Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trường ĐH KHXH&NV phát triển với tinh thần khai phóng, đổi mới và sáng tạo
Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Trường ĐHKHXH&NV với những đổi mới về bộ máy lãnh đạo và cơ cấu tổ chức. Cùng với những thay đổi ấy là nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển chung của toàn trường. GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - cho biết: Tinh thần khai phóng, đổi mới và sáng tạo sẽ tiếp tục là những giá trị cơ bản mà Nhà trường theo đuổi trong chặng đường phát triển sắp tới.

- Nhìn lại năm 2016, GS đánh giá đâu là kết quả đáng ghi nhận nhất mà tập thể Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được?

Tôi nghĩ kết quả quan trọng nhất mà Nhà trường đã đạt được là sự chuyển giao bộ máy lãnh đạo mới cùng công tác sắp xếp tổ chức của Trường đã diễn ra thuận lợi và tốt đẹp. Bộ máy tổ chức mới vẫn đảm bảo sự ổn định, kế thừa và bước đầu đem lại những kết quả theo hướng tích cực. Ban Giám hiệu mới và lãnh đạo quản lý các phòng ban chức năng cùng các đơn vị trực thuộc có sự đồng tâm, nhất trí cao trong thực thi những kế hoạch, nhiệm vụ mới của Trường. Đặc biệt, sự thay đổi này không gây ra xáo trộn hay mâu thuẫn trong nội bộ, vẫn phát huy được sức mạnh đoàn kết của cả tập thể cho những mục tiêu lớn lao hơn của Nhà trường trong tương lai. Tôi cho đó là thành quả quan trọng nhất và có tính chất nền tảng cho những đổi mới sắp tới.

Có những sự thay đổi khác về cơ cấu tổ chức như: sáp nhập Phòng Đào tạo và Phòng Đào tạo Sau đại học thành Phòng Đào tạo, qua đó thống nhất công tác quản lý hoạt động đào tạo của Nhà trường; đổi tên Phòng Đối ngoại và Hợp tác Đào tạo quốc tế thành Phòng Hợp tác và Phát triển để mở rộng thêm chức năng và nhiệm vụ phù hợp với xu hướng mới. Trong năm qua, Nhà trường cũng thành lập Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc tách ra từ Khoa Triết học, nâng số đơn vị đào tạo của Nhà trường lên 16 khoa và một bộ môn trực thuộc.

Nhà trường cũng ngày càng chú trọng hơn đến công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh mới với slogan mới “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” (Honoring the Past, Embracing the Future.) Qua đó, lãnh đạo Nhà trường muốn truyền đi thông điệp về giá trị, bề dày truyền thống của Nhà trường cho đội ngũ cán bộ và sinh viên, từ đó nâng cao lòng tự hào, sự gắn kết, trách nhiệm và vững tin vào tương lai.

- Được biết công bố quốc tế trong khoa học vẫn là một hướng đi được chú trọng trong những năm gần đây của Nhà trường, GS có thể chia sẻ thêm về điều này ?

Công bố quốc tế trong khoa học là một chỉ số mức độ hội nhập khu vực và quốc tế hoá của Nhà trường, đồng thời là thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học. Trong những năm qua, Nhà trường đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích, động viên việc công bố quốc tế của cán bộ. Nếu năm 2010, mức thưởng một bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học nói chung là 5 triệu đồng, thì năm nay, mức thưởng cho một bài báo trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI/SCOPUS) đã lên đến 15 triệu đồng. Nếu năm 2010, tổng số công trình công bố quốc tế của cả trường mới chỉ là 7 bài, thì năm 2016, con số này đã là 50 công trình, trong đó có 06 bài báo thuộc danh mục ISI và Scopus.

Tuy nhiên, cái “được” lớn nhất là Nhà trường đã góp phần thay đổi được nhận thức và quan niệm của xã hội về công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng hội nhập về khoa học xã hội và nhân văn khó khăn hơn so với các ngành khoa học khác. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng các công bố của Nhà trường thì có thể thấy rằng đây là điều hoàn toàn có thể. Quan trọng là có chính sách và cơ chế tốt, có sự vinh danh ghi nhận đúng mức sự đóng góp của các nhà khoa học, qua đó khích lệ được sức sáng tạo của họ. Đối với người làm nghiên cứu thì vinh danh còn quan trọng hơn tiền bạc. Cái họ cần là môi trường tự do học thuật và sự ghi nhận những kết quả nghiên cứu. Công bố quốc tế đang dần dần trở thành thói quen và là nét văn hoá mới trong hoạt động học thuật của Trường.

Bên cạnh đó, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường chỉ sau một năm hoạt động đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xếp vào danh mục các tạp chí khoa học uy tín, được tính 1 điểm mỗi bài. Hiện nay, Tạp chí KHXH và NV của Nhà trường mỗi năm xuất bản 6 số, trong đó có 2 số tiếng Anh. Hội đồng biên tập của Tạp chí gồm những nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Quy trình phản biện các bài báo khoa học khá chặt chẽ, với sự phản biện độc lập của hai nhà khoa học có uy tín. Mục tiêu của Tạp chí là lọt vào danh mục các tạp chí khoa học Scopus vào năm 2020.

Trường cũng đăng ký tham gia vào ASEAN Science Citation Index - bộ chỉ số trích dẫn khoa học ASEAN. Trong tương lai, các công bố khoa học của cán bộ Nhà trường sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trong danh mục tra cứu và trích dẫn của khu vực. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của Nhà trường trong mục tiêu quốc tế hoá và hội nhập ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

- Có thể thấy đổi mới và hội nhập là những từ khoá quan trọng trong mục tiêu phát triển của nhà trường. Vậy ở các lĩnh vực khác của Nhà trường thì điều này thể hiện như thế nào thưa GS?

Dấu ấn đổi mới và hội nhập cũng thể hiện ở nhiều thành quả khác của Trường trong năm qua. Về đào tạo, Nhà trường đã rà soát và điều chỉnh lại quy trình đào tạo các bậc, theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo xuống sao cho hiệu quả, khoa học, tránh trường hợp sinh viên phải kéo dài việc học chỉ vì các yếu tố kỹ thuật. Với triết lý lấy người học làm trung tâm, khâu quản lý và phục vụ đào tạo cũng được yêu cầu phải thay đổi theo hướng chủ động và nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn. Một điểm sáng nữa là trong năm nay đã có hơn 20 giáo viên đăng ký giảng dạy các học phần của mình bằng Tiếng Anh. Đây cũng là một xu hướng được Nhà trường khuyến khích, qua đó nâng cao trình độ ngoại ngữ của cả giảng viên và sinh viên, tiến tới thu hút nhiều hơn nữa sinh viên quốc tế theo học. Trong năm qua, Nhà trường cũng tiến hành kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN đối với CTĐT ngành Triết học, sau khi chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học và Đông phương học đã kiểm định theo chuẩn AUN đạt kết quả tốt. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 08 CTĐT bậc ĐH được kiểm định theo chuẩn AUN.

Năm nay cũng là năm hoạt động hợp tác quốc tế phát triển mạnh thể hiện số lượng văn bản hợp tác đã ký lên đến trên 250. Trong số các đối tác ký văn bản hợp tác với Nhà trường có thể kể đến ĐH Zurich (Thuỵ Sỹ), ĐH Rikkyo, ĐH Kobe (Nhật Bản), ĐH Cologne (CHLB Đức), ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc)…  Tháng 12 vừa qua, Nhà trường đã hỗ trợ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Nhiều dự án hợp tác quốc tế được triển khai tốt, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thực chất như Dự án “Tăng cường năng lực đổi mới và nghiên cứu quôc gia tại Việt Nam” (ENHANCE) do Chương trình Erasmus+ trực thuộc Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án có sự tham gia của 6 trường đại học Việt Nam và 03 ĐH châu Âu. Dự án gồm 07 gói hoạt động cụ thể với hàng loạt các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng nghiên cứu, đổi mới tại Việt Nam, đưa ra các giải pháp hỗ trợ các ĐH Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới, nghiên cứu và chuyển giao KHCN. Tiếp theo là “Dự án tập huấn Đảm bảo chất lượng nội bộ khu vực Đông Nam Á” với sự tham gia của nhiều đối tác như DAAD, AQAN, AUN, ENQA, HRK, SEA…; Cuối cùng có thể kể đến là “Dự án Nghiên cứu về ASEAN” do EU tài trợ cho 3 trường đại học ASEAN và 7 trường đại học của EU. Ngoài ra, các dự án khác do các đối tác truyền thống như Viện Konrad Adenauer và Viện Rosa Lucxemburg tài trợ đều duy trì tốt hiệu quả hoạt động.

- Vậy còn những thách thức trong năm tới thưa GS ?

Thách thức thì rất nhiều, nhưng có lẽ quan trọng nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và có tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 buộc chúng ta phải thay đổi rất nhiều, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đến thay đổi tư duy quản trị đại học, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, hợp tác quốc tế.

Tiếp theo là thách thức về chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học và năng lực đội ngũ cán bộ. Mặc dù Nhà trường có số lượng đề tài NCKH nhiều và có số cán bộ khoa học đạt chuẩn TS, GS, PGS khá cao, với 11 GS, 95 PGS và 121 TS, nhưng số lượng công bố khoa học có uy tín nói chung, công bố quốc tế nói riêng lại chưa tương xứng với số lượng đề tài và tiềm năng của đội ngũ này. Số cán bộ có công bố quốc tế chỉ bó hẹp trong số 25-30 người, tức là chỉ khoảng 25% cán bộ trình độ cao có khả năng công bố quốc tế. Trong số nhiều nguyên nhân thì ngoại ngữ vẫn là một trong những rào cản khó xoá bỏ trong thời gian ngắn. Nhà trường kỳ vọng mỗi PGS/GS của trường mỗi năm công bố được một công trình quốc tế.

Thách thức thứ ba là ở khâu quản trị đại học, làm sao phát huy được sức sáng tạo, tinh thần chủ động và trách nhiệm trong công việc của mỗi cá nhân. Quản trị đại học cần được thực hiện theo hướng tổ chức hợp lý, khoa học, minh bạch thông tin, gắn liền quyền lợi với trách nhiệm, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra hiệu suất lao động cao trong đội ngũ cán bộ.

Thách thức cuối cùng cũng cần phải nhắc đến là làm sao thúc đẩy được hoạt động truyền thông, tạo dựng hình ảnh cho Nhà trường, qua đó phát triển được nguồn lực, xây dựng các chương trình hợp tác với địa phương, doanh nghiệp, tạo sự kết nối chặt chẽ và tương tác cao giữa Nhà trường và xã hội.

- Vậy GS Hiệu trưởng có thể chia sẻ mong muốn của mình trong năm tới ?

Tinh thần khai phóng và đổi mới, sáng tạo sẽ tiếp tục là những giá trị cơ bản mà Nhà trường theo đuổi trong chặng đường phát triển sắp tới. Chúng ta không thể ngồi đợi mà cần phải chủ động, thay đổi chính mình. Không còn cách nào khác, từ lãnh đạo, cán bộ đến sinh viên Nhà trường phải nỗ lực sáng tạo không ngừng để đưa Nhà trường phát triển bền vững.

Thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Đại học Quốc gia Hà Nội, sự đóng góp tâm huyết của đội ngũ cán bộ, sinh viên, học viên cao học và NCS đã tạo nên một năm thành công vừa qua của Trường ĐHKHXH&NV. Tôi mong rằng trong năm tới, những nỗ lực và công sức của các cô, các thầy sẽ đem lại những thay đổi toàn diện, sâu sắc hơn nữa trên các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường.

Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, tôi xin gửi đến Quý cô, quý thầy, các đồng nghiệp, bạn bè và sinh viên của Nhà Trường nói  riêng, ĐHQG Hà Nội nói chung, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất: sức khoẻ,hạnh phúc và thành công.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 Thanh Hà (thực hiện) - Bản tin số 310-311
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   |