Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS.VS Nguyễn Văn Đạo - Nhà khoa học lớn, nhà quản lý tài năng, một con người giàu lòng nhân ái
(Phát biểu khai mạc của Giám đốc ĐHQGHN GS.VS Đào Trọng Thi tại hội thảo khoa học nhân dịp 70 năm ngày sinh GS.VS Nguyễn Văn Đạo - nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN ).

Kính thưa: - Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể

- Các quý vị đại biểu

- Thân quyến gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Đạo

Hôm nay, ĐHQGHN phối hợp với Hội Cơ học Việt Nam và Viện cơ học thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học, nhà giáo cùng thân quyến của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo đã tới dự Hội thảo để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ về một nhà khoa học tài năng, một nhà quản lý sáng tạo, nhiệt thành, một nhà hoạt động xã hội tâm huyết, xông xáo, một con người đầy lòng nhân ái, yêu đời, một người anh, người bạn, người đồng nghiệp của chúng ta.

Cách đây đúng 70 năm, ngày 10/8/1937, GS. Nguyễn Văn Đạo được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại tỉnh Phú Thọ. Từ một học sinh của trường phổ thông Hùng vương danh tiếng, GS. Nguyễn Văn Đạo từng bước trưởng thành, trở thành một nhà khoa học xuất sắc, một nhà quản lý có uy tín trong cộng đồng khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.

Con đường khoa học của ông gắn bó chặt chẽ với ngành Cơ học. Khi vừa tròn 20 tuổi, năm 1957, ông tốt nghiệp Khoa Toán, trường đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi sau đó làm chủ nhiệm bộ môn Cơ học lý thuyết. Năm 1965, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý tại Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lômônôxôp, rồi năm 1976, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Bách khoa Vacsava. Luận án tiến sĩ khoa học của ông với đề tài “Kích động thông số dao động phi tuyến của các hệ động lực” là kết quả của nhiều năm nghiên cứu khoa học miệt mài với tinh thần tự lực, vượt khó phi thường trong hoàn cảnh của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Từ năm 1977 đến năm 1993, ông giữ chức Phó viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam. Từ năm 1979 đến năm 1990, Ông là Viện trưởng sáng lập của Viện Cơ học và suốt từ năm 1982 đến khi mất, ông luôn giữ cương vị Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam. Năm 1980, ông được Nhà nước phong Giáo sư. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học – công nghệ về cụm công trình khoa học “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” vốn là tập hợp những kết quả nghiên cứu chính của ông trong suốt 40 năm. Với những thành tựu khoa học xuất sắc, ông được cộng đồng khoa học suy tôn là một chuyên gia Cơ học đầu ngành của Việt Nam với nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. Ông được bầu là Viện sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Tiệp khắc năm 1988, Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba năm 1999, Viện Hàn lâm khoa học Ucraina năm 2000 và Viện Hàn lâm khoa học Châu Âu năm 2002. Viện sĩ Mitrôpôlski thuộc Viện hàn lâm khoa học Ucraina đã nhận định “Những thành tựu khoa học của GS. Nguyễn Văn Đạo, ngoài việc chứng minh cho tiến bộ khoa học, đã ảnh hưởng to lớn tới việc tạo dựng tại Hà Nội một trường phái khoa học về dao động phi tuyến. Ông không chỉ tiêu biểu cho nền khoa học Việt Nam mà còn là đại diện chân chính cho đất nước mình trong nền khoa học thế giới”.

Từ năm 1993, GS. Nguyễn Văn Đạo tham gia lĩnh vực hoạt động mới. Ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN ngày nay. Vào những ngày đầu hoạt động, ĐHQGHN phải đối mặt với những thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như muôn vàn khó khăn trở ngại về cơ chế, về nhận thức và tâm lý hoài nghi đối với mô hình tổ chức giáo dục đại học hiện đại. Trong suốt 7 năm giữ cương vị Giám đốc ĐHQGHN (1994 – 2001), Giáo sư Nguyễn Văn Đạo đã cùng tập thể cán bộ, sinh viên nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để khẳng định cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực và cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN. Các quan điểm và hoạt động quyết liệt của ông, đặc biệt là về quyền tự chủ đại học như một bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, được sự chia sẻ, đồng thuận, khuyến khích của nhiều nhà khoa học, quản lý đại học và sự đồng tâm, nhất trí của tập thể cán bộ, giảng viên ĐHQGHN. Đó là những đóng góp quan trọng đối với sự hình thành và phát triển một mô hình đại học tuy đã tồn tại từ lâu trên thế giới nhưng lại còn rất mới mẻ ở Việt Nam vào thời gian đó, tạo tiền đề cho việc khẳng định và hoàn chỉnh mô hình ĐHQGHN ngày nay.

Sau khi rời cương vị quản lý, mặc dù tuổi đã cao, GS. Nguyễn Văn Đạo vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, đồng Chủ tịch Hội đồng cố vấn Đại học RMIT Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động phát triển khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo . Năm 2003, Giáo sư đã được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Ngoài các hoạt động quản lý và chuyên môn, GS. Nguyễn Văn Đạo còn là một nhà hoạt động xã hội nhiệt huyết, xông xáo. Từ năm 2004, ông tham gia Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1998, ông làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Việt Nam. Từ năm 2002, ông trở thành Chủ tịch sáng lập của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Ở bất kỳ cương vị công tác hay trọng trách nào, ông cũng làm việc với toàn bộ nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và bằng phương pháp tư duy rành mạch của một nhà khoa học lớn.

Hôm nay, tại Hội thảo khoa học này, chúng ta có dịp đánh giá và suy tôn những đóng góp, cống hiến của GS.VS Nguyễn Văn Đạo đối với quá trình xây dựng và phát triển ngành Cơ học của Việt Nam, những thành tựu nghiên cứu quan trọng của giáo sư đối với một số lĩnh vực của ngành cơ học mà ông đã trọn đời tâm huyết, gắn bó. Đây cũng là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về giáo sư Nguyễn Văn Đạo – nhà khoa học lớn, nhà quản lý tài năng, và bao trùm trên hết – là một con người giàu lòng nhân ái, luôn nặng lòng với cuộc đời, con người mà tất cả chúng ta hết lòng kính trọng, yêu mến.

Xin chúc Hội thảo thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

 Đại học Quốc gia Hà Nội - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :