Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
“Tuyên ngôn độc lập” và sự nâng tầm trí tuệ
Vào những thời điểm bản lề, chuyển giao quan trọng của lịch sử mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thường xuất hiện những áng văn quan trọng mang ý nghĩa tuyên ngôn, khẳng định sự đoạn tuyệt hay kế thừa, chính nghĩa hay phi nghĩa của một sự kiện nào đó. “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh đọc trên quảng trường “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình” ngày 2/9/1945 là một văn kiện như thế.

Theo dòng lịch sử dân tộc, có thể khẳng định “Tuyên ngôn độc lập” thời đại Hồ Chí Minh là sự phát triển và đưa lên một tầm cao mới ý thức độc lập của nhân dân, đất nước ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước.
Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh: trên dặm dài hàng nghìn năm, không giai đoạn nào chúng ta thiếu những kẻ thù lớn mạnh hơn gấp bội - 14 cuộc chiến tranh vệ quốc đã phải tiến hành trong nhiều hoàn cảnh gian khó. Vì vậy, ý thức độc lập của đất nước ta luôn thường trực trên mỗi chặng đường.
Biết bao thế hệ người Việt Nam không quên được lời thơ thần bất hủ vang vọng đôi bờ sông Như Nguyệt mang hồn thiêng sông núi hơn 900 năm trước:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Cũng như không quên áng văn chính luận mẫu mực Nguyễn Trãi đọc giữa Thăng Long thuở Bình Ngô khai quốc - mùa xuân năm 1428 sau 10 năm “nếm mật nằm gai” (1418 - 1427):
Duy ngã đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
(Như nước đại Việt ta
Thực là một nước văn hiến)
Và càng phải khắc sâu, ghi lòng tạc dạ lời khẳng định của Hồ Chủ tịch: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Rõ ràng, ý thức về chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả nghìn năm lịch sử; đến thời đại Hồ Chí Minh, ý thức đó được nâng cao ngang tầm thời đại.
Là một bản Tuyên ngôn độc lập ở giữa thế kỷ XX, đương nhiên văn kiện lịch sử được Hồ Chí Minh soạn thảo không thể lấy điểm tựa pháp lý là một thứ quân quyền “thay trời hành đạo” từ lâu đã chẳng còn hợp thời; cũng không thể lấy chỗ dựa thần quyền hay “một đấng vô hình sương khói xa xôi” như sách trời (thiên thư), mà phải căn cứ vào pháp quyền hiện đại. Dễ hiểu tại sao, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh lại nhiều lý lẽ, lập luận đanh thép – và có tính thuyết phục đến thế!
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn sáng suốt, xuyên thấu dân tộc và thời đại. Ngoài việc căn cứ vào pháp quyền hiện đại, Hồ Chí Minh còn tìm được những điểm tựa lịch sử quan trọng không kém: “nhân đạo và chính nghĩa”. Với những dòng trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn ngoại quốc kia, không còn nghi ngờ gì nữa, Hồ Chí Minh có ý thức tôn trọng thành quả văn hoá nhân loại - cũng đạt được từ máu và nước mắt; mặt khác nó đặt “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam trong thế bình đẳng với các bản tuyên ngôn khác, và như nhiều học giả đã chỉ ra: Hồ Chí Minh dùng biện pháp “gậy ông đập lưng ông”, nói theo ngôn ngữ người Pháp là “giễu chết tươi”. Cũng rất cần phải nhấn mạnh: ở bản “Tuyên ngôn độc lập” thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam mới, thì ý thức về độc lập quốc gia trong mối quan hệ bình đẳng quốc tế đã được khẳng định - đó là tài sản tinh thần vô giá mà chúng ta - những người Việt Nam hôm nay phải trân trọng và gìn giữ.
Ở phương diện khác, “Tuyên ngôn độc lập” 1945 là một tất yếu lịch sử của Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thế kỷ XX vừa qua đi, chúng ta đã chứng kiến trên thế giới có những con đường khác nhau để giành độc lập dân tộc. Nhưng ở Việt Nam, từ thực tế lịch sử, con đường cách mạng vô sản là sự lựa chọn chính xác “duy nhất đúng” mà Hồ Chí Minh đã “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Giữa lòng châu Âu văn minh những năm 1920 của thế kỷ trước, Người từng khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản”. Lựa chọn con đường cứu nước theo chủ nghĩa Mác, cùng với sự ra đời của đảng Cộng sản Việt Nam - xu thế tất yếu của thời đại đã dẫn đến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Việc ra đời của “Tuyên ngôn độc lập” ở Việt Nam trong thời điểm lịch sử “nghìn năm có một” không bao giờ là “ngẫu nhiên” hay “ăn may” như nhiều học giả phương Tây cố tình không hiểu.
“Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 do Hồ Chủ tịch soạn thảo và đọc ngày 2/9/1945 là cơ sở pháp lý cần thiết và kịp thời cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản “Tuyên ngôn” có một vai trò, ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng: nó hợp pháp thành quả cách mạng tháng Tám - giành chính quyền trong cả nước. Cùng với bản “Tuyên ngôn” kịp thời công bố ấy, Chính phủ ta - do Hồ Chủ tịch đứng đầu - là một chính phủ hợp pháp trước toàn thể nhân dân thế giới, sẽ có đủ tư cách đón tiếp quân đồng minh vào Việt Nam sau đó không lâu, với vị thế của những người làm chủ đất nước. Chỉ chậm một vài ngày thôi, thời cơ này sẽ không bao giờ trở lại.
Như chúng ta đều biết, “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh - nhân vật kiệt xuất nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Người không chỉ soạn thảo, công bố bản “Tuyên ngôn” kịp thời, chính nghĩa mà còn tổ chức, kiến tạo nên những thành công của chính quyền cách mạng non trẻ, đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Có thể nói ba mươi năm bôn ba hải ngoại, lăn lộn khắp Á - Phi - La trong phong trào cách mạng sục sôi của thế giới, đã hun đúc nên một bản lĩnh Hồ Chí Minh vững vàng, một tầm nhìn Hồ Chí Minh sáng suốt, làm chỗ dựa tin cậy, cần thiết cho cả một dân tộc. đóng góp, cống hiến của Hồ Chí Minh trong giai đoạn Tổng khởi nghĩa - giành chính quyền, rồi tổ chức công bố “Tuyên ngôn độc lập” cho sự ra đời của nước Việt Nam mới là vô cùng to lớn.
Cũng cần phải khẳng định thêm rằng “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn chính luận mẫu mực, hàm súc, có kết cấu vô cùng chặt chẽ. Lý lẽ hùng hồn, lập luận đanh thép, xuất phát từ chính nghĩa cách mạng thế giới và thực tiễn Việt Nam. Bản “Tuyên ngôn” có cơ sở pháp quyền đúng đắn, có điểm tựa lịch sử quan trọng, có đạo lý Việt Nam, quyết tâm sắt đá, máu và nước mắt phía sau mỗi con chữ. đối lập ở cực phía bên kia, là một kẻ thù thâm độc, tàn bạo, tráo trở, không còn “chỗ dựa” để có thể tiếp tục quay lại thống trị nhân dân ta một lần nữa. Tội ác của chúng còn đậm đặc và “dày” hơn “Bản án chế độ thực dân Pháp” ngày nào: Hai triệu đồng bào ta chết đói, hai lần dâng đông Dương cho Nhật… Nghệ thuật tương phản, cách thức sử dụng điệp từ cùng nội dung thuyết phục, đúng thời cơ đã làm nên tầm vóc dân tộc và thời đại của bản “Tuyên ngôn”: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”…
Không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - một thời chúng ta gọi là “Nhà nước công nông đầu tiên ở đông Nam Á”, với việc đọc “Tuyên ngôn độc lập” trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặt những nền móng, cơ sở đầu tiên cho một bản Hiến pháp của nhà nước Việt Nam mới. Nếu làm một bảng thống kê, so sánh, đối chiếu về nội dung, chữ nghĩa, tư tưởng… giữa “Tuyên ngôn độc lập” và Hiến pháp Việt Nam năm 1946, chúng ta sẽ thấy: Hiến pháp đã tiếp thu những tinh thần cơ bản nhất của Tuyên ngôn, khẳng định giá trị và các quyền mà Tuyên ngôn ghi nhận (độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ vua quan). Xin nhớ rằng: độc lập - Chính quyền - Hiến pháp là những điều thiết cốt của bất kỳ một quốc gia tự chủ nào thời hiện đại. Nhanh chóng giành chính quyền, tuyên bố độc lập rồi bầu cử và soạn thảo Hiến pháp… cho chúng ta thấy một nhãn quan chính trị nhạy bén, thông tuệ, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyên ngôn khẳng định nước Việt Nam độc lập, chủ quyền thì theo đó sẽ có Hiến pháp - sản phẩm thời văn minh, dân chủ - nơi quyền lực thuộc về nhân dân, có sự tham gia của nhân dân vào việc thành lập các cơ quan nhà nước. Cho nên “Tuyên ngôn độc lập” là điều kiện cần thiết để Hiến pháp ra đời, khẳng định một lần nữa chủ quyền đất nước. đấy là điều không thể có ở thời quân chủ Việt Nam - chẳng thể đòi hỏi sau những thời điểm công bố “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”.
>>> Các bài liên quan:
-

 

 Hà Đan - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :