Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Lịch sử thăng trầm của ĐH Đông Dương – Những tác động từ chính sách của chính quyền thực dân Pháp

1. Mở đầu

Ngày 16.5.1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký Nghị định số 1514a, chính thức khai sinh ra Trường đại học Đông Dương. Sự kiện này không đơn giản chỉ là mốc đánh dấu sự ra đời của một trường đại học mà còn là sự khởi đầu của một mô hình giáo dục đại học hiện đại ở Việt Nam. Bên cạnh mục tiêu cơ bản là "đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương”(điều 9), thì trường Đại học Đông Dương cũng hướng tới "hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc… "

Mặc dù vậy, chỉ sau một năm đầu tiên, năm 1907 trường Đại học Đông Dương đột ngột bị đóng cửa và phải tới tận 10 năm sau nó mới được mở cửa trở lại. Lí do của việc đóng cửa trường đại học này vẫn còn là một vấn đề còn đang tranh cãi đối với các nhà nghiên cứu. Cũng có nhiều lí do được đưa ra lí giải như: chương trình đào tạo của nó còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế lúc đó; hay sức ép từ phái thực dân bảo thủ ở chính quốc và ở ngay thuộc địa; hoặc là do các xu hướng mới của phong trào yêu nước Việt Nam đang dâng lên mạnh mẽ...vv.

Trên thực tế đó, tìm hiểu về những tác động từ các chính sách của chính quyền thực dân Pháp lúc đó tới lịch sử hình thành với những thăng trầm của Đại học Đông Dương cũng là vấn đề cần được đi sâu nghiên cứu ngõ hầu đưa ra được những luận giải xung quanh khía cạnh này. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn có thể góp phần làm sáng tỏ thêm chính sách giáo dục của chính quyền Pháp đối với các thuộc địa nói chung và với Đông Dương nói riêng.

2. Nội dung

2.1. Sự hình thành Đại học Đông Dương trong bối cảnh chung của chính trị - xã hội nước Pháp

Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX chứng kiến sự biến đổi một cách nhanh chóng của nước Pháp trên cả sức mạnh kinh tế lẫn chính sách đối với thuộc địa. Nền Cộng hòa III được thiết lập sau sự bại trận của nước Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 đã được gọi là "hình thức chính phủ ít chia rẽ nước Pháp nhất" bởi thể chế chính trị của nó và cũng bởi chính những mục tiêu mà nó hướng tới.  Được thiết lập trên một ý thức hệ "Đại Pháp" (La plus grande France), chính phủ của nền Cộng hòa III đã tập trung xây dựng sức mạnh quốc gia cả ở chính quốc trên lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ảnh hưởng văn hóa và lẫn ở thuộc địa.

Đây là thời kỳ mà chủ nghĩa dân tộc Đại Pháp hết sức được chú trọng. xuất phát từ lòng "tổn thương" dân tộc do bại trận trong chiến tranh lẫn nguy cơ đe dọa không nhỏ từ sự yếu thế của Pháp so với Anh và Đức trong những tranh chấp thuộc địa. Chính sách xây dựng nước Pháp là "một quốc gia, một dân tộc" được đề ra từ Cách mạng tư sản Pháp tiếp tục được đề cao với những biện pháp giáo dục cốt lõi như việc phổ biến tiếng Pháp là một ngôn ngữ bắt buộc và duy nhất ở lãnh thổ chính quốc và lãnh thổ thuộc địa, việc xây dựng và truyền bá "một nền văn hóa Pháp đồng nhất" đối với toàn xã hội, việc loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi trường học bằng việc xây dựng một hệ thống giáo dục thế tục với chương trình phổ cập giáo dục ít nhất ở bậc tiểu học và sự nỗ lực khuếch trương văn hóa Pháp ra thế giới đã mang lại cho nước Pháp một vị thế đáng kể trong một thời gian ngắn.  Với lực lượng quân đội được hiện đại hóa hàng đầu thế giới, Pháp đã thoát ra khỏi sự cô lập quân sự của mình trong tương quan với Đức bằng việc kí các Hiệp ước liên minh với các cường quốc: Liên minh Pháp-Nga (1893-1894), Pháp -Anh (1904) và Anh-Nga (1907).

Trên thực tế, tình hình chính trị và xã hội Pháp ở những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX có nhiều vấn đề bất ổn. Xung đột giữa Anh và Pháp về chính sách bành trướng thuộc địa ở Sudan và khủng hoảng chính trị trong nội bộ nền Cộng hòa III xung quanh vụ Dreyfus đã khiến cho gần như toàn thể giới chính trị và cả xã hội Pháp bị chia rẽ một cách nghiêm trọng thành 2 phe "ủng hộ Dreyfus" và "chống Dreyfus". Sự chia rẽ này đã làm liên lụy tới nhiều chính sách của nước Pháp lúc đó đối với cả hệ thống thuộc địa.  

Trên thực tế, tầm quan trọng của thuộc địa và ý tưởng đẩy mạnh khai thác thuộc địa không phải đến ngày cùng lúc với diện tích của những vùng lãnh thổ xa xôi ở châu Á hay châu Phi mà chính phủ của họ đã dùng sức mạnh quân sự để chiếm được. Ngay cả trong Chính phủ và Quốc hội, vấn đề thuộc địa khi đề cập đến thường xuyên bị chia rẽ bởi các phe phái mà vẫn chủ yếu là những ý kiến thiên về bi quan do tình hình quá khó khăn và lạc hậu của các vùng đất đó hay ngân sách tài chính hàng năm mà Quốc hội phải thông qua để cứu trợ cho các chính phủ thuộc địa. Bắt đầu từ năm 1880, vấn đề khai thác thuộc địa, tiềm năng về nguyên liệu và thị trường cũng như tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển kinh tế của chính quốc mới thực sự được chú trọng trong giới chính trị và xã hội Pháp. Nó là kết quả của việc ra đời "Đảng Thuộc địa" (Parti colonial) và việc khôi phục trở lại "Hệ tư tưởng thực dân" (Idéologie coloniale francaise).  Được khởi xướng bởi một số nghị sĩ ở Quốc hội và Thượng Nghị viện và sau đó thu hút được nhiều giai cấp và các tầng lớp khác trong xã hội Pháp lúc đó. Mục tiêu của Đảng này là thu hút sự chú ý của chính giới và dư luận Pháp về vai trò và tầm quan trọng của thuộc địa, của công cuộc khai thác thuộc địa và bảo vệ quyền lợi của những nhà thực dân. Chính thức thành lập năm 1892, Đảng Thuộc địa đã có những ảnh hưởng không nhỏ trong giới chính trị và xu hướng xã hội Pháp lúc bấy giờ. Bằng hành động thực tế và thông qua chính sách tuyên truyền, Đảng Thuộc địa vẽ lên một hình ảnh "nước Pháp vĩ đại" nhờ những lợi ích đến từ thuộc địa. Và cũng chính bắt đầu từ đó, thuộc địa trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội Pháp.

Đặc biệt, từ năm 1900 đến năm 1914 ở nước Pháp được gọi là "Thời kỳ tươi đẹp" (la Belle Époque) với sự phát triển một cách rực rỡ của các mặt từ kinh tế - nhờ những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần hai, cho tới những thành tựu văn hóa, xã hội khác. Trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự và vị thế chính trị đã điều kiện tốt cho giới chính trị nước Pháp tăng cường sự thống nhất quốc gia và phát huy bản sắc quốc gia Pháp. Xu hướng này không chỉ ở nước Pháp lúc đó mà còn là ở toàn châu Âu với các phong trào theo xu hướng "dân tộc chủ nghĩa" hay còn được gọi là phong trào của "Sự thức tỉnh dân tộc". Phong trào này đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Pháp trong "Thời kỳ tươi đẹp" và là sự kết hợp giữa ý tưởng "sự thức tỉnh dân tộc" được hình thành trên một nền văn hóa đại chúng và có sự gắn kết với giáo dục phổ cập được thế tục hóa. Hay nói một cách rõ ràng hơn, xu hướng xây dựng một quốc gia dân tộc hiện đại Pháp đã đề cao vai trò của giáo dục và hơn nữa là giáo dục bậc cao mà theo cách diễn đạt của Ernest Gellner đã chỉ ra đặc tính của quốc gia hiện đại là sự "độc chiếm giáo dục hợp pháp";  "Thời đại của quốc gia dân tộc hiện đại là thời đại của những nhà giáo dục, thời đại của sự phát triển giáo dục đại chúng".  

Hệ tư tưởng trên ảnh hưởng mạnh mẽ tới những người đứng đầu các chính phủ cầm quyền của Pháp lúc đó và thúc đẩy một xu thế cải cách giáo dục mạnh mẽ cả ở chính quốc và thuộc địa. Không thể không nhắc tới Jules Ferry (1832-1893) với những chính sách cải cách mạnh mẽ  trên lĩnh vực giáo dục và báo chí trong thời gian ông làm Thủ tướng (1883-1885). Ông là người đã ký ban hành Luật tự do báo chí và Thế tục hóa giáo dục Tiểu học. Ông cũng là người đã triển khai một cách mạnh mẽ chính sách mở rộng thuộc địa và khai thác thuộc địa của nước Pháp thông qua "sứ mệnh khai hóa" của nước Pháp đối với các thuộc địa, trong đó thuộc địa Đông Dương được đặc biệt chú trọng. 

Chính sách này của Jules Ferry và các chính phủ sau này của nền Cộng hòa III đã có một tác động mạnh mẽ tới chính phủ thuộc địa và những viên Toàn quyền của các xứ thuộc địa. Nền Cộng hòa III với mục tiêu sử dụng giáo dục như một công cụ hữu hiệu để củng cố vững chắc thể chế chính trị, tăng cường bản sắc quốc gia, phổ biến văn hóa Pháp với mục tiêu đồng hóa các nền văn hóa khác ở cả chính quốc và thuộc địa nhằm khẳng định vị thế của mình ở thuộc địa đã đặt lên vai những nhà thực dân một sứ mệnh "khai hóa văn minh" với những chính sách chú trọng giáo dục ở các xứ thuộc địa.

Tuy nhiên, một trong những đặc điểm chính trị đặc trưng của Pháp đó chính là sự thay đổi một cách thường xuyên chính sách của chính phủ Pháp đối với các cá nhân được cử đi làm Toàn quyền. Nhìn lại lịch sử cho thấy rất ít các Toàn quyền Đông Dương trụ được đủ nhiệm kỳ của họ. Khác với Toàn quyền của Anh ở Ấn Độ hay Toàn quyền của Hà Lan ở các lãnh thổ thuộc địa, họ luôn luôn được lựa chọn dựa theo các tiêu chí đảm bảo về kiến thức quản lí và sự trung thực cũng như trung thành với tổ quốc. Chính phủ tại các nước này không có chính sách thay đổi hay triệu hồi về giữa nhiệm kì. Khác với Pháp, sự mâu thuẫn kịch liệt giữa các phái trong chính phủ Pháp và sự lo lắng một sự "lạm quyền" luôn có thể xảy ra đối với một viên Toàn quyền xứ thuộc địa đã khiến việc một viên Toàn quyền trụ lại được và quay về đúng thời hạn 5 năm không phải là điều phổ biến, nhất là ở xứ Đông Dương.   Điều này cũng ảnh hưởng mạnh tới chính sách giáo dục ở thuộc địa.

Tuy nhiên, đối với các thuộc địa của Pháp mà cụ thể là Đông Dương, xây dựng nền giáo dục "hoàn toàn Pháp" hay là sự kết hợp giữa "trường Pháp" và "trường Hán học" luôn thực sự gây tranh cãi. Trên thực tế thì chính sách "khai hóa văn minh" của Pháp cũng không được thực hiện triệt để, luôn mang tính chất nước đôi giữa mong muốn và hiện thực. Nước Pháp hết sức chú trọng yếu tố "dân tộc chủ nghĩa đại Pháp" và tính dân chủ của một nền cộng hòa nên luôn mong muốn cờ của Pháp phải được tung bay trên những thuộc địa phát triển hay nói một cách khác là phải biến thuộc địa thành một lãnh thổ Pháp thực sự. Và như vậy có nghĩa là, một nền giáo dục Pháp phải được áp dụng một cách đồng đều ở tất cả các thuộc địa. Tuy nhiên, trên thực tế, nước Pháp chưa bao giờ coi thuộc địa thực sự là lãnh thổ Pháp, và các nguyên tắc nêu trên cũng không được áp dụng ở thuộc địa, nơi mà dân cư không được coi là công dân Pháp. Chính vì vậy, đối với giáo dục của chính quyền thực dân thường được tiến hành một cách không nhất quán và tùy thuộc rất lớn vào ý chí của viên Toàn quyền. Thực tế giáo dục Đông Dương nói chung và sự thăng trầm của lịch sử Đại học Đông Dương nói riêng phản ánh rõ điều đó. 

2.2. Sự thăng trầm của Đại học Đông Dương: từ Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) tới Antony  Klobukowski (1908-1910)

 * Paul Doumer: chính sách trọng phát triển kinh tế hơn giáo dục bản xứ

Như đã nêu ở trên, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn mà ở Pháp trào lưu yêu nước và đề cao sự tự hào dân tộc nở rộ ở Pháp. Lòng nhiệt thành và sự yêu nước hầu như được nhắc tới thường xuyên. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của "Hệ tư tưởng thực dân", hình ảnh "lá cờ tam tài Pháp bay trên các lãnh thổ thuộc địa" được sử dụng một cách khuếch trương như là biểu tượng của lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc Pháp. Sứ mệnh của những người được cử đi cai trị thuộc địa luôn là "phải làm rạng danh cho đất nước", phải làm cho thuộc địa phải phồn vinh-phồn vinh để phục vụ nước Pháp.

Đối với Đông Dương, quan điểm của chính quyền thực dân Pháp mặc dù chưa bao bao giờ thống nhất với nhau về vị trí và tầm quan trọng của nó trong hệ thống thuộc địa, song lại đều thống nhất một quan điểm rằng cho đến năm 1885 thì công cuộc chinh phục đã xong và cần phải bước vào giai đoạn thứ hai là khai thác thuộc địa. Đứng trên quan điểm đề cao lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc Pháp, bắt đầu từ năm 1885, các Toàn quyền Đông Dương, với cương vị những người đứng đầu xứ Đông Dương, khi thực hiện nhiệm vụ cai trị của mình đều thực hiện chính sách "khai thác thuộc địa" nhằm biến xứ Đông Dương thành thị trường cho nền công nghiệp Pháp. Như một nhu cầu tất yếu, muốn khai thác hiệu qủa thì phải "hiện đại hóa" xứ Đông Dương, biến nó thành "mảnh đất Pháp". Muốn như vậy thì bên cạnh yếu tố phát triển kinh tế, thì lĩnh vực văn hóa giáo dục cũng cần phải được đẩy mạnh. Mặc dù vậy, nguyên tắc này không được thực hiện dưới thời của Paul Doumer. 

Paul Doumer được cử sang làm Toàn quyền trong một bối cảnh mà Đông Dương luôn bị coi là gánh nặng của chính quyền Pháp. Trên thực tế, tại thời điểm đó, cứu trợ tài chính cho thuộc địa Đông Dương luôn là vấn đề gây đau  đầu và tranh cãi trong nội các Pháp bởi chính quyền bảo hộ thường xuyên rơi vào nguy cơ phá sản nhất là vào các năm 1891 và 1895 , đồng thời cũng khiến chính giới Pháp chia rẽ một cách sâu sắc thành 2 phe. Những khó khăn ở xứ Đông Dương đặc biệt là tình trạng mất ổn định về chính trị, kinh tế yếu kém và khí hậu khắc nghiệt luôn là vấn đề được đưa ra tranh cãi trong Quốc hội.

Mặc dù vậy, một điều không thể phủ nhận  đối với chính giới Pháp, Bắc Kỳ là một mảnh đất lí tưởng cho việc "thực thi những hoạt động chính trị và thương mại" mà đích ngắm đầu tiên và quan trọng nhất là miền Nam Trung Hoa. Chính vì vậy, Đông Dương là đại diện quyền lợi duy nhất của Pháp ở Viễn Đông mà cho dù có khó khăn đến mấy, người Pháp vẫn phải giữ.

Nhìn một cách khái quát, ở thời điểm đó thì công cuộc khai thác kinh tế-  mục đích chủ đạo của thuộc địa hóa - hầu như chưa được khởi động tại Đông Dương.  Chính vì vậy, ngay trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ, Paul Doumer đã đặt trọng tâm là "khai thác kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất".  Paul Doumer đã đưa ra một chương trình gồm 7 điểm, trong đó  đặc biệt chú ý tới việc thiết lập "một chế độ tài khóa thích hợp với từng địa phương" (Điều 2), "cung cấp cho Đông Dương các công cụ phát triển kinh tế, các hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy ..." (Điều 3) và "Tăng cường sản xuất và thương mại thuộc địa bằng cách thúc đẩy công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp và tạo thêm việc làm cho người bản xứ" (Điều 4). 

Kết quả việc thực hiện chương trình sau nhiệm kỳ của Paul Doumer đã mang lại những sự thay đổi rõ rệt về mặt kinh tế mà trong đó việc được Paris chấp nhận cho việc thiết lập ngân sách trung ương Đông Dương (sắc lệnh kí ngày 31 tháng 7 năm 1898) được ví như là "đánh dấu sự ra đời của Đông Dương" với một định chế tài chính độc lập.

Sự tăng trưởng về kinh tế đưa tới việc tăng dân số ở Bắc Kỳ tăng lên một cách nhanh chóng, Đến năm 1902, dân số Hà Nội tăng lên tới 120.000 người và số người Pháp tăng tỉ lệ thuận với tỉ lệ tăng dân số chung. Bắt đầu từ năm 1899, ngân sách Đông Dương thặng dư và liên tiếp tăng trong những năm sau đó xuất phát từ sự phát triển kinh tế và nhất là chính sách thuế của chính quyền thuộc địa. Nhìn một cách tổng thể, kinh tế Bắc Kì có sự thay đổi rõ rệt với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng mà nhất là hệ thống giao thông.

Công cuộc khai thác thuộc địa của Paul Doumer đã cho phép một số lượng người Pháp sang định cư ở Đông Dương ngày càng đông và đa phần trở thành những ông chủ đồn điền ở Nam Kì hoặc những ông chủ nhà máy, xí nghiệp hoặc các cơ sở buôn bán sản xuất lớn ở Bắc Kì. Nhu cầu sử dụng nhân công lao động bản xứ ngày càng tăng và cùng với sự mở rộng kinh doanh thì nhu cầu sử dụng lao động có trình độ và được hưởng nền giáo dục Pháp cũng tăng lên. Song yếu tố này cũng không khiến Doumer chú trọng chính sách giáo dục.

Trên thực tế, tại thời điểm đó, giáo dục thuộc địa không được áp dụng với một chính sách hoàn toàn tương đồng với chính quốc mặc dù được xây dựng trên một cơ sở nền tảng chung. Các nhà thực dân lúc đó đều theo đuổi một chính sách gần như giống nhau và coi giáo dục thuộc địa "chỉ nên đào tạo đủ phục vụ nhu cầu cai trị ở thuộc địa". Chính sách này dường như có phần mâu thuẫn với 'sứ mệnh khai hóa" mà những nhà thực dân thường hay nhắc tới là "phải làm cho thuộc địa phồn vinh và xứng đáng là vùng đất của nước Pháp".

Có thể lí giải được nguyên nhân chính sách "giáo dục hạn chế" của Paul Doumer lúc đó bằng lí luận mà ông đưa ra. Được coi là một "nhà thực dân điển hình", Paul Doumer quan sát thực trạng giáo dục và thi cử ở Bắc Kỳ lúc đó và cho rằng ở Việt Nam, do ảnh hưởng của nặng nề của hệ tư tưởng Nho giáo - nhất là ở Bắc Kỳ, nhu cầu thi cử hoặc đỗ đạt luôn cao hơn với thực trạng phát triển kinh tế và nhu cầu việc làm của xã hội. Vốn có truyền thống  từ lâu đời, mặc nhiên những người đỗ đạt trong các kỳ thi, cho dù sau đó thất nghiệp không có việc làm và gia sản thì bản thân họ vẫn giữ một tư tưởng về sự "nhàn cư" như là một sự ưu tiên về đẳng cấp mà mặc nhiên họ phải có. Sự nghèo khó trong đời sống kinh tế và sự bí bách về mặt tinh thần rất dễ dẫn tới  những hành động hoặc lời nói phản kháng lại chính quyền. Chính vì vậy, hạn chế cấp bằng hoặc hạn chế đào tạo chính là một trong những chính sách mà Paul Doumer chủ trương thực hiện.  Ông cho rằng  đào tạo hoặc cấp bằng ở xứ thuộc địa chỉ giới hạn bằng nhu cầu việc làm mà chính phủ thuộc địa có thể mang lại cho họ. Bởi những người đỗ đạt mà thất nghiệp thì sẽ là "kẻ thù bẩm sinh của những chính phủ không dùng đến họ". 

Như vậy, không có nghĩa là Paul Doumer  không coi trọng "khai hóa văn minh" thông qua chính sách giáo dục. Xuất thân từ một chuyên gia kinh tế và chuyên phụ trách về tài khóa cho Đông Dương, ông cho rằng một điều tất yếu thực trạng kinh tế luôn quyết định cách chính sách xã hội khác trong đó có chính sách giáo dục. Tuy nhiên ở Đông Dương thời kỳ đó, giáo dục và thi cử đang đi ngược lại với quy luật đó. Theo đuổi một chính sách khác cho giáo dục thuộc địa, ngay từ thời kỳ đầu của nhiệm kỳ Toàn quyền, ông đã chỉ ra được nhu cầu bức thiết nhất của chính phủ thuộc địa lúc đó là phải "hiện đại hóa" thuộc địa để làm giàu cho chính quốc. Đặt mục tiêu mở mang xã hội, nâng cao dân trí và nhất là du nhập lối sống Pháp đối với dân bản xứ chính là con đường hiệu quả để cho hàng hóa ở Pháp được sản xuất với giá rẻ tràn sang thuộc địa. Do vậy, việc mở mang giáo dục ở Đông Dương đặt mục đích đầu tiên là phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và thương mại chính quốc một cách lâu dài. Có thể coi Paul Doumer là viên Toàn quyền đầu tiên của Pháp thực hiện ý tưởng đó. Trong cuốn Hồi ký của mình, ông viết:

"Đối với dân bản xứ, để tạo ra những nhu cầu mà chúng ta có thể cung ứng, để tìm ra những vật dụng mà nền công nghiệp chính quốc sản xuất với giá rẻ và đem lại tiện nghi cho cuộc sống, thì đồng thời với việc nâng cao điều kiện của dân bản xứ, trong tương lai chúng ta phải tạo ra những nhu cầu ngày càng lớn đối với hàng hóa Pháp......" 

Với tư duy đó, việc mở mang hệ thống giáo dục một cách tràn lan hay là mang tính học thuật hàn lâm không hề xuất hiện trong chính sách của viên Toàn quyền này. Theo đuổi một chính sách thực tế, Paul Doumer, trong thời gian nắm quyền đã cho thành lập một số cơ quan khoa học chủ yếu dành cho người Pháp tiến hành nghiên cứu như viện Viễn Đông Bác Cổ, viện Paster ở Nha Trang, mở trường Y ở Hà Nội và mở một số trường dạy nghề.

Mặc dù vậy, nhìn ở một khía cạnh khác, tư duy và chính sách giáo dục "thực dụng" của Paul Doumer được phản ánh gần như tương tự trong mục tiêu đào tạo của Đại học Đông Dương sau này, đó là "chuyên dạy các khoa thực học, ...., khiến cho gây được những người hữu dụng ngay...".  Và như vậy, mô hình giáo dục bản xứ hẳn đã hình thành trong suy nghĩ của Paul Doumer. 

*Cải cách giáo dục của Paul Beau và quyết định thành lập Đại học Đông Dương 1906: quá trình hoạt động ngắn ngủi

Được cử sang Đông Dương làm Toàn quyền vào tháng 10 năm 1902, Paul Beau tốt nghiệp ngành luật và trở thành một nhà ngoại giao. Ông là người có tinh thần cấp tiến và mềm mỏng, tham gia một cách nhiệt tình vào Đảng Thuộc địa. Ủng hộ việc mở rộng khai thác thuộc địa dưới tinh thần "Hợp tác", Paul Beau theo đuổi chủ trương khai hóa dân trí, thu hút trí thức Việt Nam hợp tác với Pháp một cách tự nguyện trên cơ sở mở rộng giáo dục đào tạo.

Paul Beau được lựa chọn thay thế Paul Doumer trong một bối cảnh mà có nhiều thay đổi ở cả Pháp và Đông Dương. Trong chính giới Pháp, ảnh hưởng của Đảng thuộc địa đang lên rất cao và vấn đề thuộc địa trở thành mối quan tâm của rất nhiều giai tầng trong xã hội Pháp lúc đó. Năm 1901, trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp của Đảng Thuộc địa, Paul Beau đã đưa ra ý kiến của mình về một chính sách toàn cầu của Pháp mà ở đó, Pháp cần phải đề cao hơn nữa "sứ mệnh thực dân" của mình và coi nó như là "số mệnh" của nước Pháp chứ không chỉ là tập trung vào việc khai thác những gì có ở thuộc địa của họ. Ông cũng cho rằng đã đến thời điểm "cần phải chinh phục tinh thần dân các xứ thuộc địa". Quan điểm của Paul Beau nhận được sự tán đồng mạnh mẽ từ Quốc hội và lại cũng phù hợp vào thời điểm họ cần phải tìm một người thay thế Paul Doumer với một chính sách khác biệt trên cơ sở của một nền kinh tế và thể chế chính trị, thuế khóa đã được Doumer gần như thiết lập hoàn tất ở Đông Dương.  Việc muốn thay đổi chính sách thuộc địa ở Đông Dương cũng phù hợp với Pháp trong "Thời kỳ tươi đẹp" với những chính sách cải cách giáo dục mang lại nhiều thành tựu như là sự đảm bảo cho sự bền vững của nền Cộng hòa III. Việc tỉ lệ ngày càng cao trẻ em ở Pháp trong độ tuổi giáo dục tiểu học lựa chọn những trường công thế tục hóa cung chứng tỏ sự thành công của chính sách "tách nhà thờ khỏi trường học" mà chính phủ Pháp coi như một biện pháp cơ bản để xây dựng một quốc gia dân tộc thống nhất. 

Trong bối cảnh đó, Paul Beau sang Đông Dương và đưa ra chủ trương "lấy lòng giai cấp thượng lưu Việt Nam bằng việc chinh phục tinh thần và tuyên bố "đã đến lúc phải thay thế chính sách thống trị bằng chính sách liên hiệp" và một trong những chính sách đó là tiến hành thiết lập một hệ thống giáo dục mới: hệ thống giáo dục phổ thông.

Bên cạnh cải cách giáo dục, Paul Beau cũng tiến hành những cải cách hành chính và trao quyền nhiều hơn cho các quan lại địa phương. Điều này gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía những người Pháp thực dân ở Đông Dương và là lí do cơ bản cho việc buộc phải rời Đông Dương của ông vào năm 1908.

Cải cách giáo dục phổ thông của Toàn quyền Paul Beau thu được nhiều thành tựu song cũng luôn gặp phải một vấn đề nan giải đó là nguồn tài chính. Trên thực tế, ngân sách Bắc Kỳ không đủ cho một công cuộc cải cách giáo dục trên diện rộng. Cũng chính vì vậy, đã có nhiều chương trình được triển khai nhưng chỉ trên giấy tờ.

Sự thành công trong giáo dục phổ thông và dạy nghề đã khuyến khích Paul Beau đưa ra một quyết định, có thể được coi là "bước nhảy vọt" trong giáo dục Đông Dương ở thời điểm đó, song cũng là quyết định gây tranh cãi. Ngày 16/5/1906 Toàn quyền Paul Beau kí Nghị định thành lập Trường Đại học Đông Dương. Điều 1 của Nghị định ghi rõ:

“Nay thành lập ở Đông Dương, dưới tên gọi trường đại học, một tập hợp các khoá đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng.

Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu” (1)

Mục đích thành lập Trường được ghi rõ trong Nghị định số 1514a là nhằm “đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương”(điều 9).

Quyết định này đã gây ra sự tranh cãi về thời điểm ra đời cũng như chức năng đào tạo của nó xét trong bối cảnh và trình độ thực tế của giáo dục Đông Dương lúc bấy giờ. Hành động của Paul Beau bị cho là mang tính chất chính trị nhiều hơn là sự chuẩn bị cho học vấn nghiên cứu bởi mục tiêu của Paul Beau cũng là hoàn thiện cho đủ các bộ phận trong hệ thống chính sách của chính quyền thuộc địa. Mặt khác ông cũng bị cho rằng việc thành lập trường Đại học chỉ để đào tạo ra các "kỹ thuật viên" phục vụ cho công cuộc khai thác chứ không phải là hướng tới một nền học vấn hàn lâm đúng nghĩa với đại học. 

Chỉ sau 01 năm học, Đại học Đông Dương không còn được phép hoạt động sau khi sự thay thế Toàn quyền Paul Beau bằng Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski. Khác với người tiền nhiệm, Klobukowski là người theo trường phái bảo thủ và thực tế trong các chính sách đối với thuộc địa. Đối mặt với phong trào dân tộc Việt Nam lên cao mà đỉnh cao của nó là vụ đầu độc Hà thành (27/6/1980) đã làm rung chuyển chế độ Bảo hộ và viên Toàn quyền mới phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ phía những người Pháp thực dân ở Đông Dương. Thêm vào đó, chính sách quản lí kinh tế kém hiệu quả của Paul Beau đã khiến cho kinh tế của chính phủ thuộc địa lại lâm vaò tình trạng thâm hụt tài chính. Để đối phó với tình trạng đó, Klobukowski quyết định thực hiện một chính sách cứng rắn về chính trị và "thực dụng" hơn đối với giáo dục. Klobukowski tiếp tục cải cách giáo dục song theo một cách thức chặt chẽ hơn và thu hẹp trình độ hơn chỉ tập trung ở giáo dục phổ thông và mở trường dạy nghề. Điều này cũng có nghĩa, Đại học Đông Dương bị dừng hoạt động dù không có một văn bản chính thức nào được đưa ra.   Phải chờ cho tới năm 1917, với công cuộc cải cách giáo dục lần 2 của Albert Sarraut ở Đông Dương thì Đại học Đông Dương mới được hoạt động trở lại.  

Kết luận

+ Không phủ nhận việc thành lập Đại học Đông Dương là kết quả của một quá trình chuẩn bị cả trên phương diện kinh tế lẫn những tiền đề xã hội và tư tưởng ; đồng thời cũng xuất phát trước hết từ nhu cầu thực tế của chính quyền thuộc địa. Bắt đầu từ thời của Toàn quyền Doumer, sự chuẩn bị một thiết chế hành chính thuộc địa chặt chẽ, một nền kinh tế ổn định và một hệ thống cơ sở hạ tầng thống nhất là những bước đầu tiên đưa Đông Dương bước vào thế giới phương Tây hiện đại, và đó cũng chính là cơ sở nền tảng quan trọng cho sự phát triển của một nền giáo dục hiện đại. Với Nghị định 1906 của Toàn quyền Paul Beau thành lập Đại học Đông Dương - trường đại học hiện đại đầu tiên ở Việt nam đã chứng tỏ sự hòa nhập bước đầu của giáo dục Việt Nam vào xu  hướng giáo dục hiện đại của thế giới.

+ Sự thành lập Đại học Đông Dương với những bước thăng trầm của nó trong 10 năm đầu tiên cũng đồng thời phản ánh những bất cập và sự không phù hợp, không thống nhất mang tính chất dài hạn trong những chính sách giáo dục của chính quyền thực dân đối với thuộc địa Đông Dương. Nhìn vào mục tiêu đào tạo trong tương quan của trình độ dân trí và thực tiễn xã hội Đông Dương lúc đó thì có thể nhận thấy quyết định của Paul Beau mang yếu tố chính trị rõ nét và có lẽ bị ảnh hưởng lớn từ kỳ vọng quá cao mà viên Toàn quyền này đã đề ra trước nhiệm kỳ của mình. Thực tế của việc trường chỉ tồn tại được trong 1 năm đầu sau đó bị đóng của vì nhiều lí do khác nhau song trong đó có thể nhìn thấy một cách rõ ràng là sự đáp ứng không đủ trình độ của sinh viên so với yêu cầu và chương trình học.   Cũng có ý kiến cho rằng việc đóng cửa trường là do là áp lực từ các thế lực thực dân bảo thủ  hay những khó khăn về kinh tế. Yếu tố sự bất ổn của chính trị ở Đông Dương  trong những năm tháng đó cũng được viện dẫn để giải thích lí do.

+ Chính sách giáo dục của chính quyền Đông Dương bị ảnh hưởng một cách mạnh mẽ những trào lưu cải cách giáo dục, trào lưu tư tưởng và xã hội từ nước Pháp. Sự ra đời của Đại học Đông Dương đúng vào "Thời kỳ tươi đẹp" của nước Pháp với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế cũng như uy tín và ảnh hưởng của nước Pháp trên phạm vi thế giới, nhất là những ảnh hưởng trên lĩnh vực chính trị và văn hóa. Sự tăng cường xây dựng một quốc gia  dân tộc Pháp hiện đại của nền Cộng hòa III đã đẩy vai trò của giáo dục lên cao và cũng với nó là việc xây dựng một "sứ mệnh khai hóa" của nước Pháp đối với thuộc địa trên phạm vi thế giới. Thuộc địa Đông Dương, một cách bị động, đã bị lôi cuốn vào những trào lưu đó và dù muốn hay không, nó cũng tạo cũng bước đầu tiên cho sự hội nhập của Việt Nam vào một nền giáo dục hiện đại của thế giới./.

 PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   |