Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Nhà nước Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của giới nghiên cứu Việt Nam học trong nước và quốc tế.
Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan trong bài phát biểu chào mừng tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III được ĐHQGHN và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 5-7/12/2008.

 

 

>>> Xem thêm:

Trước hết, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các vị đại biểu và đặc biệt các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đến tham dự cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ III tại Hà Nội.

      Kính thưa quý vị,

      Thưa các nhà khoa học,

      Việt Nam là một quốc gia - dân tộc thống nhất có truyền thống văn hiến rực rỡ, lâu đời - một sự thống nhất trong tính đa dạng cao về tộc người, tôn giáo, địa bàn cư trú, phong tục, tiếng nói, lối sống và địa vị xã hội. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam, dù sống ở bất cứ nơi đâu, dù theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đều đã đồng lòng chung sức cùng viết nên những trang sử hào hùng, kết tinh nên những giá trị văn hóa đặc sắc làm nền tảng cho sự thống nhất và trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo Việt Nam học lần 3, ảnh từ trái sang, hàng ngồi: Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, GS. Đỗ Hoài - Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

      Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ những nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã vượt qua những thử thách vô cùng lớn lao và lập nên những kỳ tích lịch sử để có ngày hôm nay. Sau hơn 20 năm đổi mới nhờ nghiên cứu và phân tích đúng tình thế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội của thời kỳ hậu chiến tranh, từng bước xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam theo phương châm "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

      Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ gần đây được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Với việc Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, uy tín của Việt Nam trên  trường quốc tế ngày càng phát triển.

      Đây là những dấu mốc lớn ghi nhận những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới đưa lại những cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng đặt ra cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam những thách thức không nhỏ. Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, hơn bao giờ hết nhu cầu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc nhận thức rõ hơn về tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là về chính đất nước, con người và dân tộc Việt Nam trở nên vô cùng cấp thiết. Chúng tôi luôn muốn lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học, những tiếng nói chân thành, cởi mở và nghiêm túc.

      Tôi rất vui mừng được biết trong những thập kỷ gần đây ngành Việt Nam học đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Ở Việt Nam đã có hàng chục cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Việt Nam học, đặc biệt là ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ở nước ngoài các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học được xây dựng và phát triển ở hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc. Tại nhiều nơi đã hình thành các hiệp hội và các diễn đàn học thuật chuyên nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội, đất nước và con người Việt Nam.

      Nhà nước Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của giới nghiên cứu Việt Nam học trong nước và quốc tế. Trong hàng chục năm qua, hàng nghìn công trình nghiên cứu về Việt Nam đã thực sự góp phần nối những nhịp cầu học thuật, nhịp cầu tri thức, văn hóa và tình cảm giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới; giữa các cộng đồng tộc người anh em trong dân tộc Việt Nam; giữa những người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giữ vai trò quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình hoạch định và thực thi các chiến lược và chính sách phát triển của Việt Nam, góp phần giải quyết các vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp trên tinh thần hợp tác, hòa bình và hữu nghị... Kết quả nghiên cứu về Việt Nam của các học giả nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đã góp phần làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu biết toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam. Tôi cũng được biết không ít nghiên cứu và ý kiến của các học giả nước ngoài nghiên cứu Việt Nam đã có tác động tích cực, quan trọng tới việc hoạch định hoặc cải thiện chính sách của một số chính phủ đối với Việt Nam.

      Nhân dịp này, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các nhà Việt Nam học ở trong và ngoài nước. Riêng đối với các nhà nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài, tôi mong muốn các bạn, xuất phát từ niềm đam mê học thuật, hãy thực sự coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình.

      Kính thưa quý vị đại biểu,

      Thưa các nhà khoa học,

      Cuộc hội thảo lần này của chúng ta diễn ra trong thời điểm hết sức có ý nghĩa. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi và thách thức to lớn, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu đang đe dọa chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và toàn thế giới. Do đó rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu để giúp Chính phủ Việt Nam có hoạch định chiến lược và chính sách một cách khoa học, chính xác. Vì vậy, tôi mong muốn và tin tưởng các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài hãy tăng cường hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức các nghiên cứu liên ngành, hướng vào việc giải quyết các vấn đề cơ bản và nóng bỏng đang đặt ra đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

      Tôi đánh giá cao sáng kiến và cố gắng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trong việc tổ chức cuộc Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III với chủ đề rất có ý nghĩa: "Việt Nam - Hội nhập và Phát triển". Sau cuộc Hội thảo này cần tổng kết và đánh giá một cách đầy đủ và kịp thời kết quả nghiên cứu về Việt Nam ở trong và ngoài nước và sử dụng kết quả nghiên cứu một cách có ý nghĩa. Đồng thời cần có giải pháp để qui tụ được nhiều hơn nữa các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về Việt Nam, cùng phấn đấu đưa ngành Việt Nam học phát triển cao hơn, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước và cũng là đóng góp chung cho sự phát triển của khu vực và thế giới.

      Xin chúc các vị đại biểu, các nhà khoa học sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

      Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

      Xin trân trọng cảm ơn./.

 BTC
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   |