Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội trẻ - Sinh viên ĐHQGHN
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Quốc hội - Trương Ngọc Kiểm - SV K46 Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN sau phiên họp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về “Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp” đã diễn ra và kết thúc vào ngày 11/6/2006 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.

Đây là phiên họp chính thức của các đại biểu QH tham gia Diễn đàn “Thế hệ trẻ với hoạt động của Quốc hội”.

PV: Bạn đánh giá như thế nào về Diễn đàn “Thế hệ trẻ với hoạt động của Quốc hội”?

Trương Ngọc Kiểm: Theo quan điểm của mình đây là hoạt động rất có ý nghĩa. Một mặt vừa bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính chị, ý thức công dân cho thế hệ trẻ trong đó có học sinh, sinh viên. Mặt khác, tham gia hoạt động này, HS-SV được tập làm các đại biểu QH, được làm các công việc như một ĐBQH nên sẽ hiểu biết thêm nhiều về QH. Mình thấy rằng hiệu quả tuyên truyền của hoạt động này lớn hơn rất nhiều nếu tổ chức theo kiểu “làm bài thi tìm hiểu” - một cách làm đã quá quen thuộc từ xưa đến nay. Điều đó chứng tỏ đây là một cách làm sáng tạo và thiết thực của Ban tổ chức, những người chỉ đạo trực tiếp như bác Bùi Ngọc Thanh - Chủ nhiệm VPQH và chú Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm VPQH), chị Lâm Phương Thanh – Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội HS-SV VN và các cô chú thuộc Trung tâm Thông tin Thư viện và Nghiên cứu Khoa học của VPQH.

Gần 400 đại biểu QH trẻ tham dự phiên họp đều là những gương mặt tiêu biểu, đã được tuyển lựa từ theo các khối ngành như Khối Xã hội (Khoa Luật - ĐHQGHN, Trường ĐH Luật HN, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, Học viện Hành chính, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Trường ĐH Lao động Xã hội, Trường ĐH Y Hà Nội); Khối Kinh tế (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Nông nghiệp); Khối Khoa học - Kỹ thuật (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc); Khối PTTH (Trường PTTH Hà Nội – Amsterdam và Trường PTTH Chu Văn An); đại diện Khối trường dân lập (ĐH Phương Đông); có ý thức chính trị tốt, học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ 15/5/2006, các đại biểu đã được tập huấn về các nội dung như chức năng, nhiệm vụ của QH, kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng phát biểu và tranh luận, các quy tắc ứng xử trong QH… để chuẩn bị tốt nhất cho việc “vào vai” các đại biểu QH. Đoàn thư ký kỳ họp (được chọn từ các trường) cùng với BTC xây dựng Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội để đại biểu thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ. Ý kiến của các đại biểu QH được đoàn thư ký tập hợp trong Báo cáo tổng hợp ý kiến và thông qua tại cuộc họp giữa Đoàn Thư ký kỳ họp, UB các vấn đề XH, đại diện các đoàn. Trong cuộc họp này cũng thảo luận về dự thảo NQ và nội dung phiếu xin ý kiến ĐBQH. Hai văn bản này được gửi đến các đại biểu QH để cho ý kiến. Sau đó các ý kiến của ĐBQH được Đoàn Thư ký và UB các vấn đề XH tiếp thu xây dựng BC giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Nghị quyết và chỉnh lý nội dung dự thảo NQ. QH đã tổng duyệt vào ngày 4/6 và chuẩn bị chu đáo cho phiên họp toàn thể ngày 11/6 tại Hội trường Ba Đình.

PV: Cảm xúc của bạn khi nhập vai Chủ tịch QH - người điều hành phiên họp?

Trương Ngọc Kiểm: Ban đầu theo dự định của BTC thì bác Nguyễn Văn An và bác Nguyễn Văn Yểu sẽ điều hành QH này nhưng sau đó vì “bận quốc sự” và cũng muốn để thanh niên điều hành phiên họp nên các bác đã nhất trí chọn mình vào vai Chủ tịch QH bởiì khi đó đang là trưởng Đoàn Thư ký (cả đoàn Chủ tịch và đoàn Thư ký đều là thành viên của Đoàn Thư ký trước đây gồm 8 thành viên). Vì lý do mình đã tốt nghiệp ra trường nên BTC chuyển vai này cho người khác. Sau khi Ban điều hành dự án họp với các chuyên viên theo dõi hoạt động này để chốt các nội dung cuối cùng cho buổi tổng duyệt thì đã cân nhắc và quyết định để mình điều hành. Khi nhận được điện thoại báo, mình rất bất ngờ và cũng hơi lo vì chưa bao giờ điều hành hoạt động có “tầm cỡ” thế này. Sau, mình nghĩ rằng BTC đã tin tưởng, giao phó thì mình phải cố gắng hết mình. Thế là mình tự tin nhận trách nhiệm này. Vậy là, mình phải tìm hiểu thêm về cách xưng hô, cách điều hành QH, các lưu ý khi điều hành… Được sự giúp đỡ của chú Nguyễn Sĩ Dũng và chú Phùng Văn Hùng (Phó giám đốc dự án này) cũng như các anh chị chuyên viên ở VPQH nên mình nhập vai dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.

PV: Bạn đánh giá như thế nào về các đại biểu QH trẻ của các trường cũng như đại biểu của ĐHQGHN?

Trương Ngọc Kiểm: Theo đánh giá của cá nhân mình thì 370 HS-SV của 19 Trường ĐH và PTTH trên địa bàn Hà Nội trong đó có 80 SV ĐHQGHN tham gia diễn đàn này đều rất hào hứng và có tinh thần trách nhiệm cao. Điều này được thể hiện qua các ý kiến thảo luận có tính chất xây dựng và chất lượng của đại biểu QH. Các sinh viên tham gia diễn đàn này không chỉ có ý thức chính trị tốt mà còn có năng lực làm việc có hiệu quả nên hoạt động này đạt được tính giáo dục và tuyên truyền sâu sắc.

Có thể nói rằng, SV ĐHQGHN đã rất tích cực tham gia diễn đàn này bằng ý thức chính trị, bằng tiếng nói, ý kiến tham luận về vấn đề đang được sinh viên, thế hệ trẻ và toàn thể xã hội quan tâm là “việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”…

PV: Nghị quyết về “Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp” là nội dung QH tập trung thảo luận và thông qua tại phiên họp, bạn đánh giá ra sao về NQ này?

Trương Ngọc Kiểm: Theo đánh giá của mình thì NQ này tuy chưa thể đáp ứng hết nguyện vọng của sinh viên nhưng phần nào đã thể hiện được chính kiến của HS-SV về một vấn đề “nóng” hiện nay - đó là việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là một vấn đề hiện nay được dư luận xã hội và nhất là các bạn trẻ, HS – SV đặc biêt quan tâm và bức xúc. Tại các cuộc họp, các bạn đã rất chủ động và tích cực tìm đưa những giải pháp thích hợp trên cơ sở phân tích thực trạng học tập, việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Các ý kiến thảo luận tại Hội trường đã cho thấy rõ điều này. Có rất nhiều sinh viên đưa ra các ý kiến được đánh giá cao như ý kiến của Hoàng Trọng Nghĩa (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) về “phát triển các đại học vùng” hay ý kiến của Phạm Kiểu Phương (Trường ĐH Ngoại Thương) nhấn mạnh đến “ý thức của sinh viên nhiều khi tự tin vô lý về bản thân mình”… Với các lập luận sắc sảo và thông minh, các đại biểu QH trẻ này đã cho thấy rằng HS-SV không chỉ biết đến “vui chơi, giải trí” mà còn quan tâm đến các vấn đề quan trọng của đất nước mình.

Mình cảm nhận rằng, những HS-SV tham gia diễn đàn này – những đại biểu QH trẻ tuổi này thực sự đã thể hiện rõ tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và tính “xung kích, trí tuệ, sáng tạo” của tuổi trẻ.

PV: Cảm ơn bạn!

 Vũ Bách - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :