Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phấn đấu trở thành trường đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới
Ngày 6/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 290/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN.

Đây là một mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Kinh tế nói riêng, ĐHQGHN nói chung. Sự ra đời Trường Đại học Kinh tế góp phần hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực và phát huy lợi thế của ĐHQGHN, góp phần đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Nhân dịp Trường chuẩn bị làm lễ công bố quyết định thành lập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Nhà trường.

PV: Xin chúc mừng ông vừa nhậm chức Hiệu trưởng và chúc mừng Trường Đại học Kinh tế vừa mới được thành lập. Ông có thể cho biết một vài suy nghĩ của mình về sự kiện trọng đại này?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Việc Trường Đại học Kinh tế chuẩn bị làm lễ công bố quyết định thành lập là một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà trường. Tôi cho rằng, đây là cơ hội để Nhà trường giới thiệu với xã hội về một mô hình đào tạo mới, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Thực ra, các trường đại học kinh tế tại Hà Nội cũng thực hiện sứ mạng đó, song hiện nay các doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài - đang rất cần những nguồn nhân lực chuyên sâu như chuyên gia phân tích các chính sách kinh tế và tài chính công ty, quản trị trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ và dịch vụ kiến thức... Trường ĐHKT - ĐHQGHN ra đời góp phần giải quyết những mong đợi đó.

Trường ĐHKT ra đời không đi vào quy mô hay cấp độ đào tạo có tính chất đại trà mà hướng mạnh tới chất lượng và đặc biệt là hướng vào những lĩnh vực có tính chất đa ngành, liên ngành, khai thác được các thế mạnh của ĐHQGHN.

Về bản thân tôi, tôi rất hồi hộp khi được giao trách nhiệm Hiệu trưởng của Trường ĐHKT. Mừng có, lo có khi đứng trước một núi công việc, những mong muốn của xã hội về chất lượng đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, mong muốn của ĐHQGHN, nhất là khát vọng của tập thể cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên Nhà trường là làm sao để cho Trường ĐHKT thực sự có một chỗ đứng vững chắc trong các trường đại học kinh tế của Việt Nam. Tôi tin rằng, yếu tố quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này đã có, quyết tâm của tập thể Nhà trường rất cao. Trong lễ công bố quyết định thành lập Trường ĐHKT - ĐHQGHN này, tôi muốn gửi gắm một thông điệp đến xã hội, cũng như tới tất cả cán bộ, công nhân viên, khách hàng, đối tác... quyết tâm rất cao của Nhà trường để đào tạo được những sản phẩm có chất lượng, hình thành những nhóm nghiên cứu, đưa ra những tư vấn, những giải pháp tốt cho xã hội. Đây là điều chúng tôi trăn trở nhất và cũng là mục tiêu mà toàn thể Nhà trường sẽ hướng tới.

PV: Trường ĐHKT được thành lập trên cơ sở Khoa Kinh tế - ĐHQGHN. Xin ông cho biết vài nét về quá trình phát triển của Nhà trường.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ra đời là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy truyền thống hơn 30 năm từ Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (11/1974 - 9/1995), Khoa Kinh tế Chính trị trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN (9/1995 - 7/1999) và Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN (7/1999 - 3/2007). Hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Kinh tế đã đào tạo được nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong đó có nhiều người đã thành đạt trên các lĩnh vực về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu.

Trường ĐHKT sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu đã có, phát triển phù hợp với xu hướng của thời đại, đó là chất lượng - hội nhập - đẳng cấp. Chúng tôi đi theo phương châm là phát triển hài hòa, kế thừa những thành quả trong quá khứ, mạnh dạn triển khai những hoạt động, những chương trình trước kia chưa làm được mà nay do xu hướng thời đại đặt ra.

PV: Thưa ông, là một đơn vị mới được thành lập chắc chắn thuận lợi nhiều và khó khăn cũng không phải là ít. Vậy đó là những thuận lợi và khó khăn gì? Nhà trường có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn đó?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi có rất nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn. Tôi cho rằng thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Có những khó khăn của người này lại là thuận lợi của người khác. Theo tôi, thuận lợi rất quan trọng là xu hướng phát triển của xã hội, hội nhập, mở cửa rất cần một nguồn lực chất lượng cao về chính sách kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Nhiều trường đại học kinh tế khác đang loay hoay để cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao này cũng như tìm các ngành mới. Trường ĐHKT - ĐHQGHN ra đời đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đó, vận dụng được lợi thế của người đi sau: gọn nhẹ - linh hoạt và tiến về đẳng cấp.

Thuận lợi thứ hai là, Trường ĐHKT là một đơn vị thuộc ĐHQGHN - trung tâm đại học hàng đầu, được Chính phủ, Nhà nước đầu tư lớn và có yêu cầu rất cao: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính yêu cầu này buộc Nhà trường phải phấn đấu. Đi kèm theo đó là ĐHQGHN được Chính phủ ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và công nghệ nhằm đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với lợi thế này, chúng tôi rất thuận lợi trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, nghiên cứu để tiến tới đẳng cấp quốc tế.

Thuận lợi thứ ba là, khác với các trường đại học kinh tế khác, Trường ĐHKT trực thuộc ĐHQGHN nên khai thác được rất tốt cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, đặc biệt là trong đào tạo tín chỉ. Chúng tôi có thể dùng một số tín chỉ liên quan đến các ngành khoa học khác để thiết kế những mã ngành đào tạo về kinh tế, đào tạo những ngành mới phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây là thế mạnh riêng của Trường mà các trường đại học kinh tế khác ở Việt Nam không có được.

Một thuận lợi nữa là, Trường ĐHKT mới được thành lập nên mô hình gọn nhẹ, năng động. Có nhiều trường đại học kinh tế ra đời trước nhưng mô hình cồng kềnh, đây sẽ là một rào cản không nhỏ trên con đường phát triển của họ. Chúng tôi có được cái lợi thế của người đi sau, chính vì thế kể từ khi chính thức được thành lập đến nay, tôi đã mời được nhiều người có năng lực giỏi tới công tác, góp sức xây dựng Nhà trường. Sắp tới cũng sẽ có thêm một số cán bộ nữa về. Đây là một lợi thế, một tín hiệu rất tốt, theo đúng châm ngôn: “Đất lành chim đậu”.

Sau ba tháng đi vào hoạt động Trường ĐHKT đã xây dựng được Kế hoạch chiến lược, thể hiện được tầm nhìn, xu hướng phát triển mới, cụ thể. Do đó, cán bộ, viên chức Nhà trường rất hồ hởi, làm việc rất tích cực.

Tuy nhiên, như người xưa đã nói “Vạn sự khởi đầu nan”. Chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn nhất định:

Thứ nhất là, Trường ĐHKT là đại học mới được thành lập nên mọi hoạt động, tổ chức của Trường về cơ bản là phải làm mới. Từ xây dựng kế hoạch chiến lược, các quy định, quy chế phân cấp quản lý… hầu hết đều phải làm mới và mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi cho rằng đây là những việc quan trọng, mất nhiều công sức. Cho đến nay, những việc này về cơ bản đã gần hoàn thành.

Thứ hai là, nề nếp làm việc của một trường đại học mới được hình thành. Cung cách quản lý cũng chưa phải là thạo. Song tôi nghĩ, đó chỉ là những bỡ ngỡ ban đầu mà chúng tôi sẽ cố gắng để nhanh chóng vượt qua.

Khó khăn thứ ba là về cơ sở vật chất. Muốn đảm bảo được chất lượng đào tạo cao, đẳng cấp quốc tế thì cơ sở vật chất cũng phải tương thích. Chúng tôi cũng đã phải xoay sở để “dồn điền, đổi thửa” để tạo ra những chỗ làm việc tuy nhỏ nhưng gọn gàng, khang trang. Các khu vực giảng đường cũng vậy. Chúng tôi đã cố gắng để giảng đường ra giảng đường, tạo điều kiện tốt nhất cho học viên, sinh viên học tập.

PV: Đối với Trường ĐHKT hiện nay, điểm nào được coi là điểm mạnh nhất của Nhà trường, thưa ông?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Điểm mạnh nhất của chúng tôi hiện nay là quy mô nhỏ nhưng rất linh hoạt, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, đặc biệt là khát vọng để vươn ra những chương trình quốc tế rất cao. Nhà trường cũng đã có một kế hoạch chiến lược rõ ràng, được sự ủng hộ rất lớn của các cơ quan trong và ngoài ĐHQGHN. Lại được kế thừa những thành tựu tương đối tốt, đặc biệt là thành tựu về hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo.

PV: Thưa ông, trong sự phát triển của trường, tôi có nhận thấy một tôn chỉ là “hợp tác để phát triển”. Vậy ông có thể nói rõ hơn quan niệm về vấn đề này không?

Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi cho rằng, một trường đại học như Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN hiện nay phải hợp tác để phát triển. Tính hợp tác phải rất cao thì mới có thể thực hiện được mục tiêu, sứ mạng của mình.

Hợp tác ở đây là gồm nhiều khía cạnh. Thứ nhất là hợp tác trong nội bộ. Giữa các phòng ban, các đơn vị trực thuộc phải chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, đặc biệt là hợp tác để thực hiện các nhiệm vụ, bởi chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị lại có sự liên đới với các đơn vị khác. Các đơn vị phải hợp tác có thiện chí thì mới vượt qua được những trở ngại ban đầu. Trước kia, các đơn vị trong Nhà trường cũng có sự hợp tác với nhau, nhưng sự phối hợp này còn rất hạn chế. Bây giờ là phải khác. Các đơn vị phải cùng làm việc với nhau thông qua chương trình giống như một chuỗi giá trị - mỗi đơn vị phải góp phần vào đó thì sẽ tạo ra một sản phẩm chung. Trường ĐHKT nhấn mạnh việc “cùng đi về một hướng” để tạo ra sức mạnh lớn.

Thứ hai là hợp tác giữa Nhà trường, thầy cô giáo với sinh viên, bởi sinh viên là đối tượng phục vụ trọng tâm của Nhà trường; thầy cô có nhiệt tình đến mấy nhưng không có sự hợp tác nhiệt tình của sinh viên thì cũng không đem lại kết quả như mong muốn.

Thứ ba là hợp tác giữa Trường ĐHKT với bên ngoài. Trước hết là hợp tác giữa Nhà trường với các đơn vị trong ĐHQGHN, và hợp tác với khách hàng - những người sử dụng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và cơ quan của Chính phủ, các đối tác quan hệ với Nhà trường… Điều này hết sức quan trọng bởi chúng tôi quan niệm: Trường ĐHKT - ĐHQGHN quy mô nhỏ nhưng ảnh hưởng không nhỏ, không cần đông nhưng đội ngũ cộng tác viên phải tốt. Muốn thế thì sự hợp tác phải rất cao - đây cũng là giá trị hợp tác của Nhà trường.

Từ hợp tác đó liên quan đến phát triển. Phát triển ở đây được hiểu theo nghĩa rộng:

Một là, phải đạt được mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch chiến lược - trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, tiến từng bước tới đẳng cấp khu vực và quốc tế. Phát triển được thể hiện qua nhiều tiêu chí cơ bản: đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ… Cụ thể hơn nữa là nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên; tạo điều kiện cho tất cả cán bộ, công nhân viên trong trường đều có cơ hội phát triển, tiếp cận những kiến thức hiện đại, môi trường sống tốt hơn.

Hai là, phát triển thể hiện ở sự bền vững, tạo điều kiện cho mọi người có môi trường văn hóa tổ chức tốt. Phải có sự đoàn kết, hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Đây mới là điều quan trọng.

Ba là cơ hội thăng tiến. Mọi người đều có quyền mơ ước đến vị trí của mình cao hơn trong tương lai. Chúng tôi muốn tạo cho tất cả cán bộ trong trường đều có cơ hội phát triển.

Một nhà trường muốn khẳng định được vị trí của mình trong xã hội thì phải làm tốt 3 mảng: đào tạo - nghiên cứu khoa học - tài chính và dịch vụ. Ba lĩnh vực này giải quyết sự phát triển bền vững: có sản phẩm đào tạo tốt - có những trường phái nghiên cứu tốt - có tài chính thông qua các sản phẩm dịch vụ. Đó chính là ý nghĩa của cụm từ “hợp tác để phát triển” mà chúng tôi đã đề ra, và cũng chính vì vậy mà Trường ĐHKT của chúng tôi có hẳn một đơn vị - Phòng Hợp tác Phát triển - để đảm nhận nhiệm vụ này.

PV: Xin ông cho biết năm học mới 2007-2008 Nhà trường hướng tới những trọng tâm gì?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Trong năm học tới, Trường ĐHKT có rất nhiều việc phải làm. Tôi chỉ xin nhấn mạnh tới mấy vấn đề trọng tâm: 1 - Tổ chức, củng cố bộ máy của Nhà trường thực sự tinh gọn - mạnh để thực hiện được nhiệm vụ những năm tiếp theo. 2 - Rà soát các chương trình đào tạo hiện có để điều chỉnh cho sát với thực tế. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai chương trình đào tạo cử nhân Quản trị Kinh doanh đẳng cấp quốc tế. Mạnh dạn, chủ động làm việc với các tập đoàn, công ty lớn để xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn. Đây là một hướng đi cần thiết. 3- Triển khai công tác đào tạo tín chỉ. 4- Thực hiện các đề tài nghiên cứu đã có và đẩy mạnh xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về Kinh tế môi trường - Phân tích định lượng. 5- Năm 2008 là một năm quan trọng đối với Nhà trường trong việc củng cố các mối quan hệ với các đối tác hiện có, triển khai quan hệ với các đối tác mới.

PV: Trong bản kế hoạch chiến lược của Trường ĐHKT tôi có thấy Nhà trường đề ra “Đến năm 2008, Trường ĐHKT được biết đến là một trường đại học mới, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển cao”. Quyết tâm phát triển thể hiện ngay từ những ngày đầu mới thành lập rồi. Vậy làm thế nào để Nhà trường thể hiện được sự năng động, tầm nhìn của mình?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Việc thể hiện tầm nhìn của Trường, nhận diện nó ra sao, lộ trình đưa Trường ĐHKT đến vị trí nào là vấn đề hết sức quan trọng. Điều này được thể hiện trong rất nhiều hoạt động, như cách thức làm việc của trường với các đối tác bên trong, ngoài ĐHQGHN; thể hiện trong Kế hoạch chiến lược; thông qua hoạt động hàng ngày của từng đơn vị, bộ phận trực thuộc, Ban giám hiệu; trong xây dựng các chương trình hành động thông qua những mục tiêu hướng đích. Nếu như không có những mục tiêu hướng đích ở những tiêu chí rất cụ thể thì hoạt động của Nhà trường sẽ bị phân tán. Khi đã có hướng đích rồi thì toàn bộ hoạt động của Nhà trường sẽ tập trung vào một đích. Tầm nhìn chính là ở chỗ đó.

Sự năng động thể hiện ở nhiều hoạt động, chương trình đào tạo của Nhà trường; việc triển khai, nắm bắt cơ hội hợp tác với các đối tác, bởi các đối tác tìm đến Nhà trường với một hy vọng trong tương lai là Nhà trường này có thực sự là nơi đào tạo chất lượng cao hay không (?), có đào tạo con em họ thực sự có kiến thức, có năng lực, đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không (?). Nếu chỉ ra cho đối tác được những vấn đề đó thì họ sẽ tin tưởng, sẽ cùng đầu tư... Đây sẽ là những bước đầu làm thay đổi vị thế của Trường ĐHKT so với những năm trước đây.

PV: Từ góc độ cá nhân, mới nhậm chức Hiệu trưởng - phương châm hành động của ông là gì?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Tôi đã được đào tạo từ Khoa Kinh tế Chính trị trước kia. Tôi rất tâm huyết với ngành Kinh tế Chính trị. Khi ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên. Tôi cũng đã tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp, các cơ quan trong và ngoài nước và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Tôi có được sự may mắn hơn các bạn đồng nghiệp là được đào tạo về cơ bản cả ở trong và ngoài nước, và một may mắn nữa là lĩnh vực của tôi liên quan rất nhiều tới hội nhập mở cửa, đó là đầu tư nước ngoài, công ty xuyên quốc gia. Trong suốt hơn 20 năm đổi mới, đây là một lĩnh vực nổi bật nên tôi đã học tập được nhiều; càng tiếp cận với thực tiễn cũng như làm việc chuyên môn với các giáo sư nước ngoài tôi lại càng thấy thấm thía một điều là phải có một cố gắng rất lớn để xây dựng một cơ sở đào tạo trước kia là Khoa Kinh tế, bây giờ là Trường ĐHKT để trở thành một trung tâm đào tạo thực sự có chất lượng đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài. Học được kinh nghiệm quản lý của các trường đại học lớn ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng đây cũng là một dịp rất tốt, những hoài bão ấp ủ bây giờ được đem ra cống hiến để cùng với đội ngũ cán bộ, công nhân viên Nhà trường xây dựng một Trường Đại học Kinh tế theo một mô hình gọn nhẹ, linh hoạt và chất lượng. Suốt hơn 20 năm được đào tạo và cống hiến ở đây, nay tôi sẽ toàn tâm, toàn ý xây dựng Trường ĐHKT như đã thể hiện trong Kế hoạch chiến lược của Nhà trường, theo tinh thần: chủ động - năng động - sáng tạo - hướng đích.

PV: Ngày lễ công bố quyết định thành lập trường và khai giảng năm học mới 2007-2008 sắp đến, ông có muốn gửi gắm tâm sự gì tới cán bộ, viên chức, sinh viên và học viên của Nhà trường?

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Trường ĐHKT ra đời là một cơ hội tốt chưa từng có so với trước đây, nếu có một quyết tâm cao trong toàn trường thì trong một thời gian ngắn Trường ĐHKT sẽ tạo ra thương hiệu và sẽ có vị thế cao, từ đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả mọi người. Tôi kỳ vọng vào sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng của toàn thể cán bộ, công nhân viên, học viên, sinh viên Nhà trường để xây dựng Trường ĐHKT theo những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

Đối với sinh viên, các bạn cần có một quyết tâm và hoài bão về tương lai phát triển của Nhà trường và các bạn cũng cần có trách nhiệm về điều đó. Sự thành công của Nhà trường có một phần đóng góp vô cùng quan trọng của sinh viên. Tiêu chí Nhà trường đặt ra là: tất cả vì sinh viên, do vậy nếu sinh viên không tham gia thì không thể đạt được mục tiêu: xây dựng Nhà trường trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, được xếp hạng trong số các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới về đào tạo, nghiên cứu và tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Tương lai của các em ở phía trước. Một trong nhiều yếu tố để các em thành công trong tương lai là phải có hoài bão, có tâm huyết và phải có niềm tin. Các bạn hãy tin tưởng vào chúng tôi, vào tương lai của Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Xin cảm ơn ông! Xin chúc Trường ĐHKT ngày càng phát triển, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội. Chúc ông luôn mạnh khoẻ, vững tay chèo lái con thuyền Đại học Kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức để đến được bến bờ thành công.

 Mai Hương Anh (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :