Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Chuyên gia về bệnh Whitmore của ĐHQGHN: hiểu đúng để phòng và điều trị hiệu quả
Ngoài mùa mưa là thời điểm dễ nhiễm thì sự gia tăng về số lượng ca bệnh Whitmore trong thời gian gần đây không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh mà là do nhiều cơ sở y tế của chúng ta đã xét nghiệm được đúng bệnh. Hơn nữa, phương cách vi khuẩn Whitmore tấn công gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể đều giống với các căn nguyên gây bệnh truyền nhiễm khác nên không thể nói vi khuẩn Whitmore theo những biệt danh vô căn cứ.

TS. Trịnh Thành Trung và các bệnh nhân mắc bệnh Whitmore

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên cả nước công bố về việc phát hiện và phân lập được nhiều bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore, vậy đây là tiến bộ trong việc phát hiện và chuẩn đoán đúng căn bệnh của các cơ sở ý tế Việt Nam hay là có sự xuất hiện mới “vi khuẩn ăn thịt người” và “vi khuẩn ăn cánh mũi” như một số báo chí đưa tin?! Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, tránh những hoang mang, hoảng sợ của công chúng khi không hiểu đúng về bệnh, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội.

VNU Media: Tình hình dịch tễ bệnh Whitmore tại Việt Nam trước đây?

 

Vi khuẩn Whitmore

Whitmore (melioidosis) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo. Ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1925, Sau đó, bệnh cũng được ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1928 và 1936. Bằng chứng đầu tiên trên Thế giới về sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomallei) sống ngoài môi trường đất cũng được các nhà khoa học Pháp công bố năm 1937 tại tỉnh Hải Dương và năm 1955 tại các tỉnh Nam Bộ. Trong chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ca bệnh đã được ghi nhận trên binh lính Pháp và Mỹ. Trong số 3 triệu lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam, có khoảng 250.000 binh lính phơi nhiễm với vi khuẩn Whitmore và nhiều cựu chiến binh Mỹ đó đã phát bệnh khi về nước. Chính vì vậy, những năm 70 của thế kỷ trước, Whitmore còn có tên gọi là “Vietnamese time-bomb” tức “quả bom hẹn giờ của Việt Nam” nhằm ám chỉ một loại bệnh bị phơi nhiễm tại Việt Nam, sau 1 thời gian dài ủ bệnh (hàng chục năm) rồi mới phát bệnh khi cựu chiến binh Mỹ trở về. Sau chiến tranh, rất ít các ca bệnh được phát hiện ở nước ta do sự khó khăn về điều kiện y tế và sự thiếu thốn các trang thiết bị xét nghiệm vi sinh. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác khác như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết… nên bệnh Whitmore chưa thực sự được quan tâm. Hơn nữa, hầu hết các máy xét nghiệm vi sinh thường quy tại các bệnh viện đều chẩn đoán sai vi khuẩn Whitmore thành các vi sinh vật khác, dẫn đến ít khi chúng ta chẩn đoán đúng được ca bệnh. Từ đó, Whitmore đã trở thành căn bệnh bị lãng quên dài trong suốt mấy thập kỷ qua.

VNU Media: Duyên cơ nào đưa ông tới theo đuổi nghiên cứu về bệnh này tại Việt Nam?

Năm 2004, tôi tình cờ được nghe một bài báo cáo khoa học của một giáo sư người Đức về căn bệnh này tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tò mò và thích thú, tôi tra tìm các tài liệu y khoa và nhận thấy đây bệnh phổ biến ở các nước Đông Nam Á và vùng Bắc Úc. Đặc biệt, các nước láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Lào và Campuchia cũng đã công bố nhiều ca bệnh trên các tạp chí y khoa quốc tế. Tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu này mặc dù cũng có nhiều thách thức nói rằng “Whitmore là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam” và có thể tôi sẽ bị thất bại trong nghiên cứu. Điều vô lý là vì sao các nước xung quanh ta có bệnh mà ta lại không có bệnh? Vì lý do đó đã thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi và làm nghiên cứu sinh về bệnh này trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010, dưới sự hướng dẫn của GS. Ivo Steinmetz, tại trường Đại học Y khoa Greifswald, CHLB Đức.

VNU Media: Tiến trình nghiên cứu đánh thức tỉnh một căn bệnh này tại Việt Nam?

Năm 2010 sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ từ Đức trở về, tôi cũng đã cố gắng xin các đề xuất nghiên cứu về bệnh này ở Việt Nam. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn, bạn không thể thuyết phục xin được đề tài nghiên cứu khi xung quanh có nhiều người nói đây là bệnh hiếm gặp, sao lại phải nghiên cứu? Lúc đó tôi đã bỏ cuộc và đã rẽ sang một hướng nghiên cứu khác. Cho đến năm 2014, tôi và GS. Ivo Steinmetz nộp hồ sơ nghiên cứu hợp tác Quốc tế theo dạng Nghị định thư giữa Việt Nam và Đức. Thật may mắn, hồ sơ của chúng tôi đã được Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Giáo dục Đức đồng ý tài trợ nghiên cứu.

Đề tài “thiết lập mạng lưới Quốc gia về nghiên cứu chẩn đoán và điều trị melioidosis tại Việt Nam - RENOMAB” đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm và cơ hội để gặp gỡ các anh chị đồng nghiệp trong xét nghiệm vi sinh lâm sàng và bác sỹ điều trị ở các chuyên khoa khác nhau. Cùng với PGS. TS. Đỗ Duy Cường (Trung tâm bệnh nhiệt đới tại bệnh viện Bạch Mai) và PGS. TS. Trần Xuân Chương (Bộ môn nhiễm - Trường đại học Y Dược Huế), chúng tôi đã cùng nhau tổ chức nhiều lớp tập huấn xét nghiệm vi sinh, nhiều hội thảo khoa học để nâng cao cảnh giác/ghi ngờ ca nhiễm bệnh cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm vi sinh. Kết hợp với điều tra phân bố vi khuẩn ngoài môi trường, bản đồ dịch tễ học bệnh Whitmore tại Việt Nam đã dần dần hé lộ. Chúng tôi đã minh chứng Whitmore là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ ở Việt Nam.

Gần đây, các Hội nghị Khoa học về Vi sinh Lâm sàng và các Bệnh Truyền nhiễm, Hội nghị Hô hấp toàn quốc, Hội nghị Hồi sức Cấp cứu đã không còn vắng bóng các báo cáo nghiên cứu về bệnh Whitmore. Nhiều bệnh viện đã chủ động báo cáo ca bệnh và trao đổi chuyên môn giữa các chuyên khoa tại các buổi sinh hoạt khoa học. Nhiều bác sỹ ở các Khoa Truyền nhiễm, Nội Khoa, Ngoại Khoa, Hồi sức Cấp cứu, Nhi… đã rất cảnh giác với căn bệnh này.

TS. Trịnh Thành Trung báo cáo tại một hội thảo khoa học về bệnh học

Từ 15 - 18 tháng 10 năm 2019, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo Toàn cầu lần thứ 9 về bệnh Whitmore tại Hà Nội (The 9th World Melioidosis Congress). Đây là sự kiện khoa học lớn nhất của cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh Whitmore trên toàn thế giới. Đến thời điểm hiện tại đã có gần 170 đại biểu đăng ký trình bày tại Hội thảo và có hơn 200 khách quốc tế đăng ký tham dự Hội thảo từ 25 quốc gia khác nhau. Ngoài các vấn đề về xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh, hội thảo cũng sẽ trao đổi, thảo luận và chia sẻ nhiều kiến thức về vấn đề khác như bệnh Whitmore ở động vật nuôi, ở ngoài môi trường đất và nước, bệnh học, miễn dịch học, genomics, proteomics và vắc xin phòng bệnh. Đây là cơ hội tuyệt vời để nhiều nhà nghiên cứu cũng như các bác sỹ của Việt Nam tiếp cận với các kiến thức khoa học mới nhất của thế giới về bệnh Whitmore.

VNU Media: Gần đây có nhiều thông tin nói bệnh Whitmore đột ngột quay trở lại, bùng phát thành dịch, và còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”, “vi khuẩn ăn cánh mũi”, ý kiến của ông về việc này?

Như tôi đã nói ở trên, bệnh Whitmore đã được các nhà khoa học Pháp pháp hiện ở Việt Nam rất sớm, cách đây gần 1 thế kỷ. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hàng nghìn binh lính Pháp và Mỹ đã bị phơi nhiễm và nhiễm bệnh. Sau ngày giải phóng, điều kiện y tế nước ta còn rất nhiều khó khăn, cùng với sự thiếu thốn các trang thiết bị xét nghiệm vi sinh. Chính vì vậy, bệnh Whitmore đã có thể bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh truyền nhiễm khác hoặc nhầm thành các bệnh lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tủy xương, ung thư máu, u tuyền liệt tuyến, quai bị (ở trẻ em)... Đến nay, xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu được quan tâm chú, các bác sỹ cũng được cảnh giác về căn bệnh Whitmore này nên bệnh nhân nhiễm bệnh được chẩn đoán đúng. Chính vì chẩn đoán đúng ra bệnh nên số lượng ca bệnh tăng lên, chứ không phải bệnh đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch như một số tiêu đề bài báo nói.

Vi khuẩn Whitmore sống ở trong đất và lây nhiễm sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận của cơ thể (không loại trừ một bộ phận, một cơ quan cơ thể nào). Dạng phổ biến nhất là tấn công cơ quan phổi. Bên cạnh đó vi khuẩn có thể tấn công gây áp xe cơ quan nội tạng như gan, thận, tim hoặc áp xe ngoài da, áp xe cơ, viêm xương khớp, viêm tuyến lệ, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tai giữa, viêm màng não, sưng hạch cổ, viêm tuyến sinh dục tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn… Phương thức chung của vi khuẩn Whitmore tấn công gây tổ chức viêm và áp xe ở các cơ quan đều giống với tất cả các căn nguyên vi sinh vật gây bệnh khác. Trường hợp vi khuẩn tấn công mũi bệnh nhân vừa qua là một dạng viêm và áp xe ngoài da. Trường hợp này vi khuẩn Whitmore tấn công ở vị trí mỏng yếu (cánh mũi) của cơ thể, kèm thời gian được chẩn đoán đúng bệnh lâu, thời gian được chỉ định điều trị đúng kháng sinh bị chậm, nên tổ chức viêm và áp xe trên cánh mũi này bị vỡ ra (giống như nhiều mụn mủ nhọt ngoài da khác), dẫn đến làm thay đổi hình dạng cánh mũi. Vì vậy, không có chuyện “vi khuẩn ăn thịt người” và “vi khuẩn ăn cánh mũi” như một số báo đưa tin.

VNU Media: Dự định nghiên cứu của ông về bệnh này tại Việt Nam?

Vừa qua, chúng tôi tiếp tục được Chương trình Quỹ gen của Bộ Khoa học Công nghệ tài trợ nghiên cứu các đặc tính sinh học của vi khuẩn Whitmore phân lập tại Việt Nam để từ đó ứng dụng phát triển các kỹ thuật xét nghiệm nhanh căn nguyên gây bệnh này. Kể từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã giúp đỡ 38 bệnh viện ở 26 tỉnh/thành phố về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện được gần 1.000 ca nhiễm Whitmore trong cả nước. Đa số các bệnh viện xét nghiệm được những ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên sau khi được chúng tôi tập huấn kỹ thuật. Mặc dù số lượng phát hiện ca bệnh còn quá khiêm tốn so với các nước láng giềng nhưng đó là kết quả cố gắng của cả một tập thể nghiên cứu gồm nhiều cán bộ xét nghiệm vi sinh lâm sàng và bác sỹ tại các bệnh viện trong mạng lưới nghiên cứu.

Kết quả đó mới phần nào hé lộ cho chúng ta thấy Whitmore không phải là bệnh hiếm gặp tại Việt Nam như trước đây đã từng suy nghĩ. Theo dự báo của các chuyên gia Quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong. Để có thể khẳng định con số dự báo này có thật sự đúng không thì cần phải tiếp tục nghiên cứu điều tra, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ lúc chỉ định mẫu nuôi cấy vi sinh, xét nghiệm và định danh vi khuẩn Whitmore theo đúng hướng dẫn của Quốc tế. Hơn nữa, các nghiên cứu về điều trị, theo dõi bệnh nhân và tính toán chi phí điều trị cũng cần phải được triển khai. Có như thế thì các nhà quản lý mới có đủ thông tin để xây dựng hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật xét nghiệm nhanh để giúp các bác sỹ sớm chẩn đoán đúng bệnh, từ đó điều trị bệnh nhân theo phác đồ kháng sinh khuyến cáo nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh. Cùng với các hợp tác quốc tế Nghị định thư với Anh, chúng tôi từng bước tiếp cận nghiên cứu về vắc xin phòng bệnh.

Whitmore là một bệnh truyền nhiễm đã được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam gần 1 thế kỷ (94 năm) trước. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hàng nghìn binh lính Pháp và Mỹ đã bị phơi nhiễm và nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều kiện y tế nước ta ngày đó cũng như những ngày sau giải phóng còn rất khó khăn và thiếu thốn, chưa thể làm chủ kỹ thuật xét nghiệm bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết… nên Whitmore chưa được quan tâm thực sự. Xét nghiệm vi sinh ở nhiều bệnh viện chưa được đầu tư đúng tầm, dẫn đến căn bệnh đã bị bỏ xót và lãng quên. Gần đây, nhiều cơ sở y tế của chúng ta từ tuyến tỉnh đến tuyến trung ương đã chú trọng triển khai xét nghiệm vi sinh, đã dần làm chủ được kỹ thuật xét nghiệm và từ đó đã phát hiện ra ca bệnh. Vì vậy, thực tế sự gia tăng về số lượng ca bệnh trong thời gian gần đây không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh mà là do chúng ta đã xét nghiệm được đúng bệnh. Những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với đất mà có những biểu hiện khác lạ về sức khỏe như ho, sốt, đau ngực, đau cơ xương khớp, đau ở vùng bụng, mưng mủ ngoài da lâu ngày…vv cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín có xét nghiệm vi sinh để xét nghiệm chẩn đoán đúng bệnh. Người nguy cơ nhiễm Whitmore cao là người có bệnh tiểu đường, bệnh gan thận mạn tính và người nghiện rượu. Tuy nhiên, bệnh gặp trên cả những người khỏe mạnh bình thường, ở mọi lứa tuổi: từ trẻ em đến người trưởng thành, trung niên và người già. Nếu được xét nghiệm vi sinh sớm, phát hiện được đúng bệnh, thì vẫn có phác đồ kháng sinh để điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ, uống thuốc dự phòng trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để để phòng tái phát.

Các bài báo khoa học về bệnh Whitmore của TS. Trịnh Thành Trung:

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1198743X17304135?fbclid=IwAR1qr-Q99OHJKICMZrbOgRTcgWVFlDV0SLoBdzj8-quCUgtgL4HKmEMMKDI

https://www.mdpi.com/2414-6366/3/2/39?fbclid=IwAR24lQiUi1FWVSVJqx74m2kkr8waHcbzBct4CpynV7BGe4mFkmr-jAL2NGw

https://aem.asm.org/content/83/8/e03212-16.short?fbclid=IwAR2uTiveumaUQi1vdJASXclpPiZYKdQBXLQsfOFVIPkJhYgYiVyTgetLjig

https://aem.asm.org/content/77/18/6486.short?fbclid=IwAR22Lqk3kpWyek-f_EjOncuCxJxXEw80FeuZsShfyWsAZLtISudxoYKltdw

https://academic.oup.com/trstmh/article-abstract/102/Supplement_1/S30/1923163?redirectedFrom=fulltext

https://academic.oup.com/trstmh/article-abstract/105/6/346/1892780?redirectedFrom=fulltext

>>> Tin bài liên quan:

- TS. Trịnh Thành Trung: Whitmore - bệnh cũ bị bỏ quên

- Whitmore - Bệnh không hiếm gặp như lầm tưởng

 PV - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   |