Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đại học Đông Dương trên hành trình khai phóng của dân tộc Việt Nam thời cận đại
Nửa sau thế kỷ 19, cùng với nhân dân ở nhiều nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, dân tộc Việt Nam phải đối mặt với cuộc xâm lăng của thực dân phương Tây. Mặc dù đã chiến đấu vô cùng dũng cảm và bền bỉ, nhưng cuối cùng Việt Nam cũng bị mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp, dân Việt Nam trở thành “vong quốc nô”.

Trong bối cảnh đó, những năm đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một thế hệ lãnh đạo mới trong phong trào yêu nước Việt Nam. Những người này, tương tự như các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương trước kia, được người đương thời gọi là “văn thân”, “sĩ phu”, còn về sau, giới nghiên cứu gọi họ là những nhà Nho cấp tiến (radical Confucians) hoặc những nhà Nho duy tân (Confucian reformers).  Tiêu biểu nhất trong thế hệ đó chính là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế vv...  Khi đó, ảnh hưởng của tư tưởng chính trị phương Tây, nhất là tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản Pháp và thuyết Đácuyn xã hội, đã được truyền bá vào Việt Nam thông qua con đường “Tân thư”, “Tân báo”, làm thay đổi mạnh mẽ nhãn quan và thực sự đã góp phần nâng tư duy của các nhà Nho yêu nước Việt Nam lên một tầm cao mới. Ở tầm cao đó, các cụ đã nhận ra nguyên nhân thật sự của họa mất nước là: “Không phải người Pháp đến lấy nước ta mà nước ta bị mất. Chính người nước Nam ta đã làm mất nước Nam ta.”  Theo cách luận giải của các cụ, thì nước ta bị mất, không mất vào tay Pháp thì cũng sẽ bị rơi vào tay thế lực thực dân phương Tây khác, là vì dân ta “nặng căn tính nô lệ”, “dã man quen thói ngu hèn”, vua quan thì ngu tối, mê muội làm cho đất nước bị lạc hậu, suy kiệt và do đó bị nô dịch bởi ngoại bang.

Nguyên nhân cội nguồn của tình trạng trên chính là nền giáo dục Nho giáo vong bản, sai lầm. Thực ra, đây không phải là một nhận thức hoàn toàn mới. Trước đó, Cao Bá Quát – một người vốn rất tự phụ về sự uyên bác, hay chữ của mình, chỉ sau một chuyến công cán ra bên ngoài đã phải thốt lên: “Giật mình khi ở xó nhà; Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.”  Rồi đến khi giặc Pháp đã nổ súng xâm lăng đất nước thì Nguyễn Trường Tộ cũng nêu ra một loạt các điều trần cải cách, trong đó, về giáo dục, ông nhận định: “Nhìn lại sự học của ta ngày nay, những điều thầy dạy, những cái học trò học, đều là những chuyện xa xưa... thật là quái gở không thể nào hiểu nổi!”  Và chính cái sự học “quái gở” này đã dẫn đến thảm họa đau đớn, như lời của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm “Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp; Chỉ tại nhà Nho học sách Tàu!”

Cần phải nhớ rằng: để một dân tộc mà từ trước đó nhiều thế kỷ đã từng kiêu hãnh tự xưng là “một nước văn hiến” giờ đây buộc phải phản tỉnh, tự mình chỉ ra những cái yếu kém, sai lầm, hủ bại trong nền học vấn của mình, quả là không dễ dàng gì. Vậy mà chính các nhà khoa bảng hồi đầu thế kỷ 20, xuất phát từ động cơ mãnh liệt là ý chí cứu nước, tự cường, đã vượt lên chính mình và là những người viết “Cáo hủ lậu văn” và “Văn tế sống thầy đồ hủ” và “luận tội” nền học vấn cũ một cách hết sức khoa học và quyết liệt: “Một là khởi ở cái điểm nội hạ ngoại di, không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý đạo vương, khinh đạo bá, không thèm giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước ngoài. Ba là khởi ở cái điểm cho là xưa phải nay quấy, không thèm xem xét kiến thức và những suy nghĩ, bàn luận của người sau. Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan khinh dân, không kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn.”

Tự phê phán để kiên quyết sửa mình và dẫn đạo cho dân tộc tiến lên theo phương châm: "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" - chính thế hệ nhà Nho cấp tiến và nhiệt thành yêu nước này đã thống thiết kêu gọi nhân dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên, từ bỏ cách học lạc hậu của Nho giáo, mở rộng tầm nhìn, tắm mình trong "mưa Âu, gió Á", chiếm lĩnh những tri thức mới, thiết thực để phục vụ cho sự nghiệp canh tân - cứu quốc:

"Việc học ấy, việc chung cả nước,

Có học thời trong nước mới khôn.

Học là bộ máy đúc hồn,

Học giàu cả nước, học khôn dân nhờ." 

Vấn đề là học ai? Học ở đâu? Các nhà Nho cấp tiến không ngần ngại chỉ ra cho lớp trẻ hồi ấy:

"Văn minh ta phải học khôn,

Theo thầy Anh, Pháp, noi gương Huê Kỳ."

Mất nước do yếu hèn, lạc hậu; yếu hèn lạc hậu do giáo dục sai lầm. Vậy, muốn cứu nước thì phải tự cường; muốn tự cường thì phải văn minh và giỏi giang. Do đó phải đổi cách học và ra sức học theo những nước văn minh nhất. Đó chính là ý chí, là đại nghĩa dân tộc của phong trào yêu nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Trong ý chí và đại nghĩa đó, không có chỗ cho sự phân biệt "duy tân" hay "bạo động", "minh xã" hay "ám xã", bởi Canh tân và Cứu quốc là hai nội dung luôn hòa quyện với nhau, nương tựa vào nhau. Vì mục tiêu Canh tân và Cứu quốc, trong bể học mênh mông, các cụ đã vượt qua mọi định kiến, có thể học ở những người "đồng văn, đồng chủng", nhưng cũng sẵn sàng học những cái hay từ chính kẻ thù đang nô dịch dân tộc mình. Đây chính là động lực đã đẻ ra cuộc vận động duy tân sôi nổi, phong phú, có lẽ khởi đầu ở Quảng Nam vào khoảng 1903 - 1904, rồi lan nhanh ra khắp cả nước với Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và Cường Để lãnh đạo và phong trào Nghĩa thục với nhà trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, gắn liền với tên tuổi của Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền vv...

Đại học Đông Dương được ra đời chính trong bối cảnh lịch sử đó, bởi Nghị định số Nghị định số 1514a do Toàn quyền Paul Beau kí vào ngày 16 tháng 5 năm 1906.

 Đương nhiên, Paul Beau và chính quyền Pháp - ở cả “mẫu quốc” và Đông Dương – hoàn toàn không đặt cho việc xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục thuộc địa nói chung và Đại học Đông Dương (ĐHĐD) mục tiêu là nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập để khai dân trí, để chấn dân khí và cuối cùng là để canh tân đất nước và khôi phục độc lập của dân tộc Việt Nam. Đòi hỏi ở nhà nước thực dân, bất kỳ thực dân nào, ở đầu thế kỷ 20 một điều như trên, thực chất là đòi hỏi điều không thể và không tưởng.

Tuy nhiên, gán cho Paul Beau và chính quyền thuộc địa Pháp cái mục tiêu lập ra trường học, bao gồm cả ĐHĐD, là nhằm tạo ra cơ hội học tập chỉ dành riêng cho con em các giai cấp bóc lột, nhằm đào tạo tay sai cho thực dân Pháp thì cũng không đúng. Thực chất, đây là một định kiến lịch sử đã được biến thành những công cụ tuyên truyền có chủ đích. Định kiến này, theo như kết quả nghiên cứu của chúng tôi, hoàn toàn không có cơ sở sử liệu để đảm bảo cho tính thực chứng và thuyết phục của nó. Khảo sát hồ sơ sinh viên được tuyển sinh vào ĐHĐD trong nhiều khóa, hiện đang được lưu giữa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chúng tôi thấy nhà trường, với sự hỗ trợ của mật thám (Sûréte) và chính quyền địa phương, đã điều tra và nắm rất chắc điều kiện kinh tế, xã hội, thái độ của gia đình ứng viên và hạnh kiểm của ứng viên. Riêng về tình hình kinh tế, hoàn cảnh gia đình của ứng viên được chia làm 11 bậc, từ "rất nghèo khó", "nghèo khó", "rất tầm thường", "tầm thường", "bình thường", "rất bình thường", "khá giả", "rất khá giả", "giàu có" đến "rất giàu có" và "không rõ". Qua thống kê sơ bộ điều kiện kinh tế của sinh viên được tuyển vào trong năm 1927 (có thể xem như một trong những năm đặc biệt, sau các làn sóng đấu tranh của sinh viên, học sinh nhằm phản đối việc kết án tử hình đối với cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh), số lượng sinh viên có hoàn cảnh gia đình từ "khá giả" trở lên chỉ chiếm gần 20%. Trong khi đó, số sinh viên có hoàn cảnh từ "rất nghèo khó" đến "bình thường" chiếm tới gần 70%. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chẳng hạn như Nguyễn Thái Học, quê ở làng Thổ Tang, Vĩnh Tường).  Như vậy, có thể thấy việc tuyển sinh của ĐHĐD không có chủ ý định hướng tới giai tầng nào trong xã hội. Tuy nhiên, số sinh viên có hoàn cảnh xuất thân "rất nghèo khó" chỉ chiếm 6,2%. Và ngay cả số này có lẽ cũng chưa hẳn là con em của công nhân và nông dân, tá điền nghèo khổ, bởi lẽ con em họ nhìn chung là mù chữ. Sinh viên ĐHĐD, những người học giỏi - như Nguyễn An Ninh, thì được nhận học bổng của Chính phủ thuộc địa, người có gia cảnh khó khăn có thể được nhận trợ cấp của Chính phủ.

Còn về định kiến, cho rằng nhà trường thuộc địa, nhất là ĐHĐD chủ yếu được lập ra để đào tạo tay sai cho chính quyền thực dân Pháp, chúng tôi cho rằng cần xem xét lại vấn đề này một cách hết sức cẩn trọng, tiếp cận vấn đề từ nhiều phương diện khác nhau.

Thứ nhất, chắc chắn không thể đòi hỏi chính phủ thuộc địa Pháp lập ra trường học với mục đích là đào tạo các chiến sĩ cách mạng hay các nhà lãnh đạo của phong trào chống thực dân.

Thứ hai, cũng không thể lên án chính phủ thuộc địa Pháp ở Đông Dương khi họ công khai tuyên bố mục đích phát triển hệ thống giáo dục thuộc địa, trong đó có ĐHĐD, là nhằm truyền bá “những kiến thức và phương pháp châu Âu” nhằm đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ công cuộc cai trị và phát triển thuộc địa. Đây là thực tế, là nguyên tắc của bất kỳ chính phủ nào khi xây dựng hệ thống giáo dục của mình.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải tập trung đánh giá trên hai phương diện: Nội dung giáo dục và thái độ của sinh viên ĐHĐD đối với sự nghiệp Canh tân và Cứu quốc của nhân dân Việt Nam.

Về thái độ của sinh viên ĐHĐD (kể cả lúc còn đang học và sau khi đã tốt nghiệp) đối với sự nghiệp đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và canh tân đất nước, có thể thấy rõ và cần thiết phải nhấn mạnh một số điểm sau:

Cho đến năm 1945, ước tính đã có khoảng trên dưới 3000 sinh viên học tập và tốt nghiệp ĐHĐD.  Nhiều người trong số họ trở thành công chức, phục vụ trong hệ thống chính quyền thuộc địa và thường ở những vị trí chuyên viên gắn với một chuyên môn cụ thể nào đó mà họ đã được đào tạo. Trong số này, phần lớn làm việc tại các cơ sở giáo dục (dạy học) hoặc các cơ quan nghiên cứu khoa học. Nhiều người khác trở thành “tư chức” hoặc các nhân viên làm việc trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, các trường học tư hoặc các tòa báo vv... Với những người này, kể cả những người làm việc trong bộ máy chính quyền thuộc địa, hoàn toàn không thể bị gán cho tội làm “tay sai” cho thực dân Pháp một cách dễ dàng. Dù là công chức hay tư chức, họ phải hoàn thành bổn phận của mình, nếu không thì sẽ bị mất việc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp nào là sinh viên hay cựu sinh viên của ĐHĐD thực sự rắp tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, tham gia tích cực vào việc chống phá, đàn áp các phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng hay các cuộc vận động văn hóa, xã hội tích cực của nhân dân Việt Nam.

Lịch sử cận đại Việt Nam đã chỉ ra những sự thực hoàn toàn khác. Nhiều lớp sinh viên ĐHĐD đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng. Với trái tim yêu nước nồng nàn cùng nền tảng tri thức thâu nhận được trong quá trình học tập, họ đã trở thành một trong những nguồn chính cung cấp những nhà lãnh đạo tài ba kiệt xuất, kiên trung cho các phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam cận đại. Có thể kể tên một số người nổi tiếng nhất: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Quang Phiệt, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận vv...  

Sinh viên ĐHĐD cũng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng. Tiêu biểu nhất là cao trào đấu trong trong những năm 1923-1926, trong đó sinh viên, học sinh chính là những người đã khởi xướng và đi tiên phong trong những cuộc vận động yêu nước sôi nổi ở cả ba Kỳ. Nếu ở Nam Kỳ, ngay từ cuối năm 1923 Nguyễn An Ninh với tờ báo La Cloche fêlée đã trở thành thủ lĩnh tinh thần tối cao của nhiều làn sóng đấu tranh yêu nước, tiến bộ sục sôi, thì ở Bắc Kỳ, chính là sinh viên ĐHĐD đã đóng vai trò xung kích trong cuộc đấu tranh chống việc kết án tử hình Phan Bội Châu (cuối năm 1925) và vận động để tang, truy điệu Phan Châu Trinh (giữa năm 1926). Tiếp đó, hàng chục sinh viên ĐHĐD đã gia nhập và lãnh đạo các tổ chức yêu nước và cách mạng, như Hội Phục Việt (về sau chính là Tân Việt Cách mạng đảng), Việt Nam Quốc dân Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Đây chính là những tổ chức đã lãnh đạo cao trào đấu tranh quyết liệt trong những năm 1930-1931. Càng về sau, số lượng sinh viên ĐHĐD tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội càng đông đảo hơn, với nhiều hình thức phong phú hơn, nhất là trong thời kỳ cuộc Cách mạng tháng Tám. Trong khi những người kiên trung nhất đang xiết chặt đội ngũ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng CSĐD và trở thành những nhà lãnh đạo xuất chúng, như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, thì lớp sinh viên trẻ hơn, đông đến trên dưới 200 người, đứng đầu là Dương Đức Hiền và các hạt nhân, như Trần Bửu Kiếm, Đặng Ngọc Tốt, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ vv... đã biến khu Đông Dương Học xá thực sự trở thành một lò lửa đấu tranh yêu nước giữa lòng Hà Nội. Từ nơi đó, nhiều vở kịch, nhiều bài ca yêu nước có sức cổ vũ mạnh mẽ đã được hàng chục nhóm sinh viên mang đi phổ biến ở nhiều vùng miền qua hàng loạt các hoạt động công khai, bán công khai đặc sắc như diễn kịch, cắm trại, đua xe đạp, mở hội thề, mít tinh vv... Đặc biệt, từ năm 1942 nhóm sinh viên quê Nam Kỳ đã có sáng kiến đạp xe từ Hà Nội truyền ngọn lửa cách mạng xuyên Việt vào miền Nam. Có thể nói, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, ngoài hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì không một hoạt động tuyên truyền cách mạng nào sánh nổi với cách hoạt động của sinh viên ĐHĐD do Đảng lãnh đạo - xét về tầm vóc và mức độ tác động thực tế.

Cùng với các hoạt động trực tiếp tham gia vào các cuộc đấu tranh sinh tử vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiều sinh viên ĐHĐD đã khởi xướng và tham gia tích cực vào các cuộc vận động văn hóa, xã hội và giáo dục có ý nghĩa tiến bộ và đóng góp rất to lớn vào công cuộc giải phóng con người, giải phóng xã hội. Đó là các phong trào nữ quyền với nhiều hoạt động xã hội và văn hóa sôi nổi; là cuộc vận động cổ vũ cho các lối sống mới, hợp vệ sinh, thể dục thể thao, các phong trào hướng đạo sinh. Đó là các cuộc vận động sôi nổi trên văn đàn với sự xuất hiện của dòng văn học hiện thực phê phán và dòng văn học lãng mạn với Phong trào Thơ mới tạo nên bước tiến vĩ đại trong toàn bộ diễn trình lịch sử văn học - nghệ thuật Việt Nam. Nhiều cây bút đã trở thành những tượng đài trong nền văn hóa - văn nghệ Việt Nam cận - hiện đại, vốn xuất thân từ ĐHĐD, như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai vv...; những họa sĩ lừng danh, như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm vv...; những nhạc sĩ như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy vv... Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ là một cuộc vận động dân chủ, tiến bộ khởi phát từ năm 1938 với sự tham gia của hàng chục sinh viên và cựu sinh viên ĐHĐD, trong đó có cả Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, trong thời kỳ 1939-1945 đã xuất hiện những nhóm trí thức yêu nước, tiến bộ, trong đó có nhiều người xuất thân từ ĐHĐD, như Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục, Nghiêm Xuân Yêm vv... đã tranh thủ những điều kiện tối thiểu của văn đàn công khai lập ra những diễn đàn như các tờ báo Thanh Nghị, Tri Tân vv... vừa ra sức tuyên truyền cổ vũ cho các hoạt động yêu nước, tiến bộ, vừa âm thầm nghiên cứu, chuẩn bị về tri thức luật pháp, xã hội, văn hóa và giáo dục vv...  để góp phần kiến tạo những nền tảng của nước Việt Nam mới, sau khi khôi phục được độc lập. Không phải ngẫu nhiên mà những trí thức này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng mời gọi, tin cậy giao nhiệm vụ trong Chính phủ VNDCCH sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong nhiều nghiên cứu trước kia, các cuộc vận động này thường bị gán cho tính chất "cải lương", thậm chí bị quy kết thành một bộ phận của âm mưu thâm độc của thực dân, đế quốc nhằm ru ngủ, làm nhụt chí quần chúng, dẫn dắt thanh niên và nhân dân đi chệch hướng, xa rời các cuộc đấu tranh cách mạng.

Lịch sử càng lùi xa, người ta càng nhận thức rõ hơn giá trị và đóng góp to lớn, có ý nghĩa tích cực, vô cùng quan trọng của những cuộc vận động duy tân, tiến bộ này vào sự nghiệp khai phóng (emancipation) của dân tộc Việt Nam thời cận đại. Sự khai phóng về chính trị chỉ có ý nghĩa tiến bộ và chỉ có thể giành được thắng lợi khi nó dựa trên nền tảng của sự khai phóng về trí tuệ, về văn hóa và về xã hội. Đồng thời, sự khai phóng về xã hội và các phương diện của đời sống tinh thần cũng chỉ có thể đạt tới đích cuối cùng khi nó hướng tới phục vụ mục tiêu khai phóng về chính trị, làm cho dân tộc được tự do, quốc gia được độc lập, có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn. Vì vậy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc luôn hòa quyện và tương hỗ với cuộc đấu tranh giải phóng con người, giải phóng xã hội. Nguyễn An Ninh nói: "Dân tộc nào để cho nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc."  Còn Hồ Chí Minh thì nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi",  và "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"  Chính vì lẽ đó mà đầu năm 1943, ngay trong những ngày tháng quyết liệt, khẩn trương chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, Trường Chinh, một cựu sinh viên ĐHĐD - khi đó là Tổng Bí thư của Đảng CSĐD, đã phác thảo ra bản Đề cương Văn hóa Việt Nam nổi tiếng, đề xuất ba nguyên tắc nền tảng cho nền văn hóa của một nước Việt Nam mới: "dân tộc hóa", "đại chúng hóa" và "khoa học hóa".

Sự phân biệt giữa "cách mạng" và "cải lương", vì vậy, cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, đa chiều của thực tiễn cuộc vận động phi thực dân hóa ở Việt Nam, với hai nội dung cốt lõi là canh tân và cứu quốc (dân tộc và dân chủ, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội) vốn được khởi xướng từ thế hệ các nhà Nho yêu nước và cấp tiến từ đầu thế kỷ 20. Đứng trên lập trường dân tộc mà xem xét thì những đóng góp của các phong trào cách mạng và "cải lương" đều như những mạch nguồn có chung một định hướng, cuối cùng sẽ hợp lưu trong dòng chảy lớn: vì một nước Việt Nam mới "độc lập, tự do, hạnh phúc".

Vấn đề tiếp theo cần được bàn luận là vấn đề nội dung đào tạo của ĐHĐD.

Trong nhiều công trình trước đây, khi đề cập đến nội dung giáo dục của hệ thống giáo dục thuộc địa nói chung và ĐHĐD nói riêng, người ta thường nhấn mạnh một chiều đến các tính chất "vong bản", "nô dịch", "ngu dân" và phủ nhận sạch trơn những đóng góp của hệ thống giáo dục này vào diễn trình lịch sử tri thức của dân tộc.  Đây dường như là "cú giáng trả" đanh thép nhất với những luận điệu mà thực dân Pháp và những sử gia nặng đầu óc thực dân sau này sử dụng để ca tụng "sứ mệnh khai hóa văn minh" (mission civilisatrice) của người Pháp.

Quả thực là lập luận của mỗi "trường phái" nói trên đều chứa đựng một phần của sự thực lịch sử. Nhưng, vì chỉ chứa đựng một phần sự thật nên chúng đều là những cách lập luận phiến diện, càng về sau càng mang nặng những định kiến phi khoa học.

Chúng tôi cho rằng, nội dung của nền giáo dục thuộc địa nói chung và của chương trình đào tạo của ĐHĐD nói riêng có thể được chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất bao gồm nội dung của các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật, kể cả y học và dịch tễ. Nhóm thứ hai bao gồm nội dung của các môn khoa học xã hội và nhân văn, kể cả mỹ thuật.

Đối với nhóm thứ nhất, cho dù đứng trên bất kỳ lập trường nào thì người ta đều không thể phủ nhận những đóng góp mới, tích cực, có ý nghĩa lịch sử của nền giáo dục thuộc địa vào diễn trình lịch sử tri thức - trí tuệ Việt Nam. Trước khi tiếp xúc với văn minh và nền học vấn phương Tây, trong cấu trúc học vấn mà nền giáo dục Nho học mang lại cho người Việt Nam thì tri thức về khoa học tự nhiên và kỹ thuật gần như bằng không (0). Đây chính là lý do mà Nguyễn Trường Tộ cũng như các nhà Nho duy tân, cấp tiến thống thiết kêu gọi thanh niên, học sinh từ bỏ cách học cũ, tiếp nhận "thực học", là cái học làm cho "phú quốc, cường dân" của phương Tây. Xét từ góc độ này, có thể thấy rất rõ, rằng nền giáo dục thuộc địa, trong đó ĐHĐD là đỉnh cao nhất, đã đáp ứng đúng và trúng vào nhu cầu đổi mới nền tảng tri thức và đổi mới cách học của người Việt Nam. Việc bổ sung các tri thức khoa học tự nhiên và kỹ thuật vào cấu trúc tri thức đã làm cho nền tảng tri thức của người Việt Nam có bước chuyển biến lịch sử mang, tính cách mạng và đặt nền móng cho các bước phát triển tiếp theo của khoa học, kỹ thuật và giáo dục Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, thậm chí cho tới tận ngày nay.

Đối với nhóm nội dung thứ hai, thì vấn đề trở nên thực sự phức tạp. Đây là nhóm nội dung bao gồm các môn khoa học xã hội và nhân văn, kể cả mỹ thuật. Tính chất "vong bản" và "nô dịch" được bộc lộ rõ và công khai khi ngôn ngữ chính thức được chấp nhận trong ĐHĐD là tiếng Pháp, tiếng Việt chỉ được xem như một ngoại ngữ, tương tự như các ngoại ngữ khác. Hơn nữa, trong các sách giáo khoa về lịch sử, địa lý, văn chương, học sinh được dạy và phải học lịch sử, địa dư và văn chương của nước Pháp, phải học thuộc những "tín điều" như "Tổ tiên chúng ta là người Gaulois".  Trong sách giáo khoa, trong nội dung các bài giảng, nhất là trong các bài diễn văn, huấn thị của các quan chức thực dân, học sinh, sinh viên đều được dạy dỗ, bị đòi hỏi phải tuyệt đối trung thành với "mẫu quốc", ghi ơn sâu nặng của "mẫu quốc". Thậm chí, trong thời kỳ Thế chiến II, học sinh và sinh viên ở Hà Nội và các nơi khác còn được huấn thị và yêu cầu bộc lộ lòng trung thành với Thống chế Philippe Pétain. Mỗi buổi sáng đều phải chào cờ Pháp, hát bài hát ca ngợi Thống chế và hô khẩu hiệu: "Thống chế, chúng tôi sẵn sàng!"

Những nội dung vong bản như trên là đặc điểm chung của nền giáo dục mà thực dân Pháp đã xây dựng và phát triển ở các thuộc địa ở Đông Dương và Bắc Phi. Điều quan trọng hơn là: từ nội dung của những trang sách sặc mùi thực dân này đã đẻ ra một thứ văn hóa học đường đầy dẫy những sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, trong đó các giám thị, giáo chức và sinh viên người Pháp đã công khai nhục mạ những sinh viên và cộng sự bản xứ. Chính điều này đã tạo nên một áp lực tâm lý vô cùng nặng nề trong số học sinh, sinh viên và giáo chức người Việt. 

Để vượt qua được sự phân biệt, kỳ thị này, học sinh và sinh viên bản xứ buộc phải chọn một trong hai con đường. Hoặc là họ phải "Tây hóa" để trở nên "văn minh", "thượng đẳng" như người da trắng, hoặc là tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng, phong trào phản kháng văn hóa và xã hội để bằng nhiều cách khác nhau cùng hướng tới mục tiêu giải trừ chủ nghĩa thực dân.

Con đường thứ nhất được không ít người lựa chọn. Họ nhập quốc tịch Pháp, nhập vào "làng Tây", nói tiếng Pháp, quay lưng lại với văn hóa dân tộc. Những nhóm người này đã tạo nên những làn sóng "Tây hóa" sôi nổi một thời trong giới thị dân Sài Gòn và Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế đã sớm cho họ thấy, đây là một lựa chọn sai lầm, xét cả trên phương diện văn hóa, chính trị và xã hội. Thực tế này đã được phản ánh theo phương pháp điển hình hóa trong một số tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng (Số đỏ) và Nam Xương (Ông Tây An Nam).

Con đường thứ hai chính là con đường mà Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Lưu Hữu Phước, Văn Cao và nhiều sinh viên ĐHĐD đã lựa chọn: gác bút nghiên lên đường tranh đấu.

Có lẽ cần nói thêm đôi điều về đặc tính "vong bản" trong nội dung của nền giáo dục thuộc địa nói chung và của ĐHĐD nói riêng. Xét về bản chất, tri thức, nhất là tri thức khoa học, luôn luôn là tài sản chung của toàn nhân loại. Không có một dân tộc nào đủ sức tự sản sinh ra toàn bộ tri thức cung cấp cho nền giáo dục "dân tộc" hay "bản địa" của mình. Vì vậy, việc du nhập tri thức từ bên ngoài, của toàn nhân loại để làm giàu có cho tài sản trí tuệ của mỗi dân tộc thông qua hoạt động giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học là một quy luật của nhân loại. Cái bị coi là "vong bản" và cần phải lên án là: lấy việc du nhập, áp đặt tri thức và văn văn hóa từ bên ngoài vào để thay thế, để hạ thấp, kỳ thị, bài bác nền tảng tri thức và tinh hoa văn hóa dân tộc, khiến cho người học coi thường, quay lưng lại nền văn hóa, văn minh của dân tộc.

Đây chính là một bài học kinh nghiệm rút ra từ việc nghiên cứu và đánh giá vai trò và vị thế của nền giáo dục thuộc địa, trong đó có ĐHĐD, trên hành trình khai phóng của dân tộc thời cận đại. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn đối với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam về giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức.

 GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   |