Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện đề án thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN”
Ngày 28/12/2016, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện đề án thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN”.

Tham dự hội thảo có các Phó Giám đốc ĐHQGHN: Nguyễn Hoàng Hải, Lê Quân; cùng đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng của ĐHQGHN và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội thảo, PGS.TS Trịnh Quốc Toản – Quyền Chủ nhiệm Khoa Luật trình bày Đề án Thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN.

Đề án nêu rõ, Giáo dục đại học trong lĩnh vực pháp luật ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, trình độ cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Cho đến nay, các trường đại học luật ở nước ta chủ yếu trọng tâm đào tạo cán bộ về pháp luật phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, tuy nhiên vẫn chưa hình thành một cơ sở đào tạo đại học ngành luật định hướng nghiên cứu xứng tầm khu vực, có khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của nước ta.

Việc thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở Khoa Luật phù hợp với Chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đó là: trở thành một trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, trong đó, một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và KH-XH mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến hàng đầu châu Á.

Cùng với đó, việc thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN nhằm bù đắp khoảng trống hiện nay trong đào tạo luật ở nước ta, đó là thiếu các trường đại học nghiên cứu có khả năng đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao, trình độ cao, tạo lập nguồn chuyên gia đầu ngành về pháp luật cho đất nước; đồng thời có khả năng sáng tạo, truyền bá tri thức pháp lý bên cạnh nghiên cứu cơ bản, khả năng xây dựng trường phái học thuật về luật học; và năng lực cung cấp những ý kiến tư vấn chuyên sâu, những giải pháp pháp lý mang tính chiến lược cho Nhà nước để giải quyết những vấn đề và thách thức đặt ra ngày càng nhiều trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đề án xác định, sứ mệnh của Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN là: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về pháp luật; truyền bá tri thức pháp lý; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về luật học; tư vấn, phản biện và cung cấp dịch vụ pháp lý có giá trị cao cho Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Trường ĐH Luật cung cấp các sản phẩm đào tạo trình độ cao, chất lượng cao, phát huy thế mạnh cung cấp các sản phẩm đào tạo dựa trên nền tảng của khoa học cơ bản, liên ngành. Đến năm 2020, quy mô đào tạo đại học ổn định là 1.800 người, tỷ lệ đào tạo sau đại học chiếm trên 30%, quy mô đào tạo hệ chất lượng cao đạt tối thiểu 20%, liên kết quốc tế đạt 5-10%. Trường phấn đấu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu luật học hàng đầu của Việt Nam, đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN, trong đó có ít nhất 30% chuyên ngành được kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).

Về khoa học và công nghệ, Trường tập trung phát triển các sản phẩm nghiên cứu khoa học hướng tới nhu cầu của nhà nước và xã hội, có khả năng ứng dụng, triển khai thực tế và đáp ứng yêu cầu chủ động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế. Đồng thời, hình thành trường phái khoa học pháp lý của Trường trên cơ sở các nhóm nghiên cứu mạnh hiện có.

Các đại biểu tham dự đã bày tỏ sự vui mừng và nhất trí tán thành chủ trương và sự cần thiết nâng cấp Khoa Luật thành Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN. Các đại biểu đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện văn bản dự thảo Đề án thành lập Trường.

Ông Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh, Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN hiện đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện để nâng cấp thành Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN. Khoa Luật là cơ sở đào tạo nguồn chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật và khoa học pháp lý của Việt Nam. Vị thế, cơ chế, mô hình tự chủ của ĐHQGHN cùng tiềm lực về con người, những thành quả trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa cho thấy tính khả thi trong việc phát triển thành Trường.

“Việc xây dựng và hoàn thiện đề án cũng như các văn bản pháp lý khác để thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN cần bám sát chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức -  Biên chế, Bộ Nội vụ khẳng định.

Kết luận hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Đề án thành lập Trường ĐH Luật được xây dựng công phu, có cấu trúc hợp lý, đảm bảo sức thuyết phục. Tuy nhiên, Tổ soạn thảo Đề án cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội thảo để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện.

Giám đốc đề nghị, Tổ soạn thảo Đề án thành lập Trường ĐH Luật cần cân nhắc về quy mô tổ chức của Trường. Theo đó, Trường có quy mô gọn nhẹ, tinh giản về cơ cấu tổ chức, áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến, thực hiện liên thông, liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội khác trong và ngoài ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQGHN cũng nêu rõ, dựa vào thế mạnh của ĐHQGHN và nền tảng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hiện nay của Khoa Luật, sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Luật trong tương lai có sự khác biệt với sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học khác trong cả nước. Người tốt nghiệp tại Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN sẽ có tư duy pháp lý mang tính hệ thống cao, kiến thức cơ bản về pháp lý vững chắc, đồng thời có kiến thức về triết học, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn toàn diện. 

 

Khoa Luật (tiền thân là Khoa Pháp lý) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1087/QĐ ngày 30/7/1976 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT). Khoa Luật là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất của nước ta được giao nhiệm vụ chính trị là đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học ở thời điểm đó.

Ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 405-CP về việc thành lập Trường ĐH Pháp lý Hà Nội, trên cơ sở thống nhất Khoa Pháp lý, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý thuộc Ủy ban Pháp chế Chính phủ.

Ngày 23/7/1986, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra Quyết định số 1994/KH về việc mở thêm một số ngành học mới, trong đó có ngành Luật ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Việc tái thành lập Khoa Luật đã làm gia tăng tính tổng hợp, đa ngành trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1995, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ra đời từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Khoa Luật trở thành một Khoa của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 1996, Khoa Luật được kiện toàn về tổ chức với 05 bộ môn: Bộ môn Lý luận – Hành chính – Nhà nước; Bộ môn Tư pháp; Bộ môn Luật Kinh tế - Lao động; Bộ môn Luật Dân sự; Bộ môn Luật Quốc tế.

Ngày 7/3/2000, Giám đốc ĐHQGHN ký Quyết định số 85/TCCB thành lập Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Luật thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đánh dấu một bước phát triển mới của Khoa Luật theo định hướng hình thành Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN.

Ngày 13/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản số 1806/TTg-KGVX về việc phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Luật thuộc ĐHQGHN.

Trường ĐH Luật được thành lập trên cơ sở Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN sẽ là trường thành viên thứ 8 của ĐHQGHN. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo Điều lệ trường đại học, Quy chế Tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên và Quy định về Tổ chức và hoạt động của các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.

Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, nhu cầu nguồn nhân lực pháp lý cần bổ sung cho đất nước rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020, cần có thêm 18.000 luật sư, 17.000 cán bộ pháp lý cho các cơ quan tư pháp ở địa phương, 22.000 cán bộ cho ngành Tòa án, hàng chục ngàn nhân lực khác cho các chức danh nghề nghiệp như công chứng viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án. Việc đáp ứng số lượng nhân lực pháp lý còn cấp bách hơn nếu thực hiện đúng Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có từ 1-2 cán bộ pháp luật.

 Hương Giang - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   |