Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS. Furuta Motoo: “Xây dựng ĐH đa ngành, đa lĩnh vực và tập trung đầu tư nhà nước là con đường duy nhất để xây dựng ĐH nghiên cứu hàng đầu thế giới”
Trên đây là nhận định của GS Furuta Motoo – nguyên Phó Giám đốc ĐH Tokyo (Nhật Bản) và hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật thuộc ĐHQGHN trong buổi trò chuyện với Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN. Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và kỷ niệm 25 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, ông đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong phát triển đại học đẳng cấp thế giới của Nhật Bản và bài học rút ra cho Việt Nam, đồng thời, bày tỏ những mong muốn đóng góp của Trường ĐH Việt Nhật cho sự phát triển của ĐHQGHN cũng như cho phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

ĐHQGHN đã xây dựng được vị thế quốc tế xứng đáng

- Thưa GS, hiện nay hệ thống các trường đại học ở Nhật Bản được phân chia theo những tiêu chí như thế nào và mỗi nhóm trường lại có vai trò gì?

Trong hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản, các trường tư chiếm số lượng nhiều hơn, đến 77,5% tổng số trường và 73,4% tổng số sinh viên. Nhưng về mặt chất lượng, nhất là chất lượng nghiên cứu thì vai trò các trường đại học quốc lập rất lớn. Trong xếp hạng THE (Times Higher Education) năm 2018, có 10 trường đại học Nhật Bản vào top 500 thế giới và đây đều là các đại học quốc lập..

Hiện nay, ở Nhật Bản có 86 trường đại học quốc lập. Bộ Giáo dục Nhật Bản phân loại các trường đại học quốc lập vào 3 nhóm: Một là các trường nghiên cứu hàng đầu thế giới, gồm 16 trường; Hai là các trường đơn ngành có những lĩnh vực chuyên môn đặc sắc, nổi bật, có sức cạnh tranh tại Nhật Bản và trên trường quốc tế, gồm 15 trường; Ba là các trường đại học đóng vai trò tích cực vào phụng sự xã hội và cộng đồng địa phương, gồm 55 trường.

- Được biết ĐH Tokyo có vị trí khá đặc biệt và được đầu tư lớn của Nhà nước Nhật Bản, trên cương vị nguyên là Phó Giám đốc, GS có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này ?

ĐH Tokyo là đại diện đại học thuộc nhóm một và mô hình ĐH Tokyo là mô hình đại học được tập trung nguồn lực của nhà nước để xây dựng thành một đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. ĐH Tokyo ra đời vào năm 1877, từ đó đến ngày nay, suốt hơn 140 năm lịch sử, ĐH Tokyo luôn luôn là đại học nhận được hỗ trợ lớn nhất của nhà nước Nhật Bản.

Năm 2004, cùng với các trường quốc lập khác, ĐH Tokyo cũng được tự chủ hóa. Sau đó, hỗ trợ từ ngân sách cho kinh phí chi thường xuyên bị giảm mỗi một năm 1%. Đây là chính sách chung của Chính phủ cho tất cả các trường đại học quốc lập. Nhưng sau khi tự chủ, tổng thu của ĐH Tokyo không giảm mà tăng lên. Khoản đóng góp nhiều nhất vào việc tăng thu nhập là tiền nghiên cứu từ quỹ ngoài trường. Quỹ ngoài trường (Fund outside university) không có nghĩa là quỹ tư nhân. Theo con số năm 2016 thì gần 50% tiền nghiên cứu từ quỹ ngoài đến từ nguồn ngân sách nhà nước khuyến khích nghiên cứu khoa học. Năm 2016, 47.5% tổng thu ĐH Tokyo vẫn tiếp tục nhờ ngân sách nhà nước thông qua cơ chế cạnh tranh. Bản thân mức tổng thu tăng lên, nên nếu so sánh trước và 15 năm sau, tập đoàn hóa số tiền đến từ ngân sách Nhà nước cho ĐH Tokyo đã tăng lên, chứ không phải là giảm đi. Đây chứng tỏ ưu ái của Nhà nước dành cho ĐH Tokyo.

- Có những nét tương đồng với ĐH Tokyo, ĐHQGHN cũng là mô hình công lập có vị trí đặc biệt, được sự đầu tư tập trung của Nhà nước để thực hiện sứ mạng trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, tiếp cận trình độ thế giới. GS có nhận định gì về vị trí và mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay của ĐHQGHN?

Tôi cho rằng việc xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực và tập trung đầu tư nhà nước là con đường duy nhất để xây dựng đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Đại bộ phận đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới là đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Việc ra đời ĐHQGHN nói lên sự quyết tâm cao của Nhà nước Việt Nam làm sao để xây dựng đại học có vị thế cao trên trường quốc tế. Khi ĐHQGHN vừa mới ra đời, GS Phan Huy Lê (thời đó là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật) đã dẫn tôi đến gặp GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN. Lúc đó, tôi mới chỉ là Phó giáo sư trẻ tuổi, nên cuộc gặp gỡ này đầy xúc động đối với tôi. Trong buổi gặp này, GS Nguyễn Văn Đạo đã đề nghị tôi đóng góp vào việc nâng cao vị thế ĐHQGHN trên trường quốc tế.

Diễn đàn BESETOHA 2014 được tổ chức tại ĐHQGHN, 12/11/2014

Năm 1999, khi ĐH Tokyo lên kế hoạch thành lập Diễn đàn các đại học chủ chốt ở Đông Á, tôi chủ trương nên mời ĐHQGHN tham gia diễn đàn này. Diễn đàn bốn đại học chủ chốt Đông Á (BESETOHA) được thành lập gồm có: ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), ĐH Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam). Khi đó, nếu Việt Nam chưa có ĐHQGHN thì trường đại học Việt Nam khó được kết nạp vào Diễn đàn này.

Tôi thấy rằng từ khi ra đời, ĐHQGHN đã xây dựng được vị thế quốc tế xứng đáng của mình. Có hai điều nói lên địa vị quốc tế của ĐHQGHN. Một là, ĐHQGHN trở thành địa chỉ đến thăm của nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Mochiko, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe,… Điều này tự nó đã nói lên địa vị quốc tế của ĐHQGHN. Hai, ĐHQGHN là thành viên tích cực của nhiều tổ chức mạng lưới quốc tế có uy tín như: Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN), Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institutions of Higher Learning - ASAIHL), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Hiệp hội các trường đại học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (University Mobility in Asia and the Pacific - UMAP)…

- Để phát huy tối đa lợi thế mô hình đại học này, theo GS thì cần lưu ý những gì?

Theo kinh nghiệm tự chủ hóa đại học của Nhật Bản, lấy cân đối giữa việc tăng cường vai trò lãnh đạo cấp đại học quốc gia và việc phát huy tính năng động của các trường và các đơn vị thành viên là yếu tố quan trọng.

Một trong những mục đích quan trọng của tự chủ đại học là cải tổ mạnh quản trị đại học và tăng cường tính lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của hệ thống trong bối cảnh cạnh tranh.

Để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Giám đốc và các đơn vị thành viên thì tự chủ cao về mặt tài chính là một điều kiện không thể thiếu. Ở Nhật Bản, trước tập đoàn hóa thì Nhà nước quản lý chặt tài chính của các đại học quốc lập; trực tiếp cấp hỗ trợ từ ngân sách cho các trường và các viện thành viên đại học theo định mức; cách chi tiền cũng bị quản lý chặt, cấp đại học quốc gia không có quyền điều chỉnh mục đích sử dùng kinh phí. Sau tập đoàn hóa tình hình thay đổi hẳn. Nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên bằng cách gửi một gói kinh phí cho các đại học, sau đó đơn vị sẽ tự quyết mục đích sử dụng và cách phân chia cho các đơn vị thành viên. Cơ chế này bảo đảm quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa cấp đại học và các đơn vị thành viên.

- ĐH Tokyo hay ĐHQGHN cần đi theo định hướng phát triển như thế nào để phát huy được vị trí đặc biệt của mình trong hệ thống giáo dục thưa GS?

Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản, các đại học quốc lập then chốt có sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tương lai cho đất nước và thế giới chứ không chỉ chú trọng vào đáp ứng nguồn lực ngắn hạn của xã hội. Nếu muốn đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn xa và rộng thì tôi cho rằng giáo dục khai phóng là yếu tố then chốt trong nền giáo dục đại học. Chỉ có những đại học đa ngành đa lĩnh vực như ĐHQGHN mới có thể làm được giáo dục khai phóng. Tôi kỳ vọng, ĐHQGHN sẽ tiên phong trong việc xây dựng nền giáo dục khai phóng” và Trường ĐH Việt Nhật – đơn vị thành viên của ĐHQGHN sẽ đóng góp vào việc xúc tiến quá trình này.

ĐHQGHN sớm vươn tầm đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á

- Là một học giả nước ngoài có mối quan hệ sâu sắc với nhiều nhà khoa học Việt Nam, GS có thể chia sẻ suy nghĩ về đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN cũng như mối liên hệ của họ với thế giới ?

Ở Nhật Bản, nhà Việt Nam học thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam tương đối nhiều. Một điều rất may mắn cho các nhà Việt Nam học Nhật Bản thuộc thế hệ này như cố GS Sakurai và tôi là sớm có điều kiện tiếp cận được các giáo sư uyên bác ngành Lịch sử thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội như GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn, GS Đinh Xuân Lâm …

Qua kinh nghiệm này, giới nghiên cứu Việt Nam học tại Nhật Bản sớm có định hướng coi trọng giao lưu văn hóa với các nhà Việt Nam học tại Việt Nam, nhất là các học giả thuộc ĐHQGHN với nhận định là Việt Nam là trung tâm nghiên cứu Việt Nam học của toàn thế giới. Tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi ở Nhật Bản luôn luôn quan tâm theo dõi công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN như GS Phan Huy Lê, GS Vũ Xuân Ninh, GS Vũ Minh Giang, GS Nguyễn Văn Khánh, GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Phạm Hồng Tung, GS Phạm Quang Minh, GS Nguyễn Văn Kim,... Mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa giới nghiên cứu Việt Nam tại Nhât Bản với các học giả thuộc ĐHQGHN đã góp phần tích cực vào xây dựng và triển khai Hội thảo quốc tế Việt Nam học và Diễn đàn BESETOHA…

- GS từng được ĐHQGHN tặng bằng Tiến sĩ danh dự và hiện đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, xin GS cho biết suy nghĩ về định hướng phát triển và đóng góp của Trường cho tương lai của ĐHQGHN, cho các lĩnh vực KHXH&NV, Việt Nam học, Nhật Bản học, đặc biệt là tương lai phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ngành Khu vực học tại Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN không chỉ là một lĩnh vực mới mang tính chất liên ngành cao mà còn đóng vai trò tích cực là một sản phẩm giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường ĐH Việt Nhật muốn kế thừa truyền thống này và trở thành một trường đại học nghiên cứu mạnh về lĩnh vực khoa học liên ngành như khoa học bền vững và ngành kết hợp công nghệ cao với quản lý

Việc Trường ĐH Việt Nhật tồn tại với tư cách là một thành viên của ĐHQGHN chính là môi trường thuận lợi để cho lĩnh vực khoa học liên ngành phát triển, trên nền tảng các ngành khoa học truyền thống. Đại học đa ngành mạnh về các ngành khoa học cơ bản truyền thống, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển một số lĩnh vực khoa học liên ngành. Trường ĐH Việt Nhật là một trường mới ra đời, không có nhiều ngăn cách giữa những ngành học thuật truyền thống, nên dễ triển khai những lĩnh vực liên ngành mới.

- Lời chúc của GS Furuta đến ĐHQGHN nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản?

Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN. Nhân dịp này, tôi kính chúc toàn thể các nhà quản lý, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của ĐHQGHN thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Tôi kính chúc và tin rằng ĐHQGHN sớm vươn tầm đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á.

>>> Tin bài liên quan:

- Các Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN

- ĐHQGHN trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Sekp Hiroshige

- [Video]-Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: Nhiều tập thể, cá nhân ĐHQGHN được tặng thưởng Huân chương Lao động  

- [Video] VNU – VJU: Trao bằng thạc sĩ khóa I cho 56 học viên

- Lễ khai trường Trường ĐH Việt Nhật: Dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản

Phát triển bền vững – triết lý xuyên suốt trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường ĐH Việt Nhật

Thành lập Trường Đại học Việt Nhật thuộc ĐHQGHN

Lễ công bố các Quyết định bổ nhiệm, công nhận lãnh đạo Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN

 Sinh Vũ (ghi) - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   |