Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III - hình ảnh đất nước thời hội nhập
Hơn 700 nhà khoa học trong nước và 200 nhà khoa học quốc tế đã tham dự lễ khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 5/12/2008.

 

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 với chủ đề Việt Nam - Hội nhập và phát triển hết sức có ý nghĩa, là dịp để đánh giá, nhìn nhận chân thực nhất những chuyển biến toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực đời sống của Việt Nam sau 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là từ khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo Phó Chủ tịch nước thì bối cảnh hiện nay đã đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế gay gắt đang đe dọa chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài tham dự hội thảo lần này cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức các nghiên cứu liên ngành, toàn diện, trên tinh thần khoa học nghiêm túc, cởi mở, thiết thực hướng vào việc giải quyết các vấn đề cơ bản và nóng bỏng đang đặt ra đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (từ ngày 5 - 7/12), tại 18 tiểu ban chuyên môn, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thảo luận sôi nổi về tất cả các vấn đề liên quan đến văn hóa, lịch sử, địa lý, tự nhiên, xã hội, con người... của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Điểm đặc biệt tại hội thảo lần thứ 3 là ngoài các tiểu ban có nội dung khái quát như văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, nhiều nội dung mới mẻ đã được đưa vào thảo luận như vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong truyền thống và hiện đại, vấn đề môi trường và phát triển bền vững, đô thị hoá, môi trường. Vấn đề kinh tế nông nghiệp Việt Nam đã được GS. Christophe Gironde - Viện Nghiên cứu Quốc tế và phát triển (Geneva, Thụy Sỹ) nhìn nhận dưới góc độ: Đó là sự phát triển không đồng đều, chênh lệch giữa các hộ gia đình. Dựa vào những tư liệu nghiên cứu điền dã tại một huyện nông thôn ở đồng bằng sông Hồng (tỉnh Hưng Yên), vị GS này đã khẳng định, hiện tượng này bắt đầu từ thời kỳ đầu cải cách và khuyến cáo: Các nhà hoạch định chính sách về phát triển nông nghiệp và giảm nghèo cần phải chú ý tới quá trình bất bình đẳng này. Rất nhiều nhà khoa học đã gặp nhau ở những đề xuất, đảm bảo cho vấn đề "tam nông" được bền vững: Đó là chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; đảm bảo khâu thị trường đầu ra và sức cạnh tranh của nông sản, đồng thời phải hỗ trợ đúng mức và hiệu quả cho nông dân phù hợp với nguyên tắc của WTO. Một trong những chủ đề khác cũng được thảo luận sôi nổi tại hội thảo, là “Kinh tế Việt Nam” - đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều chiều, từ vấn đề tiếp tục cải cách để phát triển bền vững, vấn đề cội nguồn, hiện tại và triển vọng của kinh tế thị trường, quan hệ kinh tế Việt Nam - EU năm 2007 - thực trạng và triển vọng, đến phát triển kinh tế hàng hóa…

Tại tiểu ban kinh tế, phát triển bền vững là chủ đề được các nhà nghiên cứu kinh tế tranh luận sôi nổi. Với tham luận mở đầu phiên họp tiểu ban, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra quan điểm: những nước “đi sau” đều có thể rút ngắn khoảng cách, đi nhanh hơn nhờ vào những bước đột phá. Theo ông Thiên, với những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, có thể nghĩ đến cơ hội nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Ngay sau đó, vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế liên tiếp được các nhà nghiên cứu kinh tế đặt ra. PGS.TS Phan Huy Đường đến từ Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) khẳng định: “Phát triển kinh tế phải đảm bảo tính bền vững”. Để được coi là phát triển kinh tế bền vững, theo ông Đường, cần phải đạt được các yêu cầu cơ bản: bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và duy trì tốc độ ấy trong một thời gian dài, môi trường sinh thái được bảo vệ một cách tốt nhất, đời sống xã hội được đảm bảo hài hòa.

Tại tiểu ban “đô thị, đô thị hóa” và “tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững”, ông Koos Neefies - chuyên gia của UNDP - cảnh báo: “Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm sự dâng lên của mực nước biển và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, mưa lớn, hạn hán và triều cường”. Trong khi đó, vấn đề môi trường ở Việt Nam, từ rừng, biển đến nguồn nước vẫn còn là những vấn đề quá mới mẻ. Giáo sư Yutaka Matsuzawa - chuyên viên của JICA - khẳng định: “Vấn đề cốt lõi nhất vẫn là ý thức về môi trường và có đầy đủ thông tin lựa chọn đúng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần có nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với cộng đồng khi lựa chọn giữa lợi nhuận và việc giảm thiểu ô nhiễm”.

 

Ở nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã đề cập những thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất là về sự thay đổi của xã hội Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập, kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa và các vấn đề đô thị, giáo dục đại học... Nhiều nhà khoa học cùng đề cập một thực tế: ngoài những lợi ích và cơ hội phát triển có được từ toàn cầu hóa, hội nhập và mở cửa còn tạo ra những tác động đến bộ phận “thiệt thòi” trong xã hội là nông dân và những người nghèo đô thị. Theo PGS.TS Lê Xuân Đình (Ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản) thì chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính đang khoét sâu thêm khoảng cách cả thu nhập lẫn mức chi tiêu giữa nông thôn và thành thị. Trong khi tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm thì tại khu vực nông thôn, hộ nghèo vẫn còn chiếm tỉ trọng cao.

Thảo luận tại tiểu ban quan hệ quốc tế, trong tham luận của mình, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đề cập vấn đề ngoại giao nhân dân là một yếu tố cần chú ý. TS. Thủy cho rằng: “Trước đây Việt Nam chỉ có hoạt động ngoại giao Đảng, ngoại giao của Nhà nước nhưng hiện nay Việt Nam cần chú ý quan hệ quốc tế thông qua ngoại giao nhân dân, các nhà khoa học và chiến lược xây dựng hình ảnh quốc gia. Điểm yếu của Việt Nam chính là khả năng cạnh tranh, chưa khai thác tận dụng hết lợi thế của mình”. Quan hệ hợp tác quốc tế Việt Nam đã được nâng lên, trong đó giáo dục đang nổi lên như một nhân tố của hoạt động ngoại giao. Việt Nam đã hợp tác đào tạo với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ thông qua các chương trình học bổng quốc tế VEF, Fulbright, học bổng của Chính phủ. Chính điều này đã mở ra quan hệ hợp tác thân thiết hơn với các quốc gia. TS. Đào Minh Hồng (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho rằng cần nghiên cứu hiệu quả và ảnh hưởng của giáo dục, cải cách giáo dục trong mối quan hệ quốc tế.

 

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, hiệu quả, Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ 3 đã bế mạc chiều ngày 7/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

 Tin: Minh Trường, Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   |