Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đào tạo cử nhân khoa học tài năng - Một mô hình đào tạo nhân tài có tính đột phá
Trong những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta đã từng sở hữu một đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản sung sức và đầy tiềm năng do Liên Xô và các nước Đông Âu giúp đỡ đào tạo. Sự cố khối các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ đã làm chúng ta mất đi kênh hỗ trợ quan trọng để tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ này.

Rồi những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đang từng bước hình thành lại đẩy các ngành khoa học cơ bản vào tình trạng bi đát hơn: những học sinh năng khiếu, kể cả những em đạt giải thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế cũng quay lưng lại với những ngành học đã từng một thời là niềm mơ ước của những sinh viên xuất sắc nhất này dễ hướng về một vài ngành kinh tế, kỹ thuật thời thượng hứa hẹn cơ hội để kiếm việc làm có thu nhập cao ngay sau khi tốt nghiệp. Tình hình nói trên báo động nguy cơ hẫng hụt trầm trọng đối với đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản với tuổi đời ngày một cao, lại không còn nguồn bổ sung, kế cận.

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi gánh vác nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đồng thời cũng là một trong những cơ sở có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực này nhiều nhất. Bởi vậy Nhà trường phải trực tiếp đối mặt với hậu quả, đồng thời có trách nhiệm tìm kiếm giải pháp kiềm chế, tháo gỡ nguy cơ này để vừa tự cứu mình vừa hoàn thành sứ mạng đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học phát triển như Mỹ và một số nước phương Tây, chúng tôi nhận thấy các chương trình xuất sắc (honor program) là một loại hình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trẻ tuổi rất hiệu quả và phổ biến ở các trường đại học nghiên cứu. Ý tưởng chính của loại hình đào tạo dành cho một bộ phận sinh viên giỏi có triển vọng phát triển này là tăng cường, bổ sung thêm vào chương trình đào tạo đại trà một số kiến thức (chủ yếu là chuyên ngành) nâng cao và hướng sinh viên tiếp cận với hoạt động nghiên cứu khoa học. Chúng tôi tự hỏi, liệu có thể vận dụng loại hình đào tạo tiên tiến này vào Việt Nam được không? Trước hết về nội dung kiến thức, chương trình xuất sắc được thiết kế trên cơ sở nâng cao chương trình đào tạo đại trà của các nước phát triển đã đáp ứng yêu cầu chất lượng quốc tế, trong khi đó chất lượng chương trình đào tạo đại trà của ta còn khá thấp. Còn về điều kiện tổ chức đào tạo thì lực lượng cán bộ giảng dạy đạt chuẩn trình độ của ta còn rất mỏng và cơ sở vật chất – kỹ thuật còn thiếu thốn, lạc hậu. Như vậy, để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở nước ta, loại hình đào tạo này cần được điều chỉnh, cải tiến nhiều.

Tôi trao đổi suy nghĩ về mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi này với Phó Hiệu trưởng Mai Trọng Nhuận và chúng tôi cùng nhau thảo luận kỹ lưỡng về mọi khía cạnh rồi đi đến thống nhất rằng ý tưởng này rất khả thi. Tôi đề nghị GS Nhuận tập hợp một số chuyên gia tâm huyết về vấn đề này để tổ chức khảo sát kinh nghiệm về các chương trình xuất sắc của một số đại học có uy tín ở Hoa Kỳ và xây dựng Dự án thí điểm đào tạo cử nhân tài năng về một số ngành khoa học tự nhiên cốt lõi ở ĐHQGHN theo nguyên tắc: chương trình, nội dung đạt trình độ quốc tế; thầy giỏi, điều kiện đào tạo tương đối tốt; trò xuất sắc. Dự án đặt 3 mục tiêu: (1) xây dựng một mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi mới ở Việt Nam, tạo bước đột phá tiếp cận chất lượng quốc tế; (2) thu hút những học sinh năng khiếu, xuất sắc theo học các ngành khoa học cơ bản; (3) cung cấp cán bộ khoa học cơ bản kế cận, bổ sung cho ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu lớn khác.

Khi tổ chức hội nghị để lấy ý kiến của các nhà khoa học và các cán bộ quản lý, nhiều người đã ủng hộ mạnh mẽ nhưng cũng không ít người còn băn khoăn rằng đây có phải là một loại trường chuyên, lớp chọn vốn là những mô hình giáo dục phổ thông tỏ ra rất hữu hiệu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu và học sinh giỏi, nhưng vào thời gian đó do không được quy hoạch và quản lý tốt nên đã “bung ra” một cách tự phát, tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Hội nghị Trung ương 2 (khoá 8) đã thảo luận vấn đề này và quyết định xoá bỏ các lớp chọn, còn trường chuyên cũng chỉ giữ lại ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, do nhu cầu đào tạo cán bộ kế cận về khoa học cơ bản rất cấp bách và các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng là giải pháp tối ưu đáp ứng nhanh được nhu cầu này nên cuối cùng Hội nghị vẫn đạt được sự nhất trí về việc triển khai Dự án sau khi bổ sung, hoàn chỉnh phương thức tổ chức và quản lý đào tạo. Tôi vẫn nhớ một chi tiết rất thú vị: một vài nhà khoa học phản ứng gay gắt tên gọi “cử nhân tài năng” vì lo ngại sinh viên có thể kiêu căng, tự mãn và đề nghị dùng thuật ngữ khiêm tốn hơn là “cử nhân chất lượng cao”. Nhưng như trên đã nói, đối tượng của chương trình đào tạo đặc biệt này là những sinh viên xuất sắc, thực sự có năng khiếu, do đó không thể mở rộng cho đông đảo sinh viên. Trong khi đó nhiệm vụ của ĐHQGHN là phải tiến tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên quy mô tổng thể. Bởi vậy, chất lượng của chương trình không thể chỉ dừng ở mức “chất lượng cao”. Vì lúc đó cả Hội nghị không ai đề xuất thêm được một thuật ngữ nào khác nên tôi kết luận tạm dùng tên gọi “ cử nhân tài năng” cho đến khi tìm được một tên gọi hợp lý hơn. Rất may là sau đó không thấy ai nhắc lại vấn đề này nữa và tên gọi “tạm thời” đã trở nên phổ biến, quen thuộc và được sử dụng chính thứ c trong các văn bản của Nhà nước.

Lãnh đạo ĐHQGHN quyết định chủ động đầu tư cho Dự án thí điểm chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và phân công tôi trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án ngay từ năm học 1997 – 1998. Trường ĐHKHTN đã thành lập Ban điều hành Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng do GS Đàm Trung Đồn làm trưởng ban cùng các Phó ban là GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến và PGS.TS Nguyễn Văn Nhân. Kỳ tuyển sinh đầu tiên của Hệ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Với tinh thần đổi mới phương pháp đánh giá, Dự án chủ trương sử dụng phương thức xét tuyển theo hồ sơ là chủ yếu: dành 80/100 điểm cho kết quả học tập cấp trung học phổ thông, đặc biệt là kết quả thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế; 20/100 điểm còn lại cho kết quả trắc nghiệm IQ, phỏng vấn trực tiếp và bài luận ngắn về cuộc sống và hoài bão khoa học. Hội đồng tuyển sinh cũng áp dụng nhiều sáng kiến, biện pháp để tạo sự hấp dẫn, thoải mái và gây ấn tượng đối với thí sinh. Cuộc thi được tổ chức như một “hội nghị khoa học”, thí sinh không phải nộp lệ phí dự thi mà còn được tặng cặp và tài liệu, bút viết....

Ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên, mục tiêu thu hút những học sinh năng khiếu xuất sắc nhất vào học các ngành khoa học cơ bản đã thành công mỹ mãn: Hệ đã tuyển được 40 chỉ tiêu theo kế hoạch, trong đó hầu hết những em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thi Olympic quốc tế đều tề tựu đông đủ. Tiếng lành đồn xa. Chất lượng của chương trình đào tạo đã sớm nhận được sự công nhận quốc tế: ngay khi chuẩn bị kết thúc năm học, Đại học Bách khoa Pari nổi tiếng đã cử giáo sư sang trực tiếp phỏng vấn và cấp học bổng cho sinh viên của Hệ sang học trường bạn. Và sinh viên các ngành Toán, Vật lý của Hệ đã chiếm 6 học bổng, tức là khoảng 25% tổng số học bổng quốc tế của trường bạn. Các em sinh viên này được bạn cho học tiếp luôn năm thứ hai và đã tốt nghiệp xuất sắc, trong đó có cả vị trí thủ khoa. Một số sinh viên được nhận học bổng của một vài trường đại học lớn ở các nước khác cũng đạt được những thành tích tương tự. Còn những em tốt nghiệp khoá học ở trong nước cũng thành công không kém: đa số xin được học bổng du học ở các trường đại học lớn trên thế giới, hoặc được chuyển tiếp cao học và nghiên cứu sinh tại ĐHQGHN. Như vậy, chỉ qua một khoá thí điểm (4 năm học) các mục tiêu đề ra của Dự án đều đã đạt được ở mức cao. Thành công của Dự án đã có tiếng vang lớn, nhiều trường đại học trong nước đã mở các lớp cử nhân hoặc kỹ sư tài năng, chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (nay là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) đã rất quan tâm, ủng hộ và đầu tư cho ĐHQGHN 55 tỷ đồng để thực hiện Dự án đào tạo nguồn nhân lực tài năng nhằm mở rộng quy mô đào tạo tài năng đối với các ngành khoa học cơ bản và thí điểm đào tạo chất lượng cao (“lớp chọn” bậc đại học) đối với một số ngành mũi nhọn khác. Cuối năm 2006, ĐHQGHN đã tổng kết Dự án đào tạo nguồn nhân lực tài năng: mô hình đào tạo tài năng , chất lượng cao đã trở thành những hệ đào tạo chính thức được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo thường xuyên với qui mô khoảng 2000 sinh viên thuộc các ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và một số ngành kinh tế, xã hội mũi nhọn của các trường đại học và khoa trực thuộc trong ĐHQGHN.

Cũng do đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả của mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao cho ĐHQGHN chủ trì xây dựng Dự án thí điểm “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng trong lãnh đạo – quản lý – khoa học công nghệ và kinh doanh phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Đình Hoan (khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thưu TW Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TW) và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (nay là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường ĐHKHTN, tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm khó quên về những ngày khởi đầu nhằm góp phần tôn vinh tập thể thầy và trò của Hệ, những người bằng tâm huyết và lao động sáng tạo của mình đã góp phần khẳng định một mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi, có thể được coi là bước đột phá giúp ĐHQGHN vươn lên tiếp cận trình độ quốc tế.

 Hà Nội, tháng 9/2007
Đào Trọng Thi - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :