Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Thủ khoa “kép”: Việc học thật lý thú khi có tình yêu
Tháng 8/2014, chương trình đào tạo bằng kép khóa đầu tiên giữa Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã hoàn thành.

Thủ khoa của ngành Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT trong đợt này là tân cử nhân Dương Phúc Thưởng – người đồng thời là cử nhân thủ khoa ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, Trường ĐHKHTN năm 2013.

Phóng viên VNU Media đã có cuộc trò chuyện với Dương Phúc Thưởng - Thủ khoa 2 ngành học.

Thủ khoa Dương Phúc Thưởng nhận bằng tốt nghiệp

- Chúc mừng Dương Phúc Thưởng.  Trở thành thủ khoa tốt nghiệp của cả 2 ngành học có phải là mục tiêu suốt quá trình học tập của Thưởng?

Tôi thấy rất vui khi biết mình tiếp tục đạt danh hiệu thủ khoa đầu ngành. Có được kết quả như hôm nay là sự đồng hành của gia đình, thầy cô giáo và các bạn sinh viên Trường ĐHKHTN và Trường ĐHKT, ĐHQGHN suốt 5 năm qua.

Chúng tôi là khóa đầu tiên hoàn thành chương trình đào tạo bằng kép 2 ngành này. Nói chung, các bạn cùng học với tôi có điểm học tập khá cao, bởi đã được sàng lọc điểm của ngành học ban đầu.

Thú thực, những ngày đầu tiên khi theo học chương trình Kinh tế Phát triển, tôi chỉ mong học thêm được một số kiến thức về kinh tế nói chung, kiến thức về Kinh tế Môi trường để bổ trợ cho ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên mà tôi đang theo đuổi mà thôi.

Nhưng rồi sự thật là chương trình đào tạo ngành kép Kinh tế Phát triển – Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên đã lôi cuốn, dẫn dắt tôi tới danh hiệu Thủ khoa đầu ra của cả 2 ngành.

- Gia đình và bạn bè chung vui niềm vui thủ khoa 2 ngành này với Thưởng thế nào?

Một ngày đầu tháng 8, tôi vui và khá bất ngờ khi nhận được tin nhắn chúc mừng từ bạn bè về việc tôi tiếp tục đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển. Đến khi trực tiếp xem bảng điểm của mình, niềm vui của tôi được nhân lên gấp bội. Tôi đạt điểm cao nhất toàn ngành chứ không phải chỉ trong số các sinh viên bằng kép, khi học ở Trường ĐHKT.

Cách đây 1 năm, lúc biết mình được nhận danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, tôi và mọi người thân trong gia đình vui lắm. Tôi nhớ như in nụ cười rạng ngời của bố khi chứng kiến cậu con trai út nhận bằng tốt nghiệp.  

Danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp mang đến cho tôi niềm vui và gợi cho tôi con đường để tôi tiếp tục phấn đấu. Danh hiệu đó đáng trân trọng nhưng quan trọng nhất là gợi lên niềm đam mê và cái tâm của tôi đối với lĩnh vực mình đang theo đuổi.

- Để 5 năm hoàn thành 2 bằng đại học, Thưởng có gặp nhiều áp lực?

Vì không quá coi trọng thành tích nên tôi không thấy áp lực gì đáng kể cả. Tôi nghĩ học đại học thú vị hơn chương trình học phổ thông rất nhiều. Sinh viên chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc học tập và nghiên cứu.

Quá trình học, tôi chỉ đặt ra một mục tiêu duy nhất cho mình là cố gắng không để có điểm dưới 7. Có một khoảng thời gian, tôi học cùng lúc 2 ngành nên khá bận bịu vì bài vở.

Để tiết kiệm thời gian, tôi luôn chú ý lắng nghe thầy cô giảng trên lớp và tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài để hiểu kĩ bài giảng. Điều này khiến việc ôn thi cuối kỳ của tôi cũng đỡ vất vả hơn.

Tôi có chút lo lắng khi học tiếng Anh, bởi suốt những năm tháng học phổ thông ở Nghệ An, tôi được học rất ít so với các bạn đồng niên ở các thành phố lớn. Khi hòa nhập vào môi trường học tập của ĐHQGHN, tôi “tu luyện” tiếng Anh nhiều hơn. Kết quả là trình độ tiếng Anh của tôi cải thiện đáng kể.

- Dấu ấn của các chương trình đào tạo đối với Thưởng là gì?

Chuyên ngành Kinh tế Phát triển và Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên thực sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Kiến thức tôi học được từ ngành này lại bổ trợ cho ngành kia và ngược lại. Cả hai ngành đều lý thú. Một ngành mang đến cho tôi sự khoáng đạt trong tâm hồn, một ngành hướng tôi đến cách nhìn vĩ mô. Tôi có những chuyến xâm nhập thực tế khá lí thú khi theo học 2 ngành này.

Tôi đã có những chuyến đi thực địa bổ ích tại Ba Vì, Hòn Dấu, Tây Nguyên khi theo học chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên.

Những năm cuối khi học ở Trường ĐHKT, tôi được thực tập tại Viện Kinh tế Phát triển, tiếp xúc với công việc và những kiến thức thực tế đa dạng, v.v..

Sau những chuyến đi như thế, tôi trưởng thành nhiều hơn trong việc học tập và nghiên cứu.

- Thưởng sẽ chọn con đường nào cho tương lai?

Học chương trình bằng kép ở ĐHQGHN là một sự ngẫu nhiên và cũng là cơ duyên đối với tôi. Sau ngày tốt nghiệp năm 2013, nhiều bạn trong lớp tôi vẫn để status trên facebook là “nếu được học trở lại, mình vẫn chọn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”, và tôi không là một ngoại lệ.

Từ mái trường này, tôi đã học hỏi được phương pháp học tập, tư duy và sáng tạo để giành kết quả học tập cao ở Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.

Tôi sẽ tiếp tục học sau đại học ở Trường ĐHKHTN - ngôi trường đã khơi gợi và nuôi lớn tình yêu trong tôi. PGS.TS Tạ Hòa Phương, TS. Nguyễn Thùy Dương và nhiều Thầy, Cô khác luôn truyền cho chúng tôi niềm đam mê cũng như sự nghiêm túc, chỉn chu trong công việc…

Tất cả sinh viên đều nhớ Cô Trịnh Dục Tú - thanh tra giảng đường – người khiến cho chúng tôi hiểu rằng, gian lận là một hành vi không thể chấp nhận trong giảng đường đại học.  

- Theo thống kê, điểm đầu vào của ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên trong 2 năm gần đây cao hơn những năm trước khoảng 5-6 điểm? Dưới góc nhìn của một thủ khoa tốt nghiệp đại học về ngành này, Thưởng nghĩ gì?

Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên là ngành học khá mới mẻ ở Khoa Địa chất, Trường ĐHKHTN. Chúng tôi là khóa sinh viên thứ 2.

Năm 2010, ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên đổi tên thành ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường.

Khi là sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi có cơ hội học thêm ngành Kinh tế Phát triển của Trường ĐHKT, ĐHQGHN.

Hiện các ngành khoa học cơ bản thuộc ĐHQGHN, đặc biệt là các ngành học thuộc Trường ĐHKHTN đang có những ưu tiên đặc biệt so với các ngành học khác.

Tôi cho rằng, có thể vì những ưu thế này mà điểm chuẩn đầu vào đối với Trường ĐHKHTN ngày càng cao. Điều này sẽ góp phần nâng cao được chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo. Tôi tin chắc chất lượng của các khóa tiếp theo sẽ ngày càng vượt trội so với các khóa trước đây. 3 khóa đầu tiên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường không có thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc!

Dương Phúc Thưởng tích cực tham gia các hoạt động Đoàn

- Là một đảng viên của Chi bộ Sinh viên Trường ĐHKT, liệu có phải do Thưởng là một cán bộ Đoàn, tích cực tham gia hoạt động tập thể?

Bên cạnh việc học tập và nghiên cứu, tôi chủ động tham gia các hoạt động tập thể để giao lưu với bạn bè và giải tỏa sự căng thẳng. Tôi đã từng tham gia điều hành và sinh hoạt trong câu lạc bộ kỹ năng của Khoa, đi tình nguyện ở các địa phương và tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội khác.

Lúc tôi thi đại học và lúc tôi nhập trường đều có những bóng áo xanh bên cạnh tôi, đó là lý do tôi cũng muốn khoác lên mình màu áo ấy và trở thành một cán bộ Đoàn.

Bước vào năm thứ nhất, anh chị ở Liên chi Đoàn cũng động viên tôi tham gia nhưng chị tôi (từng là cán bộ Đoàn) bảo rằng, “nếu em học tập không đạt loại giỏi thì đừng làm cán bộ Đoàn. Đã là cán bộ thì phải gương mẫu và học tập đến nơi đến chốn”.

Năm đầu tiên tôi chỉ suýt soát loại giỏi và thế là tôi chỉ được đi tình nguyện trong “mùa hè xanh” thôi chứ không được làm cán bộ Đoàn.

Đến năm thứ 2, tôi tham gia các hoạt động tập thể và tự cam kết phải đạt học lực loại giỏi... Tôi đã bắt đầu hoạt động tập thể như vậy! Tôi tham gia BCH Liên chi Đoàn và hoạt động trong CLB kỹ năng GEO-BUS của Khoa.

Hết năm thứ hai, tôi tham gia đội xung kích đi tình nguyện xa, rồi đội thiện nguyện ở biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An)… Nói chung hoạt động nào tôi thấy có ý nghĩa và thực chất tôi đều tham gia nhiệt tình. Tôi không có năng khiếu văn nghệ, thể dục, thể thao nên chỉ tham gia những hoạt động tình nguyện và hoạt động chuyên môn.

Tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng với tư cách một sinh viên bình thường như bao sinh viên khác chứ không phải nhờ vào việc mình là một cán bộ Đoàn - Hội. Thời điểm ấy, kết quả học tập của tôi đoạt loại giỏi, gần 3.4/4 và đạt giải khuyến khích trong NCKH sinh viên cấp Trường.

Vào Đảng là một bước ngoặt với tôi. Tôi xác định, là đảng viên sinh viên của Trường tôi phải phấn đấu học tập tốt hơn, gương mẫu và chỉn chu hơn nữa. Có thể vì trách nhiệm của đảng viên trẻ mà tôi cũng như người bạn cùng lớp, bạn Lê Minh Hiền, được kết nạp cùng một ngày đã có kết quả học tập cao hơn. Lúc tốt nghiệp, tôi là thủ khoa, còn Hiền là á khoa.     

Một số thành tích trong quá trình học tập tại ĐHQGHN:

- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN về thành tích học tập xuất sắc năm học 2010-2011,

- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN về thành tích hoạt động tập thể năm học 2011-2012,

- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN về thành tích nghiên cứu khoa học sinh viên 2012,

- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN về thành tích xuất sắc trong khóa học 2009-2013,

- Giấy khen của Huyện đoàn Đô Lương về thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện hè năm 2011,

- Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2012,

- Phó chủ nhiệm CLB Học thuật Geo-bus 2011-2013,

- Học bổng Vì cộng đồng Lawrence S.Ting năm học 2012-2013;

- Học bổng khuyến khích học tập trong các năm học;

- Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam 6/2012;

- Thủ khoa ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (6/2013) điểm tốt nghiệp 3.5/4

- Thủ khoa ngành Kinh tế Phát triển (9/2014): 3.35 /4.

 

 Trần Kim Chi - VNU - Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   |