Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh với “bùa” Nga và Huy chương Pushkin
Tôi và hầu hết những người mới gặp PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh lần đầu tiên, không thể nghĩ năm nay cô đã 80 tuổi. Cô đẹp và nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Hàng ngày, cô thường vào Facebook để cập nhật thông tin và tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Rất nhiều lần cô cập nhật thông tin về các hoạt động liên quan đến nước Nga trên trang cá nhân của mình.

Tổng thống Nga V.Putin trao Huy chương Pushkin và tặng hoa chúc mừng PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh

Ngày 4/11/2017, cô là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận Huy chương Pushkin từ Tổng thống Nga Putin, tại Điện Kremlin. Những người bạn thân thiết của cô nói, đây là lần trở về quê hương đặc biệt nhất của “bà Liên Xô” Nguyễn Tuyết Minh. Bởi hơn ai hết, những người gắn bó với cô hiểu đất nước Nga và văn hóa Nga là một phần sâu lắng nơi trái tim cô.

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba cô là Tướng Nguyễn Chánh – nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh liên khu V, mẹ là cụ bà Phạm Thị Trinh – một lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Ủy viên tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Tuyết Minh đã chịu nhiều thiệt thòi. Tuổi thơ của cô gắn liền với những tháng ngày dài ở nhà chăm lo cho đám em nhỏ để ba mẹ đi hoạt động cách mạng xa nhà. Giờ nhớ lại quãng ấy, cô bảo, quãng tuổi thơ không được đến trường nên đến khi có cơ hội là chuyên tâm học tập lắm.

Năm 1953, khi 15 tuổi, cô con gái đầu lòng của Tướng Nguyễn Chánh –Nguyễn Tuyết Minh ròng rã nhiều tháng, vượt quãng đường từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội, rồi tiêp tục đi bộ lên chiến khu Việt Bắc, rồi đến Khu học xá Nam Ninh.

Một thời gian ngắn sau đó, năm 1954, lần đầu tiên cô đặt chân đến nước Nga cùng 99 lưu học sinh Việt Nam khác. Gần 2 năm sau đó, 80 người trở về nước và công tác trong lĩnh vực phiên dịch. 20 người còn lại, trong đó có cô tiếp tục học tập tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lê-nin nay là Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va, với mục tiêu trở thành những nhà nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga.

Năm 1961, hoàn thành chương trình cử nhân ngữ văn, cô Nguyễn Tuyết Minh trở về Việt Nam, nhận công tác tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Cô bắt đầu những tháng ngày lên lớp giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ Nga – thứ “bùa mê” ám ảnh và gây nghiện suốt quãng đời làm việc của cô sau này. Cô đến với nước Nga, tiếp nhận văn hóa Nga và ngôn ngữ Nga như một định mệnh. Được đào tạo bài bản tại Nga, một thời gian công tác, Nguyễn Tuyết Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga – cái nôi đào tạo nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học uy tín của quốc gia. Cô đã đảm nhiệm vị trí đó suốt 15 năm liền.

Cô luôn nói với các học trò của mình, tiếng Nga là một trong 5 ngôn ngữ quốc tế, vì vậy tiếng Nga có đầy đủ các yếu tố tương tự như các ngôn ngữ khác. Việc sử dụng tiếng Nga cũng rất dễ dàng trên máy tính. Tiếng Nga có sự chặt chẽ và tính logic cao, do vậy học tiếng Nga không chỉ là học được ngôn ngữ mà còn học được tư duy khoa học và hệ thống.

Cô ngẫm thấy, có lẽ “chất Nga” ấy ngấm vào người sau những giờ học tiếng nên những ai đã từng học tập và sinh sống tại Nga thường thành công trên con đường lập nghiệp sau này, dù họ có thể làm nghiên cứu, kinh doanh, nghệ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực chính trị, …

Nước Nga có một nền văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ. Học tập tại Nga không chỉ học ở trên giảng đường mà thông qua nhiều hoạt động đa dạng để tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ một cách tự nhiên. Cô chia sẻ, thời sinh viên của cô có những ngày dài trên thư viện cùng rạp chiếu phim và nhà hát.

Năm 1970, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và văn học Nga, tại Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va. Năm 1984, cô được phong chức danh phó giáo sư tại Việt Nam. Và 30 năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 2000, khi bước sang tuổi 62, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ngôi trường mà cô đã trải qua những năm tháng học tập bậc đại học và tiến sĩ. Đến thời điểm đó, Nguyễn Tuyết Minh là nữ tiến sĩ khoa học Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Ban đối chiếu của Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh dành tâm huyết công sức nhiều nhất cho bộ giáo trình tiếng Nga dành cho các học sinh chuyên ngữ và Bộ từ điển Việt-Nga. Bộ từ điển gồm 2 cuốn với 8 vạn từ, dày gần 2.500 trang đã cuốn mất 26 năm làm việc miệt mài của cô và các đồng nghiệp.

Nhà Nga ngữ học hàng đầu tại Việt Nam Bùi Hiền khẳng định: Bộ từ điển Việt – Nga không đơn thuần là cuốn Đại từ điển mà là Từ điển “vĩ đại” với 4 cái nhất: nhiều đơn vị từ vựng nhất (80.000 từ), nhiều thông tin nhất, sử dụng phổ biến nhất và được cập nhật từ mới nhiều nhất.

Còn với tác giả của cuốn từ điển này, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trân trọng sản phẩm hợp tác giữa 2 viện Hàn lâm Khoa học của Việt Nam và Nga này, bởi nhóm tác giả đã ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử từ điển song ngữ Việt Nam. Đó là lần đầu tiên cuốn từ điển sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh và tìm những điểm tương ứng giữa cả 2 ngôn ngữ, chứ không sử dụng phương pháp triết tự phổ biến trước đây. Phương pháp đối chiếu, so sánh ngôn ngữ khi làm từ điển song ngữ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhớ về những ngày làm từ điển, cô con gái út Mai Nguyễn Tuyết Hoa chia sẻ với tôi, “khi mẹ em làm cuốn từ điển này, nhà em chất đầy những mảnh ghép. Mẹ em và các cộng sự ngày đêm biên tập và chỉnh sửa từng mảnh ghép ấy rồi sắp sếp theo hệ thống, sau đó mới đem thuê đánh máy và tiếp tục biên chỉnh, hiệu đính. Suốt 26 năm làm từ điển và hơn 40 năm sống tại Nga đem đến cho mẹ em một thói quen làm việc cẩn trọng và tỉ mỉ. Giờ, ở tuổi 80 song mẹ em chỉ ngừng làm việc khi bị ốm”.

Trong tháng 11 gắn với nhiều sự kiện lịch sử của nước Nga, đồng hành với PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trong hành trình trở lại “quê hương” với chuyến đi đặc biệt đến Điện Kremlin chính là cô con gái út Tuyết Hoa. Nối bước những tháng ngày học tập phổ thông tại Nga, Hoa đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ngôn ngữ Nga tại Việt Nam. Cô hiện là người phụ trách Phòng đọc Thế giới Nga, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN. Đây là phòng đọc Nga đầu tiên tại Việt Nam và là phòng đọc thứ 47 trên toàn cầu. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là cố vấn khoa học của Phòng đọc này.

Phòng đọc Nga mang lại cơ hội học tập, nghiên cứu rất lớn cho những người sử dụng tiếng Nga nói riêng và cộng đồng người yêu tiếng Nga nói chung. Phòng đọc Nga là kết quả của Quỹ Thế giới Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập, nhằm thúc đẩy quảng bá tiếng Nga, hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Nga trên toàn thế giới. Quỹ đã hợp tác với các tổ chức giáo dục xây dựng các phòng đọc trong nỗ lực quảng bá rộng rãi ngôn ngữ, văn hoá Nga, đẩy mạnh đối thoại, tăng cường hiểu biết với các dân tộc khác.

Phòng đọc Thế giới Nga không chỉ đơn thuần là một cửa sổ mở vào thế giới văn hóa giàu có độc đáo của nước Nga, còn là cây cầu kết nối giới trí thức Việt Nam đã được Liên Xô đào tạo trước đây.

Phòng đọc Thế giới Nga là cầu nối đưa PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đến với Huy chương Pushkin năm 2017.

Không chỉ con gái mà cháu ngoại của PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh cũng đeo đuổi tiếng Nga, học tập tại trường Nga. Sự hưng thịnh đã qua của tiếng Nga không ảnh hưởng đến niềm tin của gia đình cô đối với ngôn ngữ và văn hóa Nga. Cô cho rằng cùng với tiếng Nga, trong thời kì công nghệ thông tin bùng nổ, lớp con và cháu cô học song hành cả tiếng Anh và sẽ có lợi thế của những công dân biết nhiều ngoại ngữ. Nga vốn là một cường quốc. Nền văn hóa và văn học của Nga vô cùng vĩ đại. Học tiếng Nga là học được sự logic và tính nhân văn.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và con gái TS. Mai Nguyễn Tuyết Hoa
- Giám đốc Phòng đọc Thế giới Nga, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Và hiện nay, một tuần của nữ PGS.TSKH tuổi 80 đều đặn với 4 ngày làm việc (mỗi ngày 5 tiếng) , 2 ngày sang thăm mẹ và 1 ngày đi chợ chuẩn bị thực phẩm cho cả tuần.

Chia sẻ về những kết quả có được hôm nay, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh bảo, bí quyết thành công nằm trong những câu ngạn ngữ Nga: "đi sẽ ắt phải đến. Làm sẽ được. Tìm sẽ tìm thấy ».

 

 Đỗ Ngọc Diệp - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   |