Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Tự hào với những gì đang có
Quan niệm truyền thống cho rằng lúc xuất hiện nhà nước đầu tiên (thời điểm lập quốc) ở Việt Nam là cách đây chừng bốn ngàn năm. Song những nghiên cứu quan trọng, các phát hiện mới của ngành khảo cổ, lịch sử và khoa học văn hóa gần đây đã xem xét lại khoảng cách đó, đưa ra kết luận khác hẳn nhưng đầy sức thuyết phục và phù hợp với thực tế khách quan.

Thời điểm bắt đầu lịch sử văn minh của mỗi quốc gia là lúc xuất hiện nhà nước đầu tiên. Với lịch sử Việt Nam, đó là thời các vua Hùng. Tuy nhiên, dân tộc ta bước vào thời kỳ dựng nước chưa được bao lâu thì mất nước. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc (từ năm 179 trước Công nguyên (TCN) đến năm 938, dưới sức mạnh đô hộ và đồng hóa, lịch sử văn hiến của người Việt đã gần như bị xóa mọi dấu vết, không được ghi chép để truyền lại. Cái duy nhất mà kẻ thù ngoại bang không thể xóa được đó là ký ức của nhân dân ta về lịch sử tổ tiên, ông cha mình. Bởi vậy, suốt một thời gian dài, thời kỳ lập quốc của dân tộc Việt Nam chỉ được phản ánh trong huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết dân gian. Các huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tiên Dung - Chử đồng Tử, Thánh Gióng; những sự tích về trầu cau, bánh chưng, bánh dày, dưa hấu… đều liên quan đến phong tục, tập quán, cuộc sống của người Việt xưa, ít nhiều khắc họa hình ảnh của thời kỳ lập quốc. Các “pho sử” đó có sức sống mãnh liệt, bền lâu.
Từ khi giành được độc lập quốc gia, ý thức tự tôn và nhu cầu nhận thức về nguồn gốc dân tộc đã kích thích, thúc đẩy các nhà sử học nước ta đi sâu tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương. đến thời Trần (1226-1400), những huyền thoại, sự tích, truyền thuyết - vốn chỉ lưu truyền trong dân gian - lần đầu được sưu tầm, tập hợp, biên khảo và ghi chép lại trong các tài liệu thành văn, mà đáng chú ý nhất là bộ sách Việt điện u linh (của Lý Tế Xuyên) và Lĩnh Nam chích quái (của Trần Thế Pháp). Sang thế kỉ 15, nhà sử học nổi tiếng Ngô Sĩ Liên đã - một cách chính thức và có hệ thống - đưa những tư liệu dân gian ấy vào bộ chính sử quy mô lớn do ông và các sử thần triều Lê biên soạn. Trong bộ đại Việt sử ký toàn thư này, Ngô Sĩ Liên dành riêng một kỉ, đặt tên là Kỉ Hồng Bàng, để trình bày những truyền thuyết mà ông thu thập được với diễn biến theo thứ tự thời gian: Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - 18 đời Hùng Vương. Ngô Sĩ Liên cũng là người đầu tiên nêu ra những niên đại tuyệt đối cho thời kỳ lập quốc. Theo ông thì Kinh Dương Vương - ông nội của vua Hùng thứ nhất - lên ngôi vào đời Phục Hy bên Trung Quốc (cụ thể là năm 2879 TCN); còn vua Hùng cuối cùng (thứ 18) chấm dứt sự trị vì của mình vào năm Chu Noãn Vương thứ 57 (tức năm 258 TCN).
Những mốc thời gian trên được nhiều người cho là chuẩn xác, là cơ sở để khẳng định cách đây chừng bốn nghìn năm, dân tộc ta đã bước vào thời kỳ lập quốc (các cụm từ “bốn nghìn năm lịch sử”, “bốn nghìn năm văn hiến”, “bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước”… rất hay gặp trong sách báo và cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam). Thế nhưng, cũng không ít người nghi ngờ rằng vua chúa không thể có tuổi thọ của thần thánh, vậy mà trong suốt 2621 năm (2879 - 258 = 2621), chỉ có 20 đời vua (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 vua Hùng) nối tiếp nhau, trung bình mỗi vua trị vì…131 năm! Hơn nữa, những điều Ngô Sĩ Liên đưa vào chính sử đều là huyền thoại và truyền thuyết. Huyền thoại, truyền thuyết chỉ mang tính lịch sử, nhưng không phải là lịch sử. Do đó, không chỉ dựa vào truyền thuyết nói chung để ấn định niên đại tuyệt đối cho các sự kiện lịch sử. Ngô Sĩ Liên trình bày về Kỉ Hồng Bàng với nhiều sự việc, nhiều mốc thời gian khá rõ ràng, nhưng lại không đưa được những chứng cớ xác đáng, có sức thuyết phục để chứng minh. Ngay bản thân ông, sau khi nêu xong những vấn đề trên, cũng đành viết: “Hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”!
Về mặt lý luận, nhà nước thường chỉ ra đời khi cơ sở kinh tế đã phát triển, tạo tiền đề cho những chuyển biến xã hội tới mức có sự phân hóa về địa vị và quyền lực. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà nước đầu tiên trên thế giới đều xuất hiện vào giai đoạn phát triển nhất của thời đại đồ đồng hoặc đầu thời đại đồ sắt. Ngày nay, qua các phát hiện khảo cổ, khoa học lịch sử Việt Nam đã thiết lập được tương đối hoàn chỉnh sơ đồ diễn biến văn hóa vật chất của dân tộc ta, từ sơ kỳ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt, với các giai đoạn phát triển cơ bản theo thứ tự: Văn hóa Phùng Nguyên - Văn hóa đồng đậu - Văn hóa Gò Mun - Văn hóa đông Sơn.
Theo kết quả xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ (C14), Văn hóa Phùng Nguyên - thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng - tồn tại cách đây chừng bốn nghìn năm. Như vậy, nếu theo quan niệm phổ biến lâu nay, thì thời điểm nhà nước đầu tiên xuất hiện trên đất nước ta (thời điểm lập quốc) tương ứng với niên đại của Văn hóa Phùng Nguyên. Thế nhưng, trong tất cả các hiện vật khảo cổ khai quật được thuộc nền Văn hóa này, ngoài ít mẩu xỉ đồng, chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào. Công cụ bằng đá vẫn còn phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Các nhà sử học đều thống nhất kết luận rằng xã hội thời Văn hóa Phùng Nguyên chưa vượt khỏi hình thái công xã nguyên thủy và do đó, không thể khẳng định trước đây bốn nghìn năm dân tộc ta đã bước vào thời đại văn minh, đã có nhà nước!
Tiếp sau Văn hóa Phùng Nguyên là các giai đoạn phát triển Văn hóa đồng đậu và Gò Mun. Dù số lượng, chất lượng của công cụ bằng đồng có xu hướng ngày càng tăng, nhưng cũng chưa thấy chứng cớ rõ rệt nào về sự phân hóa xã hội - động lực cần thiết cho sự xuất hiện của nhà nước.
Sang thời Văn hóa đông Sơn, con người đã thành thạo kỹ thuật đúc đồng và bắt đầu biết chế tạo công cụ từ quặng sắt. Họ đã có thể làm ra những đồ dùng tinh xảo, đòi hỏi trình độ mỹ thuật và kỹ thuật cao như trống đồng, thạp đồng, ấm đồng... Nền kinh tế thời kì này khá phát triển. Nhiều tài liệu, hiện vật khảo cổ cho thấy sự phân hóa giai cấp cũng đã rõ rệt. Ví dụ, trong di chỉ mộ táng Việt Khê (Hải Phòng) - được xác định có niên đại tuyệt đối là 2462 ± 100 năm (tính đến năm 1997), thuộc thời Văn hóa đông Sơn - các nhà khảo cổ phát hiện 4 ngôi mộ chôn quan tài hình thuyền. Ba ngôi trong số đó hoàn toàn không có hiện vật chôn kèm; còn ngôi thứ tư lại chôn theo tới 107 hiện vật với 73 hiện vật bằng đồng (có cả những đồ dùng sang trọng như khay, ấm, thạp, thố, bình, âu…). Sự khác biệt giữa các ngôi mộ thể hiện sự phân biệt sâu sắc về địa vị, vai trò, tài sản… của chủ nhân chúng khi còn sống.
Các nhà sử học ngày càng thống nhất chung quan điểm khi cho rằng nhà nước đầu tiên tại đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời Văn hóa đông Sơn - giai đoạn phát triển đỉnh cao của thời đại đồ đồng và giai đoạn đầu của thời kỳ đồ sắt. Quan điểm này được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận - chẳng hạn, trong nhiều công trình lịch sử, xã hội học của các tác giả nước ngoài, đã dùng từ “văn minh” (civilization) thay vì “văn hóa” (culture) khi bàn về Văn hoá đông Sơn của Việt Nam. Do vậy, chỉ có thể dùng niên đại của Văn hóa đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời kỳ lập quốc của dân tộc ta, cách đây chừng 26-27 thế kỉ. Nó cũng phù hợp với ghi chép của Việt sử lược - bộ sử khuyết danh nhưng có độ chính xác cao, được biên soạn sớm nhất ở nước ta - theo đó “… đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng nối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp (đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước) năm 1992, Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận quan điểm trên của các nhà sử học để thay cụm từ “Trải qua bốn nghìn năm lịch sử…” ghi trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 bằng cụm từ “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử…” trong Hiến pháp 1992. Viết như thế vừa tôn trọng thực tế lịch sử khách quan, vừa chính xác lại vừa tạo điều kiện cho những khẳng định mới, phát hiện mới của khoa học. Chúng ta có quyền và rất nên tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc, nhưng cần tự hào đúng những gì mình có. Hơn nữa, với thời điểm lập quốc cách đây hơn 25 thế kỉ, Việt Nam vẫn là một trong những nước nảy nở nền văn minh sớm trên thế giới.
 
 

 SƠN HÀ - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :