Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Bách khoa thư Địa chất - Đôi điều ghi được từ GS.TSKH Tống Duy Thanh
Gần đây Nhà xuất bản ĐHQGHN mới phát hành bộ sách Bách khoa thư Địa chất(*) với sự chủ biên của 3 nhà khoa học gồm GS.TSKH Tống Duy Thanh cùng GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Trần Nghi. Nhân dịp này, Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với GS.TSKH Tống Duy Thanh.

>>> Bộ sách Bách khoa thư địa chất của NXB ĐHQGHN đoạt Giải sách Quốc gia năm 2018

- Thưa Giáo sư, xin ông cho biết đôi điều về Bách khoa thư nói chung và Bách khoa thư Địa chất nói riêng.

Trước hết ta hãy cùng tìm hiểu ngắn gọn về Bách khoa thư

Thuật ngữ Bách khoa thư – Encyclopedia trong các ngôn ngữ Phương Tây có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp cổ là “ἐγκυκλοπαιδεία” (enkyklios paideia), trong đó enkyklios có nghĩa là vòng quanh, có hàm nghĩa là “phổ biến rộng rãi”, Theo Denis Diderot mục đích của Bách khoa thư là “thu thập và phổ biến kiến thức cho nhân loại, tạo dựng một hệ thống kiến thức cho mọi người đang sống, và truyền chúng cho những thế hệ sau”.

Bách khoa thư (Encyclopædia) cung cấp thông tin về tri thức chung hoặc một chuyên ngành. Khác với Từ điển là loại sách chỉ cung cấp những thông tin ngắn gọn của tri thức thuộc các lĩnh vực khác nhau, Bách khoa thư cung cấp thông tin hoàn chỉnh và có hệ thống về các chủ đề theo các đơn vị mục từ.

Bách khoa thư và Từ điển Bách khoa

Từ điển Bách khoa (ví dụ Từ điển Bách khoa Việt Nam – 1995, 2002, 2003, 2005) cung cấp những tri thức ngắn gọn về mọi lĩnh vực, tất cả các mục từ đều sắp xếp theo trật tự abc và không theo hệ thống các chủ đề.

Hiện nay phổ biến loại Bách khoa thư cung cấp tri thức hoàn chỉnh và có hệ thống theo các mục từ và các chủ đề. Mỗi chủ đề gồm nhiều mục từ được biên soạn hoàn chỉnh, diễn giải đầy đủ như một bài giảng. Chính vì vậy người ta nói Bách khoa thư như một “Trường Đại học không có tường bao”. Bách khoa thư Địa chất (Encyclopedia of Geology. Elsevier Academic Press, 2005) được biên soạn theo thể loại Bách khoa thư này.

Tuy vậy giữa Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư có mối liên hệ hữu cơ, trong nhiều Từ điển Bách khoa có những mục từ dài và viết khá hoàn chỉnh, trong khi đó Bách khoa thư cũng có những mục từ độc lập và ngắn gọn giống với mục từ của Từ điển Bách khoa. Như vậy, giữa Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư có mối liên hệ giao hội. Có thể ví hai loại này như hai vòng tròn giao hội nhau, khoảng giao hội của hai vòng tròn là nội dung giống nhau của hai loại, khoảng còn lại là đặc thù riêng cho từng loại (xem hình minh họa).

Bách khoa thư hay Bách khoa toàn thư?

Người Trung Quốc cho rằng với “Tứ khố toàn thư” chủ yếu là về văn học, xuất hiện thời Triều Tống (960-1279) nên Trung Quốc là nơi có “Encyclopedia” sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Có lẽ vì thế họ ưa dùng thuật ngữ Bách khoa thư có chữ “toàn” – Bách khoa toàn thư. Nhưng bộ 74 quyển theo từng chuyên ngành của “Bách khoa toàn thư Trung Quốc”, được biên soạn từ cuối thế kỷ XX đến nay vẫn là những quyển riêng và chưa thể tổng hòa, hợp nhất thành một bộ Bách khoa thư mà Trung Quốc gọi là Bách khoa toàn thư. Vì thế, giới chuyên gia về Bách khoa thư (Encyclopedia) quốc tế vẫn chưa coi Trung Quốc đã có Bách khoa thư.

Hiện nay thuật ngữ Encyclopedia (tiếng Anh), Encyclopédie (tiếng Pháp), Энциклопедия (tiếng Nga) được chuyển ngữ sang tiếng Việt là Bách khoa thư hoặc Bách khoa toàn thư. Trong khi đó bộ sách Bách khoa thư Hà Nội gồm 17 quyển chính là một dạng “Encyclopedia”.

Có thể là tên gọi Bách khoa toàn thư Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhưng người Trung Quốc dùng chữ “toàn thư” là họ muốn giữ truyền thống “Tứ khố toàn thư” và đó là việc riêng của họ. Đối với người Việt lại khác, việc dùng cụm từ Bách khoa toàn thư để chuyển ngữ Encyclopedia ra tiếng Việt là vừa dài vừa không chuẩn. Cũng nên lưu ý thêm là người Việt thích nói ngắn nhưng đủ nghĩa hơn là nói dài. Thay vì nói đi Hải Phòng, đi Thái Nguyên, vào Thanh Hóa thì người Việt thích nói đi Phòng, đi Thái, vào Thanh, v.v... Người Miền Nam càng thích nói gọn hơn, họ dùng từ nội thay cho ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại được nói gọn là ngoại.

Trong lần trò chuyện trước khi đi xa, GS. Hà Học Trạc, người đề xuất thuật ngữ Bách khoa toàn thư, thấy khó giải thích có tính thuyết phục về sự thừa của chữ toàn trong cụm từ Bách khoa toàn thư nên ông im lặng hồi lâu, rồi mới nói “nhưng dù sao tôi vẫn thích dùng thuật ngữ Bách khoa toàn thư”!

Bách khoa thư Địa chất là công trình của tập thể gồm 116 nhà khoa học, cả trong nước và quốc tế, ở nhiều trình độ khác nhau thực hiện trong nhiều năm. Đa số các nhà khoa học đầu ngành địa chất của Việt Nam đã được cuốn hút vào đội ngũ đồng tác giả của công trình. Ngoài ra, do có một số chuyên môn mà Việt Nam chưa có chuyên gia nên một số nhà khoa học nước ngoài cũng là đồng tác giả, trong đó có Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp – Philippe Janvier.

Khi nhận nhiệm vụ làm chủ biên tôi rất lo lắng bởi việc tập hợp được những trí tuệ hàng đầu vào đây là việc rất khó. Điều may mắn là khi được mời, các đồng nghiệp đều nhiệt tình tham gia.

Thay mặt các đồng chủ biên là GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Trần Nghi, tôi đặc biệt cảm ơn ĐHQGHN đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học Địa chất chúng tôi cùng làm việc, có thành quả chung trong công trình này. Nhân dịp này tôi cũng xin cảm ơn các nhà khoa học đã tham gia thực hiện, đóng góp cho thành công của công trình Bách khoa thư Địa chất.

Bộ sách Bách khoa thư Địa chất do Nhà xuất bản ĐHQGHN ấn hành

- Lí do nào khiến việc tập hợp đội ngũ đông đảo các nhà khoa học thành công, thưa Giáo sư?

Nếu biết tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung thì những người làm khoa học dễ nói chuyện với nhau lắm, không phụ thuộc vào nghi lễ hành chính, nếu có sự đồng cảm trong khoa học là chúng tôi cùng say mê thực hiện công việc thôi. Có lẽ do tôi còn là một chủ biên may mắn, khi trước đây được thụ giáo ở Viện sĩ Sokolov B. S., Ủy viên Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Người thầy ấy nói với tôi thế này, bằng tiến sĩ (tức phó tiến sĩ = kandidat nauk ở Liên Xô và Nga hiện nay) xác nhận anh có khả năng làm nghiên cứu khoa học độc lập, còn khi là tiến sĩ khoa học thì anh phải có khả năng quy tụ được những người khác để cùng làm những công trình lớn. Lời dặn ấy của người thầy thấm vào tôi và là kim chỉ nam cho những hoạt động khoa học của tôi. Từ đó, phần lớn các công trình đã xuất bản, tôi đều cùng đồng nghiệp thực hiện.

- Cảm nhận của Giáo sư về công trình khi được xuất bản là gì?

Khi cầm công trình này trong tay, tôi có ấn tượng ban đầu là, trừ một vài sơ xuất, Bách khoa thư Địa chất có chất lượng in ấn rất tốt, đặc biệt là các hình minh họa. Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn Nhà xuất bản ĐHQGHN. 

Tôi nghĩ là ĐHQGHN có chủ trương rất tốt, có tầm nhìn dài lâu trong xây dựng các bộ Bách khoa thư chuyên ngành. Điều này cũng tiếp tục khẳng định rằng ĐHQGHN đã đi trước trong các xu hướng khoa học mới.

Nhiều người nghĩ rằng, công trình Bách khoa thư Địa chất được hoàn thành sau 5 năm, thực tế thì không hoàn toàn như thế. Từ những năm 90 của thế kỉ trước, Hội đồng chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa đã giao cho tôi chuẩn bị tổ chức biên soạn Bách khoa thư địa chất. Nhưng một thời gian sau đó, vì nhiều lí do khác nhau, công việc biên soạn Bách khoa thư không được tiếp tục triển khai.

Đến khi ĐHQGHN giao làm Bách khoa thư Địa chất thì tôi mừng lắm, bởi lẽ lực lượng cán bộ khoa học ngành Địa chất ngày càng ít dần đi. Chỉ trong hai thập kỷ 1990 đến 2010, ngành Địa chất Việt Nam đã có đến vài chục nhà khoa học thuộc loại đầu ngành đã ra đi vĩnh viễn hoặc không còn năng lực làm việc do quy luật sinh học – tuổi già sức yếu. Bách khoa thư Địa chất là một dịp vô cùng quí giá để tập hợp đội ngũ những nhà khoa học địa chất Việt Nam để cùng nhau lao động sáng tạo, công bố những tri thức về khoa học. Nếu chần chừ, không làm sớm thì không biết có còn đủ số các nhà khoa học đầu ngành để cùng làm một công trình chất lượng cao hay không.

GS. Tống Duy Thanh giới thiệu một tập trong bộ sách Bách khoa thư Địa chất

- Là tác giả và đồng tác của rất nhiều công trình khoa học, Giáo sư hài lòng với công trình nào nhất?

Xin nói với các bạn là dù cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình, xuất bản trong nước hay ở nước ngoài, song tôi chưa hài lòng với công trình nào cả. Kể cả công trình Bách khoa thư Địa chất, ngay khi mới in xong, tôi đã muốn chỉnh biên, bổ sung và cập nhật nội dung để hoàn thiện hơn. Tôi nghĩ, nhà khoa học tài ba đến mấy cũng khó có thể có một công trình không tỳ vết, không sai sót. Bách khoa thư là loại sách càng đòi hỏi sự cập nhật thường xuyên những cái mới để hoàn thiện hơn. Ngày nay nhờ phương tiện máy tính kết nối Internet, việc cập nhật thông tin khoa học thật là thuận lợi.

- Với vai trò là đồng chủ biên, xin Giáo sư cho biết nguyên tắc đặt ra khi biên soạn Bách khoa thư Địa chất là gì?

Trong vai trò chủ biên, điều tôi lo nhất là công tác biên tập, bởi các tác giả đều là những nhà khoa học có trình độ khoa học cao. Các nhà khoa học đều hay giữ quan điểm của mình, song khi làm một công trình chung thì việc thống nhất quan điểm và nội dung của công trình chung là điều tất yếu phải tuân thủ. Đây hoàn toàn không phải là sự thỏa hiệp mà là sự đồng thuận trên tinh thần tôn trọng khoa học. Rất may, trong quá trình biên soạn, giữa chủ biên và đồng tác giả không xảy ra sự mâu thuẫn về quan điểm và nội dung cốt lõi đã được đồng thuận từ sau khi thống nhất đề cương. Cũng trên nguyên tắc đồng thuận, các đồng chủ biên cùng làm việc rất hài hòa, ăn ý nhau, nếu cứ ông chẳng bà chuộc thì khó có thể có một sản phẩm tốt được. Chúng tôi phân công nhau đảm nhiệm những phần việc phù hợp với từng người, khi nào that cần mới phải gặp nhau để trao đổi về những vấn đề vướng mắc, nhưng cũng rất ít khi gặp trường hợp như vậy.

Một trong những quan điểm tiếp cận là trong công trình này không đưa những vấn đề còn tranh cãi, bởi đây là công trình phổ biến tri thức khoa học tới đối tượng là những người có trình độ từ phổ thông trung học trở lên. Cấu trúc địa chất của Việt Nam là một trong những vấn đề khó thống nhất ở công trình này. Tôi mời các nhà khoa học đầu ngành cùng ngồi với nhau để bàn cho ra nhẽ. Cần làm việc trên tinh thần tôn trọng khoa học, tôn trọng lẫn nhau để có những thống nhất chung.

- Ngoại ngữ và công nghệ thông tin là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc nghiên cứu khoa học của Giáo sư. Ông đã học chúng như thế nào?

Tôi sắm máy tính rất sớm. Cái máy đầu tiên tôi phải sắm bằng ngoại tệ có được khi đi thỉnh giảng ở Pháp vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Chức năng review trong word đã hỗ trợ rất hữu hiệu trong công việc biên tập. Các nội dung không đồng tình có thể ghi chú mà vẫn tôn trọng các ý kiến khác, không phải như bản giấy khi gạch xóa bản thảo, dễ gây hiểu nhầm. Với công cụ đồ họa thì tôi không thể tự vẽ được nhưng tôi có biết để còn sử dụng khi biên tập và chỉnh sửa.

Tác giả đồng ý hay không đồng ý thì dùng công cụ thảo luận (Comments) của chức năng Reviewing có trong các phần mềm soạn thảo văn bản.

Tôi không được học ngoại ngữ bài bản như nhiều bạn bè khác, nhưng trong nghiên cứu khoa học tôi có thể sử dụng tốt các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga. Đó là phương tiện để hội nhập khoa học quốc tế, tôi vừa làm vừa tự học thôi. Khi còn trẻ, tôi chỉ được học một ít tiếng Pháp ở bậc trung học, các thứ tiếng còn lại tôi học mót cả. Chút tiếng Pháp được học khi còn nhỏ tuổi tôi nhớ lâu lắm, chính vì thế, nay tôi khuyến khích con, cháu học ngoại ngữ khi còn trẻ.

Trong quá trình làm việc rồi viết bài đăng tạp chí quốc tế tôi nhận ra rằng nhu cầu học để viết bằng ngoại ngữ có tầm quan trọng đặc biệt. Cũng do đó có một chuyện thú vị là thời kỳ đầu ở Pháp các bạn đồng nghiệp nhận xét là tôi viết tiếng Pháp bằng miệng. Đó là do khi nói tôi cứ gò cho thật đúng văn phạm, tính động từ, v.v… như trong sách đã dạy mình

- Sử dụng cuốn Bách khoa thư Địa chất thế nào cho hiệu quả, thưa Giáo sư?

Bách khoa thư mà chỉ giở ra đọc thì không hiệu quả. Loại sách này có ý nghĩa tra cứu các nội dung khoa học như những tài liệu độc lập, giống như sách giáo khoa về vấn đề mình đang tìm hiểu.

Ta cũng nên biết là Từ điển khác Bách khoa thư. Các mục từ trong từ điển chỉ giải thích ngắn gọn (nếu là Từ điển giải thích), hoặc dùng từ để giải nghĩa từ (nếu là Từ điển song ngữ). Trong Bách khoa thư mục từ là đơn vị cung cấp nội dung tri thức hoàn chỉnh mà mình cần tra khảo. Ví dụ, mục từ Động đất trong Bách khoa thư cung cấp cho ta những nội dung khoa học về nguyên nhân và quá trình hình thành, sự chuyển động của động đất, cơ chế lan truyền, chuyển động, tốc độ, cường độ và khi nào động đất gây sóng thần, v.v… Còn từ điển song ngữ chỉ cho ta rằng thuật ngữ động đất trong tiếng Anh là thế này và tiếng Pháp là thế nọ, v.v...

Tôi cũng muốn nói thêm là Bách khoa thư Địa chất được biên soạn nhằm mục đích cung cấp thông tin hoàn chỉnh về nội dung khoa học trong mỗi mục từ, phủ khắp những nội dung chính, cốt lõi của Địa chất học. Điều này rất hữu ích cho mọi đối tượng có trình độ Trung học phổ thông trở lên, nó đặc biệt là công cụ tham khảo hữu hiệu cho sinh viên và nghiên cứu sinh của các trường Đại học có nhu cầu học hỏi, tra cứu về Địa chất học và khoa học Trái Đất nói chung. Bách khoa thư Địa chất cũng có vai trò quan trọng đối với những ai đang làm công tác quản lý và quy hoạch có liên quan với lĩnh vực khoa học về Trái Đất và tài nguyên lòng đất.

GS. Thanh trao đổi và giới thiệu một số công trình khoa học của mình với phóng viên

- Trong vai trò là giảng viên, Giáo sư tâm niệm thế nào về người Thầy - Giảng viên - Nhà khoa học ?

Tôi luôn nghĩ rằng, đạo lí của người làm thầy là đừng bao giờ nghĩ mình là thầy suốt đời của học trò. Còn chiều ngược lại, từ phía học trò - thì theo thuần phong mĩ tục của người Việt Nam lại có những qui tắc đạo đức khác, như “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôi đào tạo tiến sĩ không nhiều, nhưng những người tôi phát hiện và góp phần bồi dưỡng đều phát triển chỉn chu, nghiêm túc.

Tôi luôn luôn khuyến khích học trò làm cái mới và khác thầy để đóng góp vào sự phát triển của khoa học Việt Nam.

Tôi nay đã trên 80 tuổi rồi, có một điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ làm khoa học địa chất là ngành Địa chất có lịch sử hàng trăm năm nay và nguyên tắc phát triển của Địa chất học là phải dựa trên nền tảng gắn với những chuyên ngành gốc của nó như khoáng vật học, thạch học, địa tầng học, địa chất cấu tạo, v.v… Cũng tựa như người trồng rau, phải biết đến cái gốc, cái rễ của cây rau, nếu chỉ biết vào vườn ngắt lấy những đọt rau non thì không phải là người làm vườn tốt và sẽ không có nhiều rau ngon ăn hàng ngày, lại càng không có rau ngon cho mai sau.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi vừa qua.

Bách khoa thư Địa chất, Tủ sách Khoa học, Mã số: 137-KHTN-2014, 2 tập với khoảng 1500 trang với nhiều hình ảnh minh họa in 4 mầu do Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản tháng 1 năm 2017. Bộ sách có sự tham gia của hơn 116 nhà khoa học địa chất trong và ngoài nước do các giáo sư: Tống Duy Thanh, Mai Trọng Nhuận và Trần Nghi đồng chủ biên. Giá: 1.970.000đ.

>>> Các tin bài liên quan:

- Sách mới: Từ điển Khái niệm ngôn ngữ học

- Sách mới: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa – Tư liệu và sự thật lịch sử

 Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện) - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   |