Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
"Đúng" và "trúng" với hướng phát triển khoa học công nghệ của đất nước
Ngày 29/3/2011, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KHCN của ĐHQGHN 2006 - 2010 dưới sự chủ trì của GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, TS. Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ KH&CN, GS.TS Nguyễn Cao Huần - Trưởng Ban KH&CN, ĐHQGHN.

Tham dự Hội nghị còn có PGS.TS Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đại diện Viện KH&CN Việt Nam, các tập đoàn, công ty, đối tác chiến lược của ĐHQGHN cùng các lãnh đạo, cán bộ, nhà khoa học các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, 5 năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước coi KHCN là then chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, ĐHQGHN đã có những công trình khoa học quan trọng đóng góp trực tiếp cho lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam, góp phần làm nền tảng sáng tạo, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức; có nhiều công trình khoa học, đặc biệt là những công trình liên ngành, liên lĩnh vực phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng như ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu; ĐHQGHN đã kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và đã đi đầu trong phương pháp đào tạo mới – phương pháp đào tạo dựa vào nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là phương pháp triển khai nghiên cứu khoa học dựa vào đào tạo; tổ chức những nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu xuất sắc và tạo mối tương tác hiệu quả, đa chiều giữa trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp; vị thế, uy tín của ĐHQGHN ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ tích cực hơn nữa đưa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt chuẩn quốc tế, trong đó KHCN được coi là khâu đột phá. Để làm được điều đó, theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, cần tập trung vào một số trọng điểm: tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của ĐHQGHN trong đó phát triển nghiên cứu cơ bản xứng tầm với nhiều công trình nghiên cứu đạt trình độ quốc tế; phát triển những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực; tiếp tục tích hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
Trong báo cáo tổng kết của hội nghị đã nêu bật một số thành tựu quan trọng mà tập thể các nhà khoa học của ĐHQGHN đạt trược trong giai đoạn vừa qua:
Về số lượng các bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín ĐHQGHN vẫn là đơn vị đi đầu trong các trường đại học của cả nước có số bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Số lược bài báo được đăng hàng năm vẫn tăng từ 132 bài năm 2008, 169 bài năm 2009 và 142 bài năm 2010. Điều này phản ánh hướng đi đúng đắn của hoạt động KHCN của ĐHQGHN không chỉ phục vụ đào tạo chất lượng cao, mà còn hòa nhập với xu thế khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới và thiết thực phục vụ xã hội, đồng hành cùng thực tiễn phát triển của đất nước;
Đặc biệt, trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngoài việc chủ trì và hoàn thành xuất sắc các đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình KHCN đặc biệt KX.09, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có đóng góp nổi bật trong việc xây dựng Tủ sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, đã xuất bản 34 / 97 bộ sách quý phục vụ Đại lễ. ĐHQGHN cũng là đơn vị được Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức Hội thảo quốc tế duy nhất kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà theo đánh giá của dư luận xã hội đây là điểm sáng trí tuệ trong các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội;
Thúc đẩy nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc tế làm cơ sở hình thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Hiện nay ĐHQGHN có trên 30 nhóm nghiên cứu mạnh đang thực hiện các nhiệm vụ khoa học có tính mũi nhọn của các ngành, nhóm ngành ở các đơn vị và trên quy mô của ĐHQGHN, đang hình thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc.. Năm 2009, 2010 ĐHQGHN đã khởi động đầu tư thí điểm cho một số nhóm nghiên cứu mạnh có sản phẩm đăng ký SHTT, sản phẩm đạt chất lượng cao, có khả năng giải quyết nhiệm vụ liên quan đến chính trị của đất nước;
Là một trong những đầu mối hợp tác quốc tế về đào tạo và KHCN của cả nước, ĐHQGHN luôn coi trọng công tác phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, coi đây như một giải pháp chiến lược quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng các bậc đào tạo đại học, sau đại học và các hoạt động KHCN. Hiện nay ĐHQGHN hợp tác với hơn 135 các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm KHCN lớn, có uy tín của hơn 80 quốc gia.
ĐHQGHN đã triển khai, mở rộng và thực hiện có hiệu quả hợp tác Trường - Viện - Doanh nghiệp- ĐHQGHN đã ký với các viện, tập đoàn kinh tế lớn như Bộ TNMT,Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Viettel...;
Đặc biệt, việc các nhà giáo - nhà khoa học của ĐHQGHN đạt được những giải thưởng quốc tế, quốc gia có uy tín cao chứng tỏ rằng tiềm năng KHCN của ĐHQGHN đủ mạnh, hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm KHCN đỉnh cao của thế giới và của quốc gia.
Phương hướng phát triển KHCN của ĐHQGHN giai đoạn 2011 - 2015 xác định mục tiêu: Tăng cường năng lực, tập trung đầu tư, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức và quản lý nhằm tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng của các hoạt động KHCN, tạo ra các sản phẩm KHCN đỉnh cao, ngang trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, thiết thực phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo ở ĐHQGHN, có sức cạnh tranh cao trên thị trường KHCN, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, trong thời gian từ 2011 - 2015, ĐHQGHN sẽ phát triển hoạt động KHCN của mình theo những định hướng và giải pháp ưu tiên:
Tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế và tập thể khoa học tinh nhuệ để có được các kết quả khoa học đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đột phá (Bằng SHTT, các giải thưởng KHCN cấp quốc gia, quốc tế, các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng, các công trình chuyên khảo có uy tín và các giải pháp tư vấn chính sách cho các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước vv..);
Tăng cường đầu tư chiều sâu và năng lực các PTN hiện đại phục vụ đào tạo chất lượng cao và NCKH. Dành ưu tiên cao cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống PTN công nghệ nano, PTN đại cương và Trung tâm Truyền thông và giáo dục văn hóa truyền thống; tiếp tục đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực và hiệu quả sử dụng của hệ thống PTN hiện có;
Tập trung phát triển công nghệ cao, chế tạo sản xuất thử các sản phẩm KHCN để phục vụ thiết thực kinh tế - xã hội. Đầu tư cho các "vườn ươm công nghệ";
Triệt để áp dụng nguyên tắc lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra (outcome based approach) trong việc xác định, tổ chức triển khai nhiệm vụ KHCN và mua sắm, đầu tư trang thiết bị nhằm tạo ra bước chuyển biến đột phá trong quản lý hoạt động KHCN ở ĐHQGHN, đảm bảo việc quản lý KHCN phải mở đường và hỗ trợ cho việc đạt được những sản phẩm KHCN đỉnh cao, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp đào tạo chất lượng cao của ĐHQGHN và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước;
Triển khai các nhiệm vụ KHCN trọng điểm hướng tới phục vụ tốt nhất, có hiệu quả cao cho nhiệm vụ chiến lược (các chương trình đào tạo đại học và sau đại học đạt chuẩn quốc tế - chương trình 16+23), góp phần tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học;
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các bộ, ngành - Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Tp. HCM, Trung tâm KHCN quân sự, Viện KHCN Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vinashin và các đối tác khác nhằm tăng cường nguồn lực, hướng tới các sản phẩm KHCN đỉnh cao, với tính ứng dụng cao;
Đẩy mạnh hợp tác NCKH với các địa phương, quan tâm tới thủ đô Hà Nội phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững và bảo vệ môi trường;
Tích cực triển khai tốt các dự án hợp tác quốc tế về KHCN, ưu tiên tới tới các đối tác có quan hệ truyền thống và các đối tác đang hợp tác như Nhật Bản, Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Pháp, Ngân hàng Thế giới...;
Trong thời gian từ 2011-2015, ĐHQGHN có kế hoạch tổ chức thành công một số hội thảo quốc tế quan trọng, trong đó có Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV, các hoạt động trong khuôn khổ BESETOHA, mạng lưới các trường đại học châu Á ( Inter Asean Universities Networks),ICT và các hội thảo lớn trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển bền vững và công nghệ mũi nhọn...;
Tổ chức tốt hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học và nghiên cứu, hình thành các diễn đàn khoa học cho các học viên cao học, NCS và cán bộ trẻ;
Một số hướng KHCN mũi nhọn, có khả năng phát triển đột phá và có khả năng giải quyết các vấn đề thời sự của thực tiễn đời sống, xã hội cần ưu tiên;
Xây dựng và nâng cao chất lượng tạp chí KHCN đạt trình độ quốc tế, phấn đấu có 2 tạp chí quốc tế.
Tại Hội nghị, TS. Lê Đình Tiến – Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định ĐHQGHN là tổ chức KHCN có vị trí hết sức quan trọng và hàng đầu của đất nước trong đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao, đồng thời tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học đỉnh cao. ĐHQGHN tập trung nguồn lực KHCN lớn và là một tiềm năng đối với sự phát triển KHCN của Việt Nam. Những nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN đã “trúng” và “đúng” với hướng phát triển KHCN của đất nước hiện nay.
Đồng tình với đánh giá của TS. Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, cho rằng hoat động KHCN của ĐHQGHN có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng. ĐHQGHN là tấm gương sáng trong hệ thống giáo dục đại học cả nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN kết luận: Bên cạnh những thành tựu đạt được thì hoạt động KHCN của ĐHQGHN còn một số hạn chế là: những sản phẩm đỉnh cao vẫn còn khiêm tốn, bên cạnh đó một số sản phẩm KHCN chưa gắn với thực tiễn sâu và rộng.
Trong thời gian tới, GS.TSKH Vũ Minh Giang chỉ ra một số định hướng chính để nâng KHCN của ĐHQGHN lên tầm cao mới đó là: tiếp tục phát huy, triển khai những thế mạnh và thành quả KHCN đã đạt được; ĐHQGHN sẽ chú trọng nghiên cứu cơ bản theo hướng tinh; tập trung xây dựng một số lĩnh vực khoa học mới của thế giới như Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững; triển khai hiệu quả hợp tác với các tập đoàn, địa phương và những đối tác chiến lược khác; đầu tư để có được những sản phẩm đỉnh cao không chỉ là những bài báo quốc tế mà còn bao gồm những nghiên cứu ứng dụng, có giá trị thực tiễn cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, những người học sau đại học phải trở thành một phần hữu cơ của đề tài nghiên cứu.
Cũng tại Hội nghị, ĐHQGHN đã trao các Giải thưởng công trình KHCN tiêu biểu, Giải thưởng KHCN của ĐHQGHN cho các nhà khoa học.
Ảnh từ trái sang, từ trên xuống:  TS. Lê Đình Tiến – Thứ trưởng Bộ KH&CN, PGS.TS Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Vũ Minh Giang - PGĐ ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Cao Huần - Trưởng Ban Khoa học & Công nghệ.

 Đức Minh - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :