Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Xứng đáng là niềm tự hào chung của đất nước
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) - đã trải qua chặng đường 60 năm. Ngôi trường này luôn mang trong mình sứ mệnh lịch sử vẻ vang, là con chim đầu đàn trong giáo dục Việt Nam, là nền tảng góp phần xây dựng nên diện mạo giáo dục đại học xứng tầm khu vực và quốc tế.

Sau Hiệp định Genève (7.1954), hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH, trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trên cơ sở các trung tâm đại học mới chuyển về Hà Nội, một số trường đại học được mở cửa để đón nhận số sinh viên từ vùng tự do vào và một số sinh viên ở lại của vùng mới được giải phóng như Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm Tự nhiên và Trường Đại học Y Dược. Ngày 4/6/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/PC thành lập 5 trường đại học và 15 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tòa nhà 19 Lê Thánh Tông - Tòa nhà biểu tượng của ĐHQGHN

Trường ĐHTHHN thành lập năm 1956, là một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, đa lĩnh vực. Địa điểm của trường tại 19 phố Lê Thánh Tông - Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám vốn là địa điểm của Viện Đại học Đông Dương, do kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard thiết kế năm 1926. Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHTHHN là ông Ngụy Như KonTum.

Trường ĐHTHHN trực tiếp kế thừa truyền thống và cơ sở vật chất, kỹ thuật của các Trường ĐH Đông Dương (1906), Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Khoa học Cơ bản (1951). Ngoài cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức và truyền thống học thuật, nhiều nhà giáo, nhà khoa học đầu tiên, những người đã xây nền đắp móng, tạo dựng truyền thống học thuật vẻ vang của Trường ĐHTHHN đã được đào tạo và trưởng thành từ Đại học Đông Dương và Đại học Quốc gia Việt Nam, hay được đào tạo ở nước ngoài về. Có thể kể ra một số tên tuổi tiêu biểu nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Nguỵ Như Kontum, Lê Văn Thiêm, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo... Trải qua hàng thập kỷ phát triển, Trường ĐHTHHN đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là trường đại học khoa học cơ bản hàng đầu của cả nước.

Ngày 15/10/1956, khóa học đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp được khai giảng với 430 sinh viên và đội ngũ cán bộ giảng dạy còn khiêm tốn mới chỉ có 43 người. Dù cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tận tâm, tận hiến cho nền giáo dục đại học nước nhà, nhiều nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm đã hăng say xây dựng nên một ngôi trường vững mạnh, tiên phong của cả nước.

Trong những năm đầu tiên, trường tạm chia các lĩnh vực đào tạo chuyên môn thành hai ban Khoa học và Văn khoa. Khó khăn lớn nhất của Trường ĐHTHHN lúc này là xây dựng đội ngũ và chương trình giảng dạy cho các bộ môn khoa học xã hội. Do những yêu cầu của nền giáo dục mới, trên thực tế các bộ môn này phải xây dựng gần như từ đầu, từ đội ngũ cán bộ giảng dạy, chương trình đào tạo cũng như giáo trình, bài giảng.

Với những nỗ lực vượt bậc, sau một thời gian ngắn, nhà trường từng bước đi vào thế ổn đinh, công tác nghiên cứu, đào tạo luôn được đảm bảo. Trải qua thử thách, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 23/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trường. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Trường ĐHTHHN. Sự quan tâm đặc biệt và những lời căn dặn chí tình của vị lãnh tụ đứng đầu Đảng và Chính phủ đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn thể cán bộ và sinh viên nhà trường. Năm 1959, một lần nữa, Hồ Chủ tịch lại về thăm trường. Trong bộn bề công việc, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần về thăm trường không chỉ thể hiện sự quan tâm chủa Đảng và Chính phủ đối với Trường ĐHTHHN mà còn là sự nhắc nhở sứ mệnh quan trọng mà nhà trường được Chính phủ và nhân dân giao phó.

Trong những năm tiếp theo, Trường ĐHTHHN còn vinh dự được tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia như các vị Chủ tịch Voroshilow, Mikoian (Liên Xô). Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc), Thổng thống Sukarnô (Indonesia)…đến thăm.

Một nhiệm vụ quan trọng của trường ĐHTHHN lúc này là phải mau chóng tiếp cận những thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới và vận dụng những thành tựu đó vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Bởi vậy, nhiều bộ giáo trình, tài liệu tham khảo của các nước có nền học thuật hiện đại đã được dịch sang tiếng Việt. Để không ngừng mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo, Ban lãnh đạo nhà trường đã chú trọng đầu tư kinh phí, nhân lực vào việc xây dựng những cơ sở thiết yếu cho sự phát triển căn bản, lâu dài của một đại học như thư viện, phương tiện giảng dạy, phòng thí nghiệm. Cơ cấu của nhà trường từng bước được hoàn thiện.

Ngay từ đầu, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng đặc biệt, từ đó nhiều công trình đã sớm khẳng định tên tuổi của các giáo sư như Hoàng Tụy, Lê Văn Thiêm, Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến trong khoa học tự nhiên; Trong các lĩnh vực khoa học xã hội thì có các tên tuổi tiêu biểu như các GS Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Đinh Gia Khánh…Chỉ ít năm sau đã bắt đầu xuất hiện những gương mặt mới trưởng thành từ thế hệ sinh viên tốt nghiệp các khóa đầu được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và những cán bộ trẻ ưu tú  được cử đi học nước ngoài trở về mà sau này trở thành những nhà khoa học đầu ngành như các GS Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Tài Cẩn, Đàm Trung Đồn,...

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐHTHHN chuyển từ hệ đào tạo 3 năm sang đào tạo 4 năm. Đây không chỉ đơn giản là kéo dài thời gian của chương trình đào tạo mà chương trình mới thực sự là sự bổ sung và cập nhật kiến thức theo phương châm không ngừng hoàn chỉnh và hiện đại hóa. Hệ đào tạo 4 năm cho phép sinh viên có điều kiện tiếp cận với những đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, để từng nước tiếp cận trình độ quốc tế, việc mời một số chuyên gia giỏi của nước ngoài sang giảng dạy và phối hợp nghiên cứu ở một số lĩnh vực được nhà trường quan tâm đặc biệt. Các chuyên gia nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các ngành học mới. Trong thời gian đó, các ngành khoa học tự nhiên cũng có nhiều cố gắng để xác lập một số quan hệ hợp tác, trao đổi học thuật với Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác trong phe XHCN.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qui mô đào tạo của nhà trường mỗi năm một mở rộng. Năm học 1964 - 1965, tổng số sinh viên toàn trường đã lên đến 1997 người trong đó có 87 sinh viên nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Ba Lan, Tiệp Khắc,… Năm học 1964 – 1965 kết thúc thắng lợi đã đánh dấu chặng đường đầu tiên trong quá trình xây dựng, trưởng thành của Trường ĐHTHHN.

Trải qua 9 năm xây dựng và phát triển đầu tiên, thành tựu nổi bật của trường ĐHTHHN là đã khẳng định được vị thế là một trường đại học hàng đầu về khoa học cơ bản, vận dụng thành công phương thức đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học và luôn cố gắng bắt nhịp với những xu thế khoa học hiện đại trên thế giới. Những kết quả đạt được hết sức cơ bản, tạo nên nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để ghi nhận những đóng góp của tập thể cán bộ và sinh viên nhà trường trong giai đoạn này, Trường ĐHTHHN vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Năm 1965, Mỹ ào ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam và tăng cường dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Với tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập và chủ quyền của dân tộc, đông đảo cán bộ và sinh viên nhà trường bày tỏ quyết tâm sẵn sàng ra mặt trận, mong muốn được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn lực trí thức, cán bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ chiến đấu và tái thiết đất nước sau chiến tranh cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện phương châm “Phải tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục một cách mạnh mẽ và vững chắc, gắn chặt hơn nữa việc học tập, giảng dạy với thực tế, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phục sự sản xuất, chiến đấu và đời sống”, nhà trường đã xác định vượt qua mọi thử thách ác liệt để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục công việc dạy và học trong thời chiến, tháng 8/1965, Trường ĐHTHHN đã rời thủ đô sơ tán về huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Toàn bộ cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được chuyển lên khu sơ tán. Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân địa phương, bằng nghị lực và quyết tâm cao, chỉ trong thời gian chưa đầy ba tháng, thầy và trò Trường ĐHTHHN bằng sức lực của chính mình đã xây dựng lên hàng chục phòng thí nghiệm, thư viện, bệnh xá, lớp học, nhà ở phù hợp với điều kiện chiến tranh. Những cố gắng trong việc xây dựng cơ sở vật chất đó đã tạo điều kiện đưa nhanh mọi hoạt động của nhà trường vào nề nếp.

Đến năm học 1968 – 1969, Trường ĐHTHHN đã có 8 khoa và 44 bộ môn. Trong thời gian này nhà trường cũng đã mở thêm các hệ chuyên tu, lớp giảng dạy chuyên đề cho nhiều đối tượng học viên. Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của thời chiến, đội ngũ cán bộ khoa học của nhà trường và số sinh viên vẫn không ngừng tăng lên.

Điểm nổi bật trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐHTHHN trong những năm chống Mỹ cứu nước là sự gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý thuyết với việc giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra trong đời sống xã hội và trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hằng năm, nhiều đoàn cán bộ, sinh viên đã vượt qua bom đạn của địch về các địa phương khảo sát, nghiên cứu. Hơn 40% các đề tài nghiên cứu đều hướng đến các vấn đề thực tiễn. Các khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh,… đã có nhiều đề tài ứng dụng phục vụ quốc phòng và các ngành kinh tế. Song song với những đề tài nghiên cứu trực tiếp phục vụ thực tiễn sản xuất và chiến đấu, các nhà khoa học cũng tập trung công sức cho các đề tài nghiên cứu cơ bản. Có thể nói, những kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế chẳng những đã khẳng định tiềm năng phong phú của đội ngũ các nhà khoa học Trường ĐHTHHN mà còn thể hiện những ưu thế của các ngành khoa học cơ bản trong đời sống xã hội.

Năm 1972, thực hiện Chỉ thị 222/TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác khoa học phục vụ thực tế của Trường ĐHTHHN bước sang giai đoạn mới. Nhà trường đã đồng loạt triển khai các chương trình khảo sát, nghiên cứu trên hầu hết các tỉnh miền Bắc, ngay cả ở những địa phương đang diễn ra chiến tranh ác liệt. Nét mới trong nghiên cứu khoa học thời kì này là nhà trường đã tạo được sự kết hợp, liên thông giữa các ngành trong cùng một khoa và liên ngành của nhiều khoa để tập trung giải quyết một số vấn đề nghiên cứu cơ bản.

Những năm học thời kì chống Mỹ cứu nước chính là lúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước của cán bộ và sinh viên nhà trường được thể hiện sáng chói. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 1333 cán bộ, sinh viên ưu tú của nhà trường đã lên đường ra tiền tuyến, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Tấm gương oanh liệt của các liệt sĩ Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Ngô Văn Sở, Chu Cẩm Phong, Phạm Ngọc Tuân, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Cước, Nguyễn Văn Thạc,… mãi mãi còn lưu trong ký ức và truyền thống vẻ vang của Trường ĐHTHHN.

Đầu năm 1973, sau khi hiệp định Paris được kí kết, toàn trường tập trung về Hà Nội. Ban giám hiệu nhà trường đã xác định nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn phát triển mới là tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, hoàn chỉnh cơ cấu các ngành nghề. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, Trường ĐHTHHN đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Nhà trường đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp phát triển hệ thống giáo dục đại học. Đồng thời trường cũng đã chuẩn bị cho mình những tiền đề cần thiết để cất cánh sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất.

Năm học 1975 – 1976, Trường ĐHTHHN khai giảng trong không khí cả nước hân hoàn mừng ngày thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh lịch sử mới, tập thể nhà trường đã xác định rõ trách nhiệm tiếp tục xây dựng, phát triển Trường ĐHTHHN thành một trung tâm khoa học cơ bản đầu ngành của cả nước. Thời điểm này, trường có 1060 cán bộ, nhân viên, trong đó 570 cán bộ giảng dạy, 131 người có học vị tiến sĩ và phó tiến tĩ. Các cán bộ của nhà trường đảm nhận trách nhiệm giảng dạy cho một vạn sinh viên các hệ.

Trải qua hai thập kỉ xây dựng và phát triển, cùng với những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, Trường ĐHTHHN đã đào tạo được trên 8000 sinh viên trong đó có 6300 sinh viên hệ chính quy từ khóa I đến khóa XVI. Hơn 200 sinh viên quốc tế đến từ 20 nước và khu vực lãnh thổ đã học tập và nhận bằng tốt nghiệp tại các khoa Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử. Do có những thành tích nổi bật trên chặng đường không ngừng phấn đấu liên tục, trường ĐHTHHN tiếp tục được trao Hân chương Lao động hạng II của Nhà nước.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, trường ĐHTHHN chú trọng đến việc đào tạo trình độ cao. Từ năm 1977, nhà trường bắt đầu mở hệ nghiên cứu sinh trong nước và đã tuyển chọn được 17 NCS thuộc nhiều ngành học. Với điều kiện này, Trường ĐHTHHN đã trở thành trung tâm đào tạo trên đại học đầu tiên của cả nước, khẳng định sự trưởng thành rõ rệt của đội ngũ cán bộ khoa học nhà trường.

Nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn này của Trường ĐHTHHN là phải xứng đáng là trường đại học hàng đầu cả nước về khoa học cơ bản, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của hệ thống giáo dục đại học nước nhà. Mở rộng hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng tiếp cận với trình độ khoa học thế giới. Các mối quan hệ quốc tế đó chính là những cửa ngõ để nối thông môi trường thông tin, học thuật và trao  đổi khoa học với bên ngoài. Nhờ đó mà nhiều cán bộ khoa học của nhà trường đã có điều kiện học tập, trao đổi khoa học và tiếp nhận những thành tựu khoa học tiên tiến của các trung tâm học thuật quốc tế.

Việc mở rộng quan hệ với các trường đại học trên thế giới, trong đó có các quốc gia không nằm trong hệ thống XHCN là một bước phát triển mang tính đột phá, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Bước sang tuổi 30, với bề dày kinh nghiệm và thành tựu khoa học, Trường ĐHTHHN vẫn tiếp tục coi trọng chất lượng đào tạo và phát huy khoa học cơ bản. Nhà trường đã hoàn thành tốt đẹp 27 khóa đào tạo với gần 17000 sinh viên tốt nghiệp, đào tạo 500 học sinh năng khiếu toán trong đó có nhiều em đạt giải cao trong các kì thi quốc tế, tổ chức 7 khóa nghiên cứu sinh và tuyển chọn được 170 người và đã tổ chức cho 90 người bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ và một người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đồng thời góp phần đào tạo trên 1000 sinh viên, học sinh quốc tế. Hoạt động đào tạo của nhà trường đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học cho cả nước.

Tính đến năm 1986, Trường ĐHTHHN đã có 14 khoa đào tạo theo các chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, 7 trung tâm nghiên cứu khoa học với 1400 cán cộ, công nhân viên, trong đó có 791 cán bộ giảng dạy. Đến thời điểm này, nhà trường đã có 109 GS và PGS, 264 tiến sĩ và phó tiến sĩ. Nhiều người có uy tín khoa học quốc tế cao, được giới chuyên môn thừa nhận là chuyên gia đầu ngành của cả nước.

Trong lộ trình phát triển tiếp theo, trường ĐHTHHN đã nhanh chóng xây dựng một cơ chế liên thông để tận dụng sức mạnh liên kết và thế mạnh đa ngành vốn có của nhà trường. Theo tinh thần đó, chương trình đào tạo mới của trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên có thể tự sàng lọc trong quá trình đào tạo, kích thích sự nỗ lực trong sinh viên, tạo cho sinh viên phong cách học tập tích cực, chủ động, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, biến phương pháp “tạo nghề” thành “đào tạo khả năng tiếp cận nghề nghiệp” và rèn luyện cho sinh viên ý thức lập nghiệp. Ngoài việc tiếp thu những tri thức khoa học, sinh viên còn phải có ngoại ngữ và những kĩ năng tin học tốt để có điều kiện và phương tiện cần thiết khi làm việc trong điều kiện xã hội mới. Năm học 1989 - 1990, tổng số sinh viên, học viên các loại hình đào tạo của nhà trường đã tăng lên 7000 người. Cùng lúc, nhà trường đã triển khai nhiều loại hình, nhiều chương trình đào tạo. Ở bậc phổ thông có hệ chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh; bậc đại học có hệ chuẩn, hệ mở rộng, hệ tại chức; sau đại học có chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Ngoài ra trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho nhiều đối tượng học tập trong nước và sinh viên, học viên quốc tế.

Với bản lĩnh và tinh thần quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên, Trường ĐHTHHN đã mau chóng phát triển ổn định. Nhà trường đã hướng mọi hoạt động vào việc mở rộng quy mô đào tạo, hợp tác quốc tế, đến năm học 1992-1993 đã có trên 1 vạn sinh viên.

Qua một chặng đường dài phát triển, Trường ĐHTHHN đã khẳng định được vị trí hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, là đơn vị có tiềm lực khoa học mạnh, “xứng đáng là niềm tự hào chung của đất nước”. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ VII với chủ trương lấy phát triển KHCN làm nền tảng, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định phương hướng nhiệm vụ công tác của Trường ĐHTHHN lúc này là: “Giữ vững thế ổn định đã được xác lập để phát triển, phát triển trong thế ổn định và tiếp tục củng cố thế ổn định. Cần thận trọng cân nhắc toàn diện, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết trước khi thực hiện các bước thay đổi lớn”.

Chính trong thời điểm đó, một sự kiện lịch sử trọng đại đã xuất hiện, đưa lịch sử Trường ĐHTHHN sang một trang mới. Ngày 10/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập ĐHQGHN. Trường ĐHTHHN có vinh dự được chọn làm nòng cột cho việc thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. ĐHQGHN là sự tiếp nối của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng được nâng lên ở một tầm cao mới, với những kỳ vọng mới. ĐHQGHN ra đời trước nhu cầu bức thiết phải có một đại học hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển giáo dục đại học trình độ cao. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước kỳ vọng đây sẽ là “quả đấm thép” giúp tạo nên diện mạo mới của giáo dục đại học.

 Đại học Quốc gia Hà Nội - Những chặng đường phát triển
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   |