Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Nuôi dưỡng một nền văn hóa khoa học
Những tiến bộ khoa học từ xưa tới nay phần lớn là từ đầu óc tò mò của con người. Đó là phần điểm phân biệt giữa con người và động vật. Nhiều khám phá khoa học mở đầu bằng những khái niệm mà không ai thấy sự áp dụng của nó như thế nào nhưng cuối cùng những khám phá đó thường dẫn đến những sự đảo lộn trong lối sống. Như vậy ta có thể so sánh nghiên cứu khoa học như một nền móng, nếu không vững thì không thể nào xây dựng được một ngôi nhà cao.

Bắt đầu từ tiểu học

Trẻ em là những nhân vật mà đầu óc vẫn còn mềm dẻo, có thể hấp thụ được nhiều thứ, rất tò mò và không ngại hỏi những câu mà nhiều lúc người lớn còn không biết trả lời thế nào. Vì vậy, đây là chỗ bắt đầu để “tạo ra” một nền văn hóa khoa học. Trẻ em nên được khuyến khích có đầu óc tò mò, quan sát những hiện tượng thiên nhiên xung quanh mình, cố làm một mô hình (có thể rất ngây thơ) để “giải thích” những hiện tượng đó. Làm thế nào để khuyến khích các em đó là một vấn đề thuộc hoàn cảnh và môi trường. Ở Đại học Virginia, Hoa Kỳ, mỗi năm Khoa Vật lý tổ chức một Ngày vật lý (Annual Physics Day Show) và mời tất cả các học sinh trong vùng lân cận từ tiểu học tới trung học đến xem một số “thí nghiệm chứng minh hiện tượng vật lý”. Trong buổi đó, mấy giáo sư vật lý phụ trách có mời một số em cùng “nhúng tay” thực hiện các thí nghiệm. Những góp ý của các em học sinh sau đó có thấy đây là một kinh nghiệm hiếm có giúp các em hiểu biết thêm về các hiện tượng vật lý ngoài khuôn khổ nhà trường.

Trong nhiều đại học Mỹ, mỗi mùa hè có những lớp dành riêng cho giáo viên từ mẫu giáo tới trung học để nâng cao trình độ khoa học với mục đích là những giáo viên đó sẽ có hiệu quả hơn lúc trở lại trường để giảng dạy.

Những gì tôi đã tả ở trên đều có thể áp dụng được vào bậc trung học. Tuy nhiên có một số sự khác biệt khá quan trọng: giai đoạn này là lúc chúng ta phải chú ý về chương trình và lối dạy học (đặc biệt là trong những môn như toán, vật lý, hóa học, sinh học…). Nói chung xu hướng thường thấy ở nhiều trường trung học là dạy những môn như vật lý chẳng hạn theo lối ghi nhớ máy móc. Ở Mỹ, những sự hạn chế từ bậc trung học đó sẽ được sửa đổi lúc học trò bắt đầu học đại học. Tuy thế có rất nhiều cố gắng trong bậc trung học nhằm nhấn mạnh khái niệm để giúp học trò có thể có một sự hiểu biết khoa học sâu xa hơn. Cũng nhằm mục đích đó phần đông các trường trung học loại khá đều có những phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ để dạy học trò ngoài những bài vở lý thuyết trong lớp. Tuy nhiên những cố gắng đó không thật sự hoàn hảo cho nên nhiều nhà nghiên cứu giáo dục liên tục tìm những lối dạy mới để lôi cuốn học trò.

Đến môi trường

Giai đoạn đại học rất phức tạp, có thể nói là phức tạp nhất trong việc nâng cao chất lượng đại học. Những nhận xét và những giải pháp đã được đề xuất về hiện trạng giáo dục đại học Việt Nam trong những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đã được trình bày khá nhiều chi tiết qua những bài báo của nhiều giáo sư và qua một bản báo cáo của các chuyên gia Mỹ trong khuôn khổ của Bộ GD & ĐT, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và Viện Hàn lâm Quốc gia Mỹ. Dưới đây, tôi tóm tắt vài điều mà những bài báo đó đã nêu ra.

1. Chương trình đại học quá nặng nề: 200 tín chỉ so với 128 tín chỉ ở một đại học Hoa Kỳ.

2. Lối học sử dụng trí nhớ nhiều hơn là suy luận theo khái niệm.

3. Sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên rất ít.

4. Nhiều phòng thí nghiệm không được trang bị đầy đủ.

5. Thiếu giảng viên chất lượng cao. Một thí dụ là cử nhân dạy cử nhân.

Một trong những giải pháp mà Bộ GD & ĐT đã đề nghị thực hiện là thành lập những chương trình tiên tiến (cấp đại học) trong đó có ngành vật lý. Trường Đại học Sư phạm Huế được cử ra quản lý chương trình vật lý tiên tiến đó. Đại học Huế và Đại học Virginia đã ký kết một thỏa thuận trong đó những giáo sư ở Đại học Huế sang Đại học Virginia để tu nghiệp và những giáo sư Mỹ sẽ qua Đại học Sư phạm Huế để dạy. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và chương trình tiên tiến sẽ tương tự như chương trình cử nhân khoa học vật lý (Bachelor of Science in Physics) tại Đại học Virginia. Chương trình tiên tiến chỉ còn 140 tín chỉ thay vì 200 và sẽ thay thế lối học máy móc bằng một phương pháp dạy vật lý dựa trên khái niệm nhiều hơn là trí nhớ. Như ở Đại học Virginia, thường thì giảng viên sẽ dành 2 đến 3 tiếng mỗi tuần để tiếp xúc sinh viên cho nên sự tương tác giữa sinh viên và giáo sư sẽ chặt chẽ hơn. Thời gian vừa qua đã có 1 tiến sĩ từ Đại học Virginia đi Huế một tháng để giúp trang bị những phòng thí nghiệm liên quan tới chương trình vật lý tiên tiến.

Tổng số sinh viên trong lớp vật lý tiên tiến khoảng 25 - 30 người (26 sinh viên trong đợt đầu tiên). Con số này là nhỏ nên hiện thời chưa thiếu giáo sư. Tuy vậy, do ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh, đội ngũ giáo sư trong những năm đầu tiên sẽ gồm có các giáo sư Mỹ. Trong tương lai, một số môn sẽ được giảng dạy bởi các giáo sư Việt Nam.

Tôi cho rằng chương trình vật lý tiên tiến này có nhiều hy vọng thành công và có thể được phổ biến tới những đại học ở Việt Nam. Sau khi được đào tạo và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiên, các em sẽ có một nhận thức tổng quát và tự chủ để có thể tiếp tục theo đuổi học vấn sau đại học với mục tiêu trở thành những nhà khoa học chất lượng cao rất cần thiết ở Việt Nam.

Việc đào luyện nên nhà khoa học

Nghiên cứu khoa học là một tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng cho sự tiến bộ của mỗi nước. Muốn đạt được nhiệm vụ đó, chúng ta phải đào tạo thêm nhiều nhà khoa học có chất lượng cao. Nhưng có một vài điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây.

Điểm thứ nhất liên quan tới đội ngũ giáo sư hướng dẫn học viên theo chương trình sau đại học. Giáo sư phải rất tích cực trong việc nghiên cứu và có đủ thời gian để hướng dẫn sinh viên trong những bước đi chập chững ban đầu. Việc lựa chọn đề tài luận án là rất quan trọng trong sự nghiệp của một sinh viên sau đại học.

Điểm thứ hai liên quan tới môi trường làm việc và khai thác những tin tức khoa học thế giới. Thứ nhất, nếu đề tài luận án là một vấn đề thực nghiệm thì phòng thí nghiệm phải được trang bị đầy đủ để có thể có công trình hữu hiệu. Thứ hai, môi trường nghiên cứu khoa học là một điều vô cùng quan trọng. Do đó chỗ làm việc phải có một thư viện có đầy đủ sách vở kèm theo một thư viện điện tử đề nhà nghiên cứu có thể tham khảo và tải về những bào báo mới nhất có ích cho công việc nghiên cứu của mình. Theo tôi biết, thì đã có dự định thành lập một thư viện điện tử tại Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Có 2 loại tài liệu cần phân biệt: Thứ nhất là tải xuống từ những tạp chí quốc tế và qua việc mua báo dài hạn của Thư viện điện tử; Thứ hai là tải xuống từ một cơ quan lưu trữ (miễn phí) những bài báo chưa đăng trên tạp chí như http://arxiv.org/archive/

Qua những bài báo mà tôi đã đọc được và qua sự hiểu biết riêng. Việt Nam còn thiếu nhiều nhân lực trong việc đào tạo sau đại học và vẫn còn ít phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ những thiết bị mới và cần thiết. Cũng vì vậy, Chính phủ có phương án cấp thêm nhiều học bổng cho sinh viên đi du học nước ngoài. Thêm vào đó, có đề xuất là Chính phủ cấp học bổng để sinh viên nghiên cứu ở nước ngoài nhưng sẽ làm luận án ở trong nước.

Theo tôi, sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta có một chương trình trong đó một sinh viên sau đại học sẽ có 2 giáo sư hướng dẫn: một ở Việt Nam, một ở nước ngoài. Sinh viên đó có thể lấp đề tài luận án qua sự cộng tác với một số giáo sư nước ngoài và sẽ được cấp học bổng để làm việc 2 hoặc 3 năm tại đại học của giáo sư đó. Sinh viên này sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam với sự tham gia của giáo sư nước ngoài. Việc này rất có lợi vì nó có thể trở thành một cầu nối giữa một viện nghiên cứu ở Việt Nam với một viện nghiên cứu ở nước ngoài. Mỗi năm sinh viên đó sẽ vê Việt Nam từ 1 - 2 tháng với mục đích giữ liên lạc trực tiếp với đồng nghiệp ở trong nước. Những sinh viên sau đại học qua chương trình này sẽ có cơ hội trao đổi những kinh nghiệm mình đã học hỏi với những đồng nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là với những đồng nghiệp trẻ hơn. Nếu được thực hiện chúng ta có hy vọng nạn chảy máu chất xám sẽ giảm rất nhiều.

 GS.TS Phạm Quang Hưng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   |