Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Học để làm gì cho tổ quốc?
Xuất phát từ một câu hỏi đơn giản "Học để làm gì?", buổi toạ đàm nhân "Festival lưu học sinh và sinh viên" được tổ chức tại ĐHQGHN chiều 6/1, đã trở thành cuộc thảo luận sôi nổi giữa ba thế hệ: 6X, 7X và 8X.

Gần 200 lưu học sinh (LHS), sinh viên Việt Nam đã có một cuộc trao đổi “mở” rất thẳng thắn dưới sự chủ trì của anh Lý Trường Chiến - Trưởng đại diện báo Khuyến học & Dân trí ở phía Nam.

Sự kết nối của 6X, 7X, 8X

Trong 200 LHS tham dự buổi toạ đàm có không ít bạn đang du học ở nhiều nước danh tiếng trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật... Bên cạnh đó cũng có sự góp mặt của các LHS đã trở về nước và khá thành đạt trong các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

"Festival Lưu học sinh và Sinh viên Việt Nam" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Chuyên san Trí Tri (Báo Khuyến học & Dân trí), Công ty cổ phần Trí Tri, Nhóm tình nguyện Việt Nam & Quốc tế Big Heart và Đoàn Thanh niên ĐHQGHN đồng tổ chức.

Buổi toạ đàm là sự kết nối giữa hai thế hệ khác nhau: 6X, 7X và thế hệ 8X. Tuy có khoảng cách về tuổi tác nhưng buổi toạ đàm diễn ra như một cuộc trao đổi “mở”, chính điều này đã tạo cho các bạn sinh viên thế hệ 8X Việt Nam tự tin hơn khi trò chuyện về kinh nghiệm sống, học tập... với các thế hệ đi trước.

Xuất phát từ một câu hỏi đơn giản “Học để làm gì?” nhưng lại là một cuộc thảo luận sôi nổi giữa ba thế hệ.

Theo chị Hiền (thế hệ 6X), cựu lưu học sinh Hà Lan thì học để trang bị cho mình kiến thức và có thể thực hiện được những gì mà mình mong muốn.

Thế nhưng thế hệ 8X thì thực dụng hơn, khát vọng hơn khi cho rằng học chủ yếu chỉ để là kiếm tiền và tất nhiên kèm theo là để thỏa mãn niềm đam mê.

Bà Lâm Phương Thanh khai mạc buổi tọa đàm

Để dẫn chứng cho điều này bạn Hoàng, cựu du học sinh Nhật đã đưa một ví dụ về bản thân: “Hồi đó Hoàng đi du học ngành Cơ khí Hàng không ở Nhât, đây là một ngành rất mới. Ở Việt Nam thì chưa có trường nào đào tạo ngành học này. Nhưng vì trí tò mò, vì niềm đam mê Hoàng vẫn quyết định đi học”.

Kể về niềm đam mê trong sự học của mình, một du học sinh Hàn Quốc tâm sự: “Hồi tôi tìm được học bổng về ngành Môi trường, gia đình đã không đồng ý cho tôi đi học với lí do sức khoẻ không được tốt. Nhưng với niềm đam mê tôi vẫn quyết định ra đi mặc cho sự phản đối của gia đình. Mặc dù trong những năm du học tôi không hề nhận được hỗ trợ của gia đình nhưng tôi đã vượt qua để đến với niềm đam mê của mình”.

Nhân văn và sâu sắc hơn là ý kiến của bạn Quỳnh Hoa, khi bạn cho rằng: “Học để làm được điều tốt, học để có thể kiếm được tiền và từ đó có thể giúp đỡ những người chưa bằng mình”.

Buổi toạ đàm sôi nổi hơn khi nhiều sinh viên Việt Nam đề cập đến vấn đề: Học như thế nào là tốt nhất?

Với kinh nghiệm là người đi du học nhiều năm ở Liên Xô và trở về nước công tác, anh Nguyễn Hoàng Nam hiện đang là Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần phần mềm FPT đã chia sẻ nhiều điều với các bạn sinh viên Việt Nam. Xuất phát từ một câu chuyện về một người thầy đã khuất, anh tâm sự: “Có nhiều cách riêng để học tốt, nhưng về cá nhân tôi, sau khi được thầy giáo của tôi tâm sự tôi mới thấy nó bao quát hết về sự học”.

Theo anh Nam có 4 cách để lấy tri thức, đó là học nhi tri, hành như tri, du nhi tri và khốn nhi tri. “Học là điều trước mắt phải làm, nhưng nếu học mà không hành thì cũng khó có thể tạo nên một kiến thức vững chắc. Bên cạnh đó nếu có điều kiện chúng ta ra được nước ngoài để học tập kinh nghiệm và tiếp cận nền khoa học hiện đại để về dựng xây đất nước... Nhưng theo tôi nếu các bạn sinh viên tự đặt mình vào tình thế khó khăn nhất mà vẫn vượt qua được thì sẽ học được rất nhiều” - anh Nam nói.

Đại diện của một đơn vị tuyển dụng

8X đang chịu nhiều gánh nặng?

Nhiều bạn sinh viên Việt Nam cũng như các bạn đang là du học ở nước ngoài đều trăn trở một điều: Liệu có phải thế hệ 8X đang có quá nhiều gánh nặng khi mà xã hội cho rằng thế hệ 8X là đội ngũ dựng xây đất nước? Trong khi đó thực tế hiện nay nhiều bạn sinh viên 8X Việt Nam rất ngại dấn thân và sợ sự thất bại.

Chia sẻ với các bạn sinh viên trẻ, thế hệ 7X cho rằng: Trong cuộc sống, để có thể được làm gì cho đất nước, bắt buộc các bạn trẻ phải phấn đấu nỗ lực hết mình, dám đương đầu với những thất bại để từ đó đứng lên. Có như vậy, đội ngũ 8X mới có thể đáp ứng được sự hội nhập của đất nước.

Xuất phát từ thực tế nhiều LHS sau khi đi du học xong thì thường ít quay trở về dựng xây đất nước, một sinh viên ĐH Luật không ngần ngại đề cập: Liệu các anh chị LHS ở đây sẽ có bao nhiêu người quay trở về nước sau khi học xong?

Phần lớn các bạn đang là du học sinh đều quả quyết: “Khi chúng tôi đi du học, trong thâm tâm luôn nghĩ sẽ quay về để xây dựng đất nước. Chúng tôi đâu muốn xa quê hương, xa người thân. Song thực tế có nhiều yếu tố tác động đến việc trở về của chúng tôi. Nếu đất nước cần chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng quay về nước để cống hiến sức mình”.

....

Mặc dù buổi toạ đàm chỉ diễn ra trong khoảng 150 phút, song nó đã đáp ứng được hầu hết được những thắc mắc của các bạn sinh viên Việt Nam cũng như các bạn hiện đang là LHS. Qua buổi toạ đàm, giới trẻ Việt Nam lại càng rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc học tập và nghiên cứu để từ đó có thể cống hiến sức mình trong cuộc dựng xây đất nước trong thời đại mới.

 Theo Dân trí, ảnh: Nghiệp Dọc - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :