Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn
Nhà xuất bản ĐHQGHN vừa xuất bản cuốn sách Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn, Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu lời nói đầu cuốn sách của nhà nghiên cứu Lê Thành Lân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) tới bạn đọc.

Chúng tôi biên soạn cuốn sách này nhằm quảng bá một phương hướng nghiên cứu mới về Truyện Kiều và cũng là để tôn vinh và để tri ân ba tác giả chính của cuốn sách:

- Học giả Hoàng Xuân Hãn – người chủ soái của trường phái này, mở đường cho một phương pháp nghiên cứu mới – năm 2000, Học giả được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn với cụm công trình “Lý Thường Kiệt”, “La Sơn Phu Tử” và “Lịch và Lịch Việt Nam”;

- PGS.TS Đào Thái Tôn – người đã kiên quyết, mạnh mẽ ủng hộ, bảo vệ và triển khai các luận điểm của Học giả - năm 2010 ông được nhận giải thưởng John Balaban của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm của Hoa Kỳ;

- GS. Nguyễn Tài Cẩn – người đã để chục năm cuối đời cặm cụi vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm phong phú về Ngôn ngữ học của mình vào nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo hướng Học giả Hoàng Xuân Hãn vạch ra – năm 2000, Giáo sư được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình “Ngữ pháp tiếng Việt – tiếng từ ghép, đoản ngữ”, “Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt” và “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt”.

Đến nay, chúng ta không còn một bản Kiều nào còn tự tích của Nguyễn Du. Truyện Kiều đã được nhiều người, từ những năm đầu thế kỷ trước, phong tặng là “Quốc hồn, Quốc túy” của dân tộc chúng ta. Gần như mọi người dân Việt đều biết đến Truyện Kiều, đều thuộc một đôi câu hay cả một đoạn Kiều, có người còn thuộc làu cả cuốn Truyện Kiều. Truyện Kiều là một tác phẩm đã đi sâu vào lòng người, bởi vậy cũng khó có một bản Kiều nào được tất cả mọi người ưng thuận.

Truyện Kiều sẽ còn mãi là câu chuyện của nhiều đời sau, người ta đã bàn nhiều về Truyện Kiều và sẽ còn bàn luận mãi mãi. Người thì bàn về mặt văn chương, thi pháp, người thì bàn về giá trị tư tưởng, về giá trị đạo đức, người thì đố Kiều, người thì lẩy Kiều, dựng phim Kiều, lồng nhạc vào Kiều… Mỗi người bàn về Truyện Kiều dưới góc độ riêng của mình, mỗi người nghiên cứu Truyện Kiều trên một phương diện cá nhân và mỗi người nhận được từ Truyện Kiều nhiều điều bổ ích cho mình… Thế là xuất hiện một thực tế, ngày nay có nhiều người tham gia vào “xuất bản” Truyện Kiều, bằng cách chọn một bản Nôm bất kỳ nào đó, rồi cũng phiên âm, cũng chú thích, nên có quá nhiều bản Kiều Quốc ngữ khiến cho người đọc phân vân, lúng túng.

Cũng như mọi người, tôi đến với Truyện Kiều, rồi tôi tham gia bàn về Truyện Kiều. Chuyện ấy dường như ngẫu nhiên, do bạn tôi – PGS.TS Đào Thái Tôn, tặng tôi cuốn Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận của ông, tôi mải miết đọc mà không ngờ rằng về Truyện Kiều còn nhiều vấn đề để bàn luận, thế là tôi viết một bài, rồi tôi lại viết một bài nữa… Và tôi thật sự nhập cuộc. Dần dà tôi cũng có dăm ba bài được đăng. Năm 2003, PGS. Đào Thái Tôn đi Nga, tôi có gửi bài tôi viết về niên hiệu thứ nhất của Lê Nhân Tông và các bài có liên quan tới GS. Nguyễn Tài Cẩn, nhờ Giáo sư góp ý, được Giáo sư ủng hộ và chúng tôi trở nên quen nhau, thư từ qua lại, nhất là trao đổi các bài viết về Truyện Kiều. Cả GS. Nguyễn Tài Cẩn và PGS. Đào Thái Tôn đều nghiên cứu Truyện Kiều theo hướng mà Học giả Hoàng Xuân Hãn khởi xướng. Thật là ngẫu nhiên vì chính Học giả Hoàng Xuân hãn cũng là người mở đường và đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch cổ Việt Nam mà tôi đã đi theo mấy chục năm nay và đã thu được những kết quả đáng kể.

Năm 2009, GS. Nguyễn Tài Cẩn về thăm đất nước lần cuối, tôi cùng GS đến bệnh viện thăm PGS.TS Đào Thái Tôn – ông đang lâm bệnh nặng. Chúng tôi bàn nhau cùng ra cuốn sách với tựa đề là Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều theo phương pháp Hoàng Xuân Hãn.

Công việc sửa soạn (tập hợp, chuẩn bị văn bản) đang dang dở thì hai người ra đi: GS. Nguyễn Tài Cẩn mất ngày 25/2/2011, PGS. Đào Thái Tôn mất ngày 4/6/2011. Còn lại mình tôi, tôi đành gắng sức biên tập cuốn sách này. Nhưng vì sức người có hạn, thời gian rảnh rỗi còn lại rất ít, và cũng vì vướng bận vào một vài chuyên đề khác cần làm gấp, nay tôi mới hoàn thành được bản thảo này.

Suốt thế kỷ XX, bắt đầu từ Kiều Oánh Mậu, rồi đến Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, hầu hết mọi người đã nghiên cứu Truyện Kiều theo hướng làm cho nó “hay hơn”, tâm đắc với mình theo ý nghĩ chủ quan của bản thân, nên ngày càng xa văn bản gốc của Nguyễn Du. Nếu cứ tiếp tục như vậy, Truyện Kiều có nguy cơ trở thành một “cuốn truyện dân gian” với hàng trăm tác giả.

Học giả Hoàng Xuân Hãn từ lâu đã theo một hướng khác. Công việc nghiên cứu  Truyện Kiều của Học giả là nhằm tìm lại các câu các chữ của chính tác giả - mà Học giả gọi là “nguyên lời Nguyễn Du” – còn chúng tôi tâm đắc một điều là: “Nguyên tác là vàng”. Nếu ta tìm được một câu một chữ nào chắc chắn là của Nguyễn Du, đừng vội nghĩ rằng, tác giả viết sai, hoặc chưa đạt, dù ta chưa hiểu được, hãy cứ giữ nguyên như thế để mà tìm hiểu thêm và ghi chú rõ để người sau cùng tìm hiểu tiếp. Rất có thể là ta chưa hiểu tác giả, hoặc do lớp “bụi thời gian” đã che phủ mất, như ngôn ngữ đã biến đổi, nay ta không hiểu được hết từ ngữ của người xưa, hoặc do phương ngữ, hay do kỵ húy… khiến ta chưa hiểu trúng ý tác giả, hãy cố tìm cách để mà hiểu. Nếu biết được do kỵ húy hay phương ngữ thì hãy chú giải rõ điều đó. Dù sao đi nữa, những gì là của Nguyễn Du, thì ta hãy trả lại cho Người, chúng ta chỉ nên ghi nhận mà thôi.

Muốn thế phải làm thế nào?

Phải tìm các văn bản cổ, càng cổ càng quý hoặc văn bản in từ một bản gốc rất cổ. Tiếp thu ý kiến của Học giả, nhiều nhà sưu tầm tự giác hay không tự giác đã tìm đến các bản chữ Nôm xưa, thi nhau cho in chụp các bản Nôm cũ cùng với cách phiên âm của mình, nhờ thế ngày nay giới nghiên cứu và đông đảo độc giả có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều văn bản khác nhau. Song, tới nay, ta chưa tìm được văn bản nào có tự tích của Nguyễn Du. PGS.TS Đào Thái Tôn chứng minh: “Không có “Bản Phường” (Với nghĩa là bản Kiều do Phạm Quý Thích đưa in)”, “Không có “Bản Kinh” Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in” và “Bản Tiên Điền” của cụ Nghè Mai cũng không có tự tích của Nguyễn Du, có cơ nó chỉ là bản chép lại từ bản Nôm của Kiều Oánh Mậu! Chỉ bằng vào việc phân tích, chúng ta cần tìm trong các văn bản đã tìm được xem bản nào gần với Nguyễn Du hơn. Tới nay, chúng ta đã tìm được các văn bản sớm là bản Liễu Văn Đường 1866 (bị mất nhiều trang, nên không đầy đủ), bản Liễu Văn Đường 1871, bản Duy Minh Thị 1872. Giờ đây, đó là hai bản đang được coi trọng nhất. Chúng ta cần dùng các phương pháp khác nhau để khảo cứu kỹ chúng. Học giả Hoàng Xuân Hãn chọn ra 8 bản Kiều để làm bản Kiều tầm nguyên. Đáng tiếc, từ ngày Học giả mất vào năm 1996, đã ngót hai chục năm nay, bản Kiều tầm nguyên vẫn chưa được in ra. May mà trước khi Học giả mất, bà Thụy Khuê có thực hiện được một loạt buổi phỏng vấn. Trong số đó, một phần ba thời lượng Học giả dành để nói về việc nghiên cứu Truyện Kiều. Nhờ đó, chúng ta còn biết được mục đích và cách thức Học giả làm. Chúng tôi xem bài đó là kim chỉ nam mở đường và xin đặt bài đó lên đầu cuốn sách này (bài số 1: Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu Kiều). Độc giả đọc bài đó tất rõ. Và cuốn sách đang nằm trên tay các bạn này tập hợp các bài viết của những người thừa nhận chịu ảnh hưởng của Cụ đã triển khai và phát triển tinh thần của bài trả lời phỏng vấn đó. Hai người tiên phong đi theo Học giả là PGS.TS Đào Thái Tôn và GS. Nguyễn Tài Cẩn.

Tháng 3 năm 1997, Tạp chí Văn học đăng bài Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều do “Hoa Lục Bình sao trích theo tài liệu của Hội Cam Tuyền”, bài này đã lấy lại đầy đủ các câu trả lời của Học giả, chỉ lược bỏ các câu hỏi của bà Thụy Khuê. Ngay lập tức ông Nguyễn Quảng Tuân có bài Một vài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều của cố học giả Hoàng Xuân Hãn đăng trên tạp chí Văn học số 6/1997. PGS. Đào Thái Tôn liền có các bài viết “bênh vực” bài của Học giả, cuộc tranh luận bắt đầu… Sau này, Phó Giáo sư đưa “cuộc tranh luận” đó vào cuốn Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận. Vì cuốn sách này, PGS. Đào Thái Tôn bị kiện, một vụ án văn chương hy hữu, không đáng có trong văn giới, đã kết thúc bằng việc Phó Giáo sư được trắng án. Các bạn văn của ông mừng cho ông và coi đó là thắng lợi chung. Vụ án văn chương ấy lấy đi nhiều thời gian và sức lực của Phó Giáo sư. “Họa vô đơn chí”, sau đó ông lại lâm bệnh nặng, kéo dài. Lúc này, Phó Giáo sư vừa chống cực với bệnh tật, vừa tập trung vào hoàn thành đề tài nghiên cứu về Hồ Xuân Hương (may mà trước lúc đi xa, ông đã kịp hoàn thành đề tài này), vừa hướng vào khảo sát bản Liễu Văn Đường 1871 và hoàn thành cuốn sách thứ hai Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều – Bản Liễu Văn Đường 1871. Bởi thế, thực sự Phó Giáo sư không đủ thời gian để dành cho cuốn sách thứ hai này. Ở cuốn thứ nhất, Phó Giáo sư đã theo gợi ý của Học giả Hoàng Xuân Hãn mà chứng minh Phạm Quý Thích và sau này Tự Đức không cho in bản Kiều nào, và bản Kiều Nôm mà cụ nghè Mai sở hữu chỉ là bản chép lại từ bản Kiều Oánh Mậu mà thôi, khỏi phải trông chờ vô vọng vào ba văn bản đó, mọi người nên chú tâm khảo cứu các bản Kiều Nôm cổ nhất đã được phát hiện. Ở cuốn thứ hai, Phó Giáo sư đã đề xuất và triển khai vận dụng phương pháp mà ông gọi là “phong cách văn tự tác giả” để khảo cứu bản Liễu Văn Đường 1871. Phó Giáo sư cũng không có nhiều thời gian để viết các bài nghiên cứu hướng đến nội dung cuốn sách này cũng như nêu rõ những luận cứ được dùng. Với lập luận: Những bản Nôm nào không có ai can thiệp vào (biên tập, san cải, hiệu đính, nhuận sắc…) là bản có khả năng ít bị sửa chữa theo ý kiến chủ quan của một người nào đó và nhờ thế chúng gần với nguyên tác của Nguyễn Du, cũng vì vậy Phó Giáo sư đã coi trọng bản Liễu Văn Đường 1871 hơn cả và ông tập trung vào khảo cứu bản này.

Ngược lại, GS. Nguyễn Tài Cẩn lại coi bản Duy Minh Thị 1872 được in từ một bản gốc cổ hơn bản gốc của bản Liễu Văn Đường 1871 và do đó quý hơn. Giáo sư tập trung nhiều hơn vào bản này. Âu thế cũng là một cái lợi cho người sau: PGS. Đào Thái Tôn, GS. Nguyễn Tài Cẩn, mỗi người đi sâu khảo cứu kỹ một văn bản được coi là những văn bản có tầm quan trọng.

GS. Nguyễn Tài Cẩn là nhà ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam, Giáo sư có lợi thế rất lớn, ông đã tập trung để khoảng chục năm cuối đời mình “đem tri thức ngôn ngữ học ứng dụng vào việc tìm hiểu cái gọi là ngôn ngữ văn học của nước ta. Đã định đi theo hướng nghiên cứu này thì không thể không chuyên sâu vào Truyện Kiều”. Theo gợi ý của Học giả Hoàng Xuân Hãn, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã vận dụng kiến thức về kỵ húy, lúc đầu từ chữ húy thời đầu nhà Nguyễn, sau đến chữ húy thời cuối Lê – Trịnh rồi cả chữ húy thuộc nhà Tây Sơn, Giáo sư khảo cứu cả phương ngữ Nghệ Tĩnh, phương ngữ Huế, Nam Bộ theo đường truyền bản của bản Duy Minh Thị, rồi phương ngữ Hà Nội theo đường truyền bản của bản Liễu Văn Đường. Giáo sư làm việc miệt mài, dường như biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều mà muốn truyền hết kiến thức và kinh nghiệm của mình cho lớp người sau. Giáo sư viết liền ba cuốn sách về “Tư liệu Truyện Kiều…” vào các năm 2002, 2004, 2008 và hơn ba chục bài báo. Các bài báo này là để chuẩn bị cho việc ra sách và sau khi mỗi cuốn sách ra đời thì viết các bài như để nêu rõ những thao tác cụ thể đã làm. Một khối lượng công việc đáng nể: Lúc đầu Giáo sư tập trung khảo cứu bản Duy Minh Thị 1872, nhưng không bỏ qua việc đối chiếu với bản Liễu Văn Đường 1871, về sau (và theo một tập hồ sơ Giáo sư đã làm từ trước) Giáo sư đã khảo cả 9 bản Kiều; mỗi bản trung bình 3254 câu, mỗi câu trung bình 7 chữ = ((6+8)/2), vậy là phải kiểm kê đối chiếu so sánh khoảng 22 vạn 5 ngàn từ. Một con số cực lớn!... Giáo sư có nhận định: “trên tổng số 22.778 chữ (3254 x 7) của Truyện Kiều, tính đến cuối thế kỷ 19, còn khoảng trên hai vạn ba trăm chữ được giữ nguyên như vậy. Nói một cách khác, nếu lấy chữ làm đơn vị tính toán, thì khoảng 90% kho từ ngữ của cụ Nguyễn Du vẫn được tôn trọng, in thống nhất trong cả 9 bản. Sự khác biệt giữa chúng chỉ thể hiện ra ở khoảng hơn 10% của văn bản mà thôi”… Giáo sư còn rút ra: “Có đến 1300 “bài toán” (chữ) có đáp số tương đối đáng tin cậy, chỉ có 650 “bài báo” (chữ) còn treo; trong số đó Giáo sư đề nghị khoảng 420 trường hợp phục nguyên theo truyền bản cổ nhất, và vào khoảng 230 trường hợp phục nguyên theo đa số các bản còn lại. Giáo sư viết đây chỉ là gợi ý “khai phá”, nhưng rõ ràng đã cho chúng ta thấy những “tiêu điểm” cần tập trung trí tuệ vào giải quyết rốt ráo vấn đề.

Giáo sư nhận xét có sự khác nhau giữa 900 câu ở phần đầu và các câu ở phần sau, Giáo sư “sơ bộ đi đến nhận định”: Việc “cắt ra” thành hai giai đoạn sáng tác của Nguyễn Du ở thời điểm khoảng 1785 – 1787 gắn với hai phần, mà phần đầu với khoảng 900 câu đầu tiên là phần đã được phác thảo trước năm 1786. Phần còn lại về sau Tác giả đã đem về quê vợ ở Thái Bình để viết tiếp, Đến cuối khoảng 1787 – 1790 thì Tác giả đã hoàn thành cơ bản công việc diễn Nôm toàn bộ tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.

Khi chỉ có một mình trong số ba người chủ trương làm cuốn sách này, tôi nghĩ có lẽ mình phải thay anh PGS. Đào Thái Tôn – như chúng tôi đã bàn trước đây – để viết Lời dẫn, nhưng nay tôi thấy không cần có Lời dẫn nữa và thay vào đó tôi viết Lời giới thiệu này. Nói nhẹ nhàng cho tôi hơn, và cũng rộng đường cho mỗi độc tự tìm hiểu muôn màu ngàn sắc trong cuốn sách này. Ở đây tôi xin phép không bàn đến các bài viết của các tác giả khác mà chỉ điểm xuyết đôi ba điều về ba tác giả chính đã quá cố và đóng góp quan trọng nhất cho cuốn sách. Trong thời gian biên tập kép dài, tôi có viết hai bài ngắn (chỉ được phép viết trong khuôn khổ khoảng 1500 chữ) cho Hội nghị “Thông báo Hán Nôm học”, một bài cho Hội nghị “Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa” như những dòng tưởng niệm về các vị đi trước đã quá cố. Mỗi bài dường như viết riêng về từng người, nhưng thật ra chúng đều hướng đến cả ba vị. Dung lượng hai bài ở “Thông báo Hán Nôm học” ngắn do khuôn khổ bị giới hạn, chỉ có bài cho Hội nghị “Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa” là chi tiết, tôi xin xếp các bài này vào loạt bài tôi chọn riêng của mình là các bài LTL 10, 11, 12. Độc giả nào chưa thỏa mãn với Lời giới thiệu này, hoặc muốn có thêm thông tin, xin đọc thêm các bài đó. Ngoài các tác giả chính đã sắp xếp ở phần I và II và đầu phần III, trong sách còn có các bài của các tác giả khác, như: Nguyễn Văn Hoàn, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Tuấn Cường, Hà Thị Tuệ Thành, Nguyễn Thế, Phan Anh Dũng, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Hữu Sơn và một bài của nhóm Nôm Na nêu một vấn đề rất mới, rất đáng quan tâm là vận dụng máy vi tính lập nên một cơ sở dữ liệu về chữ Nôm Truyện Kiều để mọi người cùng khai thác.

Nhân viết Lời giới thiệu này, tôi đau buồn thông báo ba tác giả của cuốn sách này mới từ biệt chúng ta đi xa: PGS. Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch BCH TW Hội Kiều học Việt Nam mất ngày 17/6/2015, PGS. Vũ Đức Phúc mất ngày 29/7/2015 và PGS.TS Nguyễn Đăng Na mất ngày 7/11/2014. Tiếc là các ông không kịp được thấy cuốn sách này.

Tôi tin chắc rằng: Nếu chúng ta tiếp thu các kết quả khảo cứu và những gợi ý của PGS. Đào Thái Tôn và GS. Nguyễn Tài Cẩn, rồi theo “Phác thảo phương hướng biên khảo bản “Truyện Kiều” tầm nguyên tập giải trong điều kiện mới” của TS. Nguyễn Tuấn Cường, đồng thời tận dụng và phát triển kho dữ liệu của nhóm Nôm Na nêu trong bài Năm Phiên bản “Truyện Kiều” và những vấn đề phân tích nguyên bản, chắc chắn chúng ta sẽ thu được kết quả mỹ mãn, thỏa mãn được nhiều yêu cầu hiện nay. Công việc này cần tập hợp được nhiều người cùng chí hướng vào làm việc trong một dự án với một khoảng thời gian tập trung không lâu.

PGS. Nguyễn Văn Hoàn viết: “Tôi đã đi tìm vàng, nhưng chỉ mới thu được quặng… hi vọng là các bạn đồng nghiệp khác sẽ tiếp tục công việc tra cứu nhằm khôi phục lại nguyên tác của thi hào Nguyễn Du”. Chúng tôi cho rằng, Học giả Hoàng Xuân Hãn, bằng một con đường riêng của mình, trong nhiều năm ở nửa cuối thế kỷ trước đã cặm cụi tìm ra những hạt vàng đầu tiên thể hiện trong Kiều tầm nguyên, chỉ tiếc rằng đến nay sách này vẫn chưa in được. Cũng may, nhờ bài Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu Truyện Kiều mà những tư tưởng của Học giả sớm đến được lớp sau như GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS. Đào Thái Tôn và một vài nhà nghiên cứu khác. Cái mầm Học giả ươm, đã bắt đầu ra hoa kết trái, GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS. Đào Thái Tôn đã tìm thấy thêm những hạt vàng. Để làm nên “bông hồng vàng” – “nguyên lời của Nguyễn Du” còn cần nhiều công sức và nhiều trí tuệ của lớp người sau để làm sáng lên viện ngọc của Nguyễn Du. Đáng tiếc là, một khuynh hướng mới, dường như một trường phái mới đang hình thành, thì GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS. Đào Thái Tôn ra đi đột ngột. Thật là một tổn thất lớn! Để phần nào bù đắp khoảng trống đó, cũng là để tưởng nhớ tới các vụ đi trước mở đường, chúng tôi cho ra đời cuốn sách này, như một sự tri ân, như một lần sơ kết, tạm gom góp những gì người trước đã đạt được và mong những nhà nghiên cứu khác đón nhận, coi đây là một điểm tựa chắc chắn cho công việc tiếp theo để chúng ta ngày càng tìm được gần nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Do sức lực có hạn, thời gian eo hẹp, có thể việc biên tập của tôi còn có chỗ sơ sót, xin được độc giả lượng thứ và góp cho ý kiến. Xin chân thành cảm ơn.

Cuốn sách gồm 3 phần (Phần 1: Mở đường, Phần 2: Khẳng định, Phần 3: Triển khai) với gần 90 bài nghiên cứu của các tác giả - những người thừa nhận chịu ảnh hưởng của Học giả Hoàng Xuân Hãn về công việc nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Cuốn sách là xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng. In 1500 cuốn, khổ 16x24, số xuất bản: 3593-2016/CXBIPH/04-304/ĐHQGHN, ngày 19/10/2016. Quyết định xuất bản số: 71 KH-XH/QĐ-NXBĐHQGHN, ngày 23/12/2016. In xong và nộp lưu chiểu năm 2016.

 Nhà nghiên cứu Lê Thành Lân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   |