KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >    >  
Những nội dung chính giai đoạn 2006-2010

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 

GIAI ĐOẠN 2006-2010

Phát huy những kết quả đã đạt được trong 5 năm  2001-2005, những nội dung chính trong hoạt động khoa học công nghệ của ĐHQGHN giai đoạn 2006-2010 là:

1. Các nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước và cấp ĐHQGHN

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ KHCN các cấp của những năm trước, các hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010 tập trung vào các nội dung sau:

1.1. Khoa học xã hội và nhân văn

1.      Xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hình thành các chủ trương và hệ thống chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá các bước trong tiến trình đổi mới phát triển kinh tế xã hội và thực hiện CNH, HĐH đất nước, nhằm phát triển và quản lý tốt nền kinh tế nhiều thành phần, cải thiện sinh hoạt xã hội, đảm bảo sự phát triển công bằng và văn minh, ổn định  chính trị xã hội.

2.      Tiếp tục đổi mới, tăng cường nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực KHXH&NV, đặc biệt ưu tiên các nghiên cứu nhằm đổi mới lý thuyết khoa học và phương pháp nghiên cứu; tập trung ưu tiên nghiên cứu để xác lập cách tiếp cận đa ngành, liên ngành những vấn đề cơ bản về lịch sử, tôn giáo, văn hoá Việt Nam.

3.      Tập trung ưu tiên cho các nghiên cứu liên ngành về khía cạnh xã hội và nhân văn trong phát triển bền vững. Đặc biệt chú ý khuyến khích đầu tư mọi mặt cho các nghiên cứu khu vực học (area studies) nhằm xác định, đánh giá cơ hội và con đường phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, góp phần thiết thực trong việc xây dựng luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và vi mô.

4.      Ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu liên ngành về các quá trình chuyển đổi đang diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế xã hội ở nước ta, ví dụ: quá trình đô thị hoá, quá trình di dân, dịch chuyển lao động, quá trình biến đổi của cơ cấu dân số và lao động, phân tầng xã hội; cơ chế quản lý và ứng phó các tình huống khẩn cấp; cơ chế định dạng và giải quyết các xung đột xã hội vv.

5.      Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sự hội nhập kinh tế - xã hội của Việt Nam với khu vực và thế giới, đặc biệt ưu tiên các nghiên cứu về hội nhập, quản lý kinh tế, đổi mới hệ thống luật pháp và quan hệ quốc tế.

6.      Đẩy mạnh các nghiên cứu liên ngành về biển và đảo, trong đó đặc biệt là các nghiên cứu về luật và quản lý biển - đảo; nghiên cứu các chiến lược quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển; phát triển bền vững của các đới bờ; xây dựng ý thức và tâm lý của cộng đồng dân tộc về biển với tư cách là một dân tộc ven biển.

7.      Đề xuất triển khai hợp tác với ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh chương trình “Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hoá lịch sử nhằm xác lập cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp tổng thể phục vụ phát triển bền vững khu vực Nam Bộ”.

1.2. Khoa học tự nhiên và công nghệ

1.  Phát huy các thế mạnh về nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như toán học, vật lý, hoá học, sinh học,…để có những công trình khoa học tầm cỡ quốc tế, những trường phái khoa học mạnh, danh tiếng.

2.  Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển các công nghệ cao theo các hướng chọn lọc, ưu tiên trong giai đoạn này là:

* Công nghệ sinh học:

Tập trung  vào các công nghệ enzym-protein, công nghệ tế bào, công nghệ lên men, công nghệ giống gốc nấm, công nghệ tảo và sinh học môi trường. Tiếp tục xây dựng bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật phong phú, đa dạng, hiện đại. Hoàn thiện quy trình sản xuất những sản phẩm sinh học công nghệ cao thiết thực phục vụ đời sống, phục vụ công nghiệp, y học, bảo vệ môi trường, …như chế tạo văcxin, công nghệ xử lý các chất thải rắn,…Nhanh chóng tiếp cận công nghệ gien, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo,… 

* Công nghệ thông tin:

Tập trung phát triển và khai thác tốt phòng thí nghiệm công nghệ mạng, trung tâm tính toán hiệu năng cao. Phát triển trung tâm công nghệ phần mềm để tiến tới có những thương hiệu phần mềm có uy tín của ĐHQGHN. Xây dựng các PTN mới về tính toán khoa học và công nghệ, PTN thực tại ảo, PTN thu nhận và xử lý thông tin y-sinh học,... Nâng cao hiệu quả sử dụng CNTT phục vụ việc đổi mới phương pháp giảng dạy và các công tác quản lý, điều hành ở ĐHQGHN.

* Công nghệ tự động hoá và điều khiển:

Đầu tư xây dựng các PTN về cơ điện tử, PTN cơ học kỹ thuật tiên tiến, PTN vi cơ điện tử và hệ nhúng, PTN điều khiển và Robotics, PTN tương tác người máy. Thực hiện hợp tác với Trung tâm KHCNQS - BQP đề tài  Nghiên cứu tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính trên cơ sở cảm biến vi cơ điện tử phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động”, trên cơ sở đó xây dựng các PTN hiện đại, tiến tới tự chế tạo MEMS và xây dựng những chương trình hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các công nghệ tự động hoá và cơ điện tử phục vụ phát triển kinh tế. 

* Công nghệ vật liệu nano và vật liệu mới:

Mục tiêu của ĐHQGHN là tiếp tục đào tạo và hợp tác, giúp đỡ ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh đào tạo các chuyên gia có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực vật liệu nano, đồng thời nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để xây dựng được trường phái khoa học mạnh, các sản phẩm KHCN cao về lĩnh vực vật liệu mới (vật liệu nanô, vật liệu composite, vật liệu polyme) theo các hướng: mô phỏng và nghiên cứu các tính chất hoá, lý cơ học của vật liệu; ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong y tế, công nghiệp, sinh học, bảo vệ môi trường và các ứng dụng lưỡng dụng khác (vừa phục vụ kinh tế, vừa phục vụ an ninh quốc phòng); nghiên cứu chế tạo các vật liệu từ, các màng mỏng có cấu trúc nano, các vật liệu polyme và composite…

* Khoa học và Công nghệ hạt nhân:

ĐHQGHN là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân về công nghệ hạt nhân. Trong 5 năm tới sẽ xây dựng PTN hạt nhân với máy gia tốc hiện đại, đồng thời đẩy mạnh khai thác quan hệ quốc tế để phục vụ tốt hơn nữa đào tạo và nghiên cứu, cung cấp kịp thời nguồn nhân lực về công nghệ hạt nhân có trình độ cao cho đất nước. Nghiên cứu các kỹ thuật hạt nhân, bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ đào tạo, phục vụ trong y tế.

* Công nghệ vũ trụ:

Hiện đại hoá Trung tâm Viễn thám và GIS; sử dụng có hiệu quả các công nghệ viễn thám và định vị toàn cầu để nghiên cứu tổng hợp về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững, quy hoạch lãnh thổ, định vị các phương tiện chuyển động,… và các nhiệm vụ khác phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng; xây dựng chương trình nghiên cứu tổng hợp (về cơ học, điều khiển hệ thống, CNTT,…) về các khí cụ bay có điểu khiển.

* Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

         Triển khai toàn diện các nhiệm vụ KHCN về môi trường: Nghiên cứu đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên các vùng và khu vực; các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường;…xây dựng các chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tuyên truyền về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

         Tiếp tục nghiên cứu, điều tra cơ bản phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ, giảm thiểu rủi ro thiên tai, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên,  phát triển kinh tế xã hội bền vững, xoá đói giảm nghèo;

3.  Ưu tiên, đẩy mạnh triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào đời sống và xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như CNTT, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới,...như trên chúng tôi đã trình bày.

4.  Tiếp tục các nghiên cứu phục vụ giáo dục và đào tạo chất lượng cao: phục vụ cho việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy; nghiên cứu chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến vào điều kiện nước ta; nghiên cứu mô hình tổ chức và quản lý các đại học đa lĩnh vực; nghiên cứu giáo dục và đào tạo con người mới biết kết hợp giữa kiến thức và tư duy hiện đại với việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất và gìn  giữ, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc; nghiên cứu các quy trình đào tạo và bồi dưỡng nhân tài,…

5.  Đánh giá thực trạng và tiềm năng để qui hoạch, phát triển nguồn nhân lực KHCN đồng bộ và có trình độ cao.

6.  Tổ chức dịch vụ, sản xuất kinh doanh các sản phẩm KHCN để gắn nhà trường với thực tế sản xuất, với xã hội. Phát triển và xây dựng các doanh nghiệp KHCN để tăng cường gắn kết NCKH với thực tiễn, đẩy nhanh quá trình thương mại hoá các sản phẩm KHCN.

Dựa trên các hướng nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước, của các ngành, của ĐHQGHN, các đơn vị, các nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học xác định và đề xuất các hướng nghiên cứu trọng tâm của mình và xây dựng các đề tài, chương trình nghiên cứu cho giai đoạn 2006-2010.

2.  Đổi mới quản lý hoạt động KHCN

Trong những năm tới ĐHQGHN tích cực triển khai các nội dung chủ yếu sau:

Kiện toàn quy trình tuyển chọn, quản lý, đánh giá, nghiệm thu các loại đề tài và chương trình nghiên cứu KHCN cấp ĐHQGHN theo tinh thần chỉ đạo: chính xác, tinh giản, khoa học và hiệu quả, lấy tiêu chí phục vụ đào tạo chất lượng cao và phục vụ thiết thực phát triển kinh tế xã hội là hai tiêu chí quan trọng nhất để tuyển chọn và đánh giá hiệu quả của các đề tài, dự án KHCN.

Song song với việc xét chọn các đề tài do các nhà khoa học đề xuất, giai đoạn 2006-2010 ĐHQGHN sẽ thí điểm việc đặt hàng, giao nhiệm vụ KHCN cho một số nhóm nghiên cứu mạnh, một số đơn vị thực hiện.

Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN, tăng cường việc thu hút các nguồn tài chính ngoài ngân sách cho hoạt động KHCN, triển khai tốt cơ chế tự chủ tài chính, giải quyết dứt điểm các đề tài tồn đọng và kém hiệu quả.

Đổi mới quản lý nguồn lực KHCN bao gồm con người, thiết bị,...theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả theo chiến lược phát triển của ĐHQGHN.

Đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý thiết bị KHCN. Tăng cường hiện đại hoá cơ sở phục vụ đào tạo và nghiên cứu theo hướng hiện đại, đồng bộ và chỉ  triển khai các dự án tăng cường năng lực cho các PTN có đủ cán bộ khoa học có kinh nghiệm và trình độ khai thác sử dụng trang thiết bị và hoạt động có hiệu quả.

Phân cấp quản lý các đề tài một cách thực sự khoa học, giao toàn bộ kinh   phí các đề tài đặc biệt về cơ sở và các đơn vị trực thuộc.

Xây dựng các phần mềm quản lý KHCN, bao gồm phần mềm quản lý các đề tài, dự án KHCN, phần mềm quản lý các thiết bị KHCN và tiến hành đến năm 2007 tin học hoá toàn bộ công tác quản lý KHCN trong ĐHQGHN.

Xây dựng Quy chế Hoạt động KHCN của ĐHQGHN; Quy định về sử dụng trang thiết bị KHCN của ĐHQGHN.

Tăng cường sự phối hợp giữa Ban KHCN và các phòng quản lý khoa học của các đơn vị trong việc tổ chức và quản lý các đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN.

Phối hợp với Bộ KHCN và các đơn vị quản lý các đề tài độc lập cấp Nhà nước, các đề tài thuộc chương trình Nhà nước, các Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường v.v...Thực hiện tốt những nhiệm vụ hợp tác với Bộ KHCN để nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động KHCN của ĐHQGHN và góp phần đi đầu đổi mới trong quản lý KHCN của cả nước.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :