cần bàn tới những kết quả khách quan của chính sách giáo dục của người Pháp ở Việt Nam nói chung và sự thành lập Đại học Đông Dương nói riêng.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống văn hóa lâu đời và một hệ thống giáo dục sớm phát triển. Sự thành lập Quốc Tử Giám năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông đánh dấu thành tựu quan trọng của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám được coi là trường Đại học đầu tiên ở nước ta, đã đào tạo nhiều thế hệ quan lại cấp cao, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo và điều hành đất nước. Các trường học địa phương cùng chế độ khoa cử ngày càng hoàn chỉnh đã góp phần lớn lao vào việc giáo dục đạo đức và năng lực quản lý trải qua nhiều triều đại, xây dựng nền văn hóa dân tộc đầy bản sắc.

Nhưng từ giữa thế kỷ XIX, nền giáo dục đáng tự hào đó đã tỏ ra không đứng vững trước áp lực từ phương Tây tràn tới, đã bộc lộ sự lạc hậu, không đủ sức bảo vệ non sông trước sức mạnh của phương Tây. Vào lúc đó, châu Âu đã có bước tiến lớn về khoa học kỹ thuật, hoạt động thương mại đã mở rộng thị trường trên phạm vi thế giới. Nhất là cuộc cách mạng công nghiệp đã đưa loài người bước vào thời đại văn minh công nghiệp, một bước phát triển kỳ vĩ so với thời đại của văn minh nông nghiệp. Hệ thống giáo dục được thay đổi cơ bản, hướng đến các ngành khoa học thực nghiệm, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa với những thành tựu cơ khí hóa và điện khí hóa.

Nước Pháp với ý đồ chiếm lĩnh lâu dài thuộc địa Đông Dương, ắt phải tiến hànhthiết lập một nền thống trị theo phương thức mới và xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứngvới việc sửdụng thành tựu khoa học, kỹ thuật mới. Đó là động cơ chính dẫn đến việc người Pháp xây dựnghệ thống giáo dục từ tiểu học, trung học đến đại học.

Nhiệm vụ của Đại học Đông Dương được xác định trong Nghị định ngày 16/5/1906 là “phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu”. Nhiệm vụ được thực thi trong chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo của các trường thành viên. Có thể kể đến một số trường tiêu biểu sau đây:

Trường Cao đẳng Luật và Hành chính đào tạo đội ngũ quan lại phục vụ trong bộ máy hành chính người bản xứ hoặc trong cơ quan chính quyền thuộc địa, một bộ phận làm thư ký phục vụ ngành thuế quan và thương chính. Đương nhiên, nội dung giảng dạy đề cập đến luật pháp và tổ chức hành chính phương Tây, lề lối làm việc theo kiểu hiện đại. Sự du nhập kiến thức và phương pháp quản trị mới đã tạo nên sự thay đổi quan trọng của hệ thống quan lại đã từng tồn tại ở nước ta bấy lâu.

Trường Cao đẳng khoa học giảng dạy các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học là những nội dung hoàn toàn mới so với hệ thống các trường khi trước chỉ tập trung “dùi mài kinh sử” với các bộ sách kinh điển “tứ thư, ngũ kinh” và phương pháp thuộc lòng. Những kiến thức về lý thuyết cùng các phòng thí nghiệm giúp người học có điều kiện thực nghiệm, gắn liền hơn với thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm công tác nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy tại các trường cao đẳng sư phạm, các trường trung học.

Việc mở trường Cao đẳng sư phạm nhằm đào tạo giáo viên cho các trường Sư phạm tiểu học, Cao đẳng tiểu học và Cao đẳng bổ túc. Đây chính là “cỗ máy cái” cung cấp đội ngũ giáo viên thế hệ mới, giảng dạy nội dung và phương pháp mới theo mô hình châu Âu. Sinh viên được phân chia theo hai chuyên ban – chuyên ban Khoa học và chuyên ban Văn học; hai năm đầu học các môn cơ bản của mỗi chuyên ban, năm sau dành cho việc thực hành nghiệp vụ sư phạm. Đội ngũ giáo viên tương lai được phân về các trường, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nên hệ thống giáo dục mới, dần dần thay thế các trường lớp Nho học không còn phù hợp. Đến năm 1919, các kỳ thi theo chế độ khoa cử cũ hoàn toàn chấm dứt. Điều đó đồng nghĩa với việc xác lập vị trí chính thống của hệ thống giáo dục tân tiến châu Âu. Nghiên cứu sâu hoạt động chuyên môn của trường Cao đẳng sư phạm, GS. Đinh Xuân Lâm đánh giá: “chương trình được chuẩn bị công phu, ổn định, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học” mà “trong suốt thời gian tồn tại đã liên tục đào tạo ra một đội ngũ nhà giáo mô phạm, đồng thời là những nhà khoa học xuất sắc”. Rõ ràng quá trình thành lậptrường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương cùng với mạng lưới các trường sư phạm đã tạo nên khuôn mặt mới cho nền giáo dục Việt Nam theo mô hình phương tây. Tất nhiên, đối với một thuộc địa, việc du nhập mô hình này không hoàn toàn như chính quốc, đã bị cắt xén nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh và mục đích thực sự của giới cầm quyền.

Ngay trước khi Đại học Đông Dương ra đời, trường Y được thành lập từ năm 1902 ở cấp độ thấp, chỉ đào tạo cán bộ y tế và nữ hộ sinh; đến năm 1923 trở thành trường Cao đẳng Y Dược, mười năm sau mới đào tạo bác sĩ và dược sĩ. Sở dĩ người Pháp sớm quan tâm đến ngành này vì khi sang xâm lược và chinh phục thuộc địa, họ mắc phải các loạidịch bệnh nhiệt đới nguy hiểm, trực tiếp đe dọa sinh mệnh của binh lính và viên chức người Âu.Trong thời gian này, một số bệnh viện và viện nghiên cứu y học được thành lập, đặt cơ sở đầu tiên cho nền y học hiện đại .Các giáo sư trường đại học Y Hà Nội được cử từ Pháp sang, trong đó có những thày thuốc nổi tiếng như bác sĩ Yersin – vị hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, người đã chế vacxin chống dịch hạch, gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp nhân đạo cứu người ở Đông Dương; bác sĩ Calmette phát minh ra thuốc chống bệnh lao BCG…Hệ thống trường y không được trang bịmáy móc đầy đủ như các trường bên Pháp, đối tượng được chữa bệnh chủ yếu là người Pháp và một bộ phận lớp trên của người Việt, còn đại đa số cư dân vẫn trông chờ vào các thày lang với bài thuốc dân gian cổ truyền. Nhưng dẫu sao, đây cũng là sự du nhập ngành y tế Tây Âuhiện đại, tiên tiến, chăm sóc sức khỏe với phương pháp chữa bệnh khoa học, sử dụng dược phẩm pha chế theo công thức chính xác. Những thành tựu trên đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ thống y tế hiện đại sau này.

Trường Cao đẳng xây dựng dân dụng đào tạo nguồn lực kỹ thuật phục vụ công cuộc khai thác và xây dựng. Những người tốt nghiệp trường này làm việc trong các ngành giao thông (cầu, đường bộ, đường sắt), khai mỏ, điện khí (kể cả bưu điện và điện tín), nông nghiệp và lâm nghiệp.

Ngay chương trình của trường Cao đẳng Văn chương cũng mở rộng phạm vi học tập và nghiên cứu khá rộng so với nền giáo dục cũ. Trong khi duy trì việc giảng dạy văn hóa cổ điển phương Đông, nội dung giảng dạy còn đề cập đến các vấn đề triết học phương Tây, lịch sử và địa lý thế giới, các trào lưu văn học nước ngoài. Đương nhiên, phần về địa lý, lịch sử, văn học Pháp chiểm một tỷ trọng lớn.

Trong quá trìnhhoạt động, do sự thay đổi chính sách của các Toàn quyền, do điều kiện khó khăn ở thuộc địa và tác động của tình hình thế giới (cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, chiến tranh thế giới 1939 -1945, sự xâm nhập của Nhật Bản vào Đông Dươn từ 1940), việc giảng dạy và học tập ở Đại học Đông Dương có nhiều biến động, thậm chí có lúc phải tạm ngừng, nhưng về cơ bản, đường hướng giáo dục ít thay đổi.

*

Điểm qua vài nét về Đại học Đông Dương, có thể rút ra đôi điều suy nghĩ sau đây:

Một, việc thành lập Đại học Đông Dương đương nhiên nằm trong chính sách khai thác và bình định thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp.Đến đầu thế kỷ XX, hầu như những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đều bị trấn áp bằng vũ lực. Phong trào Cần Vương ở miền Trung, khởi nghĩa Yên Thế ở miền Bắc cho đến vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội…, tất cả đều bị dìm trong biển máu. Nền đô hộ Pháp lại bị thách thức bởi những cuộc vận động của tầng lớp sĩ phu cấp tiến, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Không khí chính trị trở nên sôi nổi với phong trào Đông du khuyến khích thanh niên du học theo tấm gương của Nhật Bản, với việc mở trường Đông kinh nghĩa thục sôi động văn thơ thức tỉnh đồng bào, với lời kêu gọi đầy nhiệt huyết “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Trong bối cảnh đó, hệ thống trường học nói chung và Đại học Đông Dương nói riêng được thành lập nhằm mục đích thu hút thanh niên tiếp nhận văn minh Pháp, chịu khuất phục chế độ tư bản Pháp và phục vụ bộ máy thống trị của Pháp ở Đông Dương. Chính quyền Đông Dương đã đạt được mục tiêu này với kết quả đào tạo một đội ngũ những người có trình độ nhất định làm việc trong các cơ quan cai trị của Pháp hoặc của chính quyền bản xứ theo Pháp.

Hai, sự hình thành nhà trường Pháp – Việt bậc tiểu học và trung học, nhất là sự thành lập Đại học Đông Dương chính là sự du nhập một hệ thống giáo dục châu Âu hiện đại, tiên tiến, khác hẳn mô hình giáo dục xưa cũ theo mô hình Trung Hoa. Chương trình đào tạo, tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy và tổ chức trường học tạo nên bước chuyển biến cơ bản trong nền giáo dục Việt Nam.Việc sử dụng phổ cập chữ viết theo mẫu chữ la tinh, sau được chính thức coi là chữ quốc ngữ, vừa đơn giản trong việc học, vừa thuận tiện khi tiếp thu ngôn ngữ nước ngoài, trước hết là tiếng Pháp. Mặc dầu số người được đến trường chiếm tỷ lệ thấp, đại đa số cư dân còn mù chữ nhưng dẫu sao sự hình thành chế độ giáo dục mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận văn hóa và khoa học kỹ thuật mới, thích ứng với sự biến đổi về kinh tế - xã hội theo chiều hướng hiện đại.

Ba, một thành quả quan trọng là hệ thống giáo dục Pháp Việt và Đại học Đông Dương đã tạo nên một tầng lớp trí thức mới có trình độ cao theo mô hình phương Tây.

Sinh viên Đại học Đông Dương cùng những người đi học ở Pháp trở về góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy và phong cách theo hướng tân tiến, phù hợp với sự phát triển. Có những người làm việc trong các cơ quan công quyền, tham gia bộ máy thống trị của chủ nghĩa thực dân, trở thành cánh tay phục vụ đắc lực chế độ thuộc địa. Nhưng nhiều trí thức khác đã tìm về cội nguồn dân tộc, nghiên cứu những vấn đề phục vụ lợi ích của người dân, đề ra nhiều ý tưởng và biện pháp canh tân nhằm đưa đất nước ra khỏi sự lạc hậu, nghèo khổ. Không ít người, tiếp thu tư tưởng tiên tiến trên thế giới, đặc biệt tinh thần “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Cách mạng Pháp, khi so sánh với thực tiễn đau khổ, bị chà đạp của người dân Việt, đã mạnh dạn rời bỏ giảng đường, ra đi tìm đường cứu nước. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí dũng cảm đã thôi thúc họ bước vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do. Do vậy, trong sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức đã từng là sinh viên Đại học Đông Dương, đã từng du học ở nhiều nước phương Tây. Họ đảm nhận trách nhiệm các nhà lãnh đạo cách mạng, các nhà chỉ huy quân sự tài năng trên chiến trường, các nhà ngoại giao kiên định trong đàm phán, các nhà khoa học sản xuất vũ khí, thuốc men phục vụ bộ đội, các nhà giáo đào tạo thế hệ trẻ trong nhà trường mới, các nhà văn bám sát cuộc sống của bộ đội, đồng bào. Lực lượng trí thức tham gia cách mạng là những người đã từng học tập trong nhà trường của Pháp nhưng mang nặng tinh thần dân tộc, khát khao quyền được sống trong độc lập – tự do, hăng hái trở về cội nguồn cùng nhân dân bước vào cuộc đấu tranh gian khổ.

Rất rõ ràng, đây là kết quả ngoài ý muốn của các nhà cai trị thuộc địa nhưng lại là kết quả tất yếu khi những người yêu nước, thấm nhuần tinh thần dân tộc tiếp thu văn minh tiên tiến, đã biết vận dụng những điều hiểu biết vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu nhà.

Nhìn nhận sự thành lập và hoạt động của Đại học Đông Dương từ góc độ phổ cập trào lưu văn hóa phương Tây, du nhập hệ thống giáo dục hiện đại vào Việt Nam, chúng ta đồng thời cũng đánh giá cao với lòng kính trọng và khâm phục thế hệ những cựu sinh viên Đại học Đông Dương đã từng dấn thân vào sự nghiệp cứu nước, đã cống hiến cuộc đời cho công cuộc giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.

 GS. Vũ Dương Ninh - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   |