Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Vì sao phải đổi tên Đại học Quốc gia khi đó là 1 thương hiệu
(VTC) Thảo luận về việc đổi tên Đại học Quốc gia thành Viện ĐH, nhiều đại biểu không đồng tình và cho rằng “sao lại đổi tên Đại học thành Viện Đại học bởi “nó” thành cái tên không thể nhầm lẫn được nữa, “nó” cũng là thương hiệu quốc tế…”

UB TVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi là việc đổi tên Đại học Quốc gia thành Viện Đại học.
Theo Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi thì có ý kiến đề nghị đổi tên các Đại học của Đại học quốc gia (ĐHQG) thành Viện đại học và không nên có sự phân biệt ĐH và ĐHQG để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói rõ, mặc dù có cơ cấu đa lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp giống nhau song ĐHQG có vị thế đặc biệt và có chức năng, nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống GDĐH Việt Nam - trong khi các đại học khác là các cơ sở GDĐH trọng điểm của từng vùng miền với địa vị pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ tương ứng. Do đó, việc phân biệt các ĐH và ĐHQG là cần thiết để có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Thi, để tránh nhầm lẫn ĐH với trường ĐH, đề nghị đổi tên Đại học, Đại học quốc gia thành Viện đại học, Viện đại học quốc gia.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, các nước có tên trường nổi tiếng có truyền thống lâu dài, có bề dày thương hiệu, việc xây dựng thương hiệu hết sức khó khăn, phải mất hàng trăm năm – do đó thay đổi tên trường là không cần thiết và không nên thay đổi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không đồng ý với việc đổi tên. Theo bà Ngân, ĐHQG có 20 năm, có thương hiệu rồi, các nguyên thủ các nước đến đây đều chọn ĐHQG HN và ĐHQG TP HCM để đến nói chuyện, “nó” thành tên không thể nhầm lẫn được nữa, “nó” cũng là thương hiệu quốc tế.
“Tôi nhớ năm 1945 Hồ Chủ Tịch đã giảng bài ở ĐHQG - sao lại đổi tên thành Viện ĐH? Trong lúc ta chưa có Luật riêng về ĐHQG thì vẫn cần giữ vai trò vị trí của ĐHQG, ta chỉ có 2 “cái”, chưa có nhiều, nên cần có điều khoản riêng để xác định vai trò vị trí của ĐHQG, nhân Luật này ta đưa vào Luật để khẳng định mang tính pháp lý cao về vai trò vị trí của ĐHQG” – bà Ngân đề nghị.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh, phải giữ tên ĐHQG, việc đổi tên gây xáo trộn, không ổn định.
Theo bà Mai, UB VHGDTNTN&NĐ đã đưa vị thế của ĐHQG với vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống GDĐH Việt Nam nên nếu theo mục tiêu này thì cái gì chưa đạt được thì cứ phấn đấu “để thực sự ĐHQG thành đầu tàu”.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Thủ tướng mới đây giao Bộ GD&ĐT thực hiện Nghị định ĐHQG, theo đó, dự luật này không đi sâu chi tiết mà sẽ nêu cụ thể trong Nghị định về ĐHQG để trình Thủ tướng.
Không được đổi tên Đại học Quốc gia
(VNExpress) Trước đề xuất đổi tên đại học Quốc gia thành Viện đại học, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Đại học Quốc gia có lịch sử và thương hiệu từ lâu, không được đổi tên".
Chiều 22/3, thảo luận về dự Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị đổi tên các ĐH, ĐH Quốc gia thành Viện đại học và không nên phân biệt như hiện nay để phù hợp với quy định Luật Giáo dục sửa đổi.
Tuy nhiên, theo ông Thi, các Đại học Quốc gia có vị thế đặc biệt và chức năng nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời giữ vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống giáo dục. Các ĐH khác là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của từng vùng miền. Do đó, cần phân biệt các ĐH và Đại học Quốc gia để có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý phù hợp.
Song, để tránh nhầm lẫn Ủy ban này đề nghị đổi tên ĐH, ĐH Quốc gia thành Viện đại học và Viện đại học quốc gia, đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức mô hình này trong luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, Đại học Quốc gia đã là một thương hiệu lớn. "Xây dựng được một thương hiệu là vô cùng khó khăn. Những đại học danh tiếng của Mỹ như Havard cũng phải mất cả trăm năm xây dựng. Theo tôi, nên giữ, không cần thiết thay đổi", ông Dũng nói.
Thậm chí, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: "Đại học Quốc gia có lịch sử và thương hiệu từ lâu, không được đổi tên. Nhân đang bàn về Luật Giáo dục đại học, nên đưa vào luật để khẳng định vai trò, vị trí của các đại học này".
Nhiều ý kiến phát biểu của các Ủy ban cũng tán thành các quan điểm giữ nguyên tên Đại học Quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai còn đề nghị tăng quyền tự chủ hơn nữa cho Đại học Quốc gia để xứng đáng với vai trò đầu tàu của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Cũng trong phiên thảo luận, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề khác. Đối với việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, các Ủy viên Thường vụ đều cho rằng, đây là xu thế chung của thế giới. Phân tầng tạo ra bảng xếp hạng, là mục tiêu để các trường đại học phấn đấu.
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là xu hướng tất yếu mà thế giới đã làm. Việc này cần được thể hiện rõ trong luật nhằm quy hoạch phát triển các ĐH hàng đầu, làm trụ cột cho giáo dục đại học.
Liên quan đến quyền tự chủ của các nhà trường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chất lượng đào tạo của các nhà trường chưa đồng đều, nhiều trường chưa đạt chuẩn về đào tạo. Do đó, không thể giao ngay quyền tự chủ cho tất cả các nhà trường mà cần có lộ trình cụ thể.
Phân tầng đại học là xu thế tất yếu và cần thiết
(TTXVN) Chiều 22/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Bàn về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tán thành với lập luận của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng hệ thống cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú những chưa có sự ổn định thống nhất. Để có thể quản lý được, cần thiết phải liệt kê đầy đủ các loại hình cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu tán thành với việc dự kiến bổ sung khoản 4 điều 7 quy định việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân tầng đại học là xu thế tất yếu, cần thiết thể hiện rõ ràng trong luật.

Theo Phó Chủ tịch, quy định này tạo điều kiện phát triển cho các đại học đầu tàu, là động lực cho các trường đại học; việc phân tầng cần trên cơ sở quy hoạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có quy định cụ thể liên quan đến tiêu chí để phân tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng.

Phó Chủ tịch cho rằng cần có quy định cụ thể để tạo điều kiện về chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút nhân lực, hợp tác quốc tế… góp phần xây dựng cơ sở đại học ngang tầm khu vực, hướng tới tầm cỡ thế giới.

Trên cơ sở đánh giá đại học quốc gia có vị thế đặc biệt và có chức năng, nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực, là đầu tàu phát triển của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị trong dự thảo luật cần có những quy định để tương xứng với vị trí, vai trò của đại học quốc gia; đồng thời nâng quyền tự chủ của đại học quốc gia lên mạnh mẽ hơn.

Về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng xu thế chung nên giao mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở tán thành việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học để phát huy được tinh thần sáng tạo trong nâng cao chất lượng giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có lộ trình trong việc trao quyền tự chủ, không phải đồng loạt cùng trao quyền tự chủ cho tất cả các trường.

Phó Chủ tịch nêu thực trạng chất lượng các trường đại học của Việt Nam chưa đồng đều, có nhiều cơ ở chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Vì vậy nếu đồng loạt giao ngay quyền tự chủ cho các trường chưa chắc hợp lý mà chỉ nên cơ sở nào đạt tiêu chuẩn rồi mới giao.

Nhiều ý kiến của đại biểu nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc.

Việc này cần có lộ trình thực hiện và có những nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng…

Thời gian còn lại của buổi chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Kiểm toán nhà nước về việc chuyển Tạp chí kiểm toán thành Báo kiểm toán trực thuộc Kiểm toán nhà nước./.
Quỳnh Hoa (TTXVN)
Nguồn:
 
“Bác” đề xuất đổi tên Đại học Quốc gia
(Dân trí) - "Bác" thẳng đề nghị đổi tên Đại học Quốc gia thành Viện đại học Quốc gia đồng thời “hạ cấp”, không phân biệt đại học Quốc gia với các trường khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giữ nguyên tên gọi đã có “thương hiệu” 20 năm nay.
Chiều 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự luật Giáo dục đại học. Bản báo cáo một số nội dung cần xin ý kiến Thường vụ của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu nhiều vấn đề về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức, việc phân tầng, quyền tự chủ của các trường đại học…
Theo đó, có ý kiến đề nghị đổi tên các đại học, đại học Quốc gia thành Viện đại học. Kèm theo đó là đề xuất không phân biệt mô hình đại học và đại học Quốc gia như hiện nay để phù hợp với luật Giáo dục sửa đổi.
Thường trực UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, dù có cơ cấu đã lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp giống nhau song Đại học Quốc gia có vị thế đặc biệt và có chức năng nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại học Quốc gia cũng giữ vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Các đại học khác là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của từng vùng miền. Do đó, việc phân biệt các đại học và đại học Quốc gia là cần thiết để có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý phù hợp.
Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn, thường trực UB đề nghị đổi tên đại học, đại học Quốc gia thành Viện đại học và Viện đại học Quốc gia, đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức mô hình này trong luật.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lập tức bác bỏ đề xuất này. “Không được đổi tên Đại học Quốc gia vì tên trường đã thành “thương hiệu”, đã có 20 năm qua” - bà Ngân nói “cứng”.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng tán thành quan điểm giữ nguyên tên Đại học Quốc gia, thậm chí còn đề nghị nâng quyền tự chủ của Đại học Quốc gia lên mức cao, mạnh mẽ hơn để xứng tầm vị trí đầu tàu của cả hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam.
Nội dung mới khác được đặt lên bàn nghị sự là vấn đề phân tầng đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, trước đây, Chính phủ đã có phân loại bước đầu các trường đại học theo quy mô, tính chất, nhưng các tiêu chí đó không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Ông Thi đặt vấn đề phải tiến tới phân loại các trường đại học theo chất lượng, với yêu cầu ngày càng phải cao hơn.
Bà Mai trao đổi thêm: “Không khó khăn thực hiện vì lĩnh vực đại học có thể học tập kinh nghiệm các nước trong việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học”. Bà Mai cũng đề nghị nên quy định cụ thể những tiêu chí xếp hạng này trong luật, không cần chờ nghị định.
Về vấn đề điều kiện lập trường cũng như giao quyền tự chủ cho các trường đại học, ông Thi cho rằng, đề xuất “mạnh tay” quy định trường phải đạt chuẩn quốc gia mới được hoạt động, đối chiếu với thực tế thì hầu hết các trường hiện tại đều phải đóng cửa. Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục nêu quan điểm “giơ cao đánh khẽ” hơn, trường chưa đạt chuẩn chỉ được thực hiện một số quyền tự chủ chủ yếu còn trường đạt chuẩn, trường đặc biệt như Đại học Quốc gia, các đại học trọng điểm mới được hưởng quyền tự chủ đầy đủ.
"Những trường thực sự có chất lượng xứng đáng được trao quyền để chủ động cả về chương trình, tuyển sinh, tài chính, hợp tác quốc tế... - ông Thi nói.
Về vấn đề quy chuẩn với giảng viên đại học, các ý kiến vẫn chưa thống nhất được quan điểm quy định người dạy phải có trình độ từ thạc sỹ trở lên hay chỉ cần bằng cử nhân như hiện nay.
P.Thảo
Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-577992/bac-de-xuat-doi-ten-dai-hoc-quoc-gia.htm

 

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :