ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Chương trình Cử nhân khoa học ngành Hóa học: Đạt chuẩn AUN cao nhất Việt Nam
Vừa qua, Ban Thư ký Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á đã chính thức công bố kết quả đánh giá chất lượng Chương trình đào tạo Cử nhân khoa học ngành Hóa học, Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đạt 5.0/7.0 điểm theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance). Kết quả này chỉ đứng sau một chương trình đào tạo của Malaysia (đạt 5.15 điểm) và là kết quả cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lưu Văn Bôi – Chủ nhiệm Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, về vấn đề này.

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> Chương trình Cử nhân khoa học ngành Hóa học: Đạt chuẩn AUN cao nhất Việt Nam (pdf)

Phó Giáo sư có thể cho biết đôi nét về Chương trình đào tạo cử nhân khoa học ngành Hóa học và những chuẩn bị của Khoa cho đợt đánh giá vừa qua?

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Hóa học cơ bản là chương trình đầu tiên được đưa vào giảng dạy từ năm 1956, ngay sau khi thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là chương trình đào tạo đã có truyền thống của Khoa. Với đội ngũ các nhà khoa học trình độ chuyên môn cao, nhiều giáo sư đầu ngành, cùng với một hệ thống phòng thí nghiệm khá hoàn chỉnh, thiết bị đồng bộ và hiện đại, thầy trò Khoa Hóa không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập khu vực và quốc tế. Cử nhân ngành Hóa học được tích hợp từ 3 chương trình: đào tạo bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp.

Chương trình cử nhân ngành Hóa học đã được kiểm tra nhiều lần, nhất là từ khi Khoa được tham gia đào tạo theo chương trình tiên tiến, từ năm 2006 hầu như năm nào Khoa cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra đánh giá toàn diện, kết quả các đợt kiểm tra luôn đạt thứ hạng cao nhất, chỉ 1 lần xếp thứ Nhì. Thầy và trò Khoa Hóa học phấn khởi về những thành tích đó nhưng trong lòng vẫn coi đây là kiểm tra của “người nhà”. Khoa vẫn muốn được tham gia kiểm định chất lượng độc lập theo tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc tế để có cái nhìn khách quan về điểm mạnh và điểm yếu của chương trình, nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao đẳng cấp để hội nhập toàn diện khu vực, quốc tế. Vì vậy, khi được thông báo tham gia kiểm định chất lượng Khoa đã khẩn trương tổ chức triển khai, thành lập các nhóm chuyên trách thu thập và hệ thống hóa các thông tin theo tiêu chuẩn của AUN. Với sự cố gắng, tận tụy của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên, Khoa đã hoàn thành công tác chuẩn bị trong thời gian ngắn.

Từ ngày 3-5/ 5, Đoàn AUN đã làm việc, kiểm tra, khảo sát các phòng thí nghiệm, giảng đường, hệ thống máy móc thiết bị, kí túc xá, thư viện, dự giờ, gặp gỡ phỏng vấn hơn 200 cán bộ và sinh viên. Ngày 30/5, Khoa Hóa học và Trường ĐHKHTN đã chính thức nhận toàn văn thông báo đánh giá của Ban thư kí Hiệp hội với kết quả 5/7 điểm.

Vậy tiêu chuẩn nào được AUN đánh giá cao nhất?

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đoàn AUN là Tiêu chuẩn “Sự hài lòng của các bên liên quan” 6/7 điểm. Hơn 10 năm nay, sinh viên Khoa Hóa học luôn được xã hội sẵn sàng tiếp nhận: khoảng 15-20% được nước ngoài cấp học bổng học tiếp SĐH; 95% làm việc đúng ngành nghề đào tạo; không có sinh viên thất nghiệp. Các công ty, viện nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao chương trình đào tạo cũng như các giáo sư, nhà khoa học của Khoa. Các đơn vị liên quan, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng chương trình đào tạo là cập nhật trình độ quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của hóa học hiện đại. Những người được hỏi ý kiến đều hài lòng với kiến thức cơ bản của sinh viên. Các cán bộ của Khoa, khách mời, cựu sinh viên đều tin tưởng rằng Khoa đang phát triển đúng hướng. Nhiều sinh viên được đánh giá có chất lượng ngang với các sinh viên giỏi nhất của các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Đại học Illinois của Mỹ.

Qua đánh giá của AUN, ông có thể cho biết những thế mạnh cần phát huy của Khoa?

Thứ nhất có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa Hóa học luôn là một trong những đơn vị đầu ngành của cả nước trong lĩnh vực hóa học. Ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp thế hệ hiện nay, Khoa vẫn duy trì được tỉ lệ trên 73% cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có đến 43 GS và PGS, hầu hết các cán bộ, giảng viên của Khoa đều tận tụy với nghề nghiệp. Ví như năm 2006, khi bắt đầu triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến, Khoa chỉ có 3 cán bộ dạy được các môn chuyên môn bằng tiếng Anh, qua 3 năm bồi dưỡng đào tạo đã có 22 cán bộ dạy được bằng tiếng Anh. Hiện nay, nhiều cán bộ của Khoa đang chi viện cho các trường bạn.

Thứ hai, chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến cập nhật trình độ quốc tế, nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ năm 2006, chương trình đào tạo của Khoa Hóa học liên tục cập nhật chương trình của Illinois, Mỹ. 2 lớp đào tạo theo chương trình tiên tiến, 1 lớp học bằng tiếng Anh, 1 lớp học bằng tiếng Pháp (được cấp 2 bằng) và 1 lớp học bằng tiếng Việt.

Thứ ba, Khoa Hóa là đơn vị đào tạo có định hướng nghiên cứu khoa học mạnh, chất lượng nghiên cứu khoa học ngày một nâng cao. Khoa là một trong những đơn vị đứng đầu về số lượng đề tài, dự án, bằng phát minh sáng chế thuộc lĩnh vực hóa học ở Việt Nam. Trong 5 năm qua, Khoa đã chủ trì 8 đề tài và dự án cấp Quốc gia; công bố hơn 30 công trình trên các tạp chí quốc tế và khoảng 500 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, 6 bằng phát minh sáng chế. Các cán bộ của Khoa tham gia tổ chức và đồng chủ trì mỗi năm từ 2 đến 4 hội nghị và hội thảo quốc tế.

Thứ tư,  kết hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học. Mỗi năm tuyển khoảng 120 đến 150 học viên cao học, khoảng 15 đến 40 nghiên cứu sinh. Tỉ lệ số nghiên cứu sinh, học viên cao học trên số sinh viên đại học là 30%. Đó là một tỉ lệ cao của ĐHQGHN và của cả nước.

Thứ năm, Khoa Hóa học có thế mạnh trong việc thu hút hợp tác, giúp đỡ, cộng tác của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước ngoài. Từ khi được ĐHQGHN đầu tư  máy móc thiết bị, cơ sở vật chất, Khoa Hóa học đang trở thành một trong các đơn vị đào tạo chất lượng, một địa chỉ nghiên cứu khoa học có uy tín, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện tại, Khoa có 6 đề tài, dự án họp tác quốc tế, 5 chương trình đào tạo chất lượng quốc tế, trong đó 2 chương trình đào tạo đại học, 3 chương trình đào tạo sau đại học với các nước Pháp, Đức, Nhật,... 

Với sự đánh giá rất cao của AUN thì cơ hội mở ra cho Khoa, chương trình này là gì?

Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định chất lượng chương trình đào tạo đối với xã hội, dần tiệm cận với trình độ các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Uy tín, vị thế của Khoa Hóa học được nâng lên. Trong tương lai gần, tham gia kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA còn tạo điều kiện cho sinh viên được chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các chương trình đào tạo của các trường đại học thành viên AUN; tạo lợi thế cho hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên giữa Trường ĐHKHTN với các trường đại học trong khu vực cũng như quốc tế, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Đây cũng là cơ hội mở ra cho sinh viên tốt nghiệp có nhiều lựa chọn việc làm ở các công ty lớn trong và ngoài nước, hay tiếp tục học tập ở các đại học danh tiếng. Tại thời điểm hiện nay, mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã có hơn 10 sinh viên khóa K52 được cấp học bổng nghiên cứu sinh, 5 sinh viên được cấp học bổng thạc sĩ, 16 sinh viên được các Đại học Illinois, Đại học Osaka, Đại học Rennes mời đi thực tập hè.

Dự định của Khoa trong tương lai?

Sau đợt đánh giá kiểm định này, thầy và trò Khoa Hóa học tiếp tục cập nhật trình độ quốc tế, cải tiến mạnh mẽ phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng chương trình. Khoa sẵn sàng tham gia đánh giá kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế. Thứ hạng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là qua đánh giá, Khoa khẳng định được những điểm mạnh để phát huy và nhìn nhận sâu sắc hơn các điểm yếu để khắc phục nhằm đẩy mạnh lộ trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, con đường phía trước còn rất nhiều thách thức đối với Khoa như cơ sở hạ tầng vẫn chưa có gì thay đổi từ năm 1956 đến nay, mặc dù số lượng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tăng lên gấp 5 lần. Trang thiết bị thực tập cơ bản cho sinh viên thực tập làm thí nghiệm còn lạc hậu so với thế giới. Đời sống cán bộ còn khó khăn.

Để đạt được mục tiêu đề ra “hội nhập quốc tế” thì Khoa có giải pháp gì để vượt qua được những thách thức đó?

Từng bước đồng bộ hóa cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu, từ cử nhân cho đến các giáo sư đều được chủ trì các đề tài, dự án. Việc tham gia nghiên cứu đề tài không những tạo điều kiện cho giảng viên được nhúng mình trong môi trường học thuật của hóa học, mà còn được rèn rũa, nâng cao kiến thức và thu nhập. Mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn Phó giáo sư!

 Việt Hà (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :