Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Ứng dụng thực tiễn từ Quản trị công nghệ tiến tiến
Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Trường Đại học Nagoya (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học “Quản trị công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” trong tuần đầu tháng 8/2014 vừa qua.

Hội thảo có sự tham dự của các nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh và học viên cao học của chương trình thạc sĩ Quản trị công nghệ và phát triển doanh nghiệp.

GS. Takakuwa (Trường ĐH Nagoya), nguyên trưởng nhóm nghiên cứu Asian Core Program và nhóm tư vấn cho các Tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota, NEC,.... đã trình bày tham luận “Sản xuất xanh theo quan điểm quản trị công nghệ”. Bằng việc sử dụng lý thuyết “Đàn nhạn bay”, GS. Takakuwa đã trình bày về các giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và nhấn mạnh cơ hội đối với các nước đang phát triển như Việt Nam và phải biết tận dụng sức mạnh của chuyển giao công nghệ. Giáo sư cũng trình bày quan điểm tiếp cận mới trong sử dụng công nghệ đó là chuyển từ mô hình sản xuất công nghiệp cũ sang mô hình sản xuất xanh.

Thực tế cho thấy vào những năm 1960, 1970, Nhật Bản cũng đã từng gặp phải các vấn đề ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp như Việt Nam hiện nay, sau đó Nhật Bản đã có những giải pháp rất mạnh mẽ thay đổi nhận thức, tâm thế của doanh nghiệp và thực thi luật trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Các nhà khoa học Việt Nam là PGS.TS Hoàng Văn Hải và TS. Nguyễn Đăng Minh cũng đã chia sẻ quan điểm tiếp cận quản trị công nghệ và tổng quát thực trạng quản trị công nghệ tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hải, có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã thành công nhờ những bước đi mạnh dạn trong việc tiếp cận công nghệ và sử dụng công nghệ để tìm kiếm lợi nhuận như VNPT, Viettel, May Nhà Bè.

TS. Nguyễn Đăng Minh cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi quan điểm về quản trị công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp cần chú trọng đến phần “mềm” của công nghệ chứ không đơn thuần chỉ là phần “cứng”. Như vậy, các doanh nghiệp cần áp dụng quản trị tinh gọn trong quản trị công nghệ và phát triển bền vững của doanh nghiệp để thực sự tạo ra những đột phá trong phát triển công nghệ.

Nhiều đại diện doanh nghiệp đã tham dự hội thảo và chia sẻ thực tế về quản trị công nghệ tại VIệt Nam. Ông Bùi Quang Tuyến đến từ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ góc nhìn về sự phát triển công nghệ trong ngành viễn thông: “Trong ngành viễn thông, khi công nghệ thông tin kết hợp với viễn thông thì khó có thể nói đến từ bão hòa trong thị trường do sự kết hợp này sẽ len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống và tạo ra không gian phát triển cũng như đòi hỏi tiềm năng về sáng tạo công nghệ rất lớn trong xã hội. Đối với Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông rất có tiềm năng trong hoạt động hành chính công, chăm sóc sức khỏe người dân, trong giáo dục và quản trị doanh nghiệp”.

Chuyên gia về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ông Phan Quốc Nguyên thì cho rằng “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận về khoa học và công nghệ, không nên chú trọng nghiên cứu khoa học chỉ để công bố quốc tế mà chú trọng vào sản phẩm cụ thể có khả năng ứng dụng vào thực tiễn kinh doanh. Cách làm phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào tiếp cận với công nghệ, sử dụng nó như thế nào và làm thế nào kiếm tiền từ công nghệ đó”.

Các nhà khoa học đã thảo luận những vấn đề cụ thể như phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ chế hợp tác giữa 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà sản xuất trong quản trị công nghệ. Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thay đổi tư duy trong quản trị công nghệ nhằm thúc đẩy tốc độ đổi mới và cách thức sử dụng công nghệ. Trong quá trình đó, vai trò của trường đại học là thực hiện các nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng cao; còn doanh nghiệp thì cần xác định được vai trò của mình là hỗ trợ các nhà khoa học tiếp tục phát triển các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành các ứng dụng cụ thể. Chính sách của nhà nước cần tạo ra cú “hích” cho sự phát triển công nghệ trong nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trước đó, vào năm 2012, hai trường cũng đã đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Sản xuất bền vững và quản trị môi trường”.

 






 Phương Hoa - Đỗ Chiêm - VNU-UEB
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :