Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Nhà khảo cổ học Hán Văn Khẩn qua đời ở tuổi 81
Phó Giáo sư Hán Văn Khẩn sinh năm 1940 tại Phú Thọ. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Phó Giáo sư Hán Văn Khẩn đã qua đời hồi 4 giờ 20 phút ngày 4/5/2020, hưởng thọ 81 tuổi. Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết về Phó Giáo sư Hán Văn Khẩn với tiêu đề Nhà khoa học say mê gốm cổ. Bài viết đã được đăng trên website của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

 

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HÁN VĂN KHẨN

Phó Giáo sư Hán Văn Khẩn sinh năm 1940, tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ; thường trú tại số 9, ngõ 67, đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội; nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba.

Phó Giáo sư Hán Văn Khẩn do tuổi cao sức yếu đã từ trần hồi 4 giờ 20 phút ngày 4/5/2020 (tức ngày 12/4 năm Canh Tý), hưởng thọ 81 tuổi.

Lễ viếng từ 15 giờ ngày 4/5/2020 đến 9 giờ ngày 6/5/2020 tại Quê nhà xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Lễ Truy điệu hồi 9 giờ ngày 6/5/2020.

Hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ Thiên Đức, Phú Thọ, an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Xuất thân trong một gia đình nông dân từ làng quê vùng đồi bát úp trung du Phú Thọ, ước muốn làm nghề “trồng cây” là hành trang quan trọng nhất để chàng trai Hán Văn Khẩn bước vào đại học. Tuy nhiên cái duyên với cổ vật thủa thiếu thời lại khiến anh được/bị phân công làm làm nghề “trồng người” và dính dáng đến Khảo cổ. Và rồi, nghiệp thân cao quý ấy quện lấy ông và tạo dựng nhân cách ông không chỉ bằng chức danh Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước phong tặng, quan trọng hơn là tình thầy trò mà bao thế hệ sinh viên khắc ghi.

Hán Văn Khẩn là một trong những thế hệ sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học đầu tiên của Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Những lứa ấy đều được thụ hưởng toàn nguyên cái tinh anh của “thế hệ khai khoa” Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… được gây mầm và dưỡng dục bởi “tứ trụ” Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Lại thêm được đào tạo Tiến sĩ ở Tây, Hán Văn Khẩn hội đủ cái cảm của truyền thống Việt và có cả cái lý của người Tây. Chính những môi trường học thuật ấy là cơ sở nền tảng quan trọng để mài luyện nên một nhân cách Hán Văn Khẩn sau này.

Là nhà Khảo cổ học, ông đã từng đi điền dã và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ ở nhiều vùng đất nước và quốc tế, từ Bulgaria về Việt Nam. Ông đi từ hệ thống gò đồi bát úp của văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun vùng trung châu, qua hệ thống di tích văn hóa Đông Sơn dọc các dòng sông mẹ ở đồng bằng sông Hồng, đến các khu sản xuất gốm sứ vùng Hải Dương rồi ra đến các cảng thị Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An… dấu chân ông cũng từng dừng lại ở kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương, ở làng hai vua Đường Lâm, cho đến khu kinh đô của nhà Hồ… Nhưng sớm nhất và thâm canh nhiều hơn cả là với văn hóa Phùng Nguyên và di tích Xóm Rền trên vùng đất Tổ quê hương ông.

 

PGS.TS.NGND. Hán Văn Khẩn là Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1982-1984, 1985-1987), Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử) (1992-2009) / Ảnh: Thành Long

Với Văn hóa Phùng Nguyên, PGS Hán Văn Khẩn được coi như một trong những người “khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” cho quá trình nghiên cứu giai đoạn văn hóa đầu tiên của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam nói riêng và góp phần vào nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương nói chung. Trong những bài viết đăng trên tạp chí Khảo cổ học những năm 1970 và 1980, ông đã đi sâu phân tích nhiều yếu tố trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên như loại hình hoa văn, thực nghiệm tạo hoa văn, kỹ thuật chế tác, loại hình đồ gốm… trên cơ sở đó, tiến hành phân chia các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Trải suốt 40 năm tiếp sau, ông tập trung nghiên cứu giai đoạn văn hóa quan trọng ở vào buổi đầu thời kỳ xuất hiện kỹ nghệ luyện kim đồng này. Cuốn sách Văn hóa Phùng Nguyên ra đời dựa trên thành quả nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài ấy, trong đó đã xác định những đặc trưng cơ bản và các giai đoạn phát triển chính của văn hóa Phùng Nguyên. Đây là công trình những tưởng bất kỳ một nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên trong và ngoài nước nào cũng cần tham khảo trước khi phác dựng ý tưởng nghiên cứu của mình.

Với Xóm Rền, chỉ cách nhà ông một quãng đồng trũng - nơi gây nên duyên cớ khảo cổ lúc thiếu thời, ông là người đầu tiên tham gia khai quật và cũng là người duy nhất cho đến nay tổng kết trọn vẹn về di tích lớn nhất văn hóa Phùng Nguyên này. Trong công trình Xóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam, nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn có một cố gắng to lớn khi tổng kết trung thực, sâu sắc và khách quan những thành tựu khai quật và nghiên cứu di tích Xóm Rền, đồng thời đặt nó trong tổng thể diễn trình văn hoá Phùng Nguyên và trút gửi vào đó nhiều luận điểm khoa học mới lạ. Qua đó, làm nổi bật được những đặc trưng quan trọng của một di tích khảo cổ mà nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là đặc biệt quý hiếm trong số hơn 70 di tích văn hoá Phùng Nguyên. Nơi chứng kiến những bước đi tiên phong trong cách mạng luyện kim đồng và khai phá châu thổ sông Hồng để khai sinh một nền văn minh nổi tiếng - Văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Cũng chính ông chứng minh người Xóm Rền đã đưa các kỹ thuật chế tác đá phát triển đến đỉnh cao và thành thạo kỹ thuật bàn xoay trong làm gốm.

Bắt nguồn từ Luận án Tiến sĩ về nghiên cứu đồ gốm thời đại đồng đá ở vùng Đông Bắc Bulgaria, nhà khảo cổ học Hán Văn Khẩn còn luôn mải miết với gốm sứ và lịch sử gốm sứ Việt Nam, từ những loại hình hoa văn và kỹ thuật sản xuất gốm đất nung thời tiền sơ sử đến hệ thống lò gốm sứ thời kỳ lịch sử. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh ông ngồi gắn chắp những mảnh vụn của một đồ gốm hàng ngày trời với sự chú tâm cao độ, để rồi bộc phát niềm vui sướng tột cùng khi nhìn thấy một đồ án hoa văn mới mà ông chưa từng gặp. Đặc biệt, ông quan tâm nhiều đến khai quật, nghiên cứu và xác định thành phần gốm sứ của hệ thống lò gốm ở trung tâm gốm sứ Chu Đậu thông qua hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Gốm sứ Đông Nam Á của Đại học Adelaide (Úc) trong những năm 1990. Trên tảng nền đó, ông cũng đã mở rộng nghiên cứu gốm sứ thương mại và hệ thống cảng sông và cảng biển ven bờ ở miền Bắc Việt Nam. Qua đó có những đóng góp nhất định cho quá trình nghiên cứu gốm sứ và lịch sử gốm sứ Việt Nam.

Khảo cổ học biển đảo cũng là vấn đề được PGS. Hán Văn Khẩn tiến hành thu thập tư liệu và nghiên cứu từ đầu những năm 1990. Cho đến năm 1993, ông chủ biên cuốn sách Lịch sử các đảo ven biển Việt Nam, thuộc đề tài cấp Nhà nước KT03-12. Nghiên cứu này đã phác thảo toàn bộ quá trình chiếm cư và khai thác của con người thời tiền sơ sử và lịch sử trên các đảo ven biển Việt Nam, trong đó đặc biệt nhất mạnh đến vùng duyên hải Đông Bắc. Và trong những năm gần đây, ý tưởng nghiên cứu này của ông lại một lần nữa được Bộ môn Khảo cổ học tái khởi động bằng hội thảo Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và Triển vọng, để trên tảng nền tư liệu đó đó hình thành môn học Khảo cổ học Biển đảo trong Khoa Lịch sử.

Là nhà giáo, thầy Hán Văn Khẩn luôn tận tụy mà hiền lành, hóm hỉnh mà nghiêm nghị, cống hiến tận tâm và vô tư. Tri thức khoa học là vô bờ, bởi vậy Thầy luôn hướng chúng tôi vào một “lộ trình” học vấn ngay thẳng và đúng mực, để rồi mỗi người chúng tôi trong những thời điểm riêng, có thể đến được một “bến bờ” đạt chuẩn. Thầy luôn dạy chúng tôi “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” và cũng luôn tự coi đó như là nguyên lý sống cao nhất của đạo thầy/trò. Hình ảnh “thầy giáo già” ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn thường đưa cán bộ trẻ chúng tôi đi thực tập khai quật cùng sinh viên là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí chúng tôi mỗi khi nghĩ đến Thầy. Nhất là khi Thầy vẫn cầm dụng cụ hướng dẫn cho từng cô cậu học trò mới tập tễnh vào nghề cách thức sửa vách ra sao cho đúng và nạo mặt bằng thế nào để thấy được dấu vết di tích, luôn ân tình và cởi mở nhưng không kém phần hóm hỉnh nhẹ nhàng.

Tâm và tầm của một người con với quê hương, tình cảm và tri thức của một nhà giáo với các thế hệ học trò, nghĩ trách nhiệm và sống sẻ chia của một nhà khảo cổ với các bạn đồng nghiệp đã cùng ông đi về suốt 50 năm qua, hoà trộn và thăng hoa để chung đúc thành các công trình: Văn hóa Phùng NguyênCơ sở Khảo cổ họcXóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam

Ở ông, riêng tôi nhận được một sự ưu ái đặc biệt, nó giống như một số sắc thái tình cảm nào đó mà mỗi người trong đời đều ít nhiều từng nếm trải, nhưng thật khó diễn tả thành lời. Đã từ lâu, tôi luôn cảm ở Thầy tình cha anh theo đúng nghĩa THẦY.

Để tạm kết, xin kính tặng Thầy một tấm lòng:

Hương tâm quện đất lành,

Sắc gốm hòa tinh anh.

Nhân tình riu riu thấu,

Trung đạo hướng thượng thanh.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HÁN VĂN KHẨN

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khảo cổ học tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1966.

Nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học tại Đại học Tổng hợp Sofia (Bulgaria) năm 1979.

Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997, Nhà giáo Nhân dân năm 2008.

Thời gian công tác tại Trường ĐHKHXH&NV: 1966-2009.

Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử

Chức vụ quản lý:

- Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1982-1984, 1985-1987).

- Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử) (1992-2009).

Các hướng nghiên cứu chính: Các nền văn hóa khảo cổ ở Việt Nam; Gốm sứ học và lịch sử gốm sứ Việt Nam; Các nền kinh tế sản xuất đầu tiên trên thế giới; Các nghề thủ công cổ truyền; Một số vấn đề về lý thuyết và phương pháp Khảo cổ học.

Các công trình khoa học tiêu biểu:

- Văn hóa Phùng Nguyên, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

- Cơ sở khảo cổ học (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, 2011.

- Xóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

- Từ điển Bun - Việt (viết chung), 2 tập, Nxb Đại học Tổng hợp Sofia, Bulgaria.

Các giải thưởng khoa học tiêu biểu: Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2009 cho công trình Xóm Rền - Một di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng của thời đại đồ đồng Việt Nam.

 

 

 Tạ Phúc
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   | 439   | 440   | 441   | 442   | 443   | 444   | 445   | 446   | 447   | 448   | 449   | 450   | 451   | 452   | 453   | 454   | 455   | 456   | 457   | 458   | 459   | 460   | 461   | 462   | 463   |