Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Cần biết thay đổi và thích nghi
Nguyễn Thị Tuyết Lan, sinh viên năm thứ 3 ngành Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp), liên kết giữa Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ, đã trở thành một trong số ít chủ nhân học bổng danh giá Global UGRAD với thành tích xuất sắc trong học tập ngoại khoá. Trước khi lên đường sang Mỹ, Tuyết Lan đã có những chia sẻ thú vị.

- Em có thể chia sẻ thêm về hành trình "săn" và giành lấy suất học bổng giá trị này được không?

Sau khi học môn Leadership (Kỹ năng lãnh đạo) của Giáo sư Lynn Lannon tại Khoa Quốc tế, Giáo sư có gọi riêng em ra và động viên em nên trải nghiệm học tập tại nước ngoài vì Giáo sư tin em có thể phát huy tốt hơn nữa ở môi trường mới. Em chưa từng thực sự suy nghĩ về điều này trước đây, vì vậy em đã quyết định thử trải nghiệm bằng một khoá học hoặc chương trình trao đổi ngắn hạn trước.

Sau khoảng 1 tuần tìm hiểu thì em có biết đến chương trình Global UGRAD. Em đã dành ra hơn một tháng để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng. Thật may mắn là em đã nhận được sự tư vấn từ cộng đồng các anh chị cựu sinh viên và đặc biệt là Giáo sư Lynn Lanon, thầy Nguyễn Trung Hiển và cô Đoàn Thu Trang (giảng viên Khoa Quốc tế) - những người luôn theo sát em trong quá trình học tập.

Quá trình tìm kiếm ý tưởng cho bài luận là khoảng thời gian rất đáng nhớ đối với em vì thế mà em đã nghiêm túc ngồi lại và nhìn nhận, đánh giá về bản thân mình để có thể mô tả được hình ảnh chân thật nhất vào bài luận. Sau khi kết thúc chương trình trở về, em chắc chắn sẽ chia sẻ tri thức và kinh nghiệm ứng tuyển học bổng để nhiều bạn sinh viên Khoa Quốc tế nói riêng và sinh viên nói chung có thể trở thành những UGRADer (ứng viên nhận học bổng Glbal URAD) tương lai. Đây cũng chính là lời hứa của em với Đại sứ quán Hoa Kỳ trong vòng phỏng vấn.

- Được biết Tuyết Lan là sinh viên rất năng động, đã tham gia và đạt nhiều thành tích trong hoạt động ngoại khoá mà vẫn giữ được thành tích học tập đáng ghen tị. Bí quyết của em là gì vậy?

Bí kíp của em có lẽ là sự cố gắng trong việc cân bằng giữa việc học chính khoá và hoạt động ngoại khoá. Theo bản thân em cảm nhận thì việc này rất là áp lực, nhưng hoàn toàn có thể đảm bảo được nếu chúng ta biết cách lập kế hoạch và quản lý thời gian. Thứ nhất, các bạn sinh viên nên lên kế hoạch cho từng giai đoạn ngắn và xem việc học là ưu tiên hàng đầu. Sinh viên cần cân nhắc và phân bổ thời gian thật hiệu quả cho học tập và hoạt động ngoại khoá dựa trên thời khoá biểu từng học kỳ và năng lực, thế mạnh bản thân.

Thứ hai, theo em, các bạn sinh viên cần phải có sự chọn lọc trong những hoạt động ngoại khoá mà mình sẽ tham gia. Các hoạt động càng phong phú và đa dạng về hình thức thì ta càng cần phải chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, đừng để phí hoài thời gian và công sức mình đầu tư vào hoạt động đó.

- Là một người trẻ đa năng và bận rộn như vậy, có khi nào em cảm thấy mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và các hoạt động học tập, ngoại khoá không?

Có 3 thứ mà em luôn ưu tiên trong cuộc sống là học tập, trải nghiệm và cảm xúc. Em nghĩ rằng mình cần trí tuệ và kiến thức để có thể tư duy, suy nghĩ, biết tò mò, biết khám phá. Từ đó biết đi tới những nền văn hoá khác nhau, tiếp xúc với những con người mới để trưởng thành hơn trong nhận thức. Nhưng theo em, khi ta biết càng nhiều, đặt chân đến nhiều nơi thì càng có khả năng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Bản thân em tự coi trọng cảm xúc cá nhânđể mỗi suy nghĩ, mỗi trải nghiệm đều mang dấu ấn của riêng em. Dù nhiều khi áp lực vô cùng, nhưng em sẽ không quên về nhà ôm mẹ, hay về nấu cơm chờ bố. Các bạn sinh viên hãy cố gắng dành thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Bởi khi bạn là người lạc quan, được gia đình yêu thương ủng hộ và bạn bè giúp đỡ thì việc gì cũng thành công. Hãy luôn nhớ lưu trữ năng lượng tích cực cho bản thân mình nhé.

- Chuẩn bị bước sang đất nước xa lạ để học tập, có thể coi như mở sang trang mới hoàn toàn với nhiều thử thách trước mắt. Lan có tự tin mình sẽ làm tốt không?

Trước đây khoảng 1 tháng em cũng có lo lắng thật. Tuy nhiên, bây giờ em rất tự tin là mình sẽ làm tốt. Bởi chương trình học bổng và trường đại học của em bên Mỹ có thiết kế riêng một khoá học để giúp em chuẩn bị làm quen trước với môi trường giáo dục Hoa Kỳ. Và khá bất ngờ là nó rất thân thuộc, gần như giống 100% với những gì em đang trải nghiệm tại Khoa Quốc tế ở chương trình Cử nhân Quản lý, liên kết với Trường Đại học Keuka. Từ tinh thần học tập trên lớp, cách viết luận, cách sử dụng thư viện hay hệ thống đánh giá cũng như mối quan hệ giảng viên - sinh viên đều là những thứ em đã trải qua trong thời gian học tập tại Khoa. Với em đây là một bước đệm vững chắc để em có thể tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu tại Mỹ, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu để hoà nhập vào môi trường học thuật có thể nói là năng động nhất thế giới.

- Theo em, sinh viên thời đại 4.0 cần trang bị những gì để nhanh chóng thích nghi, phát triển và thành công trong bối cảnh toàn cầu hoá và thị trường lao động liên tục biến đổi?

Em muốn gọi đây là kỷ nguyên “nịnh” người nhất từ trước tới nay, khi mọi mong muốn học tập và khám phá của con người đều có thể được thoả mãn. Điều quan trọng nằm ở chính bản thân mỗi người, biết mình có gì và cần gì để tận dụng nguồn tài nguyên tri thức vô tận đang bày sẵn trước mắt, tận dụng nó để làm nên những điều có ý nghĩa cho bản thân và cho mọi người xung quanh.

Vì cũng chưa thực sự tham gia vào thị trường lao động nên em chưa dám đưa ra lời khuyên nào, nhưng em tin là để thành công sau này, sinh viên như chúng em cần biến mình thành một cá nhân thực sự giỏi và có chuyên môn ở một lĩnh vực mà mình yêu thích để tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho bản thân. Và thêm nữa, không những cần giỏi mà cần luôn bắt kịp với tri thức để làm mới bản thân, chuẩn bị cho những thách thức của thời đại. Em tin là khi mình năng động, dấn thân và chủ động học hỏi thì sẽ nắm bắt được những cơ hội quý giá và trau dồi bản thân thành một cá nhân nổi bật, “được việc” trong thị trường lao động. “Thế giới này không còn thuộc về những kẻ to nhất hay mạnh nhất nữa. Thế giới này thuộc về những người biết thay đổi và thích nghi.” (theo Bellum Tan - trích “Quý cô tối giản” của tác giả Alex Tu).

 Thùy Diễm - VNU Media - Bản tin ĐHQGHN số 343
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   |