Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đại học Đông Dương trong lịch sử khoa học và giáo dục Việt Nam

Dẫn luận

Từ thực tiễn và lý thuyết đều cho thấy quan hệ giữa giáo dục và khoa học tưởng chừng như theo tỉ lệ thuận với sự phát triển nối tiếp. Song đó nhiều khi là sự phát triển theo tỉ lệ nghịch. Bản chất của khoa học và công nghệ thường rất năng động, luôn biến đổi, đổi mới theo độ gia tốc ngày càng lớn. Trong khi đó giáo dục thường phát triển trong khuôn khổ đã định hình và trở thành thiết chế, chậm thay đổi, thường có độ trễ. Giáo dục phát triển trong khung mẫu duy tồn lâu dài, có những thiết chế kìm giữ, khoa học, nhất là công nghệ lại luôn có xu hướng phá vỡ cấu trúc, đòi hỏi phải luôn được thay đổi, hoàn chính, đổi mới\\sáng tạo (innovation) không ngừng.

Xét về mặt lịch sử, giáo dục vừa lưu truyền qua thời gian đồng thời lan tỏa qua không gian; vừa là cuộc đối thoại giữa các thế hệ, giữa các quốc gia. Như đã trình bày, nếu khoa học thường phát triển trong trạng thái động, luôn luôn săn tìm và khám phá những điều mới lạ trong thiên nhiên và đời sống xã hội, con người, giáo dục chỉ chấp nhận và hành xử theo những chuẩn mực đã được thời gian thẩm định và thực tế thừa nhận, trở thành “khung mẫu xã hội” (social paradigm). Từ ý nghĩa đó, thường xuyên xuất hiện độ chênh lịch sử, giữa hai yếu tố song hành này.

Dù còn nhiều quan niệm khác nhau, trong khoa học luận, lịch sử khoa học là một trong những bộ phận quan trọng. Ở các dạng thức biểu hiện, quy mô phát triển, nhận thức về sự tiến bộ, thành tựu của khoa học có sự khác biệt, nhưng đó là bước phát triển gắn liền với sự hình thành lịch sử quốc gia-dân tộc. Với nhận thức khoa học là hệ thống tri thức phản ánh những quy luật của thế giới khách quan, kết quả hoạt động nhận thức của con người về tự nhiên và xã hội và tổng kết các quy luật lịch sử, trong ý nghĩa đó, sử học là đối tượng nghiên cứu của khoa học luận.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học hiện đại là giai đoạn quyết định nhất trong toàn bộ lịch sử tư tưởng khoa học. Đó là sự hình thành của khoa học như chúng ta hiểu ngày nay với bản chất là duy lý thực nghiệm. Đây cũng là giai đoạn khác hẳn với các giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước ở cả phạm vi không gian và thời gian. Đó là sự đổi mới về khoa học, việc tổ chức công tác nghiên cứu ngày càng hợp lý hơn và sự nhận thức của các nhà lãnh đạo quốc gia về sự cần thiết của một chính sách khoa học quốc gia hữu hiệu.

Trong tổng hòa với những lĩnh vực khác, có thể thấy mối quan hệ khăng khít, khép kín giữa khoa học, giáo dục với những yếu tố khác. Những thành tựu của khoa học và công nghệ (KH&CN) tác động mạnh mẽ đến hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), và con người là sản phẩm của nền GD-ĐT đó, hay suy rộng là “khoa học về con người” (C.Marx). Ngược lại, chính con người có trình độ, chất lượng, thông qua hoạt động sáng tạo (nhờ GD&ĐT) sẽ thúc đẩy sự phát triển của KH&CN, sản sinh ra các thành tựu KH&CN.

1. KH&GD truyền thống Việt Nam và sự thành lập Đại học Đông Dương

Đối với xã hội phương Đông trung đại, trước những sự chuyển biến mạnh mẽ ở phương Tây nhìn chung phương Đông vẫn đang duy tồn hình thái kinh tế-xã hội, nằm trong khung mẫu (paradigm) của xã hội phong kiến. Cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác, đối với Việt Nam nói riêng, nền KH&GD với ảnh hưởng mạnh mẽ trong lối biên soạn của Trung Hoa gồm: biên niên, thực lục... Nhà nước toàn trị về KH&GD nắm độc quyền trong mọi hoạt động quản lý vĩ mô. Những thành tựu chủ yếu thuộc lĩnh vực KHXH&NV, các công trình theo sự phân chia của khoa học luận hiện đại là thuộc về nghiên cứu mô tả. Đó là những ghi chép, khảo sát toàn diện, sinh động về mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam dưới nhãn quan nhìn chung của tư tưởng Nho học.

Nhìn chung khuynh hướng, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu về cơ bản vẫn theo mô típ mô tả, có phê phán tư liệu nhưng vẫn duy tồn xu hướng chính trị hóa khoa học theo quan phương, chính thống Nho giáo. Tinh thần thực chứng (Positivist spirit) coi trọng thực tiễn đã được nhấn mạnh trong phương pháp nghiên cứu nhưng chưa thực sự được coi là thực học (practical learning), mà vẫn tỏ ra giáo điều, dập khuôn. Mặt khác những công trình đó cho thấy ý thức về xã hội nông nghiệp rõ nét, mang nhiều tính kinh nghiệm, nghiệm sinh, bị gián đoạn, mang tính chất dân gian do vậy thường chấp vá và thiếu những lập luận khoa học. Từ ý nghĩa đó theo một số nhà nghiên cứu, phát triển khoa học/lý thuyết khoa học có động cơ hay vì mục tiêu chính trị.

Tuy vậy, cần khẳng định là, trong khung mẫu xã hội đó, vẫn có những cá nhân có tầm nhìn vượt thời đại, vượt qua khuôn khổ xã hội cũ. Là một “người làm quan có tư duy bác học”, đồng thời là một nhà bác học và tri thức bách khoa, trong tư duy vũ trụ luận của Lê Quý Đôn đã hướng mạnh đến một tầm nhìn về thế giới rộng lớn với những tri thức khoa học hiện đại: vị trí của các quốc gia trên thế giới đều có thể được đo lường, tính toán trên cơ sở những thành tựu toán học và thiên văn hiện đại.

Thành tựu nghiên cứu địa lý, thiên văn ở Tây Âu với những khám phá của Copecnic, Galileo… đã gây xáo động ở Tây Âu, mở ra thời kỳ “khoa học đã thay thế tôn giáo có thẩm quyền về tinh thần cao nhất, xác định, xét xử và bảo vệ thế giới quan văn hóa”. Bằng những khảo cứu của riêng mình, Lê Quý Đôn viết: “Tất cả các nước lớn hay nhỏ, hoặc ở về Nam, Bắc, hoặc ở về Đông, Tây, đều có độ phận, vì đất cùng biển đã hình thành tròn như quả cầu; từ Nam đến Bắc quả đất như cái trục có hai đầu đối với trời. Nam cực và Bắc cực của trời gọi là hai cực quả đất; nhất định thế. Hai cực ấy đều cách xích đạo, mà phía trên phía dưới xích đạo là số của vĩ tuyến rõ ràng lắm”. Cho dù những thuyết đó của người Tây Dương theo ông là “ly kỳ” người Trung Quốc đều “dốc lòng tin, không ai dám chê cả”.

Dù còn khoảng cách xa so với trình độ khoa học Tây Âu thế kỷ XVIII, nhưng Lê Quý Đôn đã hướng mạnh đến tư duy lý tính và thực học. Đó là những nhận thức khách quan, khoa học, có cái nhìn khác so với phần đông giới trí thức chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đương thời, tiến lên tiếp thu kiến thức của toàn nhân loại.

Với cái nhìn lịch sử có thể thấy, với cuộc nội chiến khốc liệt thế kỷ XVII-XVIII, vì những động cơ chính trị, giới cầm quyền ở Việt Nam đã sớm tiếp thu và áp dụng thành tựu KH&KT tiến bộ, dù chỉ dừng lại ở lĩnh vực quân sự. Thực tế là sau này, với việc tiếp tục quan tâm tới thành lũy, duy trì sức mạnh hải thuyền, nghiên cứu cho thấy các vua triều Nguyễn đã tỏ rõ một sự quan tâm thường trực đến việc thụ đắc kỹ thuật Âu châu. Hơn nữa, nhà Nguyễn đã tiến hành cải tiến kỹ thuật và đã sớm thích ứng các sự cải tiến này, bất luận là cho việc tu bổ các thành lũy hay để sửa sang đội hải thuyền. Các nhân chứng phương Tây có mặt ở Việt Nam đánh giá cao sức sáng tạo của người Việt trên cơ sở du nhập kỹ thuật Âu châu trước đây. Không chỉ các kỹ thuật ngoại quốc đã không bị từ khước, mà trong thực tế đã được chấp nhận một cách rộng rãi ở Việt Nam đương thời (ít nhất là nửa đầu thế kỷ XIX). Tuy nhiên, chưa hề có một hoạt động KH&GD nào mang sắc thái hiện đại ở Việt Nam lúc này. 

Có thể nói, cho đến trước khi bị biến thành thuộc địa, dù chưa thực sự có được quan niệm cụ thể về phạm trù KH&GD như quan niệm, định nghĩa… nhưng đó là nền khoa học “phi lợi nhuận”, mục đích tự thân thỏa mãn nhu cầu khám phá, hiểu biết. Thời kỳ này đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong hoạt động quân sự, quốc phòng, nhưng xét cho cùng vẫn chưa có khám phá mang tính đột phá, trở thành giá trị của khu vực và thế giới.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, khuynh hướng khoa học của Việt Nam vấn nằm trong bối cảnh chung của khu vực thế kỷ XIX. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, xu hướng tiệm cận với trình độ KH&CN, GD thế giới đã bị chững lại và nhanh chóng thoái trào đúng lúc mà nhu cầu an ninh, quốc phòng lại đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Trong xu hướng cải cách đổi mới ở Đông Á, hầu hết các nước đều loay hoay xoay sở để thoát khỏi vòng xoáy thực dân phương Tây. “Dĩ di trị di”, xu hướng cổ xúy theo đà văn minh tiến hóa của thế giới, ý thức về thời cuộc, đổi thay hiện đại cần thiết từ bên ngoài biên cương xứ sở còn lạc hậu, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ... trong nhận thức áp dụng “cái khôn” của phương Tây đã không đồng nghĩa đánh đổi tâm thức, mà kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh, hay cụ thể như chính là khẩu hiệu thời kỳ Minh Trị duy tân “tinh thần Nhật Bản và khả năng Phương Tây” (Wa-kon Yo-sai) khi Nhật Bản du nhập công nghệ phương Tây .

Ngay sau khi thực hiện bình định Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành ngay những bước thực hiện nghiên cứu về Đông Dương với mục đích là hiểu để cai trị hiệu quả và lâu dài xứ Đông Dương này. Đứng về phương diện lịch sử KH&GD đây là bước chuyển căn bản của nền khoa học bản địa phương Đông trước sự du nhập toàn diện, trực tiếp của nền KH&GD Pháp.

Sau khi thiết lập một số cơ sở nghiên cứu, để thành lập “một trường đại học phổ thông để khai dẫn cho kẻ thượng lưu Việt Nam biết văn minh học thuật của quý quốc… Người Pháp cần đẩy mạnh khai thác bóc lột về kinh tế ở thuộc địa… Về chính trị và văn hóa, Toàn quyền Beau nhắm đến ứng phó lại với phong trào Đông Du (1905-1908) dưới ảnh hưởng của cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản (1867) và cuộc vận động cải cách ở Trung Quốc (1898)… Đồng thời, thành lập Đại học Đông Dương, Paul Beau muốn cổ vũ cho thế lực nước Pháp ở Viễn Đông, quét sạch ảnh hưởng Trung Hoa còn sót lại trong giới văn thân sĩ phu yêu nước Việt Nam mà họ rất nghi ngại và đang ra sức dụ dỗ, mua chuộc” .

Trong nhận thức của người Pháp, “Người An Nam không thích người Trung Quốc vì họ đang chịu đựng sự thống trị về mặt tinh thần. Chỉ có truyền bá mạnh mẽ tiếng Pháp ở Đông Dương mới tránh được cho họ cái gông này”; “Nho sĩ đã từng và mãi mãi vẫn là kẻ thù của nước Pháp, không phải vì lòng yêu nước của họ… mà vì nho sĩ ở Đông Dương chỉ là lời khẳng định sự thống trị của Trung Quốc mà thôi…”; hay như Toàn quyền Paul Beau khẳng khái: “Không còn nghi ngờ gì về việc xây dựng trường đại học này có tiếng vang thật sự trong các giới người Việt vì đối với họ các trường đại học của Nhật và Trung Quốc đã có ít nhiều uy tín và thậm chí là sự hấp dẫn được thể hiện qua việc một số du học sinh đi Nhật; nó sẽ góp phần mở rộng ảnh hưởng trí tuệ của chúng ta vượt ra ngoài biên giới Đông Dương” .

Nhiệm vụ của Đại học Đông Dương được xác định trong Nghị định 1514a ngày 16-5-1906 là “phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu” . Nhiệm vụ được xác định trong chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo của các trường thành viên.

Nghị định số 1514a, ngày 16 tháng 5 năm 1906:

 

Điều thứ nhất: - (Đại học Đông Dương) được thành lập tại Đông Dương, dưới tên gọi trường Đại học, một tập hợp các khóa đào tạo đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng. Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu.

Điều 2: - Trường Đại học được đặt dưới quyền trực tiếp của ông Toàn quyền. Trường do một Hội đồng quản trị điều hành dưới sự chủ tọa của ông Tổng Giám đốc Học chính, gồm Giám đốc các cơ quan khoa học của xứ thuộc địa và các trường nằm trong trường đại học và các giáo sư được lựa chọn sao cho tất cả các cơ quan và viện có liên quan có ít nhất một đại diện tại Hội đồng. Các giáo sư này được ông Toàn quyền bổ nhiệm hàng năm. Nhiệm vụ của họ có thể được gia hạn.

Điều 3: - Trường đại học có thể kết hợp với các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy đã hoặc sẽ được thành lập ở thuộc địa, nhưng không được can thiệp vào quyền tự trị của các cơ sở này. Các điều kiện theo đó các cơ quan nhân sự của các cơ sở này và các cơ quan khác của xứ Đông Dương sử dụng sẽ do ông Toàn quyền quy định theo đề nghị của Hội đồng Quản trị trường Đại học.

Điều 4: - Không một sinh viên nào xuất thân từ một trong năm xứ Đông Dương được phép theo học tại trường Đại học nếu không có bằng tốt nghiệp giáo dục bổ túc bản xứ hoặc một văn bằng bản xứ tương đương (tú tài, cử nhân...) và tạm thời là ấm sinh, tôn sinh v.v... Những người nước ngoài, và theo biện pháp quá độ, cả các thuộc dân và dân bảo hộ của nước Pháp, sẽ được nhận vào học tại trường Đại học tùy theo trình độ tương đương được quy định hoặc sau một kỳ thi vào trường.

Điều 5: - Trừ sự cho phép đặc biệt, mỗi sinh viên chỉ được ghi tên lại một trường; nhưng sẽ lập một số môn học chung cho hai hoặc nhiều trường.

Điều 6: - Bằng tốt nghiệp đại học, với bảng điểm riêng cho các ngành đào tạo đã chọn, độc lập với các văn bằng và cấp bậc chuyên môn được cấp ở nơi khác cho các thuộc dân và dân bảo hộ của Pháp, sẽ được cấp cho các sinh viên sau kỳ thi tốt nghiệp.

Điều 7: - Các khóa học và các trường đã hoặc sẽ được thành lập theo các quyết định này sẽ được phân bố giữa các trường đại học khác nhau sau đây:

1. Luật và Hành chính

2. Khoa học

3. Y khoa

4. Xây dựng

5. Văn học

Các trường đại học này có trụ sở tại Hà Nội hoặc Sài Gòn, một số trường trong số này có thể hoạt động đồng thời tại cả hai thành phố. Chương trình của các khóa học và các trường sẽ do Hội đồng Quản trị trường Đại học xây dựng với sự phê chuẩn của ông Toàn quyền.

Điều 8: - Một số xuất học được ấn định hàng năm theo nghị định của ông Toàn quyền sẽ được Ủy ban thường trực Đông Dương tại Pháp dành cho các sinh viên được Hội đồng Quản trị trường Đại học lựa chọn.

Điều 9: - Các khoản chi tiêu cho hoạt động của các khóa học và các trường được nêu trong điều 7 trên đây nhằm đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chính quyền của Đông Dương sẽ do ngân sách của các cơ quan hành chính và ngân sách chung chi trả. Các khóa học hoặc hội thảo đặc biệt có thể được tổ chức và hỗ trợ bởi Phòng Thương mại và Nông nghiệp hoặc các hiệp hội khoa học được thành lập ở Đông Dương.

Trước đó, một số chính giới, học giả đề nghị chính sách đưa tiếng Pháp vào bậc trung học và đại học như là ngôn ngữ chính, cùng ý tưởng thành lập trường đại học ở Việt Nam của người Pháp có từ lúc đó. Xây dựng Đại học Đông Dương tại Việt Nam còn mang “ý nghĩa khu vực” của hệ thống thuộc địa Pháp nói chung. Trung tâm của Đông Dương là Hà Nội, người Pháp có ý thiết lập mô hình giáo dục đại học ở Đông Dương như một hình ảnh thu nhỏ của nước Pháp ở thuộc địa Viễn Đông. Người Pháp đã từng đầu tư xây dựng Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) trở thành một trung tâm nghiên cứu Đông phương học lớn ở khu vực. Nhưng cần phải thấy là, với mô hình giáo dục ở xứ thuộc địa còn quá ít người hiểu ngôn ngữ chính quốc, chưa có khả năng hình thành một tầng lớp ưu tú người bản xứ thông qua sự giáo dục đặc biệt, nên không ít người hoài nghi đi đến phủ định sự thiết lập này vì “tất cả những gì chúng ta sẽ làm đều trở nên vô bổ”.

Đại học Đông Dương dựa trên cơ sở mô phỏng mô hình giáo dục đại học Pháp kết hợp với điều kiện cụ thể ở thuộc địa. Ngay từ buổi đầu, Đại học Đông Dương đã mang chức năng là đại học đa ngành, chuyên sâu, liên ngành và tiếp cận hệ thống khu vực học. Lãnh đạo Đại học Đông Dương là những nhà sư phạm tài năng nhưng đồng thời là những nhà khoa học xuất sắc. Bác sĩ Yersin, hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, người đã chế vacxin chống dịch hạch, dành cả đời cho hoạt động y khoa ở Đông Dương; hay bác sĩ Calmette phát minh ra thuốc chống bệnh lao BCG…

Cũng như các trường thành viên, các trường đã tạo nên khuôn mặt mới cho nền giáo dục Việt Nam theo mô hình phương tây. Tất nhiên, đối với một thuộc địa, việc du nhập mô hình này không hoàn toàn như chính quốc, đã bị cắt xén nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh và mục đích thực sự của giới cầm quyền.

Trong quá trình hoạt động, do sự thay đổi chính sách của các Toàn quyền, do điều kiện khó khăn ở thuộc địa và tác động của tình hình thế giới, việc giảng dạy và học tập ở Đại học Đông Dương có nhiều biến động, thậm chí có lúc phải tạm ngừng, nhưng về cơ bản, đường hướng giáo dục ít thay đổi.

Trước sự “đóng cửa” đột ngột của Đại học Đông Dương ngay khi năm học đầu tiên kết thúc, Toàn quyền Paul Beau bị dư luận công kích kịch liệt nhất là báo chí của thực dân Anh ở Ấn Độ. Ngay cả Tổng Giám đốc học chính Đông Dương đương thời là H. Gourdon phê phán trên tờ báo Thời đại tại Pháp: “Từ mấy năm nay, chúng ta đã mang lại cho giáo dục quá nhiều quyền hạn; chúng ta đã vội vàng mở quá nhiều trường; chúng ta đã thiết lập nên nhiều trường đại học và cao đẳng thật là vô tích sự và vội vã, thay vì xây dựng các trường nghề. Đây là những loại trường mà dân bản xứ rất cần. Thực tế, chúng ta đã tăng một số lượng khá lớn học sinh, sinh viên chả biết xếp vào hạng nào. Vả lại, chúng ta đã đưa vào trong giáo dục bản xứ những tư tưởng phương Tây hiện đại mà họ không thể nuốt trôi được. Bởi vì đây là những tư tưởng cạnh tranh mãnh liệt với luân lý truyền thống của họ, làm cho họ mất gốc và đương nhiên họ sẽ trở thành kẻ thù của tiếng Pháp - văn hóa Pháp. Tóm lại, cải cách đã được tiến hành quá nhanh, quá rộng và hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như khả năng trí tuệ của dân bản xứ”.

Trong mục tiêu khai thác thuộc địa, Đại học Đông Dương bị cho là một trong các phương tiện của mục tiêu này, như “một cái bánh vẽ được tô màu”, đáp ứng “lợi ích” và “sự cần thiết” trước mắt. Trong giai đoạn đầu, xét về quy mô, số lượng và phạm vi ảnh hương Đại học Đông Dương chỉ dừng lại ở vài “lớp học thực hành” dạy các khoa học tự nhiên, Luật và Văn học. Tổng cộng chỉ có khoảng 40 sinh viên. “Theo lời thú nhận của người sáng lập, “ở Đông Dương không hề có việc dạy đại học cũng như không có cấp trung học phổ thông”!”. Cũng cần lưu ý thêm là, việc người Việt Nam lúc này đòi hỏi một nền giáo dục hoàn bị, đáp ứng nguyện vọng học tập để khai dân trí, để chấn dân khí, canh tân đất nước và khôi phục độc lập của dân tộc Việt Nam chắc chắn là không hiện thực.

2. Những đóng góp trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo của “Đại học Đông Dương”

2.1. Quan niệm mới về khoa học và hoạt động khoa học chuyên nghiệp

Trên tờ Nam phong số 12, tháng 6-1918 với bài viết “Cái vấn đề giáo dục ở nước Nam ta ngày nay”, khi bàn về bộ “Học chính tổng quy” (Règlement général de l’Instruction publique) viết “Sách giáo khoa bằng tiếng Việt dạy trong các trường sở đẳng cũng rất cần thiết. Song nếu các trường tiểu học mà chỉ dạy bằng chữ Quốc ngữ thì học trò không thể trực tiếp nhận thức thế giới, kiến thức sẽ bị hạn chế trong phạm vi họ sinh ra và lớn lên, không thể mở rộng ra được. Vì tiếng Việt không được dùng trong các văn bản trên thế giới, cũng như chưa đủ danh từ khoa học để diễn đạt các môn học mới từ phương Tây”.

Như vậy, với những khái niệm như vậy, “khoa học” - môn học dù trước đó cũng đã được phân định trong các sách kinh điển, nhưng để thực sự trở thành môn khoa học (như histoire, géographie, littérature, chimie, physique...) theo đúng nghĩa hiện đại thì phải từ khi Pháp du nhập mô hình KH&GD vào Việt Nam. Với cái nhìn vĩ mô, vai trò và mối quan hệ giữa nhà nước và KH&GD, dù vẫn còn chịu ảnh hướng của chế độ thực dân nửa phong kiến, nhưng với sự hiện diện của Đại học Đông Dương đã phần nào làm cho không khí học thuật trở nên sôi động, cởi mở, đa dạng, đa nguyên hơn.

Thực tế là phải từ đầu thập niên của thế kỷ XIX, phương hướng nghiên cứu triết lý tự nhiên (natural philosophy) mới thực sự tách ra khỏi triết học để hình thành khái niệm tương tự khái niệm “khoa học” như hiện nay. Cho dù khái niệm khoa học chỉ mới bao gồm khoa học tự nhiên. Mặt khác, với ý nghĩa về khoa học hiện đại, quan niệm về khoa học thực tế còn là một hình thái ý thức xã hội. Chẳng hạn như quan hệ giữa khoa học với chính trị, khoa học với đạo đức, khoa học với tôn giáo, khoa học với ý thức pháp quyền, là những quan hệ luôn phải bàn đến trong chiều dài của lịch sử khoa học. Khoa học có chức năng khám phá tự nhiên và xã hội mà sản phẩm của công cuộc khám phá đó là những tri thức mới, luôn có thể vượt qua các các chuẩn mực đạo đức đương thời, vượt khỏi những tiêu chuẩn pháp luật hiện hữu, vượt khỏi những tín điều tôn giáo hoặc quan điểm chính trị đang ngự trị trong xã hội, luôn muốn vượt lên khung mẫu KH&GD hiện tồn.

Từ ý nghĩa đó, với sự du nhập KH&CN, GD thông qua các trung tâm, viện, học viện, trường… KH&GD truyền thống Việt Nam dần được tách rời ra khỏi đời sống chính trị, tức là một hình thái ý thức sâu sắc của triều đình phong kiến cho dù Đại học Đông Dương như đã trình bày ở trên, cũng bị ràng buộc bởi những định chế, thiết chế chính trị của chính quyền đô hộ Pháp.

2.2. Quá trình phá cấu trúc, từng bước tái cấu trúc nền khoa học Việt Nam

Về mặt khuynh hướng nghiên cứu, thời kỳ này ở châu Âu đã diễn ra những chuyển biến về phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận rất rõ nét. Tinh thần thực chứng (Positivist spirit) hay chủ nghĩa thực chứng (Positivism) được cho là điểm khởi đầu, cần thiết cho mọi khoa học hiện đại.

Chủ nghĩa thực chứng lôgích (logical positivism), chủ nghĩa thực nghiệm (empiricism) và chủ nghĩa thực dụng (chủ nghĩa hành động - pragmatism) là 3 thành tố gắn kết chặt chẽ với nhau, chống lại sự áp đặt những mô hình tùy tiện có trước, chủ nghĩa giáo điều kinh viện cũng như chủ nghĩa duy ý chí, kiểu tư duy tư biện trong các môn khoa học, nhất là khoa học xã hội.

Mọi luận đề khoa học chỉ thực sự có giá trị khi đã được thực nghiệm và kiểm chứng nghiên cẩn. Khoa học và tri thức làm nền tảng cho tri thức luận (épistémologie). Việc kiểm chứng là một thao tác công phu tiến hành từ nhiều góc độ, thực hiện nhiều phép thử và cũng cần thời gian. Những luận điểm kết luận sau khi đã thực nghiệm và kiểm chứng kỹ cũng cần có độ co dãn, rất cần một tư duy hệ thống, tư duy phức hợp... Nhìn chung, khuynh hướng tư duy này đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu, sư phạm người Pháp.

Cho đến đầu thế kỷ XX, chế độ giáo dục khoa cử Hán học vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ được đưa vào chương trình giảng dạy, nhưng mới ở mức độ sơ đẳng. Việc hình thành một nền khoa học thực sự hầu như chưa có, mọi người chỉ cần tuân thủ những giáo điều Nho học. Lối biên soạn dựa trên những tư liệu chính thống, những sự kiện chính trị của vương triều. Từ cái nhìn so sánh, Nguyễn Trường Tộ “không thể hiểu nổi” “sự học của ta ngày nay… thật là quái gở”. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh nhận xét “Trường học ngày xưa gọi là trường, song thực ra chỉ là một lớp trong có nhiều trình độ, gồm nhiều thế hệ học sinh và chỉ có một thầy giáo dạy. Giờ giấc nội dung, phương pháp đều do thầy quyết định. Chế độ học tập ngày xưa hầu như chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn đích. Không định thời gian học tập, không chia bộ môn”.

Cũng với mô hình giáo dục, nghiên cứu của E.Poisson cho rằng các trung tâm giáo dục tư nhân hay lò luyện thi, lò đào tạo quan lại ở Bắc Kỳ không hề bị đảo lộn khi Pháp chiếm Hà Nội do hệ thống này tồn tại dai dẳng và quan trọng hơn có sự điều chỉnh về quản lý và thích nghi được . Điểm đặc biệt là nội dung sách Hán văn đã có sự thay đổi, đổi mới về nội dung, hình thức. Như về nội dung thì bàn nhiều hơn về lịch sử, địa lý Việt Nam; về hình thức thì câu văn ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc hơn… chẳng hạn như Việt sử tân ước toàn biên (1906), Nam quốc địa dư giáo khoa thư (1905-1906), Trung học Việt sử toát yếu (1911)...

Như vậy, lúc này tri thức của nhân loại được định vị là ở Âu, Mỹ, nhưng với tầm nhìn khu vực và thế giới với logic là “Dân có khôn thời nước mới khôn”: “Văn minh ta phải học khôn/Theo thầy Anh, Pháp, noi gương Huê Kỳ/Trăm nghề học, học chi cũng học/Học thiên văn rồi học địa dư/Học toán pháp, học binh thư… Xiêm La trước thiệt là ngu dại/Rước thầy Anh học mãi khôn”.

Cùng với những tấm gương của nhà trí thức, hệ thống trường Pháp-Việt mở ra một lối đi mới về quan điểm và phương pháp luận khoa học. Theo đó, mô hình đại học, cao đẳng đã mạnh dạn phá vỡ cấu trúc hệ thống nghiên cứu vốn có để xây dựng nền móng cho các ngành khoa học hiện đại ở Việt Nam.

Coi trọng tư liệu thực chứng, thực địa, với sử liệu thư tịch, lập luận cần dẫn nguồn xuất xứ chính xác, đầy đủ; với tư liệu khảo cổ phải có những vật chứng cụ thể; dân tộc học cần dựa trên những kết quả điều tra khảo sát đã được xử lý . Có thể thấy, trào lưu khoa học duy lý, tinh thần khai sáng, dân chủ nhân quyền, đặc biệt là khuynh hướng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu tiên tiến ở châu Âu đã được thể hiện rõ nét trong các nghiên cứu. Một điểm nữa là, họ cũng cố gắng tách biệt giữa chính trị và hoạt động KH&GD, hạn chế sự can thiêp của quan điểm chính trị hay một định kiến có sẵn nào. Khác với một số tác giả thực dân hoặc bút nô người Việt, các giáo sư đại học này không chủ trương tán tụng “sứ mạng khai hóa” (mision civilisatrice) của chủ nghĩa thực dân, mà luôn nêu cao tinh thần “tự do học thuật” (liberté académique), “tự trị đại học” (autonomie universitaire), coi đó như là bản chất của hoạt động giáo dục đại học.

Trên quan điểm khoa học hiện đại, lúc này ở Việt Nam, học giả người Pháp cũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp phương pháp cổ điển với phương pháp hiện đại trong nghiên cứu khoa học, vận dụng cách khảo sát khu vực như toàn thể một không gian xã hội lịch sử-văn hóa, đồng thời sử dụng những thao tác điều tra phân tích, so sánh thông tin dữ liệu ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô.

Mặt khác, với cách tiếp cận khu vực học (area study) mà phải vài thập niên sau mới phổ biến ở Âu Mỹ, các nhà nghiên cứu người Pháp đã sớm tìm mối liên hệ và tương tác giữa các sự kiện vào trong không gian hệ thống tổng thể khu vực và châu lục, với những đặc trưng tương đồng và khác biệt, cũng như cố gắng so sánh để tìm ra những đặc tính tiêu biểu nhất. Không chỉ có vậy, nghiên cứu về xứ Đông Dương cũng không bó hẹp trong phạm vi như hành chính mà đặt Đông Dương trong mối liên hệ vùng, liên vùng và thế giới (ít nhất là Thế giới Trung Hoa, Thế giới Ấn Độ). Phạm vi nghiên cứu về tất cả mọi khía cạnh đời sống xã hội “từ lịch sử chính trị, lịch sử các thiết chế, tôn giáo, văn học, khảo cổ học, ngôn ngữ, dân tộc…”.

Trong quan điểm nghiên cứu, các học giả người Pháp rất chú ý đến tiếp cận hệ thống cấu trúc, tức tiếp cận tổng thể, toàn bộ (partir des ensembles et non des individus) với những cá thể tách rời. Một bên là chỉnh thể thống nhất rồi được tách rời ra, còn một bên là các phần rời rạc sau đó được tập hợp lại thành một tổng thể. Tuy nhiên, về mặt nghiên cứu, nội dung đại học vẫn muốn hướng giáo dục vào phần lõi, phần trung tâm (core), chưa thực sự vươn ra ngoại vi, mở rộng ra toàn Á châu. Điều này khác biệt căn bản với khuynh hướng nghiên cứu của Pháp lúc đó ở Viễn Đông?

Việc truyền bá tri thức ở những kênh thông tin đa dạng này chính là biểu hiện sinh động của quá trình du nhập, phá vỡ xu hướng yếm thế, chủ quan trong xã hội cổ truyền Việt Nam. Ở khía cạnh cụ thể, đó chính nơi thể hiện sự biến đổi hoạt động KH&GD, chứng kiến sự tiến bộ của hoạt động học thuật theo phương hướng phương Tây, là nền tảng ban đầu cho sự ra đời của nền giáo dục hiện đại Việt Nam sau này.

2.3. Cộng đồng khoa học và KH&GD chuẩn định

Sau khi được thành lập, Đại học Đông Dương có trụ sở chính đóng ở Việt Nam. Thành lập Đại học Đông Dương đương nhiên nằm trong chính sách khai thác và bình định thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp. Đầu thế kỷ XX, hầu như những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đều bị trấn áp.

Nền đô hộ Pháp lại bị thách thức bởi những cuộc vận động của tầng lớp sĩ phu cấp tiến, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Không khí chính trị trở nên sôi nổi với phong trào Đông Du khuyến khích thanh niên du học theo tấm gương của Nhật Bản, với việc mở trường Đông Kinh nghĩa thục sôi động văn thơ thức tỉnh đồng bào, với lời kêu gọi đầy nhiệt huyết “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Trong bối cảnh đó, hệ thống trường học nói chung và Đại học Đông Dương nói riêng được thành lập nhằm mục đích thu hút thanh niên tiếp nhận văn minh Pháp, phục vụ bộ máy thống trị của Pháp ở Đông Dương. Chính quyền thuộc địa cơ bản đạt được mục tiêu này khi đã đào tạo được một đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan cai trị, chính quyền bản xứ…

Chương trình đào tạo, tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy và tổ chức trường học tạo nên bước chuyển biến cơ bản trong nền giáo dục Việt Nam. Việc sử dụng phổ cập chữ viết theo mẫu chữ Latinh, vừa đơn giản trong việc học, vừa thuận tiện khi tiếp thu ngôn ngữ nước ngoài, trước hết là tiếng Pháp. Mặc dù số người được đến trường chiếm tỷ lệ thấp nhưng sự hình thành chế độ giáo dục mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận văn hóa và khoa học kỹ thuật mới, thích ứng với sự biến đổi về kinh tế - xã hội theo chiều hướng hiện đại.

Có thể nói, ngày nay trình độ KH&GD đã tiến rất xa, nhất là lý thuyết, phương pháp và tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu các ngành khoa học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nhưng nhìn chung, di sản đồ sộ, tầm cỡ của mô hình KH&GD trong nửa đầu thế kỷ XX đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của các ngành KHTN&XH nói riêng của Việt Nam qua hơn một thế kỷ lịch sử. Đó cũng chính là khoa học chuẩn định mà các thế hệ học giả này tạo ra cách đây đã hơn một thế kỷ.

Như đã trình bày ở trên, trong giai đoạn đầu tiên, Đại học Đông Dương chưa có hoạt động gì đáng kể. Nhưng sự ra đời và hoạt động của trường đại học đa ngành đầu tiên của nền giáo dục hiện đại đã cắm cột mốc quan trọng, có vai trò định hướng cho sự tiếp tục xây dựng hệ thống giáo dục đại học của Pháp ở bản xứ trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai.

Sau ra Nghị định Học chính tổng quy ở Đông Dương (Règlement Général de l'Instruction Publique en Indochine), Toàn quyền Đông Dương ban hành Quy chế chung về bậc Cao đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l'Enseignement Supérieur en Indochine) ngày 25-12-1918 và không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một văn bản có tính pháp lý quan trọng đối với giáo dục bậc cao đẳng ở Đông Dương nói chung và đối với tổ chức Đại học Đông Dương nói riêng.

Đánh giá về sự tiếp nối và tái lập Đại học Đông Dương, theo nghiên cứu của tác giả Đào Thị Diến: “Kể từ khi Đại học Đông Dương do Toàn quyền Paul Beau sáng lập… cho tới khi Nghị định ngày 31/12/1917 được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành, chính quyền thuộc địa đã không ra thêm một văn bản nào khác về trường Đại học Đông Dương… Đại học Đông Dương được nhắc tới trong bộ “Học chính Tổng quy” này, về thực chất, được tập hợp từ các trường thành viên của trường Đại học Đông Dương do Paul Beau sáng lập ra. Có thể nói rằng, nếu sự ra đời của Đại học Đông Dương gắn liền với chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất của Pháp ở Việt Nam mà Paul Beau là người khởi xướng thì sự tái thành lập của trường lại không thể tách rời chương trình cải cách giáo dục lần thứ hai của Albert Sarrault… Với bộ “Học chính tổng quy”, Albert Sarraut đã làm cho trường Đại học Đông Dương được hồi sinh sau 10 năm ngừng hoạt động”.

Nội dung quy chế đào tạo đại học được thể hiện ở Nghị định 25-12-1918, trong đó có các quy định cụ thể như:

1. Bậc Cao đẳng do một Giám đốc phụ trách. Giám đốc do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm; phải có bằng Tiến sĩ tốt nghiệp ở Pháp, và có ít nhất 15 năm công tác trong ngành giáo dục; 2. Chỉ được mở Trường Cao đẳng khi được phép của Toàn quyền Đông Dương, theo đề nghị của Giám đốc bậc Cao đẳng. Đứng đầu Trường Cao đẳng là Hiệu trưởng do Toàn quyền bổ nhiệm, theo đề nghị của Giám đốc bậc Cao đẳng. Hiệu trưởng phải đỗ Cử nhân Luật, hoặc Cử nhân Khoa học, hoặc Cử nhân Văn chương bên Pháp, và có ít nhất 10 năm trong ngành giáo dục hoặc trong các công sở; 3. Muốn nhập học, thí sinh phải làm đơn gửi Giám đốc bậc Cao đẳng và phải dự kỳ thi tuyển. Trong đơn phải ghi lời bảo đảm: khi ra trường sẽ phục vụ các cơ quan nhà nước “bảo hộ” ít nhất 10 năm. Tiêu chuẩn để được dự thi tuyển là: đã tốt nghiệp bậc Trung học; là “thần dân” của nước Pháp, hoặc là “người đã được coi là công dân của nước Pháp”; 4. Quy định nhiệm vụ, chương trình của một số trường Cao đẳng sau: Trường Y Dược (hệ 4 năm); Trường Thú y (hệ 4 năm); Trường Pháp chính (hệ 3 năm); Trường Sư phạm (hệ 3 năm); Trường Nông-Lâm (hệ 3 năm); Trường Công chính (hệ 2 năm).

“Nhìn lại 5 năm (1918-1923) sau khi bộ Học quy… nhà cầm quyền Pháp đã xây dựng được bước đầu một hệ thống giáo dục từ tiểu học đến cao đẳng, trong đó số trường Pháp-Việt đóng vai trò quan trọng làm cầu nối cho giáo dục phổ cập với giáo dục chuyên nghiệp và cao đẳng… Sarraut đã loại trừ nền giáo dục phong kiến, xây dựng một nền giáo dục thống nhất cho cả ba kỳ về nội dung, tổ chức, phương pháp giảng dạy. Kết quả bước đầu tuy còn nhỏ bé, nhưng “mô hình Sarraut” đủ để làm cơ sở cho những toàn quyền đi sau kế thừa và mở rộng”.

2.4. Tiếp biến văn hóa giữa các chuẩn mực và cộng đồng khoa học

Đánh giá về kết quả đảo tạo hẳn nhiên không thể không nhìn nhận trong một quá trình lâu dài. Đại học Đông Dương không chỉ cung cấp kỹ năng để sớm gia nhập vào sự nghiệp chung của chính quyền thuộc địa, nhưng đối với sinh viên của Trường, lần đầu tiên họ đã tiếp thu được những khái niệm vững chắc cần thiết cho nghề nghiệp, sự ham thích thực sự đối với khoa học, và nhất là về phương pháp giảng dạy, sau này đã được thể hiện trong rất nhiều sách giáo khoa phổ biến khoa học…

Không thể phủ nhận một thực tế là người Pháp coi trọng những giáo sư giảng dạy trong Đại học Đông Dương, trong đó bao trùm là kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Chẳng hạn như Trường Mỹ thuật Đông Dương, hầu hết các giảng viên là các học giả và nghệ sỹ danh tiếng người Pháp từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã, giải thưởng Đông Dương hoặc các giải thưởng khác. Trong 20 năm đào tạo, Đại học Đông Dương chỉ tuyển chọn chưa đến chục sinh viên xuất sắc làm giáo viên. Bên cạnh các giảng viên Pháp, các giảng viên Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo lớp nghệ sĩ đầu tiên của nền nghệ thuật Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, một trong những thành quả quan trọng là hệ thống giáo dục Pháp Việt và Đại học Đông Dương đã tạo nên một đội ngũ trí thức mới có trình độ cao theo mô hình phương Tây.

Sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam hay ở Pháp đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy và phong cách theo hướng tân tiến, phù hợp với sự phát triển. Có những người làm việc trong các cơ quan công quyền, tham gia bộ máy thống trị của chủ nghĩa thực dân, trở thành cánh tay phục vụ đắc lực chế độ thuộc địa. Nhưng nhiều trí thức khác, bằng tri thức được học của mình đã phục vụ lợi ích của người dân, đề ra nhiều ý tưởng và biện pháp canh tân nhằm đưa đất nước ra khỏi sự lạc hậu, nghèo khổ; trong số đó cũng có không ít người đã mạnh dạn rời bỏ giảng đường, ra đi tìm đường cứu nước. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí dũng cảm đã thôi thúc họ bước vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do. Đó là những nhà hoạt động cách mạng, chỉ huy quân sự, nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn… Lực lượng trí thức tham gia cách mạng là những người được học tập trong nhà trường của Pháp nhưng mang nặng tinh thần dân tộc, khát khao độc lập-tự do, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào cuộc đấu tranh gian khổ.

Mặt khác, cũng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng hay nhà lãnh đạo Việt Nam tuy không trực tiếp được đào tạo từ Đại học Đông Dương nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái này về mặt nghiên cứu khoa học và sư phạm.

Như vậy, các học giả người Việt được đào tạo bài bản sau đó cùng làm việc với những nhà nghiên cứu người Pháp đã sớm khẳng định được vị trí học thuật của mình. Trong đó, người ta không chỉ thấy các công trình của các nhà nghiên cứu người Pháp mà còn được biết đến nhiều công trình tiêu biểu của các học giả Việt Nam nổi danh. Chính những học giả đó cũng đã đào tạo ra cả một thế hệ những học trò xuất sắc, đóng góp to lớn vào nền KH&GD dưới chế độ mới sau này.

Cũng cần nói thêm là, trong sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam, hệ thống các trường phổ tạo tạo ra mối liên thông rất lớn với Đại học Đông Dương như trường Trung học bảo hộ Hà Nội (còn gọi là trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An), trường Chasseloup - Laubat Sài Gòn, trường Thành Chung Nam Định...  Thực tế là, Đại học Đông Dương chỉ đào tạo được một số ít trí thức tinh túy của nền giáo dục thuộc địa, phần lớn số còn lại trưởng thành từ các trường phổ thông trên. Số người tốt nghiệp Đại học Đông Dương, sau khi tốt nghiệp đã trở thành những thầy giáo của các trường phổ thông này, tiếp tục đào tạo nên các trí thức mới người Việt như nhà giáo Vũ Đình Hòe, Dương Quảng Hàm...

Nền khoa học Tây phương được giảng dạy tại bậc đại học với các bộ môn mới như Toán học, Lý học, Hóa học, Sinh học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Luật học, Kinh tế học... Những lý thuyết mới, phương pháp nghiên cứu mới được cập nhật trong cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Y học phương Tây được giảng dạy và áp dụng rộng rãi trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân; Nghệ thuật ứng dụng được đào tạo tại Cao đẳng Mỹ thuật; Kỹ nghệ phương Tây được giảng dạy trong trường Công chính, Nông lâm, Y Dược, các trường Kỹ nghệ thực hành... Lý thuyết kinh tế, các kỹ năng kinh doanh được giảng dạy trong trường Thương mại…

Với sự du nhập của KH&GD của người Pháp, giai đoạn đầu tiên chứng kiến sự xung đột, mỗi bên đều phải điều chỉnh, thực tế là quá trình này thành công để tiến tới giai đoạn tái cấu trúc. Ở giai đoạn sau, cấu trúc hệ thống mới đã hình thành với sự kết hợp của nền KH&GD của người Pháp thông qua mô hình đại học và nền KH&GD Việt Nam truyền thống, ở đây xu hướng chủ đạo chính là xu hướng hoạt động của người Pháp, hay lấy hoạt động KH&GD làm khung chuyển đổi thành công chuyển sang giai đoạn ba. Giai đoạn cuối cùng này chứng kiến sự kết hợp hài hòa với khung mẫu hoạt động mới cho toàn bộ hoạt động về sau trên tất cả các khía cạnh từ phương pháp nghiên cứu, tổ chức quản lý KH&GD.

Có thể nhìn nhận sự biến đổi khung mẫu học thuật của Việt Nam dưới sự du nhập KH&GD của người Pháp như sau:

 

Các khung mẫu KH&GD

Triết lý

Nền KH&GD trong xã hội nông nghiệp, phong kiến

Nền KH&GD tiên tiến, xã hội công nghiệp, tư sản

Hệ quan điểm

Thực lục, giáo điều, nhà nước toàn trị hoạt động KH&GD

Phương pháp nghiên cứu liên ngành, tiếp cận khu vực, nhà nước quản lý vĩ mô KH&GD

Hệ chuẩn mực

Thư lại, văn thân, thiên kinh vạn quyển, Nho học

Nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, tổ chức khoa học tự trị

Hệ khái niệm

Nho sinh, sĩ tử, điển tích, biên niên, Tứ Thư, Ngũ Kinh, khoa cử

Kỹ sư, hệ thống giáo dục, cao đẳng, đại học, ấn phẩm khoa học

Ở khía cạnh khác với cách tiếp cận hệ thống cấu trúc có thể phân tích ma trận mô hình KH&GD thông qua nhận xét mô hình Đại học Đông Dương:

 

Outputs

(Trực tiếp/Kết quả)

Outcomes

(Nối tiếp/Hậu quả)

Impacts

(Gián tiếp/Hệ lụy)

Dương tính

Tạo ra môi trường giáo dục tiên tiến, kích thích khả năng sáng tạo của con người

Tạo ra được đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao

Hình thành nền KH&GD hiện đại ở Việt Nam

Âm tính

Phá vỡ cấu trúc hoạt động KH&GD cũ, phân hóa xã hội

Đào thải đội ngũ người Việt không thích ứng nổi với trình độ, phương pháp hiện đại

Chiếm dụng mọi nguồn lực KH&GD, phục vụ đắc lực cho công cuộc thực dân, khai thác thuộc địa

Ngoại biên

Xuất hiện nhiều loại dịch vụ cho hoạt động KH&GD

Phá vỡ và tái cấu trúc nhanh chóng mô hình KH&GD phong kiến

Xuất hiện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học chuyên nghiệp, trình độ cao của người Việt Nam

Nền khoa học cơ bản của phương Tây đã được du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam qua con đường giáo dục đại học và các cử nhân khoa học cơ bản. Đồng thời với những người tốt nghiệp ngành sư phạm, họ là những người đi đầu trong truyền thụ những kiến thức khoa học cơ bản một cách bài bản nhất trong nhà trường Việt Nam.

Ở khía cạnh khác, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ghi đậm dấu ấn của những tri thức Việt Nam tiêu biểu, với nhân cách và giá trị trong các sáng tác, nhiều người đã trở thành “những tượng đài” trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Ngoài đội ngũ trí thức Tây học đầu tiên, thế hệ sau như Tú Mỡ, Hoàng Ngọc Phách, các nhà văn của Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ…; các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ, luật sư, nhà khoa học có tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Tôn Thất Tùng, Phạm Duy…

Trường Mỹ thuật Đông Dương đã thực sự trở thành vườn ươm các nghệ sĩ, nhà giáo, nhà văn hóa lớn như họa sĩ Đặng Trần Cốc, Đỗ Đức Thuận, Hồ Văn Lái, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Hữu Khánh, Tô Ngọc Vân, Dương Quảng Hàm, Phạm Duy… Đặc biệt, nhiều nhà hoạt động cách mạng ở Việt Nam học tập trong nhà trường Pháp-Việt như Nguyễn An Ninh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thái Học, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Như vậy, sự du nhập KH&GD của người Pháp thông qua Đại học Đông Dương nói riêng, hệ thống trường Pháp-Việt nói chung, cùng với công cuộc chinh phục Việt Nam, toàn bộ paradigm xã hội cổ truyền Việt Nam đã dần biến đổi. Một xã hội mới đã được cấy ghép, lai ghép, ở nhiều khía cạnh nằm ngoài ý muốn chủ quan của nhiều phía. Từ đây, lối sống, sự tiếp giao khoa học mới thực sự hình thành với cùng ngôn ngữ khoa học chung, hòa nhập vào cộng đồng KH&GD khu vực.

Tuy nhiên cần khẳng định là sự tiếp biến đó chỉ dừng lại ở phần trung tâm (core), tức chỉ đối với đội ngũ tinh hoa người Pháp (có đặc quyền giảng dạy, nghiên cứu), cũng như sau này là một số ít người Việt (sau này). Nền KH&GD Việt Nam diễn ra quá trình tiếp giao mạnh mẽ nhưng sự biến chuyển còn chậm chạm với sự dung kéo, giữa sự thâm nhập có hạn chế của ngoại biên (periphery) vào nội vi, sự giằng co của sự chuyển đổi khung mẫu... Điều này được Nguyễn Văn Tố mô tả lối học ở Trường Thông ngôn “Ở đấy, toàn là người Pháp dạy học, chỉ trừ có cụ giáo chữ Nho và cụ giáo dạy chữ Pháp ra tiếng ta là người Nam”. Học cốt thế nào “để có thể chóng đi làm thông ngôn cho người Pháp được”.

Sự thay đổi tư tưởng hoạt động KH&GD qua sự du nhập của mô hình đại học vào Việt Nam cũng có thể nhìn nhận ở sự thay đổi các triết lý sau:

Triết lý 1

Quan hệ giữa KH&GD

Triết lý 2

Phương pháp nghiên cứu

Triết lý 3

Vai trò quản lý

Kịch bản 1

KH đi trước GD

Kịch bản 1

Tầm chương, trích cú, thuộc thiên kinh vạn quyển của bậc tiên liệt

Kịch bản 1

Nhà nước độc quyền về KH&GD

Kịch bản 2

KH đi song hành với GD

Kịch bản 2

Thực chứng, khách quan, tự do học thuật

Kịch bản 2

Tự do học thuật, Cá nhân và nhà nước làm KH&GD tiến dần tự trị hoạt động KH&GD

Kịch bản 3

GD đi trước KH

Kịch bản 3

Phương pháp sáng tạo

Kịch bản 3

Nhà nước quản lý vĩ mô, KH&GD tự trị

Cho đến trước sự du nhập toàn diện KH&GD của người Pháp và hoàn thành công cuộc thực dân, KH&GD Việt Nam biến đổi từ nhà nước không can dự vào hoạt động KH&GD trước thế kỷ X; Từ sau thế kỷ X, nhà nước trực tiếp làm KH&GD vì mục tiêu do triều đình định sẵn, trong khuôn khổ triết lý chính thống phong kiến; Thời kỳ đô hộ, chính quyền Pháp trực tiếp mở các trường, làm KH&GD, nhưng dành nhiều mối quan tâm hơn cho quản lý vĩ mô. Trong suốt thời Pháp thuộc, nền KH&GD đã cố gắng vươn lên và chỉ dừng ở kịch bản thứ hai của triết lý quan hệ giữa KH&GD.

Quá trình thay đổi đó cho đến giữa thế kỷ XX, thực tế là khung mẫu giáo dục truyền thống Việt Nam đã cơ bản thay đổi trải qua giai đoạn khủng hoảng (thể hiện rõ nét trong khuynh hướng học thuật, nhất là trên lĩnh vực văn học, thơ, ca...), mang tính chất của một cuộc “cách mạng”. Những thay đổi đó đã chuyển sang giai đoạn tiếp biến văn hóa với sự tồn tại song trùng của cả hai khung mẫu truyền thống và canh tân. Sự chuyển đổi đó theo như nhận xét của nhà sử học Trần Trọng Kim “Kể từ đầu thế kỷ [XX], ở nước ta cũng như ở các nước khác ở Á Đông, có cuộc xung đột lớn giữa hai nền văn hóa cũ mà nền tảng là Nho giáo và văn hóa mới từ Âu châu đưa vào. Kết cục của sự xung đột ấy, văn hóa của mình sụp đổ tan tác, rã rời. Người mình tựa như ngồi trên con thuyền không lái, về đời sống tinh thần không biết bấu víu vào đâu... một nhà Nho có khi chỉ Nho ở cái áo khoác bên ngoài. Đến khi thấy một cái áo khoác có cái hình thể khác, mới mẻ hơn, cứ việc cởi cái cũ của mình để khoác cái áo mới, không do dự, không nhớ tiếc...”.

Cùng với phong trào thức tỉnh châu Á, nhiều trí thức Việt Nam đã xuất dương với mục đích tìm con đường, phương cách cứu nước. Tinh thần chung của toàn châu Á là chuyển đổi mô hình, khung mẫu sang hướng hiện đại. Cuộc chiến thắng nước Nga của Nhật Bản và thành công trong sự chuyển đổi “thể chế mới” đã làm nức lòng các nước đồng chủng, đồng văn. Các nhà ái quốc, thanh niên Việt Nam đã tới Nhật để tìm kiếm nền khoa học, “tri thức mới mà chính quyền bảo hộ do dự ban cho họ”. Những thế hệ trí thức mới, “không vứt bỏ chủ nghĩa nhân văn Pháp hay kỹ thuật phương Tây, tinh thần yêu nước của họ sẽ đấu tranh cho dân tộc và văn hóa Việt Nam tái sinh, bằng niềm giao hòa gắn bó chặt chẽ với dân, suối nguồn vĩnh cửu của mọi nền văn minh”.

Trong quá trình đấu tranh, bên cạnh khái niệm “độc lập”, “tự do” còn có duy tân, biến pháp, đổi mới..., tức quá trình tiếp biến với văn hóa-văn minh phương Tây. Quá trình “giành độc lập” chứng kiến sự trưởng thành, chín muồi về tư duy lý luận, cập nhật và hội nhập với xu thế thời đại của Việt Nam. Đại học Đông Dương nói riêng, giáo dục Pháp-Việt nói chung là một hiện tượng giáo dục lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ XX, tạo ra sức sống mới trong đời sống KH&GD Việt Nam đương thời và đưa lại những tác động lâu dài về sau.

TS. Nguyễn Mạnh Dũng

 TS. Nguyễn Mạnh Dũng - Trường ĐHKHXH&NV - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   |