Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Góc chia sẻ : Xem sinh viên Trường ĐHKHTN "Rung chuông vàng" - niềm vui và trăn trở
Việc chuẩn bị lực lượng, nội dung cho buổi thu hình cuộc thi Rung chuông vàng đã tạo ra một không khí thi đua mới đối với đông đảo sinh viên Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN).

Chương trình dự thi Rung chuông vàng của Trường ĐHKHTN chúng ta đã qua được 2 ngày, vậy mà tôi vẫn như đang sống trong không khí của đêm ghi hình 20/3 đáng nhớ ấy. Không ai trong đội tuyển của chúng ta đi đến đích cao nhất nhưng vượt qua được đến câu hỏi thứ 21 đã là một kết quả đáng khích lệ. Quả thực, cuộc thi vừa qua trong mắt những người tham gia chương trình như chúng tôi và gần 700 bạn sinh viên có mặt trong trường quay để cổ vũ đều không chê được điểm nào. Bỏ qua chuyện kinh phí khó khăn, thời gian hạn chế, tất cả mọi người từ 100 thí sinh dự thi đến thầy cô và các bạn tham gia văn nghệ, nhảy aerobic, đứng cổ vũ đều mang một tinh thần thi đấu nỗ lực hết mình. Thông qua sân chơi Rung chuông vàng, chúng ta đã góp phần đem đến niềm vui, sự hiểu biết, sức trẻ, trí tuệ và tự hào giới thiệu đến khán giả xem truyền hình cả nước hình ảnh thật đẹp, thật đáng nhớ về mái trường ĐHKHTN yêu dấu...” - đó là những dòng tâm sự đăng trên Blog của một bạn sinh viên Trường ĐHKHTN mà chúng tôi vô tình bắt gặp. Dưới góc nhìn của một thí sinh dự thi, một người trong cuộc, bạn trẻ đó đã nhận xét về cuộc thi, về bạn bè mình bằng một tình cảm rất chân thành. Còn chúng tôi, bằng con mắt của những khán giả cùng góp mặt trong đêm ghi hình ấy lại có những cảm nhận khách quan của riêng mình...

MC Lại Bắc Hải Đăng giao lưu với thí sinh dự thi

Chuẩn bị chu đáo trong một thời gian ngắn

Rung chuông vàng là một sân chơi tri thức lôi cuốn và rất hấp dẫn sinh viên bởi thông qua việc trả lời các câu hỏi chỉ sau 30 giây suy nghĩ, họ không chỉ thể hiện được sự hiểu biết của mình mà còn có cơ hội nhận được những phần thưởng vật chất có giá trị. Đây cũng là cơ hội để các trường có thể quảng bá hình ảnh và thương hiệu trong công tác đào tạo thông qua kênh Giải trí - Thông tin Kinh tế của Đài Truyền hình Việt Nam tới người xem cả nước. Sân chơi này cũng giúp tăng cường mối quan hệ gắn bó, hiểu biết giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên các khoa, các khoá trong trường thông qua các tiết mục văn nghệ, các trò chơi cứu trợ tập thể có sự kết hợp giữa thầy, cô giáo và sinh viên...

Việc chuẩn bị lực lượng, nội dung cho buổi thu hình cuộc thi Rung chuông vàng đã tạo ra một không khí thi đua mới đối với đông đảo sinh viên Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN). Thời gian chưa đầy 1 tháng không phải là dài nhưng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường đã chuẩn bị khá chu đáo về tất cả mọi mặt, thu hút được không chỉ sinh viên mà cả lực lượng tiềm năng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ góp sức ở phần thi văn nghệ và cứu trợ. Đội tuyển tham dự sân chơi Rung chuông vàng đã được chọn lọc, tuyển lựa khá kỹ càng qua 2 vòng thi ở trường. Chiều ngày 7/3, cuộc thi sơ khảo lần thứ nhất (vòng sơ loại 1) diễn ra với 973 sinh viên đăng ký, chia làm 2 đợt thi với 2 đề ra tương đương nhau, mỗi đề có 90 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút. Kết thúc vòng 1, Đoàn Trường đã chọn ra được 265 thí sinh có điểm cao nhất (từ 45,5 đến 73,5 điểm). Vòng thi sơ loại thứ 2 diễn ra vào chiều ngày 9/3 với thời gian quy định 60 phút trả lời 62 câu hỏi. 110/265 sinh viên đạt kết quả cao được lựa chọn vào đội tuyển của Nhà trường (100 thí sinh chính thức, 10 thí sinh dự bị) cùng với 40 nữ sinh trong đội nhảy aerobic bắt đầu bước vào đợt ôn luyện để chuẩn bị cho buổi ghi hình. Nội dung ôn luyện của 110 thí sinh tập trung vào những hiểu biết về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và những kiến thức đã được học trong nhà trường. Buổi thu hình dự thi Rung chuông vàng của Trường ĐHKHTN đã được đẩy sớm hơn so với dự kiến 3 ngày, tất cả vừa chuẩn bị, vừa hồi hộp chờ đợi...

Các thí sinh theo dõi câu hỏi tình huống

Chiều 20/3, tại Nhà thi đấu Hai Bà Trưng, khoảng 700 khán giả là sinh viên, giảng viên đã có mặt để cổ vũ cho đội tuyển của Nhà trường tham dự sân chơi Rung chuông vàng. Buổi ghi hình kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, mệt và đói nhưng ánh mắt, gương mặt ai cũng ánh lên niềm vui tươi, hồ hởi. Cuộc thi diễn ra với 4 phần hào hứng, sôi nổi và mang đậm chất sinh viên Trường ĐHKHTN, đó là tiết mục đồng diễn aerobic của 40 nữ sinh, phần trả lời câu hỏi của 100 thí sinh, tiết mục ca, múa hip-hop của các giảng viên trẻ và sinh viên. Ấn tượng hơn cả tại đêm ghi hình là phần trò chơi cứu trợ thí sinh của các thầy, cô giáo trẻ khi thấy trên sàn đấu chỉ còn lại 5 thí sinh sau câu hỏi thứ 6. Tham dự một trò chơi đơn giản nhưng ý nghĩa (vì nó gắn cùng chủ đề Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng) là thắt và tháo khăn quàng đỏ, các thầy cô đã cứu trợ trở lại sàn đấu 70 thí sinh và tiếp thêm sức mạnh để các em vượt tiếp những nấc thang. Mặc dù chỉ đi được đến câu hỏi thứ 21, nhưng những gì mà các thí sinh của Trường ĐHKHTN thể hiện trong đêm dự thi đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Với mỗi thí sinh có may mắn được ngồi lên thảm đấu, được thử sức cùng những câu hỏi, tình huống thú vị đây là dịp để họ học, lĩnh hội thêm những kiến thức về xã hội và đặc biệt có thể tự chiêm nghiệm về tầm hiểu biết, khả năng nhạy bén của mình. Cuộc thi Rung chuông vàng của Trường ĐHKHTN đã thành công như mong đợi, là một trong những hoạt động rất ý nghĩa, bổ ích mà tuổi trẻ Nhà trường thực hiện được trong tháng Thanh niên...

Còn đó những nỗi niềm...

Xét dưới góc độ là một hoạt động phong trào thì chúng ta có thể coi cuộc thi Rung chuông vàng của sinh viên Trường ĐHKHTN đã thành công, đủ làm hài lòng những người tổ chức, nhưng nếu khắt khe hơn mà đánh giá về chất lượng thì kiến thức của sinh viên ta còn quá nhiều điều để trăn trở. Bằng cảm quan của một khán giả đã theo dõi sân chơi giải trí này từ những ngày đầu phát sóng, tôi thấy những câu hỏi mà chương trình Rung chuông vàng đưa ra không phải là quá khó nếu không muốn nói là những câu hỏi ban đầu khá đơn giản. Vậy mà trong đêm ghi hình ngày 20/3 vừa rồi, 15 sinh viên của Trường ĐHKHTN đã được tuyển lựa cẩn thận lại bị “out” ngay sau câu hỏi đầu tiên và đến câu hỏi thứ 6 chỉ còn 5 người trên sàn đấu buộc các thầy, cô phải vào cứu trợ. Với một câu hỏi đơn giản là điền vào chỗ trống còn thiếu trong câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen...” thì có lẽ một em học sinh cấp I cũng nhớ được vế “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, trong khi 14 cử nhân tương lai lại bị loại bởi những đáp án thiếu chính xác như “Việt Nam đẹp nhất mang tên Bác Hồ” hay “Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”. Hoặc với một câu tục ngữ quen thuộc như: “Lọt sàng...” thì ai cũng biết rằng phải điền “xuống nia”, vậy mà không ít bạn sinh viên lại tìm ra những đáp án nực cười chẳng hạn “thóc rơi”, “cám rơi”, “mắc nong”... để nên nỗi 22 sinh viên phải rời sàn đấu. Tôi còn nhớ đoạn băng tình huống ở câu hỏi thứ 3 với một bạn gái đang ngủ, huơ huơ tay, rồi vuốt râu, rồi âu yếm làm động tác thơm lên đôi má, rồi múa hát, rồi mỉm cười... và câu hỏi là “Tình huống này thể hiện bài hát nào?”. Gần như toàn bộ khán giả đều rỉ tai nhau được đáp án là tên bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ” nhưng khoảng hơn 60 thí sinh phải ngậm ngùi chia tay vị trí ngồi...

Sàn đấu trước câu hỏi đầu tiên...

và sau câu hỏi thứ 6

Người viết bài này không định bình luận, chỉ cảm thấy day dứt một điều: Vẫn biết là sinh viên mỗi người có một chuyên ngành chính, nhưng hầu hết các câu hỏi mà họ phải trả lời trong chương trình Rung chuông vàng đều là những kiến thức xã hội phổ biến, nói chung. Kiến thức ấy phải được mọi người tích luỹ dần từ trong cuộc sống, qua sách báo, phim ảnh... chứ chẳng có ông thầy nào truyền cho được. Nghe các thí sinh Trường ĐHKHTN trả lời câu hỏi mới thấy kiến thức xã hội của sinh viên mình còn hổng nhiều quá. Những hiểu biết về lịch sử dân tộc, địa lý đất nước, những kiến thức sơ đẳng về vật lý, sinh học hay những tri thức phổ biến rất gần với chuyên ngành của khoa học tự nhiên như tin học, toán học... đều bị các bạn sinh viên lãng quên một cách đáng tiếc. Các bạn học giỏi về chuyên ngành, chuyên môn là tất yếu nhưng nếu lỗ hổng về kiến thức xã hội quá lớn thì cũng thật là một điều đáng báo động...

Trong không khí sôi động, rạo rực ở trường quay, tôi đã rất vui khi thấy rất nhiều thí sinh biểu lộ sự tự tin nhưng cũng chạnh buồn bởi đôi người tự tin một cách thái quá. Tự tin là một bản lĩnh cần thiết nếu nó thực sự có nền tảng chứ không phải chỉ là phép thắng lợi tinh thần của AQ. Tôi nhớ, trong đêm 20/3 vừa rồi có một số bạn thí sinh trước khi thi đã hô to trước máy quay rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến câu hỏi cuối cùng vì chúng tôi là một tập thể đoàn kết!”, để rồi sau đó bị loại ngay sau câu hỏi đầu tiên thuộc kiến thức rất cơ bản.

Các giảng viên trẻ của Trường ĐHKHTN tham gia phần trò chơi cứu trợ thí sinh

Hôm nay, tất cả những người trẻ chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, việc truy cập tìm hiểu thông tin và rèn luyện kỹ năng tư duy đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, tiếc là nhiều người ỷ lại vào Internet chứ không phải để khai thác, chọn lọc và sử dụng. Chúng ta vươn ra biển lớn bằng phương tiện nào khi giới trẻ chỉ giỏi chat, giỏi chơi game, cả ngày say sưa với “Võ lâm truyền kỳ”? Không có được vốn liếng kiến thức xã hội cần thiết, tôi tin rằng trong thời đại hội nhập ngày nay chúng ta sẽ vô tình trở thành khách ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Không có thuyền to, thợ giỏi và dày dạn kinh nghiệm thì những người trẻ như chúng ta làm sao vươn ra biển lớn...?

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến ý kiến của một bạn sinh viên đã tham gia sân chơi Rung chuông vàng và trước đây từng là nhà vô địch cuộc thi quý của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, xin dẫn ra thay cho lời kết: “Những chuyện từ Rung chuông vàng hay các game show trên truyền hình chỉ là bề nổi của cái tảng băng mù mờ về kiến thức xã hội trong giới sinh viên hôm nay. Nếu không ngồi trên ghế giảng đường, có lẽ chính tôi, một sinh viên cũng không thể nghĩ rằng thế hệ của mình đang lơ tơ mơ về nhiều thứ đến như vậy. Điều này thật khó lý giải và không thể biện hộ khi chúng tôi có quá nhiều kênh để tiếp cận thông tin nhưng cứ bị tụt hậu so với các thế hệ trước. Theo tôi, điểm mấu chốt là chúng tôi đã không thể biến kiến thức thành tri thức, biến cái chung thành cái riêng của chính mình... Kiến thức đã không thể trở thành tri thức bởi chúng ta không chịu sở hữu nó, nuôi dưỡng nó mà sử dụng theo dạng fastfood. Loại thức ăn nhanh này chỉ như một cái phao, nó không thể giúp chúng ta đi xa được. Chúng ta chỉ có thể vươn ra xa bờ nếu chúng ta biết bơi, biết bơi thực sự chứ không phải bơi bằng phao...”.

 Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :