Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Mũ bảo hiểm - khóc và cười
Cưỡi SH, mặc váy ngắn áo hai dây lướt vèo qua mặt bao người đi đường, cô gái còn khiến người ta sững sờ hơn khi đi cùng bộ cánh rất chi là ít vải ấy là cái - mà - người - ta - quen - gọi - là "nồi cơm điện" cũng sành điệu không kém. Người thì bảo là "hâm", kẻ thì cho là "có ý thức"… nhưng dù gì thì cô bé cũng có cái "nồi".

Câu chuyện từ cái… nghị quyết

Không ai kịp biết cô bé ấy là ai nhưng chuyện nói về những “cái nồi” – mũ bảo hiểm xe máy theo cách gọi “dân gian” - thì lại vẫn được người ta nhắc đến với tấn số không phải nhỏ. Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ qui định về việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy làm người dân cả nước phải xôn xao bàn tán. Đi đến đâu người ta cũng nghe nói về chuyện mũ bảo hiểm. Từ chuyện đội đến chuyện cất đều làm báo chí tốn giấy mực, làm người dân tốn… nước bọt. Và có lẽ không ở đâu người ta tốn… cả giấy mực lẫn nước bọt nhiều như ở sinh viên. Phần lớn sinh viên đều có chung một quan điểm rằng việc tác động vào ý thức sẽ có kết quả hơn là dùng chính sách. Nhưng dù gì đi nữa thì nghị định cũng đã ban ra, deadline cũng đã đến, điều duy nhất chúng ta nên làm lúc này là chấp hành nghị quyết mới.

Và những chuyện bi hài

Câu chuyện về mũ bảo hiểm không chỉ dừng lại ở cái nghị định mà ngay cả khi đã thành luật nghĩa là khi luật đã có hiệu lực thi hành thì cũng xảy ra không ít những câu chuyện dở khóc dở cười.

Một cậu bạn học Đại học Kinh tế nhất định không chịu nói tên khi được đề nghị trả lời phỏng vấn “đừng nêu tên mình lên, mẹ mà đọc được lại mắng mình chết” Câu chuyện chẳng biết bi hay hài của cậu cũng không phải là chuyện hiếm: “Mình đội mũ xe máy ngay từ ngày 15 tháng 9. Hôm sau đi BigC mua bánh mì, để quên mũ trong giỏ xe, thế là mất luôn. Mà đâu có phải lâu la gì, mình vừa vào đến cửa, sực nhớ quên mũ liền quay lại mà đã không thấy đâu. Mình phải mua ngay cái mới giống hệt cái cũ để mẹ không biết.”

Không phải chỉ có cậu cử nhân kinh tế tương lai này gặp phải tình huống dở khóc dở mếu như thế mà nhiều người khi nghe về Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ cũng phải đau đầu về chuyện cái mũ lúc không đội thì cất ở đâu.Treo trên xe thì sợ mất. Chẳng lẽ lại vác nguyên cả cái nồi cơm điện vào lớp (cho dù bây giờ sinh viên toàn xài nồi… “mini”) Thế là lại có chuyện để bàn.

Trang – sinh viên trường ĐHKHXH&NV tâm sự: “Mình không thích đội mũ bảo hiểm vì nó rất nặng đầu mà lại không biết phải để mũ ở đâu.”

Nếu như ở các nước phương Tây hay thậm chí ở nước bạn Lào việc đội mũ bảo hiểm đã trở thành một việc hết sức bình thường, người ta cũng không còn phải lo về việc bảo quản mũ bởi chẳng ai lấy làm gì. Còn ở ta thì đó lại là chuyện đáng lo nhất. Đến các bãi đỗ xe công cộng hay thậm chí là các bãi đỗ xe của các trường, nhìn những chiếc mũ bảo hiểm được chủ nhân cẩn thận gài vào trong yên mà phải phì cười. Cẩn thận quá hay “cẩn tắc vô áy náy”? Nhưng có ai dám đảm bảo không có kẻ làm cho mũ và quai phải “đi hai đường” như cái câu nhạc chế quen thuộc “quai ơi ở lại mũ đi nhé”! Nhiều nhà xe sinh viên đã bắt đầu thực hiện dịch vụ trông xe kiêm luôn trông mũ bảo hiểm. Nhà xe trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn mới “trương" một quảng cáo mới: Nhận trông giữ mũ bảo hiểm – 1000d/ chiếc. Bằng giá tiền gửi một cái xe! Thế là có cái mũ bằng có hai cái xe máy???

Ngân – ĐHKHXH&NV lại nhìn cái sự bất tiện ấy ở một khía cạnh khác: “Ban đêm đi lướt phố với bạn trai, mặc quần soóc, áo hai dây mà lại phải đội mũ bảo hiểm thì còn gì là lướt phố, là dạo mát nữa. Kiểu này chắc phải từ bỏ một sở thích rồi.”

Nhưng thực ra vấn đề cũng đâu có đến nỗi quá tồi tệ khi ta xem nó “cũng thường thôi”. Cứ đường hoàng đội mũ đi chơi, đội mũ đến trường, đường hoàng ôm mũ vào lớp thì sẽ ổn cả thôi. Vũ – sinh viên khoa Báo chí trường KHXH&NV thì cho rằng: “Mình thấy cũng bình thường. Đội rồi cũng quen, chẳng có gì bất tiện cả.”

Đúng là cứ đội rồi ắt sẽ quen, chẳng có gì là phức tạp đến mức không thể giải quyết. Chẳng phải cái nghị quyết nó có lỗi, cũng chẳng phải sinh viên mình… lắm chuyện mà suy cho cùng chỉ là cái thói quen. Riết rồi quen, quen rồi thành thân, thành thường!

 Nguyễn Thị Thúy - K50 Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :