Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
60 năm Khoa Toán - Cơ - Tin học: Một biểu tượng của trí tuệ
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ thế hệ đầu tiên tiếp nối đến ngày nay, Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn đóng vai trò tiên phong đi đầu và là cái nôi của cả nước trong đào tạo cử nhân toán học, đào tạo học sinh năng khiếu, đào tạo tiến sĩ và đào tạo cử nhân khoa học tài năng, góp phần hình thành, thiết kế diện mạo và thúc đẩy sự phát triển của nền toán học Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐHQGHN, Cổng TTĐT ĐHQGHN đã phỏng vấn PGS.TS Lê Minh Hà - Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, một trong những Khoa gắn liền với sự ra đời của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau đây là nội dung trao đổi:

- Mốc đầu tiên của việc thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN được tính từ khi nào, thưa Trưởng Khoa?

Xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của sự nghiệp xây dựng đất nước và đấu tranh thống nhất nước nhà, kết hợp nhu cầu trước mắt, lâu dài và yêu cầu phát triển khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, ngày 4/6/1956, Chính phủ đã ra quyết định số 2183/TC thành lập 5 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN ngày nay.

Thi hành quyết định của Chính phủ, ngày 4/9/1956, Bộ Giáo dục đã ra Nghị định số 775-ND bổ nhiệm Giám đốc nhà trường, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các Khoa Tự nhiên và Khoa Xã hội. Bộ máy nhân sự đầu tiên của Khoa Toán vận hành và chính thức đi vào hoạt động sau Quyết định này.

Khu Đại học Việt Nam ở số 19 Lê Thánh Tông Hà Nội là cơ sở đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi làm việc của Ban Giám đốc của các khoa và là nơi học tập của sinh viên. Khu Việt Nam học xá ở phố Bạch Mai là nơi ở của sinh viên nội trú.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó là GS. Lê Văn Thiêm, người đã từng bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học hạng A tại trường Đại học Göttingen (Đức) năm 1945 và đến năm 1948 bảo vệ luận án Tiến sĩ Quốc gia về Toán tại Pháp. Năm 1949, ông trở về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Trong thời gian đầu, GS. Lê Văn Thiêm làm Phó Giám đốc Đại học Tổng hợp phụ trách chuyên môn kiêm Chủ nhiệm Khoa Tự nhiên gồm các ngành: Toán - Lý - Hóa - Vạn (Vạn ở đây tức là vạn vật, tiền thân của ngành Sinh học ngày nay).

Bài báo Beitrag zum Typenproblem der Riemannschen Flächen (Về vấn đề phân loại diện Riemann) của GS. Lê Văn Thiêm đăng trên tờ Commentarii mathematici Helvertici năm 1947 chính là công trình toán học đầu tiên của người Việt Nam công bố trên tạp chí quốc tế. Có thể xem năm 1947 là năm mở đầu cho Lịch sử toán học Việt Nam hiện đại, và thật đáng tự hào khi Toán học Việt Nam tham gia với Toán học thế giới bằng một “công trình đầu tay” có ý nghĩa lịch sử!

Giáo sư Lê Văn Thiêm ghé thăm các học trò đang học tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov năm 1961

Chủ nhiệm Khoa thứ hai, nhiệm kỳ 1961- 1968, là GS. Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi tiếng thế giới. GS. Hoàng Tụy là tác giả của công trình quan trọng đánh dấu sự phát triển của một hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết tối ưu. Ông đồng thời là tác giả một trong những cuốn sách giáo khoa về Toán cho bậc đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả hai sản phẩm khoa học này đều được Giáo sư viết trong thời kỳ cả Khoa đang sơ tán lên rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên những năm 1960.

Các giảng viên Toán đầu tiên của Khoa là các Thầy: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Thúc Hào, Khúc Ngọc Khảm, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Hoàng Phương, Phó Đức Tố, Nguyễn Văn Chù, Nguyễn Thừa Hợp, Lê Minh Khanh, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Ðường, Trần Văn Hạo, Nguyễn Bác Văn... cùng nhiều nhà toán học khác.

Các giảng viên đầu tiên của Khoa cũng là những nhà khoa học, nhà toán học xuất sắc của Việt Nam, là những tấm gương về sự tận tụy và tận tâm với khoa học và giảng dạy. Tên tuổi và công trình của các thầy cô đã đi vào lịch sử khoa học nước nhà. Nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Toán - Cơ - Tin học sau này luôn coi các thầy cô là tấm gương để học hỏi và phấn đấu, trưởng thành.

- Từ Khoa Tự nhiên thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đến Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN ngày nay có nhiều sự thay đổi và phát triển. Ông có thể cung cấp thông tin sơ lược về hành trình 60 năm qua với những thay đổi về tên gọi của Khoa gắn với mục tiêu đào tạo qua mỗi thời kì?

Như tôi đã nói ở trên, việc ban hành Nghị định số 775-ND của Bộ Giáo dục ngày 4/9/1956 về bổ nhiệm nhân sự Chủ nhiệm Khoa Tự nhiên, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được coi là mốc đầu tiên của việc hình thành và phát triển Khoa Toán - Cơ - Tin học. Ngày 22/10/1961 theo đề nghị của Giám đốc nhà trường, Bộ Giáo dục ra quyết định số 705/QĐ chia Khoa Tự nhiên thành 3 khoa: Khoa Toán - Lý, Khoa Sinh vật và Khoa Hóa. Khoa Toán - Lý lớn mạnh nhanh chóng và đến năm học 1964 - 1965 lại được tách thành 2 khoa: Khoa Toán và Khoa Vật Lý.

Năm 1970, Khoa Toán được đổi tên thành Khoa Toán - Cơ, sau khi Cơ học đã trở thành ngành đào tạo chính thức của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1987, Khoa chính thức đổi tên thành Khoa Toán - Cơ - Tin học. Khoa là đơn vị đầu tiên của cả nước giảng dạy môn Máy tính và lập trình cho sinh viên, triển khai từ năm 1963.  

Năm 1993, Khoa Toán - Cơ - Tin học đào tạo thí điểm ngành Toán - Tin ứng dụng và năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đào tạo chính thức mã ngành này. 

- Theo ông, đâu là sự khác biệt trong công tác đào tạo ngành Cơ học và Tin học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học với các cơ sở đào tạo khác? Chẳng hạn như ngành Cơ học tại Viện Cơ học hay Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN? Hoặc giữa ngành Tin học với các ngành Khoa học máy tính hay Công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo khác?

Chương trình đào tạo Toán-Cơ kéo dài 4 năm.  Chương trình hai năm đầu giống chương trình dành cho sinh viên ngành Toán. Với kiến thức toán học vững chắc có được từ hai năm học đầu tiên, hai năm cuối sinh viên Toán-Cơ tập trung tiếp thu các kiến thức cơ học được diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên Toán-Cơ ngoài kiến thức toán học, kiến thức cơ học gốc rễ và nền tảng, trải dài từ cơ học lý thuyết đến cơ học của các môi trường liên tục... Đó là hai đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa cử nhân Toán-Cơ của Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN với các cử nhân Cơ học tốt nghiệp các trường đại học kỹ thuật khác. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên Toán-Cơ có thể giảng dạy cơ học cũng như toán học tại các trường đại học kỹ thuật, nghiên cứu các bài toán liên quan đến cơ học tại các viện nghiên cứu.

Hai ngành đào tạo đại học của Khoa gắn liền với Tin học là ngành Toán-Tin ứng dụng và ngành Máy tính và Khoa học thông tin đều có những đặc thù của Khoa Toán - Cơ - Tin học, khai thác thế mạnh của Khoa trong các lĩnh vực Toán học, Toán ứng dụng và Xác suất-Thống kê. Cũng như các đơn vị đào tạo khác về Công nghệ thông tin, hai ngành này có các học phần chung cung cấp các kiến thức cơ bản của lĩnh vực Công nghệ thông tin nhằm cung cấp cho sinh viên khả năng xây dựng các công cụ, chương trình máy tính phục vụ ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học và đời sống. Ngành Toán-Tin ứng dụng cung cấp cho sinh viên những kiến thức toán học nền tảng vững chắc và các kiến thức chuyên sâu về toán ứng dụng cũng như thống kê, rèn luyện sinh viên khả năng phát triển các phương pháp luận, mô hình trong các lĩnh vực tính toán hình thức, bảo mật thông tin, tính toán mềm v.v.  Ngành Máy tính và Khoa học thông tin đào tạo sinh viên có khả năng ứng dụng các kiến thức khoa học máy tính và khoa học tính toán nói chung để giải quyết các vấn đề về tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm thông tin, phát hiện thông tin và tri thức từ dữ liệu, đặc biệt là cung cấp các kiến thức chuyên sâu khai thác thế mạnh của khoa học thống kê trong khoa học thông tin.

- Trong chặng đường phát triển, Khoa Toán - Cơ - Tin học thực hiện nhiệm vụ đào tạo lớp Toán đặc biệt (mang ký hiệu A0), sau này phát triển thành Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Xin ông cho biết rõ hơn về mốc phát triển này?

Thi hành lệnh sơ tán khỏi Thủ đô, từ tháng 8/1965, Khoa Toán theo trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyển về huyện Đại Từ (Bắc Thái), nay là huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Khoa Toán khi đó là GS. Lê Văn Thiêm và GS. Hoàng Tụy đã đề xuất ý tưởng về việc thành lập một lớp Toán “đặc biệt” dành cho học sinh THPT nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những học sinh năng khiếu Toán học để tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học ở trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Ngay lập tức, ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của GS. Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Phạm Hùng thay mặt Thủ tướng ký quyết định thành lập lớp chuyên Toán A0. Đây không chỉ là lớp chuyên đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà còn là lớp năng khiếu đầu tiên trong cả nước.

Khối A0 trước đây và Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên hiện nay đã đóng góp xuất sắc vào việc bồi dưỡng, phát triển nhân tài trong lĩnh vực Toán học và Tin học cho đất nước. Qua thời gian, các thế hệ thầy và trò của chuyên Toán A0 đã mang lại 3 thành quả quan trọng với giáo dục nước nhà: Đào tạo nhân tài Toán học cho đất nước; Tạo nên môi trường làm toán, nghiên cứu với mức độ tập trung và chất lượng cao, hình thành lực lượng Toán học nòng cốt; Đem lại niềm tự hào cho đất nước, tự tin cho dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao Huân chương Độc lập hạng nhì cho lãnh đạo Trường PTTH Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN (năm 2015)

Năm 1993, Khối A0 được giao thêm nhiệm vụ đào tạo học sinh năng khiếu về Tin học và đổi tên thành Khối phổ thông Chuyên Toán - Tin. Đến năm 2010, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) được thành lập trên cơ sở thống nhất các Bộ môn THPT chuyên của trường theo Quyết định số 2695/QĐ-UBND ngày 14/06/2010 của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Trong suốt hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Khối đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh, có những đóng góp xuất sắc cho ngành Toán học nước nhà và quốc tế. Đến nay, học sinh của Khối đã đạt được gần 120 Huy chương Olympic quốc tế, trong đó có 35 Huy chương Vàng, 44 Huy chương Bạc và 35 Huy chương Đồng. Tổng số huy chương quốc tế mà học sinh của Trường THPT Chuyên KHTN giành được chiếm khoảng 1/3 tổng số huy chương toàn quốc, trong đó đóng góp của Khối chuyên Toán - Tin là trên 50%. Bên cạnh đó, học sinh của Khối còn đạt nhiều thứ hạng cao tại Olympic Toán và Tin học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

- Trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam ghi nhận, Khoa Toán - Cơ - Tin học là nôi bồi dưỡng nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với sự kiện Việt Nam có người bảo vệ luận án TS và TSKH đầu tiên tại Khoa. Điều này có ý nghĩa gì đối với quá trình đào tạo của Khoa sau này, thưa ông?

Tôi cho rằng với sự bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (tương đương với tiến sĩ hiện nay) của NCS. Hoàng Hữu Đường  năm 1974 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong định hướng và thực hiện mục tiêu đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài của Khoa kể từ khi thành lập cho đến nay.

Giáo sư Hoàng Hữu Đường, Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Giải tích, cũng là người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ (tương đương với học vị tiến sĩ khoa học hiện nay) trong nước vào năm 1982.

Ngay từ những năm 1960, Khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài ứng dụng trong thực tiễn. Cán bộ và sinh viên Khoa Toán đã đi tiên phong trong việc ứng dụng vận trù học trong giao thông vận tải và sản xuất, ứng dụng xác suất lập bảng bắn cho pháo binh, ứng dụng cơ học để tính toán thông số kỹ thuật cho cầu treo và cầu dây. Tuy Khoa còn non trẻ nhưng vẫn có những hướng nghiên cứu mạnh. Thời gian sau này, đội ngũ cán bộ khoa học của Khoa tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có nhiều nhóm cấp ĐHQGHN.

Trong số các công trình công bố phải kể đến công trình Concave programming under linear constraints của GS. Hoàng Tụy, năm 1964, được đăng trong Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ngày nay, giới khoa học quốc tế gọi phương pháp tiếp cận trong công trình nền móng đó là Lát cắt Tụy, mở đầu cho lý thuyết tối ưu toàn cục. Năm 1965, những kết quả chính trong luận án Tiến sĩ (PTS) được thầy Phan Đức Chính bảo vệ thành công tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov đã được tổng kết trong cuốn sách chuyên khảo Интеграл, мера и производная viết chung với GS hướng dẫn Shylov, nhà xuất bản Nauka (Liên Xô) phát hành và được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Tiệp Khắc...

Năm 2013, công trình công bố trên Tạp chí Mathematische Annalen  của GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng, với công trình dài 40 trang công bố trên Tạp chí Mathematische Annalen, đã vinh dự là một trong hai người được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu về khoa học cơ bản lần thứ nhất.  

Tập thể Khoa Toán - Cơ - Tin học chúng tôi tự hào là những người đi tiên phong, những người đặt những bước chân đầu tiên trong nhiều lĩnh vực của đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo hiện nay, Khoa vẫn luôn cố gắng giữ được những chuẩn mực nghiêm túc của một nền giáo dục đại học ở tầm vóc quốc tế. 

- Ông có thể nói gì về sinh viên Cử nhân Khoa học Tài năng Toán học - nét đặc hữu trong đào tạo, duy nhất chỉ có ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN?

Đối với các nước phát triển, Khoa học cơ bản là xương sống để giữ vững vị trí siêu cường của họ, còn đối với các nước đang phát triển, việc phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không và có đuổi kịp các nước phát triển hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó xây dựng một nền Khoa học cơ bản vững mạnh và đúng hướng là rất quan trọng. Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học khoa học cơ bản là sự đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Sở hữu đội ngũ chuyên gia về khoa học cơ bản có chất lượng vượt trội so với các đại học khác trong nước và có tầm quốc tế, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN có sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài.

Sinh viên K57 nhận bằng tốt nghiệp

Thực hiện sứ mệnh ấy, với sáng kiến của GS. TSKH. Đào Trọng Thi, lúc đó là Giám đốc ĐHQGHN Hà Nội, năm 1997, Khoa Toán  - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN đã tổ chức đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng ngành Toán học khóa đầu tiên. Thông qua triển khai đào tạo chương trình Cử nhân Khoa học Tài năng, Khoa Toán - Cơ - Tin học đã tiếp nhận công nghệ giáo dục tiên tiến, tăng cường năng lực NCKH trong một số lĩnh vực, đào tạo một lực lượng lao động giỏi cả về chuyên môn và ngoại ngữ, giúp người học có cơ hội tiếp cận với phương tiện, giáo trình và phương pháp giảng dạy tiên tiến trong một số ngành lựa chọn…

- Thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thời gian qua là rất đáng tự hào, còn chặng đường tiếp theo của Khoa dự kiến sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?

Tôi muốn dẫn lại lời phát biểu của Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức tại lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Đó là, từ thế hệ đầu tiên tiếp nối đến ngày nay, Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn đóng vai trò tiên phong đi đầu và là cái nôi của cả nước trong đào tạo cử nhân toán học, đào tạo học sinh năng khiếu, đào tạo tiến sĩ và đào tạo cử nhân khoa học tài năng góp phần hình thành, thiết kế diện mạo và thúc đẩy sự phát triển của nền toán học Việt Nam; góp phần đưa Toán học thành biểu tượng trí tuệ của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, của ĐHQGHN, của nền Toán học nước nhà và nền khoa học Việt Nam.

Tập thể cán bộ Khoa Toán - Cơ - Tin học năm 2016

Khoa Toán - Cơ - Tin học sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và văn hóa sáng tạo, phát triển vững chắc theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần đưa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng và ĐHQGHN nói chung trở thành một đại học định hướng nghiên cứu nhóm 100 châu Á vào năm 2020.

Đó là mục tiêu lớn mà tập thể các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và sinh viên của Khoa cùng Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN sẽ chung sức, chung lòng và phát truy trí tuệ cùng thực hiện.

Chúng tôi nhận thấy rằng, thuận lợi có nhiều song cũng còn không ít thách thức đối với cả thầy và trò của Khoa.

Trước mắt, những thách thức đối với Khoa đang còn nhiều, trong đó vấn đề tuyển sinh. Chúng tôi luôn trăn trở và tìm giải pháp để thu hút được những sinh viên có phẩm chất và năng lực tốt. Cùng với đó là việc đào tạo để sinh viên tốt nghiệp tại Khoa là những người nắm vững kiến thức, chủ động phát huy được năng lực của bản thân và đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng. 

Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn khác để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra: điều kiện để các giảng viên - nhà khoa học chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công bố nhiều công trình khoa học, sản phẩm ứng dụng trong đời sống.

Để giải quyết những khó khăn này, chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào những đóng góp của các thầy cô đã bao năm kinh nghiệm và gắn bó với Khoa. Tôi vui mừng khi thấy Khoa Toán - Cơ - Tin học ngày nay là một tập thể các giảng viên trẻ trung về tuổi đời, đang độ sung sức của mặt trí tuệ, đầy nhiệt huyết, với nhiều hoài bão nghiên cứu khoa học.

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho tập thể, cán bộ khoa Toán-Cơ-Tin học

Trong những tháng ngày chuẩn bị cho ngày hội của Thầy và Trò của Khoa Toán - Cơ - Tin học vừa qua, Khoa đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, trí tuệ và sức lực của đông đảo các anh chị em cựu học sinh, sinh viên. Nhiều bạn cựu sinh viên đã ngày đêm cùng chúng tôi “ăn 60 năm, ngủ 60 năm”, chăm lo từng chi tiết cho ngày hội Khoa.

Tôi vẫn nghĩ rằng sợi dây gắn kết giữa các cựu sinh viên của Khoa có lẽ không chỉ bởi vì những bài học kiến thức mới mẻ, hay tình bạn keo sơn trong những năm tuổi trẻ học đại học, mà còn bởi sự đồng cảm của những người đã từng có những giây phút say mê đi tìm cái đẹp và chân lý. 

Tập thể Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn tin tưởng rằng 60 năm với bề dày truyền thống cùng những bài học lịch sử xây dựng và phát triển đã góp phần tạo nên sức sống và nội lực của Khoa ngày hôm nay.

Trân trọng cảm ơn Trưởng Khoa Lê Minh Hà về cuộc trao đổi vừa qua.

 Ngọc Diệp - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   |